Một môi trường được đánh giá là đảm bảo an ninh khi không khí, nước, đất… không bị ô nhiễm, các chỉ tiêu môi trường được đảm bảo, môi trường không ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ và sinh hoạt của con người cũng như không ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế của mỗi quốc gia.
Mục tiêu hàng đầu của hầu hết các nước ASEAN (trừ Singapo), đặc biệt là 4 nước CLMV là phát triển kinh tế, bao gồm cả việc xoá đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước giàu hơn trong khu vực và với các nước khác trên thế giới. Ở đây xuất hiện 2 nguy cơ: 1. Các nước này phải tiêu dùng nhiều tài nguyên thiên nhiên (TNTN) và gây ra suy thoái môi trường và các vấn đề an ninh; 2. Chênh lệch khoảng cách phát triển kinh tế làm cho mức độ và hình thức tiêu dùng tài nguyên khác nhau. Nhiều địa phương ở nước nghèo nhất như Lào, Campuchia, Mianma đang thực hiện một chiến lược tất cả vì phát triển kinh tế. Theo chiến lược đó, vấn đề bảo vệ môi trường đã bị hi sinh cho tăng trưởng kinh tế nhằm mục đích giảm nghèo và bắt kịp với các nước khác. Inđônêxia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan đều cam kết phát triển bền vững nhằm cân bằng giữa lợi ích kinh tế và môi trường, song trên thực tế chiến lược này không được triển khai có hiệu quả. Các nước giàu nhất khu vực như Singapo, Brunây và Malaixia có xu hướng thực thi một chiến lược phát triển cân đối môi trường và tăng trưởng kinh tế, trong một trường hợp có thể phần nào hi sinh tăng trưởng cho lợi ích môi trường.
Những lựa chọn khác nhau bắt nguồn ở trình độ phát triển của mỗi nhóm nước. Nhóm nước có thu nhập thấp phải đặt tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu. Nhóm nước có thu nhập trung bình sau khi chứng kiến tốc độ huỷ hoại môi trường do chiến lược phát triển vô trách nhiệm đã thấy rằng không thể tiếp tục một quá trình phát triển không bền vững. Nhóm nước có thu nhập cao đang bước vào giai đoạn phát triển cao với quan niệm chất lượng môi trường là một phần hết sức quan trọng của chất lượng cuộc sống.
Chính phủ các nước ASEAN đều nhận thức rõ các mối đe doạ môi trường, mặc dù phải đặt phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu.
2.3.4.1 Chênh lệch phát triển dẫn đến sự khác nhau trong mức độ quan tâm của người dân và năng lực quản lí môi trường
Nhận thúc về môi trường của những người nghẻo ở ASEAN thấp vì họ có những ưu tiên khác như là làm sao để nâng cao thu nhập và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là khi các nguồn thu nhập của họ dựa trên khai thác môi trường và việc có một chất lượng môi trường tố hơn vẫn được xem là một nhu cầu xa xỉ.
2.3.4.2 Chênh lệch về trình độ công nghệ tác động tiêu cực đến môi trường
Điều này phổ biến ở ASEAN khi tất cả các nước đều cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài và các nước kém phát triển hơn có xu hướng dựa nhiều vào TNTN để phát triển. Hạn chế về nguồn lực có thể buộc các chính phủ phải hạ
thấp tiêu chuẩn môi trường, trì hoãn thời gian hoàn thành các chỉ tiêu môi trường và loại bỏ những giải pháp tối ưu. Hạn chế nguồn lực cũng làm chậm việc hình thành và thi hành các chiến lược bảo vệ môi trường phù hợp. Chẳng hạn Thái Lan, Philippin, Việt Nam đã đưa ra các Mục tiêu thiên niên kỉ về môi trường của riêng mình và mặc dù phát triển bền vững đã trở thành một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển của những nước này, song chỉ tiêu “Khôi phục lại những nguồn tài nguyên môi trường đã bị mất” vẫn còn là một thách thức lớn. Cho đến giữa năm 2004, trong các nước nghèo nhất khu vực là Lào, Campuchia và Mianma, chỉ có Campuchia đã soạn thảo xong Các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ nhờ sự giúp đỡ tích cực của cộng đồng tài trợ quốc tế.
Bên cạnh nguồn lực hạn chế, bộ máy quản trị nhà nước yếu kém cũng là nhân tố ngăn cản việc bảo vệ môi trường hiệu quả. Những yếu kém này thể hiện ở các mặt như: i) Thiếu tính đại diện, thiếu tính minh bạch, thiếu tín nhiệm và định hướng phục vụ dân chúng khiến xã hội dân sự không thể không tác động đến các nhà nước lập pháp và những người thực thi chính sách môi trường; (ii) Cải cách pháp luật về môi trường chưa thoả đáng; (iii) Thiếu các cơ chế giải quyết xung đột hiệu quả.
