Giải pháp kiểm soát hàng cầm cố

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHO VAY CẦM CỐ Ở NGÂN HÀNG TMCP Á CHÂU (Trang 72)

 Một trong những rủi ro đầu tiên là rủi ro từ việc tài sản đảm bảo cho khoản vay là tài sản hình thành từ vốn vay. Để kiểm soát rủi ro này, nhân viên tín dụng cần xem xét những yếu tố sau:

+ Yêu cầu khách hàng chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bằng các giấy tờ cần thiết: hợp đồng mua bán, bộ chứng từ hàng hoá, tờ khai hải quan.

+ ACB ký với khách hàng Hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản đối với tài sản hình thành trong tương lai quy định rõ về quyền hạn và nghĩa vụ đối với tài sản thế chấp/cầm cố trong thời gian cầm cố tại ACB.

+ Yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm hàng hoá trong suốt thời gian hàng hoá cầm cố và bên thụ hưởng là ACB hoặc chuyển quyền thụ hưởng sang cho ACB trong trường hợp hàng hoá đã được mua bảo hiểm.

+ Khi lập L/C nhân viên thanh toán quốc tế cần tính toán một cách chính xác nhất thời gian vận chuyển hàng hoá cũng như thời gian lưu chuyển của bộ chứng từ sao cho bộ chứng từ và hàng hoá về đến nơi trong khoảng thời gian hợp lý nhất, để tránh giảm thiểu rủi ro trong trường hợp ngân hàng đã giải ngân thanh toán mà hàng hoá vẫn chưa về đến cảng.

 Một phần quan trọng trong quá trình kiểm soát hàng hoá là khâu vận chuyển hàng hoá từ cảng về kho hàng. Rủi ro phát sinh trên đường vận chuyển như tráo hàng, thiếu hụt hàng … Để hạn chế điều này, nhân viên các bộ phận cần phối hợp chặt chẽ với nhau:

+ Nhân viên thẩm định tiến hành kiểm tra hàng hoá cùng với doanh nghiệp khi lô hàng về cảng, ghi nhận cụ thể khối lượng lô hàng, đặc điểm, chủng loại hàng hoá, lập thành văn bản có ký xác nhận của ngân hàng, khách hàng và công ty vận chuyển.

+ Nhân viên thẩm định của Phòng thẩm định tài sản cần tham gia và kiểm soát chặt chẽ trong quá trình vận chuyển hàng từ cảng về kho.

+ Nhân viên thẩm định tài sản tiến hành kiểm tra hàng hoá cùng với khách hàng trước và sau khi hàng nhập kho. Các kho hàng được thuê thường đặt trong thành phố nên về thời gian vận chuyển và nhập kho có phần khó khăn vì xe tải chỉ được phép lưu thông trong thành phố từ 21 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, trong khi đó các kho chỉ hoạt động trong giờ hành chánh. Nên khi nhập kho hàng hoá đôi khi không có sự giám sát chặt chẽ, nhân viên thẩm định phải tiến hành kiểm tra hàng hoá sau khi đã nhập kho cùng với khách hàng và phải lập biên bản kiểm tra có chữ ký của nhân viên thẩm định, khách hàng và đại diện bên kho bãi.

 Rủi ro phát sinh khi hàng hoá để tại kho cũng rất lớn. Rủi ro do kho hàng không được bảo vệ kỹ lưỡng, rủi ro gian lận của khách hàng khi xuất hàng, rủi ro thông đồng giữa bảo vệ kho hàng và khách hàng … Do đó, phải tăng cường công tác quản lý hàng hoá tại kho trong thời gian hàng hoá được giữ tại kho:

+ ACB ký hợp đồng thuê kho với đối tác quy định rõ các điều kiện ràng buộc về an toàn hàng hoá, trách nhiệm trong đền bù trong trường hợp thiếu hụt mất mát cũng như quy định cụ thể rõ ràng những giấy tờ, chữ ký, mộc dấu cần thiết khi xuất kho.

+ Tuyển chọn kỹ nhân viên bảo vệ kho là những người có uy tín tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, có tư cách đạo đức tốt và là người lương thiện. Đào tạo kỹ về chuyên môn và kỹ năng trong công việc.

+ Nhân viên tín dụng thường xuyên kiểm tra hàng tồn kho xem có đúng như sổ sách ghi nhận của ngân hàng và chủng loại hàng có đúng như lô hàng đã nhập kho hay không.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHO VAY CẦM CỐ Ở NGÂN HÀNG TMCP Á CHÂU (Trang 72)