Tác động của chênh lệch phát triển tới an ninh thương mại và đầu tư

Một phần của tài liệu Tác động của chênh lệch phát triển tới an ninh kinh tế ở khu vực ASEAN giai đoạn 1985 2005 (Trang 46)

An ninh thương mại và đầu tư được đảm bảo khi nền kinh tế mở cửa đúng mức, khả năng thu hút FDI lớn, đầu tư ra nước ngoài phát triển mạnh và cân đối, tỷ lệ xuất khẩu/GDP lớn và tăng ổn định. Đồng thời thị tường tài chính phải phát triển nhanh, ổn định nhưng phải được phát triển trên một nền tảng kinh tế đảm bảo và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của quốc gia. Và tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư nội địa cũng là một nhân tố góp phần làm nên sự ổn định của an ninh thương mại và đầu tư, bởi tỷ lệ tiết kiệm nội địa đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của một quốc gia sẽ chứng tỏ nền kinh tế của quốc gia đó lớn mạnh và an ninh kinh tế được đảm bảo. Và nền kinh tế của quốc gia đó phải có khả năng cạnh tranh trên thị trường cũng như phải đạt năng suất và hiệu quả hoạt động cao.

Thứ nhất, tạo lập thương mại tự do bị tổn thương bởi các rào cản chính sách bảo hộ, về khoảng cách phát triển hạ tầng cơ sở. Do chênh lệch phát triển, nhóm nước chậm phát triển hơn thường mở của chậm hơn và mức độ mở cửa thường nhỏ hơn so với nhóm nước phát triển hơn. Về thực chất, họ tận dụng cơ hội để áp dụng chính sách bảo hộ thông qua rào cản thuế quan, phi thuế quan, cấp quota, hạn chế xuất khẩu tự nguyện… Tương tự như vậy, những nước có thu nhập cao hơn cũng áp dụng những rào cản chính sách khi cần thiết. Điển hình là những biện pháp bảo hộ của Malaixia đối với ngành ôtô, Inđônêxia đối với nhập khẩu quần áo, Philippin đối với ngành sản xuất đường… Những năm gần đây, Malaixia đã sử dụng rào cản thuế quan bảo hộ ngành công nghiệp ôtô của họ;

Inđônêxia không chỉ từ chối cắt bỏ thuế quan nhập khẩu (co dãn trong khoảng 15 - 25%) đối với hàng quần áo mà còn tăng thêm (đến 40% nếu hãng dệt may trong nước vẫn duy trì mức nhập khẩu như trước). Năm 2003, tỷ lệ thuế suất trung bình trong AFTA là 2,68%, giảm tương đối so với 3,87% năm 200. Song điều đáng nói là thuế suất trung bình của Thái Lan trong AFTA năm 2003 thấp thứ 2 sau Lào: 4,64% so với 5%. Giảm sút tạo lập thương mại xảy ra khi Thái Lan với quy mô thương mại lớn vẫn đang duy trì mức thuế suất cao như thế.

Bảng 2.1: Tỷ suất thuế trung bình trong khuôn khổ AFTA, %

Nước 2000 2001 2002 2003 Brunây 1,00 0,97 0,94 0,87 Inđônêxia 4,97 4,63 4,20 3,71 Lào 5,00 5,00 5,00 5,00 Malaixia 2,73 2,54 2,38 2,06 Mianma 4,38 3,32 3,31 3,19 Philippin 5,59 5,07 4,80 3,75 Singapo 0,00 0,00 0,000 0,00 Thái Lan 7,40 7,36 6,02 4,64 Việt Nam 3,30 2,90 2,89 2,02 ASEAN 3,87 3,65 3,25 2,68

Nguồn: Ban thư kí ASEAN, 2004.

Thứ 2, khả năng tạo lập thương mại nội bộ khối bị giảm sút khi lợi ích thương mại giữa các nước thành viên không đồng nhất. Những chậm trễ và không triệt để trong hội nhập kinh tế khu vực cũng như những chầm chừ cải cách thương mại hoặc đặt lợi ích bảo hộ của mình lên trên lợi ích thương mại của toàn khối là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó. Sự chênh lệch trong trình độ phát triển đã khiến cho nhiều nước “xé rào” kí kết các hiệp định thương mại song phương tự do (BFTA) với các đối tác bên ngoài khu vực. Tính đến cuối năm 2003, Singapo đã tham gia 10 BFTA với nhiều nước khác nhau, còn Thái Lan đã tham gia 9 BFTA. Xét trên khía cạnh lí thuyết thì tự do thương mại song phương kém tích cực hơn thương mại đa phương và khu vực, nó làm phân tán luồng thương mại nội khối,

đồng thời phản ánh thực tế là tự do thương mại khu vực chưa được cải thiện tương thích với nhu cầu mở rộng thương mại của mọi thành viên trong khối.

