An ninh kinh tế được thể hiện thông qua sự ổn định và tiềm năng duy trì ổn định của nền kinh tế của một quốc gia (ở tầm vĩ mô) và kinh tế của hộ gia đình (ở tầm vi mô). Khi nền kinh tế luôn phát triển ổn định, mức tăng trưởng đều luôn đi đôi với tăng trưởng có chất lượng, trong khi các nguồn lực của tăng trưởng được duy trì một cách bền vững thì nền kinh tế đó được coi là đảm bảo về an ninh. Khi nguồn thu nhập của một hộ gia đình luôn được đảm bảo và ổn định, các cơ hội về việc làm luôn sẵn có thì hộ gia đình đó được coi là đảm bảo an ninh về kinh tế. Nền kinh tế (hay kinh tế của hộ gia đình) ổn định hay bất ổn định được thể hiện ở một loạt tiêu chí.
2.1.2.1 Biểu hiện ổn định của kinh tế thông qua các tiêu chí kinh tế vĩ mô
Nền kinh tế được đảm bảo an ninh khi các chỉ tiêu vĩ mô được đảm bảo và các cân đối kinh tế vĩ mô được duy trì. Trong các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô biểu hiện một sự bất ổn về kinh tế, các chỉ tiêu về tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát gia tăng là những chỉ tiêu kinh tế quan trọng nhất.
Đối với tăng trưởng kinh tế, mức tăng trưởng cao, luôn dương và ổn định trong nhiều năm liền là biểu hiện ổn định của nền kinh tế. Còn mức tăng trưởng
âm có thể coi là bất bình thường. Nếu mức tăng trưởng đó âm liên tục trong nhiều năm thì nền kinh tế đó bị coi là suy thoái lâu dài.
Đối với tiêu chí thất nghiệp, theo PGS. TS Nguyễn Xuân Thắng - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam_Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, tỷ lệ thất nghiệp thấp và ở dưới ngưỡng 11% là một tiêu chí đánh giá mức độ ổn định của nền kinh tế. Nếu tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 11% có thể được coi là mức báo động và ở nhiều nước, đó có thể coi là “vấn đề xã hội và chính trị số một”.
Đối với tiêu chí lạm phát, tỷ lệ lạm phát ở ngưỡng dưới hai chữ số thì nền kinh tế của quốc gia đó đang trong tình trạng ổn định. Còn tỷ lệ lạm phát ở mức hai con số trở lên có thể là mức báo động và làm ảnh hưởng đến thu nhập. Đối với trường hợp tỷ lệ lạm phát từ 3 con số trở lên thì lạm phát trở thành siêu lạm phát và nền kinh tế thực sự ở tình trạng khủng hoảng. Và tỷ lệ lạm phát cao thường có sự đóng góp của bất ổn an ninh lương thực và an ninh năng lượng (trong đó an ninh nhiên liệu là dấu ấn quan trọng nhất trong an ninh năng lượng). Khi cả hai yếu tố này trùng hợp thì lạm phát dễ bộc phát và càng bị thúc đẩy tăng cao.
Ngoài 3 tiêu chí trên thì các tiêu chí như cán cân thanh toán dương và tăng liên tục, dự trữ ngoại tệ lớn và ổn định, số các công ti lớn và tập đoàn kinh tế được thành lập ngày càng nhiều và hoạt động có hiệu quả, nợ quốc gia nhỏ, số dự án và tổng vốn đầu tư nước ngoài lớn và tăng nhanh… là những dấu hiệu cho thấy sự ổn định của nền kinh tế của một quốc gia. Các tiêu chí trên ở mức trầm trọng bao nhiêu thì bất ổn kinh tế càng nhiều bấy nhiêu.
