Một số giải pháp lựa chọn chính sách

Một phần của tài liệu Tác động của chênh lệch phát triển tới an ninh kinh tế ở khu vực ASEAN giai đoạn 1985 2005 (Trang 65)

Chương trình IAI đã thông qua một hệ thống các giải pháp, chương trình nhằm thu hẹp chênh lệch phát triển và tăng cường hội nhập giữa các nước trong khu vực. Nhưng để đạt được các chỉ tiêu nêu trên thì trước hết, ngoài việc thực hiện các dự án theo kế hoạch của chương trinh IAI theo đúng tiến độ và có hiệu quả cao, phương hướng quan trọng là cần thành lập các viện nghiên cứu và triển khai công nghệ sinh học nhằm khai thác các nguồn tài nguyên sinh học rất phong phú trong khu vực, nhất là các nước CLMV, và quan trọng hơn nữa là nhằm hỗ trợ khai thác có hiệu quả nông - lâm nghiệp và thúc đẩy phát triển thuốc chữa bệnh phục vụ con người.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển đào tạo, nâng cao kỹ năng, Chính phủ các nước ASEAN, nhất là các nước CLMV, nên chú trọng việc hợp tác giáo dục đào tạo. Biện pháp quan trọng là thành lập các trường đại học ở mỗi nước nhằm học, dạy, nghiên cứu và phát triển các môn có liên quan đến các nước ASEAN. Và cũng nên thành lập các trường đại học ảo cùng với các hình thức đào tạo từ xa.

Để tăng cường hiệu quả của các tổ chức khu vực, Ban thư kí ASEAN nên dược cải cách theo hướng trở thành một cơ quan độc lập và mang tính thể chế cao hơn để có thể xây dựng được nhiều quy định pháp luật quốc tế khác nhau, do cho đến nay, tổ chức này vẫn chưa có chức năng lập pháp. Ngoài ra, tổ chức này cũng nên được bổ sung thêm ngân sách và nhân sự.

Các chính phủ ASEAN nên hợp tác nhằm phát triển các dịch vụ của chính phủ và hệ thống hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước và hiệu quả điều hành của chính phủ; cần hỗ trợ nhằm nâng cao tính minh bạch của hệ thống thông tin chính phủ.

Cuối cùng, do hạn chế về nguồn lực, việc tìm kiếm nguồn tài trợ là cần thiết. Do vậy, hoạt động vận động, thu hút nguồn tài trợ cũng cần được tăng cường.

Để hội nhập có hiệu quả, điều quan trọng trước tiên là các nước CLMV phải chú trọng đúng mức tới trình tự mở cửa thương mại, tự do hoá tài chính trong và ngoài nước, trên cơ sở kết hợp có hiệu quả các cải cách cơ cấu và sử dụng một cách hợp lí các chính sách kinh tế vĩ mô.

Để đảm bảo tăng trưởng cao hơn sau khi tự do hoá thương mại, các nước CLMV nên tiếp tục thực hiện cải cách thương mại; đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và chính trị và thực hiện các chính sách vĩ mô hỗ trợ có hiệu quả.

Để đảm bảo hội nhập kinh tế gắn liền với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo đói, điều quan trọng là đảm bảo khu vực kinh tế tư nhân phát triển, khuyến khích các ngành sử dụng nhiều lao động và thực hiện các chương trình giảm nghèo có hiệu quả, có gắn kết với các chính sách kinh tế vĩ mô và quy hoạch phát triển vùng miền; đồng thời các cam kết chính trị của Chính phủ cũng rất cần thiết.

Ngoài ra, để tránh nguy có tụt hậu xa hơn và thua thiệt nhiều trong quá trình khu vực hoá, các quốc gia đều phải điều chỉnh cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực quản lí cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đối với các nước đang phát triển và chuyển đổi như CLMV, các yếu tố sau cần được chú trọng đúng mức trong quá trình hội nhập:

- Hoàn thiện hệ thống pháp lí gắn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đặc biệt là những nguyên tắc và phạm vi điều chỉnh của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO);

- Hoàn thiện thể chế nhà nước và xã hội có khả năng điều hoà các lợi ích, mâu thuẫn (xung đột) xã hội;

- Nâng cao tính minh bạch chính sách và khả năng tiếp cận thông tin; hoàn thiện quản lí nhà nước về kinh tế, nhất là quản lí kinh tế vĩ mô và đầu tư nhà nước và quản trị doanh nghiệp;

- Nâng cao tính linh hoạt của thị trường lao động; tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu cải cách kinh tế định hướng thị trường và yêu cầu của hội nhập kinh tế; thúc đẩy phát triển công nghệ;

- Thúc đẩy đầu tư tư nhân và sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ;

Như vậy, chênh lệch phát triển và phương thức thu hẹp sự chênh lệch phát triển nhằm đảm bảo an ninh cho các nền kinh tế ASEAN cho thấy sự cần thiết của các phương pháp tiếp cận tích cực và chủ động. Những đặc trưng của sự phát triển và tính chênh lệch phát triển còn cho thấy tính đa chiều của mối tương quan giữa kinh tế, chính trị và an ninh cấp vùng. Nhận thức được những tác động tiêu cực của chênh lệch phát triển đối với an ninh kinh tế, các nhà lãnh đạo ASEAN đã có những cách tiếp cận đa tầng để thúc đẩy quá trình liên kết và hội nhập sâu hơn, coi đó như một phản ứng tất yếu trước các yêu cầu khách quan của bài toán an ninh trong thời đại toàn cầu hoá. Tiếp cận từ khía cạnh khoảng cách phát triển, an ninh kinh tế ASEAN chỉ có thể được đảm bảo và tăng cường nếu như cả Hiệp hội cũng như từng thành viên không chỉ thực hiện tốt các chương trình ở 3 cấp độ: quốc gia, khu vực và quốc tế, mà còn sớm hiện thực hoá được các phương hướng và gợi ý chính sách, gắn tăng trưởng kinh tế cao và bền vững với nâng cao mức sống, đảm bảo công bằng xã hội và phát triển con người.

Một phần của tài liệu Tác động của chênh lệch phát triển tới an ninh kinh tế ở khu vực ASEAN giai đoạn 1985 2005 (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w