Mặc dù các vấn đề này đều có ở tất cả các nước ASEAN, song chúng phổ biến ở những nước kém phát triển hơn. Khi một nước không có khả năng đối phó với các vấn đề môi trường trong nước thì sẽ xảy ra nguy cơ về các vấn đề môi trường xuyên biên giới. Việc đối phó với các vấn đề môi trường ở ASEAN gặp phải 2 trở ngại: Một là, thiếu cơ chế hợp tác để hỗ trợ các nước kém phát triển hơn ngăn ngừa các thảm hoạ môi trường trong nước, nhất là khi các thảm hoạ này ít có khả năng tác động nghiêm trọng đến các nước phát triển hơn trong khu vực. Thí dụ rõ nhất là Singapo, Malaixia, Brunây và Thái Lan đã hỗ trợ tích cực Inđônêxia đối phó với nạn khói mù song lại ít quan tâm đến việc tàn phá các cánh rừng san hô biển của nước này cũng như nạn chặt phá rừng ở Lào và Campuchia; Hai là, các nước có nguy cơ môi trường cao không muốn bên ngoài can thiệp. Ví dụ, các nước vùng thượng lưu sông Mê Kông như Lào và Mianma có thể không muốn các nước vùng hạ lưu can thiệp vào các dự án xây dựng đập và nạo vét sông, còn các dự án đập thuỷ điện khổng lồ trên sông Lan Thương của tỉnh Vân Nam thì hầu như nằm ngoài tầm kiểm soát của các nước khác phía hạ nguồn.
Do các nước nghèo hơn ở ASEAN chú trọng vào quá trình “Tài nguyên - Sản phẩm” của chu kì tiêu dùng tài nguyên nên tổn thất kinh tế của suy thoái môi trường mang đến tính dài hạn vì nó liên quan đến việc sử dụng tối ưu hoặc phân
bổ các nguồn tài nguyên. Ví dụ, lợi nhuận trước mắt của khai thác rừng ở Campuchia hoặc các bãi san hô biển ở Inđônêxia có thể hấp dẫn hơn nhiều lợi ích thu được từ du lịch khi ngành này phát triển sau này. Ngược lại, những nền kinh tế phát triển hơn như Singapo phải đối phó với những tổn thất tức thời của suy thoái môi trường do chú trọng vào phần cuối của chu kì tiêu dùng tài nguyên. Để làm như vậy, chính phủ phải thường xuyên chi tiền để duy trì các chuẩn mực môi trường cao hoặc ngay lập tức bỏ ra các khoản tiền để làm sạch môi trường trong trường hợp có sự cố xảy ra nên tổn thất kinh tế sẽ là tức thời.
Điều này không có nghĩa là các nền kinh tế nghèo hơn có thể tránh được các tồn thất kinh tế tức thời, mà tổn thất này tăng theo cấp luỹ thừa trong thời gian gần đây và mang tính chất xuyên biên giới. Các thảm hoạ môi trường có thể bùng nổ dễ dàng và để lại hậu quả nghiêm trọng hơn những nước phát triển hơn. Ngoài ra chi phí để làm sạch môi trường hoặc khôi phục lại tình trạng ban đầu ở các nước nghèo có thể cao hơn chi phí giữ sạch môi trường ở các nước giàu vì những nước giàu vốn có tiêu chuẩn môi trường cao hơn.
Các nước nghèo hơn ở ASEAN thì cần cân nhắc giữa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh môi trường phải coi phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu và hầu như không thể lựa chọn cách khác. Đặc biệt ở Lào, Campuchia và Việt Nam sự cân nhắc này đặt trong bối cảnh của hai quá trình chuyển đổi:
- Chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quá trình chuyển đổi này diễn ra nhờ công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Mặt trái của nó không chỉ là đất đai bị khai thác quá mức mà còn kéo theo việc chuyển từ khai thác đất sang các loại TNTN khác. Thí dụ sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long được công nghiệp hoá bằng cách tăng cường sử dụng hoá chất nên đã gẩy ra ô nhiễm mô trường nước. Xây dựng đập thuỷ điện còn kéo theo việc di dân, huỷ hoại nguồn kiếm sống của các cộng đồng dân cư lân cận và gây ra những tổn thất không thể phục hồi được với hệ sinh thái địa phương.
- Chuyển đổi từ nền kinh tế đóng cửa và kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường mở cửa. Trong quá trình này, nguồn tài nguyên của một nước sẽ không chỉ được sử dụng ở trong nước đó mà còn ở trên phạm vi quốc tế. Tất cả những nước nghèo hơn ở ASEAN dùng các nguồn TNTN phong phú của mình để thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích mạnh mẽ các lĩnh vực sản xuất hướng vào xuất khẩu. Kết quả là nguồn tài nguyên của những nước này bị bán trực tiếp hoặc gián tiếp ra thị trường thế giới,
chưa kể tới các hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Mức độ mở của của các nền kinh tế ASEAN sẽ có những tác động khác nhau tới an ninh môi trường.
Ở Mianma, nước có nền kinh tế đóng cửa và bị cách với ảnh hưởng bên ngoài, phát triển kinh tế và suy thoái môi trường sẽ hoán đổi bù trừ cho nhau do nền kinh tế phải tự duy trì bằng các nguồn tài nguyên trong nước. Do nguồn lực bị hạn chế, nền kinh tế này không thể phát triển vượt quá một ngưỡng trần.
Ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippin và Inđônêxia, những nước mà nền kinh tế mở cửa chưa tối ưu, khả năng tăng trưởng không bị hạn chế nhưng các nguồn tài nguyên trong nước ngày càng bị bòn rút nhiều hơn bởi bên ngoài do định hướng xuất khẩu và đầu tư không tối ưu. Kết quả là môi trường bị suy thoái thậm chí còn nhanh hơn cả trường hợp của nền kinh tế đóng cửa. Trường hợp duy nhất của khu vực là Singapo với chính sách mở cửa kinh tế tối ưu đã giúp huy động các nguồn lực bên ngoài nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm sức ép cho môi trường trong nước. Ngoài ra, ở chừng mực nhất định, có thể cho rằng Malaixia, Thái Lan nằm trong bước chuyển tiếp từ mở cửa chưa tối ưu sang mở cửa tối ưu.