Do các cân đối kinh tế vĩ mô liên quan chặt chẽ với nhau trong nền kinh tế nên một hay nhiều cân đối vĩ mô nào đó bị phá vỡ có thể sẽ kéo theo sự mất cân đối ví mô khác và hậu quả là tạo ra những mầm mống bất ổn định hay trầm trọng hơn là khủng hoảng trong nền kinh tế. Một sự mất cân đối về cán cân thương mại chẳng hạn có thể sẽ dẫn tới sự mất cân đối về cán cân thanh toán, tạo ra sự bất ổn của tỷ giá đồng tiền và do đó ảnh hưởng đến đầu tư và thu nhập. Hay khi một nước có khối lượng đầu tư tư bản lớn từ nước ngoài, sự mất cân đối lớn về dự trữ ngoại tệ sẽ tiềm tàng một sự nguy hiểm của khủng hoảng đồng tiền một khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn ra khỏi nước chủ nhà một cách đồng thời. Như vậy, để ổn định kinh tế của một quốc gia thì phải đảm bảo sự ổn định của tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá tăng nhanh, hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, các mối liên hệ kinh tế trở nên chặt chẽ hơn, không chỉ có mối quan hệ trong
nước mà nó đã mang tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế. Sự mất cân đối các cán cân kinh tế hay khủng hoảng kinh tế của một nước có xu hướng có ảnh hưởng lây lan đến kinh tế của các nước khác. Vì thế tác động lây lan lớn cũng là một nhân tố quan trọng làm cho bất ổn kinh tế có hậu quả mang tầm khu vực và quốc tế.
Bản thân nền kinh tế là một tổ hợp các mối quan hệ mật thiết giữa các chủ thể kinh tế, do vậy các nhân tố ảnh hưởng đến an ninh kinh tế rất nhiều và đa dạng. Đối với phạm vi quốc gia và khu vực ASEAN, sự an toàn/rủi ro về hệ thống tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực là những vấn đề đặc biệt quan trọng. Và trong phạm vi nghiên cứu, đề tài của tôi chỉ đề cập đến ảnh hưởng của các nhân tố: an ninh của hệ thống tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực đến an ninh kinh tế của một quốc gia.
2.1.2.2 Ổn định tài chính
a. Các dấu hiệu của ổn định tài chính
Nền tài chính lành mạnh và phát triển luôn là trụ cột tốt cho nền kinh tế phát triển. Những bất ổn về tài chính sẽ là tiềm tàng cho những mầm mống bất ổn của một nền kinh tế. Một nền tài chính mạnh hay yếu không chỉ thể hiện qua một tiêu chí mà thể hiện qua một nhóm tiêu chí khác nhau. Hơn nữa những tiêu chí đó không chỉ mang tính định lượng mà còn mang tính định tính. Có 6 nhóm chỉ tiêu, trong mỗi nhóm lại có những chỉ số hay tiêu chí cụ thể hơn. Các nhóm tiêu chí đó là:
* Vốn đủ: Đây là tiêu chí quan trọng nhất xác định mức độ an toàn và khoẻ mạnh của các thể chế tài chính trong việc đối phó với các cú sốc về cân đối thanh toán.
Xét về lượng, có 2 tiêu chí đại diện cho vốn đủ:
+ Tiêu chí thứ nhất là tỷ lệ giữa tổng vốn của các ngân hàng và tổ chức tài chính với tài sản sau khi đã điều chỉnh dựa trên độ rủi ro thị trường. Đây là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá sự đầy đủ và sẵn có của vốn. Tỷ lệ này suy giảm có thể là những dấu hiệu của những mạo hiểm và độ rủi ro đang tăng lên và những vấn đề về vốn đang phát sinh.
+ Tiêu chí thứ 2 là tỷ lệ tần số phân phối vốn. Tiêu chí này là một cách khác thể hiện vốn đủ và dựa vào việc phân tích tỷ lệ vốn của các ngân hàng và tổ chức tài chính riêng lẻ hay của một nhóm các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn.
* Các tiêu chí chất lượng tài sản: Sự tin cậy của tỷ lệ về vốn phụ thuộc vào sự tin cậy của chất lượng tài sản. Do vây, các tiêu chí giám sát chất lượng tài sản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chẳng hạn việc cho vay chỉ tập trung trong một
khu vực của nền kinh tế có thể là dấu hiệu của một sự rủi ro cao của hệ thống tài chính đối với sự phát triển của khu vực này.
Một số cuộc khủng hoảng tài chính có nguyên nhân từ việc cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp nội địa trong khi không có các nguồn thu ngoại tệ ổn định. Chỉ tiêu cho vay ngoại tệ thường được đo bằng tỷ lệ ngoại tệ trên tổng số vốn cho vay. Như vậy, tuy thường chuyển rủi ro ngoại tệ sang người đi vay, nhưng thực chất lại hàm ý một sự rủi ro tín dụng đối với người cho vay.
