Mối quan hệ giữa chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế

Một phần của tài liệu Tác động của chênh lệch phát triển tới an ninh kinh tế ở khu vực ASEAN giai đoạn 1985 2005 (Trang 40)

Thực tế cho thấy, chênh lệch phát triển ngày càng trở thành yếu tố tác động trực tiếp tới nền an ninh quốc gia và trạng thái an ninh con người. Chênh lệch phát triển nói chung và chênh lệch giàu nghèo nói riêng đang ngày càng trở thành yếu tố tác động tới sự ổn định xã hội và nền an ninh của mỗi quốc gia, khu vực. Hơn thế, đây là nhân tố đe doạ trực tiếp cuộc sống của mỗi người dân, nhóm cộng đồng trong một vùng lãnh thổ hay khu vực nào đó. Chênh lệch phát triển và an ninh kinh tế có mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại với nhau.

Trong khu vực ASEAN, đã và đang tồn tại những chênh lệch, đó là chênh lệch về một số chỉ số cơ bản (thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, mức độ mở cửa của nền kinh tế, mức độ phát triển của thị trường tài chính, tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư hay khả năng cạnh tranh và năng suất nhân tố tổng hợp), chênh lệch phát triển cơ sở hạ tầng (điện, giao thông vận tải, thông tin viễn thông và năng lực công nghệ), chênh lệch phát triển xã hội (chênh lệch về phát triển con người, sự khác biệt trong môi trường địa – văn hoá dân tộc và sự khác biệt về thể chế).

Sử dụng lí thuyết phát triển đường cong S của Lim Chong Ah, có thể chia nền kinh tế của các nước thành viên ASEAN làm ba nhóm:

+ Nhóm 1: Là các quốc gia có mức thu nhập thấp và tốc độ tăng trưởng thấp và được gọi là nền kinh tế con rùa. Nhóm này bao gồm Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam.

+ Nhóm 2: Gồm những nước có mức thu nhập trung bình và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, được gọi là nền kinh tế con ngựa. Có thể xếp nền kinh tế của Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Philippin vào nhóm này.

+ Nhóm 3: Là các nước có mức thu nhập cao và tốc độ tăng trưởng thấp, gọi là các nước có nền kinh tế con voi (bao gồm Singapo và Brunây).

Như vậy, các nền kinh tế con ngựa có sự chênh lệch phát triển rất lớn, không chỉ chênh lệch với các nền kinh tế khác trong khu vực mà còn tình trạng chênh lệch ngay trong từng nước. Và do vậy, nếu không có kế hoạch phát triển kinh tế một cách đúng đắn thì các nền kinh tế con rùa sẽ càng ngày càng có khoảng cách với các nền kinh tế con ngựa và các nền kinh tế con voi, và an ninh kinh tế bị đe doạ nghiêm trọng, có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ các cuộc khủng hoảng tài chính bất cứ lúc nào.

Nếu không có sự chênh lệch phát triển thì an ninh kinh tế được đảm bảo một cách tuyệt đối. Nhưng hầu như không có một quốc gia nào trên thế giới đạt được điều này, bởi ngay cả ở một nước có nền kinh tế phát triển vẫn còn sự chênh lệch phát triển giữa các vùng lãnh thổ, giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư của các dân tộc khác nhau…

Các nền kinh tế con voi trong khu vực ASEAN có mức chênh lệch ít và có những thành tựu đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch, do vậy an ninh kinh tế được đảm bảo một cách tương đối. Nhưng an ninh kinh tế của những quốc gia đó không chỉ do nhân tố nội lực quyết định mà còn chịu ảnh hưởng của các nhân tố ngoại lực mà cụ thể là chịu sự tác động của an ninh kinh tế của các nước trong khu vực ASEAN. Chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á 1997 - 1998 đã ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế của Singapo - quốc gia vẫn được đánh giá là “một trong bốn con rồng Châu Á”.

Các nền kinh tế con ngựa có mức chênh lệch chưa ở mức đáng lo ngại như các nền kinh tế con rùa, nhưng cũng chính là các quốc gia “nhạy cảm” với ngay cả các yếu tố bên trong lẫn các yếu tố bên ngoài. Chỉ cần một biến động nhỏ cũng có thể là “giọt nước làm tràn li”, làm cho các quốc gia đó rơi vào tình trạng bất ổn định về an ninh kinh tế. Và khi đó, những thiệt hại về kinh tế còn trầm trọng hơn và khó khắc phục hậu quả hơn so với các nền kinh tế con rùa.

Có thể tồn tại rất nhiều cặp tương quan trong mối quan hệ giữa “phát triển” và “an ninh”, song có một số cặp tương quan chủ yếu được minh chứng định lượng và kiểm chứng thống kê là: Nghèo khổ - xung đột; Bất bình đẳng – xung đột; Phát triển con người – an ninh con người; Thương mại – xung đột; Di cư – xung đột; Năng lượng – xung đột; Môi trường – xung đột; Tài nguyên – xung đột. Những tác động cụ thể giữa các cặp tương quan này sẽ được trình bày cụ thể trong chương II, mục II. của khoá luận.

Có thể tổng quát rằng, xung đột vũ trang hay nội chiến không chỉ là sự ngáng trở đối với phát triển mà còn là sự thất bại của phát triển.

Một phần của tài liệu Tác động của chênh lệch phát triển tới an ninh kinh tế ở khu vực ASEAN giai đoạn 1985 2005 (Trang 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w