Thứ 3, những thuận lợi hoá trong nội bộ ASEAN bị ảnh hưởng. Những can kết của các nước ASEAN liên quan đến thuận lợi hoá thương mại chủ yếu được thực hiện thông qua hợp tác hải quan và xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan (NTB). Năm 1998, các nước đã xác định được các NTB nào được áp dụng ở mỗi nước thành viên và theo đó, ASEAN nhất trí định nghĩa của khối về NTB và thông qua một loạt danh sách các NTB phổ biến. Tuy nhiên sau hơn 5 năm, các thành viên chỉ thừa nhận các NTB của nhau mà chưa đưa ra được một lộ trình cụ thể theo hướng giảm thiểu các rào cản này. Việc kí kết các hiệp định công nhận NTB lẫn nhau có phần chậm chạp, một phần do hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các nước thành viên mới. Để công nhận tiêu chuẩn sản phẩm và hệ thống chất lượng, kỹ thuật của nhau đòi hỏi phải đáp ứng một số điều kiện như tiêu chuẩn của ISO và IEC, phải tham gia vào các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này, phải có các phòng kiểm nghiệm đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong số các nước thành viên mới, chỉ có Việt Nam là đáp ứng ở mức tương đối, các nước khác hầu như đang ở vạch xuất phát. Thực tế này gây khó khăn nhất định cho việc thực hiện các cam kết về thuận lợi hoá thương mại trong phạm vi ASEAN cũng như làm chậm tiến độ thống nhất thị trường khu vực hoàn hảo mà thuận lợi hoá thương mại nội khối đóng vai trò quan trọng.

Thứ 4, môi trường đầu tư ASEAN kém hấp dẫn do chênh lệch phát triển. Năm 2004, các quốc gia Châu Á đã tận hưởng dòng vốn lớn tràn vào khu vực này, tới 250 tỷ USD. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không thể hoàn toàn yên tâm, vì hiện tại môi trường đầu tư ở Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng còn ẩn chứa nhiều rủi ro do tình trạng chậm phát triển về phương diện thể chế, sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh và những rủi ro tài chính. Tình trạng chậm phát triển hơn của các nước thành viên mới khiến cho việc xây dựng an ninh môi trường đầu tư khu vực đang là vấn đề nan giải. Hơn thế, chênh lệch phát triển giữa các thành viên hạn chế rất lớn cho những nỗ lực phối hợp xây dựng môi trường đầu tư an toàn và sinh lợi trong phạm vi cả khối gặp nhiều trở ngại. Ngoài ra, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á, những lỏng lẻo về thể chế luật pháp, mức độ pháp trị thấp, hiệu quả điều hành chính phủ không đồng đều giữa trung ương với địa phương đã khiến cho môi trường đầu tư ở nhiều nước ASEAN trở nên không hấp dẫn. Đó là chưa kể đến sự cạnh tranh của Trung Quốc trên lĩnh vực thu hút vốn khiến cho dòng đầu tư nước ngoài phát tán ra khỏi

ASEAN. Thách thức cạnh tranh về đầu tư từ phía Trung Quốc đã đặt các thành viên của khu vực vào thế tiến thoái lưỡng nan không chỉ về đầu tư tự do mà còn về thương mại tự do.