Một chỉ tiêu quan trọng đối với các tổ chức tín dụng cho vay là nợ khó đòi. Nếu tỷ lệ nợ khó đòi trong tổng số vốn cho vay có xu hướng tăng cao thì đó là dấu hiệu cho thấy sự suy giảm về chất lượng tín dụng vốn là điều có thể ảnh hưởng tới nguồn vốn và thu nhập của tổ chức tín dụng. Tỷ lệ này là một chỉ tiêu biểu hiện sức khoẻ của cả hệ thống tài chính và cũng thường được sử dụng là một chỉ tiêu đo sự ổn định của cả nền kinh tế vĩ mô và chất lượng của các thể chế tài chính.
Ngoài ra còn có thể dùng chỉ tiêu về cho vay kết nối để đo sự bất ổn của các tổ chức tài chính.Chỉ số này được xác định như là tỷ lệ của khoản vốn vay kết nối trong tổng vốn cho vay của một tổ chức tài chính.Chỉ số này cao nghĩa là có một sự tập trung cao sự rủi ro tín dụng cho một số nhỏ những người cho vay và điều này đồng nghĩa với việc thiếu sự phân tán rủi ro thông qua đa dạng hoá các đối tượng được vay.
Các tiêu chí chất lượng tài sản của các thể chế tài chính phụ thuộc trực tiếp vào tình trạng kinh doanh của những đối tượng vay tín dụng. Chẳng hạn lợi nhuận của một khu vực doanh nghịêp giảm sút nói chung là một tiêu chí hữu hiệu để thấy nền kinh tế đang có vấn đề và hệ thống tài chính đang gặp nguy hiểm. Ngoài ra nợ của khu vực hộ gia đình cũng là một tiêu chí đánh giá chất lượng tín dụng của hệ thống tài chính. Mức độ nợ của hộ quá cao có thể là dấu hiệu của sự bất ổn tiềm tàng của hệ thống tài chính.
* Các tiêu chí đánh giá chất lượng quản lí: Các tiêu chí này thường áp dụng cho việc đánh giá hoạt động của các thể chế tài chình riêng lẻ và khó có thể là một tiêu chí đánh giá chung của cả hệ thống tài chính. Những tiêu chí này là tỷ lệ chi tiêu trên tổng doanh thu, lợi nhuận trên đầu người, tỷ lệ số lượng cá thể tài chính thiết lập mới trong tổng số các ngân hàng và tổ chức tài chính. Chỉ số nhiều có thể ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của hệ thống tài chính. Tỷ lệ thu nhập trên đầu người giảm có thể phản ánh tính không hiệu quả của hoạt động kinh doanh do tình trạng số lượng người làm việc có thể đông quá mức cần thiết. Số lượng các ngân hàng và chi
nhánh mở rộng với tốc độ nhanh quá cũng có thể là dấu hiệu cho thấy các yêu cầu về đăng kí và quản lí không được chú ý và coi trọng.
* Các chỉ số thu nhập và lợi nhuận của các tổ chức tài chính: Các chỉ số của nhóm này bao gồm tỷ lệ lợi tức trên tài sản, tỷ lệ lợi nhuận trên số vốn tự có, tỷ lệ giữa thu nhập và chi tiêu. Đây là các chỉ tiêu thông thường thể hiện hiệu quả hoạt động và kinh doanh của các tổ chức tài chính lẫn các tổ chức kinh doanh sản xuất trên thị trường.
* Các chỉ số thanh khoản: Các chỉ số này bao gồm tỷ lệ tín dụng từ ngân hàng trung ương đối với các tổ chức tài chính, tỷ lệ tiền gửi đối với tổng lượng tiền, tỷ lệ cho vay đối với tiền gửi, cơ cấu đáo hạn của tài sản và nợ của các tổ chức tài chính.Chẳng hạn tỷ lệ tiền gửi trong tổng tiền giảm xuống có thể là dấu hiệu của mất niềm tin và vấn đề thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Những yếu kém trầm trọng trong quản lí cơ cấu cho vay dựa vào thời hạn thanh toán là dấu hiệu cho thấy hệ thống ngân hàng đang gặp phải vấn đề về quản lí tiền tệ.
