2.1.1.1 Khái niệm an ninh
Theo Luật an ninh quốc gia của Việt Nam, được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 3.12.2004, “An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. An ninh quốc gia bao gồm an ninh trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, tư tưởng - văn hoá, xã hội, quốc phòng, đối ngoại… trong đó, an ninh chính trị là cốt lõi, xuyên suốt”.
Các nước ASEAN đã thay đổi cách tiếp cận về an ninh phi truyền thống, lấy cách tiếp cận của Liên Hợp Quốc với tiêu chí lấy con người làm trung tâm và đặt “chủ quyền con người” lên trên hết. Và do cách nhìn nhận về an ninh đã thay đổi, các nước ASEAN đã nhận thấy được các dấu hiệu của bất ổn an ninh và tác động của chênh lệch phát triển tới an ninh kinh tế của mỗi quốc gia và toàn khu vực.
Như vậy tiếp cận khái niệm an ninh theo nghĩa rộng không làm mất đi tính chính xác của cách tiếp cận truyền thống mà còn đảm bảo được tính bao quát của cách tiếp cận mới đối với những vấn đề an ninh mang tính phi quân sự và phi nhà nước – dân tộc của thời kì hậu chiến tranh lạnh.
2.1.1.2. Khái niệm an ninh kinh tế
“An ninh kinh tế” đang trở thành khái niệm phản ánh những thách thức an ninh bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế trông một môi trường an ninh mới.
Có 2 cách tiếp cận chính: Cách tiếp cận hẹp (của UNDP) với tham chiếu ở cấp vĩ mô: Các cá nhân hay nhóm cộng đồng; Cách tiếp cận rộng: An ninh kinh tế là một biểu hiện mới của cách tiếp cận an ninh truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế với đơn vị tham chiếu ở cả hai cấp độ vi mô (cá nhân hay nhóm người) và vĩ mô (nhà nước, quốc gia, khu vực hay toàn cầu). Cách tiếp cận này được đề cập nhiều từ sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế ở Châu Á nổ ra năm 1997 - 1998.
ASEAN đã tổng hợp các khía cạnh của an ninh kinh tế (các góc độ: an sinh xã hội, chính trị, bảo vệ môi trường và góc độ kinh tế vĩ mô) để đưa ra khái niệm an ninh kinh tế của khu vực, “an ninh kinh tế ASEAN không chỉ bao hàm tăng trưởng các ngành đóng vai trò trụ cột được mà còn gồm cả những điều kiện để hội nhập kinh tế khu vực được thực hiện một cách hiệu quả, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và khả năng chống trả của khối trước các biến động kinh tế quốc tế”. Cách tiếp cận “an ninh kinh tế” cho phép các chính phủ quốc gia, các tổ chức quốc tế hay cộng đồng dân cư xác định được ưu tiên chính sách trong môi trường an ninh quốc tế mới.