An ninh tài chính của một quốc gia được đảm bảo khi đảm bảo đông thời sáu tiêu chí như đã phân tích ở trên, bao gồm: vốn đủ, các tiêu chí chất lượng tài sản đáng tin cậy, các tiêu chí đánh giá chất lượng quản lí đảm bảo, các chỉ số thu nhập và lợi nhuận của các tổ chức tài chính ổn định, các chỉ số thanh khoản tăng và ở mức cao, nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Châu Á 1997 - 1998, các nước ASEAN ngày càng nhận thức được sự cần thiết của hợp tác tài chính để đề phòng và chống khủng hoảng và đảm bảo an ninh tài chính cho các nước trong khu vực.
Hội nhập tài chính khu vực gặp trở ngại. Sau những khó khăn hậu khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, ASEAN hiện đang đứng vững và tiếp tục phát triển khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn khối năm 2000 đạt 5,85%, năm 2001 giảm xuống còn 3,19%. Nhưng, sau đó lại tăng lên 4,5% (năm 2002) và 5% (năm 2003). Nếu năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,9% thì đây sẽ là năm tăng trưởng cao nhất của ASEAN kể từ khủng hoảng tài chính năm 1997 - 1998 đến nay. Tuy nhiên, nhu cầu thống nhất thị trường tài chính, tiến dần đến thị trường vốn và hình thành đồng tiền chung đang đòi hỏi những hành động tập thể giữa các thành viên ASEAN. Có 3 nhân tố thúc đẩy nhu cầu hội nhập tài chính khu vực: Một là, hội nhập tài chính khu vực ASEAN là công việc không thể trì hoãn để tránh cho ASEAN những đổ vỡ tài chính tiền tệ. Hai là,
yêu cầu liên kết kinh tế sâu hơn nhằm hướng đến Cộng đồng ASEAN để hiệp hội không chỉ là một khu mậu dịch tự do mà còn là thị trường chung, nơi hàng hóa và dịch vụ, vốn và lao động có tay nghề được tự do di chuyển, nơi một đồng tiền chung sẽ ra đời. Ba là, áp lực về sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc và những rủi ro trong quan hệ buôn bán với Mỹ khi mà thâm hụt tài chính và tài khoản vãng lai của nước bạn hàng chính ngày càng gia tăng.
Hướng đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), an ninh tài chính cần được bảo vệ thông qua hội nhập tài chính khu vực. Hệ thống tài chính và ngân hàng mỗi thành viên cần có bốn điều kiện để hội nhập: 1. Có một hành lang pháp lý đồng bộ và đầy đủ để bảo đảm độ tin cậy trong giao dịch tài chính tín dụng; 2. Bảo đảm hoạt động kinh doanh tài chính và tiền tệ lành mạnh, ổn định và có hiệu quả; 3. Thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng vận hành ổn định và gây hiệu ứng tốt đối với nền kinh tế quốc dân; 4. Thiết lập hệ thống chuẩn công nghệ ngân hàng và phương thức giao dịch hiện
đại để có thể kết nối mạng trong khối, thống nhất chuẩn kế toán quốc tế để thực hiện giám sát chặt chẽ các thể chế tài chính ngân hàng.
Tuy nhiên, do có sự khác nhau về trình độ và có sự chênh lệch phát triển, khi mà các nền kinh tế thành viên chậm phát triển vẫn chủ yếu là các nền kinh tế tiền mặt, công nghệ ngân hàng hiện đại còn rất hạn chế đã tạo khoảng cách rất xa về công nghệ ngân hàng giữa các thành viên phát triển và chậm phát triển, nên rất khó để kết nối hệ thống tài chính ở các nước thành viên ASEAN với nhau.
2.3.1.1 Chênh lệch về trình độ phát triển đang khiến cho ý tưởng về một Ngân hàng Trung ương và một đồng tiền chung thống nhất trở nên khó có thể thực hiện được trong một tương lai gần.
Cùng với việc tạo ra một Ngân hàng TW chung, các nước thành viên phải từ bỏ quyền theo đuổi chính sách tiền tệ riêng. Đây là vấn đề rất nhạy cảm không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị, đặc biệt là ở khu vực Châu Á - nơi tồn tại những khác biệt rất lớn về thể chế chính trị giữa các nước. Bởi Ngân hàng TW trong giai đoạn đầu điều hành chính sách tiền tệ sẽ thiên về ổn định hơn là tăng trưởng, do vậy những nước có trình độ phát triển cao trong khu vực như Singapo, Malaixia có thể chấp nhận được chủ trương này; song những nước có nền kinh tế kém phát triển (CLMV) lại ưu tiên phát triển hơn là ổn định. Xét về mặt kỹ thuật, để có thể sử dụng đồng tiền chung, các nước cần phải xử lí một loạt vấn đề đặt ra như nguyên tắc chia sẻ chi phí in, phát hành tiền mới, huỷ tiền cũ… Những chi phí này là là khá lớn và không đáng kể đối với những nước giàu nhưng lại là gánh nặng đối với các nước nghèo. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng ở nhiều nước kém phát triển đang trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế điều hành, sát nhập và củng cố sức mạnh thông qua cải cách ngân hàng, do đó có nhiều ưu tiên hơn là thống nhất chính sách tiền tệ để chia sẻ hình thái đồng tiền chung.