* Nhạy cảm với rủi ro thị trường: Các ngân hàng và hệ thống tài chính có những hoạt động đầu tư đa dạng. Nếu phần đầu tư vào những tài sản có độ mạo hiểm mà cao thì tổ chức tài chính đó cũng sẽ đối mặt với độ mạo hiểm cao của thị trường, đặc biệt là khi giá của tài sản đó biến động. Nếu các tổ chức này phụ thuộc quá nhiều vào đồng ngoại tệ hay dựa nhiều quá vào việc vay của nước ngoài thì đó là dấu hiệu củ “sự mỏng manh dễ đổ vỡ” của hệ thống tài chính, vì một khi có biến động về tỷ giá hay có sự thay đổi đột ngột trong dòng chảy của tư bản thì hệ thống này có thể sụp đổ.
b. Một số nguyên nhân của bất ổn tài chính
Như vậy, hệ thống tài chính có dấu hiệu bất ổn là do một trong các tiêu chí trên bất ổn định. Có hai nhóm nguyên nhân gây bất ổn tài chính là: nhóm nguyên nhân cơ cấu và nhóm nguyên nhân phi cơ cấu.
*Nhóm nguyên nhân phi cơ cấu: Đó chính là các chính sách của chính phủ về ngân hàng đã tạo ra những rủi ro đạo đức trong các doanh nghiệp và tạo ra tình trạng đầu tư thái quá thông qua vay ngân hàng quá nhiều. Điều đó làm hỏng cơ cấu quản lí an toàn của hệ thống ngân hàng và tài chính. Khi tình trạng này diễn biến đến một mức độ trầm trọng, các nhà đầu tư nước ngoài và người nước ngoài có tài khoản ở ngân hàng của các nước này đã đồng loạt rút tiền và chuyển ra nước ngoài. Vốn chuyển ra nước ngoài làm cho cán cân tài khoản vãng lai bị thâm hụt nghiêm trọng, đồng tiền bị phá giá và khủng hoảng nổ ra.
* Nhóm nguyên nhân cơ cấu: Về phía cung trên thị trường hàng hoá, đó là các yếu tố đầu tư thiếu hiệu quả, công nghệ còn thiếu để tăng năng suất. Về phía cầu, đó là nền kinh tế bong bóng, sự mạo hiểm được đánh giá thấp hay không đúng (rủi ro đạo đức). Về phương diện quản lí, đó là thiếu dự trữ ngoại hối, hệ thống các thể chế tài chính yếu kém trong giám sát, cơ chế phân bố vốn và đầu tư không hợp lí, vay nợ nước ngoài quá nhiều…
2.1.2.3 .Ổn định về lương thực
Bất ổn về lương thực hay an ninh lương thực không được đảm bảo có thể được xem xét trên 2 phạm vi: quy mô quốc gia và quy mô hộ gia đình. Hiện nay có khoảng 1/5 dân số thế giới vẫn trong tình trạng thiếu đói, không đủ duy trì tình trạng lao động bình thường, tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Tình trạng chênh lệch về sản lượng và tiêu dùng lương thực theo vùng lãnh thổ, giữa đồng bằng và miền núi trong phạm vi một quốc gia cũng rất lớn. Vì thế an ninh lương thực cho mọi người dân luôn được chú ý và là yếu tố cơ bản cho phát triển con người và đảm bảo an ninh kinh tế của một quốc gia. Đảm bảo an ninh lương thực là đảm bảo sự tiếp cận của tất cả các cá nhân tới lương thực thực phẩm để có một sức khoẻ tốt. Hội nghị thượng đỉnh về lương thực thế giới 10/1996 đã đưa ra định nghĩa về an ninh lương thực như sau: “Đảm bảo an ninh lương thực là khi tất cả mọi người ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể tiếp cận được lương thực một cách đầy đủ, an toàn và có chất lượng để đáp ứng được nhu cầu và sở thích về lương thực cho một cuộc sống tích cực và khoẻ mạnh”.
Trên cơ sở của định nghĩa trên, những dấu hiệu để dự báo và chuẩn đoán nguy có mất an ninh lương thực của một quốc gia là:
+ Tính sẵn có: sản lượng lương thực, diện tích trồng trọt, số lượng gia súc, các chỉ tiêu về xuất nhập khẩu phải được đảm bảo.
+ Tính ổn định: Xu hướng về giá lương thực và các xu hướng khác trên thị