Thứ 5, chênh lệch về trình độ phát triển còn làm cho tiến độ hội nhập khu vực đầu tư tự do chậm hơn mong đợi. Tiếp theo AFTA, mục tiêu chung của Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN (FAAIA) là thúc đẩy cạnh tranh trong khu vực nhằm thu hút FDI trong và ngoài phạm vi khu vực ở mức độ cao hơn và bền vững. AIA làm sâu hơn môi trường đầu tư tự do, tạo điều kiện cho các nguồn lực đi kèm FDI di chuyển dễ dàng hơn, trên cơ sở đó, ASEAN sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Những lợi ích mà AIA sẽ đem lại đảm bảo vững chắc cho an ninh kinh tế khu vực. Nó đòi hỏi chất lượng cải cách kinh tế ở tất cả các thành viên, đòi hỏi nỗ lực chuyển đổi cấu trúc thể chế - điều rất khó khăn trong hoàn cảnh khác biệt về thể chế cũng như chính trị giữa các nước thành viên. Hay có thể nói, an ninh đầu tư tự do chỉ có thể được đảm bảo khi sự khác biệt về thể chế giữa các thành viên giảm bớt hoặc không còn tồn tại. Tuy nhiên khác biệt về thể chế trong nội khối ASEAN trầm trọng hơn tất cả các chênh lệch khác hiện đang gây trở ngại cho quá trình phát triển và hội nhập kinh tế của khu vực. Nó có thể bị chậm lại là do:

- CLMV chưa nỗ lực kết hợp hội nhập cải cách cơ cấu. Điều mấu chốt đối với CLMV là thúc đẩy hình thành một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Điều này không thể đạt được khi vẫn còn duy trì khu vực DNNN và hệ thống hoạt động ngân hàng và thể chế tài chính kém hiệu quả (Việt Nam, Campuchia); khi khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn xa lạ với có chế thị trường (Lào, Mianma); khi hệ thống quản lí hành chính nhà nước vẫn còn “cồng kềnh và kém hiệu quả” ở cả 4 nước chậm phát triển.

- Lộ trình mở cửa khu vực dịch vụ, đặc biệt là tài chính, ngân hàng đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở các nền kinh tế chậm phát triển sẽ không thể đảm bảo khi chính các nước chậm phát triển trong khối chưa đề ra được khung khổ pháp lí toàn diện để sẵn sàng chấp nhận các quy tắc mới trong một nền nền kinh tế thị trường mở cửa. Kéo dài thời hạn đóng của thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực dịch vụ ở nhóm nước này có thể làm chậm tiến độ hội nhập đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp nội địa càng ít cơ hội cọ sát và lại càng không mong muốn tham gia và lộ trình tự do hoá tài khoản vốn, một trong những mục tiêu của hội nhập tài chính khu vực.

- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở các nước ASEAN mới rất thấp, cộng thêm môi trường cạnh tranh kinh tế quốc gia chưa cao khiến cho việc thực hiện những nguyên tắc tự do hoá đầu tư gặp cản trở từ chính các thành viên này.

Ở một nước chậm phát triển, luồn vốn nước ngoài có thể không chỉ làm tăng năng suất lao động mà còn tăng lực lượng lao động. Điều này rất quan trọng đối với một nền kinh tế dư thừa lao động. Việc thiếu vốn ở một nước đông dân hạn chế lao động di chuyển từ khu vực nông thôn sang khu vực phát triển hơn, có mức lương cao hơn. Luồng vốn nước ngoài có thể khiến cho khu vực phát triển cần nhiều lao động hơn. Do đó lợi ích xã hội thu được từ đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hơn lợi nhuận từ luồng vốn nước ngoài, bởi vì mức lương của công nhân mới trong khu vực kinh tế phát triển vượt quá mức lương thực tế trước đây của họ trong khu vực nông thôn. Do vậy, các nước ASEAN - 4 lại chính là các nước thu hút được ít vốn đầu tư nước ngoài hơn so với các nước ASEAN - 6 nên khả năng giải quyết việc làm và an sinh xã hội càng khó khăn hơn.

Đầu tư nước ngoài đóng góp cho nước chủ nhà về “khả năng quản lý, cán bộ kỹ thuật, kiến thức công nghệ, tổ chức hành chính, đổi mới kỹ thuật sản xuất và sản phẩm”. Hơn nữa đầu tư nước ngoài có tác dụng như tác nhân kích thích cho đầu tư bổ sung của nước chủ nhà. Ở nước nào mà đầu tư nước ngoài dùng để phát triển cơ sở hạ tầng thì ở đó có thể dễ đầu tư hơn.

Một phần của tài liệu Tác động của chênh lệch phát triển tới an ninh kinh tế ở khu vực ASEAN giai đoạn 1985 2005 (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w