2.3.1.2 Chênh lệch về trình độ phát triển đang là những cản trở lớn đối với ý tưởng về một Quỹ tiền tệ Châu Á (AMF) cũng như trong việc thực hiện thành công kế hoạch Quỹ trái phiếu Châu Á (ABF)
Ý tưởng về AMF được Nhật Bản đưa ra vào cuối năm 1997, theo đó một thể chế tài chính tự do khu vực đóng góp cần được thiết lập và có vai trò hành động như “IMF” khu vực. ABF được khai trương vào năm 2003 với hàm ý thúc đẩy thị trường trái phiếu quốc gia nhằm giảm sự lệ thuộc vào USD Mỹ và tăng cường nguồn vốn đầu tư cho khu vực. Để 2 quỹ này trở thành hiện thực, điều kiện không thể thiếu là cần có một hệ thống công khai thông tin tài chính - tiền tệ,
chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khoá và giám sát độ tin cậy của các thông tin được cung cấp. Tuy nhiên những chênh lệch về trình độ phát triển và sự khác biệt bớn trong hệ thống chính trị, tôn giáo và văn hoá đang khiến cho việc thực hiện quá trình hợp tác tài chính trên rất khó khăn. Quá trình giám sát tài chính tín dụng sẽ đụng chạm tới một số vấn đề hết sức tế nhị và nhạy cảm trong khu vực là chủ quyền quốc gia. Việc theo dõi, giám sát đòi hỏi phải áp dụng chế độ kế toán, kiểm toán tiêu chuẩn và thống nhất. Công việc này đòi hỏi năng lực tài chính, trình độ công nghệ lớn vượt quá khả năng đáp ứng của các nước CLMV. Nếu các nước nghèo nhận được sự giúp đỡ của các nước phát triển hơn thì bản thân các nước đó cũng không thể có được một đội ngũ nhân viên tương ứng để đảm dương công việc, những bất cập về nhân lực trong lĩnh vực đã bộc lộ. Hơn nữa, chế độ kiểm toán, kế toán tiêu chuẩn quốc tế là rất khó áp dụng ở những nước có nền tài chính kém phát triển như Lào, Mianma hay Campuchia.
2.3.1.3 Chênh lệch về trình độ phát triển đang cản trở quá trình hài hoà chính sách tài khoá và phối hợp chính sách tỷ giá
Hài hoà chính sách tài khoá là công việc thực hiện nhằm loại bỏ nhiều biện pháp phi thuế quan, tránh những méo mó thị trường, giảm thiểu những chi phí giao dịch, hạn chế các thủ tục phiền hà hoặc tham nhũng chính phủ. Tuy nhiên, những nỗ lực chính sách không phải lúc nào cũng loại bỏ được rủi ro đạo đức. Để quá trình hài hoà này thành công thì phải có nền tài chính lành mạnh (các chỉ số tài chính phải chứng tỏ mức độ an toàn), phải chia sẻ nguyên tắc ngân sách chính phủ, phải chia sẻ nguyên tắc kế toán và kiểm toán chuẩn quốc tế, phải đảm bảo chất lượng thông tin và tính minh bạch của thông tin được cung cấp. Hiện nay, năng lực hành chính công đang có khoảng cách rất lớn giữa các thành viên. Tình trạng này hạn chế khả năng đáp ứng yêu cầu của hợp tác tài chính - tiền tệ của khu vực. Phối hợp chính sách tỷ giá có vai trò thiết yếu không chỉ giúp bình ổn thương mại và luồng đầu tư mà còn tạo ra cơ chế giám sát tài chính để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, chế độ tỷ giá tối ưu là tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của từng nước riêng biệt, từng thời điểm và khó có thể dàn xếp một chế độ tỷ giá chung cho tất cả các nền kinh tế đang nổi, nơi mà tình trạng nợ nước ngoài là khá nghiêm trọng (Inđônêxia, Malaixia), thâm hụt ngân sách kinh niên và trầm trọng (Philippin), nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy tình trạng yếu kém còn kéo dài (Lào, Campuchia, Mianma), chất lượng tăng trưởng chưa cao (Việt Nam). Để có thể hợp tác về tỷ giá, các thành viên trong khối phải chia sẻ nguyên tắc điều
hành chính sách kinh tế vĩ mô. Và để cơ chế phối hợp tỷ giá có thể phát huy hiệu quả, nhu cầu hệ thống giám sát thực sự phải được đáp ứng ở các nước thành viên.
2.3.1.4 Chênh lệch về trình độ phát triển đang khiến cho chi phí tài chính hỗ trợ gia tăng
Khoảng cách quá lớn giữa các nhóm nước phát triển và chậm phát triển khiến cho các nguồn tài chính tăng thêm, thời gian thu hẹp khoảng cách dài hơn và việc chia sẻ lợi ích kinh tế từ các dự án khó khăn hơn. Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) là nơi hội tụ 4 nền kinh tế chậm phát triển nhất trong khối cũng là khu vực thu hút sự quan tâm của nhiều nhà tài trợ nước ngoài. Trong 10 năm (1992 - 2002), 100 hạng mục đầu tư cho GMS đã được cung cấp 3,5 tỷ USD từ cộng đồng tài trợ quốc tế. Chênh lệch về tư duy kinh tế đã tác động không nhỏ đến những quyết định lựa chọn dự án đầu tư như thế nào, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên nào để có thể tất cả các bên đều có lợi và dự án đạt kết quả mong đợi.