Ngành bao bì nhựa Việt Nam trong những năm gần đây có tốc độ phát triển khá cao, sản lượng năm 2006 tăng gấp 8 lần sản lượng năm 1996. Theo quy hoạch phát triển ngành nhựa đến năm 2010 của Bộ Công nghiệp, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa sẽ tiếp tục giữ vững ở mức 20 – 25%/năm như trong những năm vừa qua.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, ngành nhựa Việt Nam sẽ đạt mức tiêu thụ sản phẩm 4,2 triệu tấn vào năm 2010, xấp xỉ gần 4 lần hiện tại. Điều này cho thấy ngành nhựa Việt Nam có tiềm năng, triển vọng sáng sủa trong tương lai.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển ngành nhựa Việt Nam thì đến năm 2010, ngành nhựa sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu lên trên 50% và dần thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã thông qua kế hoạch dành gần 1 tỷ USD để hỗ trợ việc xây dựng và cải tạo nhà máy sản xuất nguyên liệu thô để đáp ứng 50 – 60% nhu cầu của ngành nhựa.
Chính sách về đầu tư của Bộ Công nghiệp về việc Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nhựa Việt Nam đến năm 2010 như sau gắn công nghiệp sản xuất nguyên liệu ngành Nhựa với công nghiệp hoá dầu. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam phối hợp các doanh nghiệp ngành nhựa đầu tư các nhà máy sản xuất nguyên liệu ngành Nhựa, đảm bảo chất lượng, ổn định nguồn cung cấp trong nước, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm nhựa trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Khuyến khích các thành phần kinh tế và đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất các sản phẩm nêu trên.
Chính sách về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như sau: Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các viện, trung tâm nghiên cứu chất dẻo và đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nhựa. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp nghiên cứu sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt nghiên cứu sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu. Chú trọng đào tạo các nghề mới phục vụ cho các nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật cao. Các cơ sở sản xuất tự tổ chức đào tạo tại chỗ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho cơ sở.
Chính sách về huy động vốn được đề cập như một vấn đề quan tâm hàng đầu trong quy hoạch phát triển: Vốn ngân sách, vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước tập trung cho các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển ngành, hạ tầng ngoài hàng rào nhà máy, đào tạo
nguồn nhân lực cho ngành kể cả bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại. Thu hút các nguồn vốn trong dân cư, vốn cổ phần hoá, bán cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán, vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cả vốn ODA, quỹ môi trường, các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức phi chính phủ để đầu tư các dự án xử lý môi trường.
Trong giai đoạn 2006 – 2010, Tổng công ty Nhựa Việt Nam dự kiến mở rộng, thêm công suất 2 nhà máy hiện có hoặc xây dựng thêm 1 nhà máy nâng sản lượng đối với các sản phẩm PVC lên 320.000 tấn/năm, PE, PP lên 1.000.000 tấn/năm, màng BOPP, OPP lên 24.000 tấn/năm; đầu tư mới các dự án PS 60.000 tấn năm, nhựa kỹ thuật 10.000 tấn/năm, đưa nguyên liệu trong nước đạt 1,5 triệu tấn/năm so tổng nhu cầu 4,2 triệu tấn/năm.
Việc xây dựng nhà máy sản xuất màng BOPP – một vật liệu bao bì cao cấp được sử dụng cho nhiều sản phẩm trên nhiều lĩnh vực khác nhau như bao bì thuốc lá, thực phẩm, may mặc, bột giặt ... đang phải nhập khẩu 100% và có tốc độ phát triển cao, tới 30% trong những năm qua, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự phát triển không chỉ đối với Tổng công ty Nhựa Việt Nam, mà cả ngành nhựa nói chung.
3.1.5.2 Những ảnh hưởng của tiến trình hội nhập quốc tế đến cung – cầu sản phẩm phẩm
Khi gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế có nghĩa là ngành nhựa Việt Nam sẽ có cơ hội giao thương ngày càng nhiều hơn cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Nhu cầu thị trường còn rất lớn. 90% nguyên vật liệu đầu vào của các doanh nghiệp nhựa trong nước là hàng nhập khẩu. Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO nên thuế suất nhập khẩu nguyên liệu nhựa sẽ giảm, thủ tục hải quan sẽ thông thoáng hơn ... nhờ đó tiết kiệm được chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên liệu, cơ khí chế tạo khuôn mẫu ... có thể trở thành rủi ro bất cứ lúc nào, nhất là khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hội nhập. Nếu không được đầu tư chuẩn bị tốt sẽ dẫn đến tình trạng các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng khi nguồn nguyên liệu khan hiếm hoặc có biến động lớn.
Tiến trình hội nhập quốc tế đã đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp nhựa Việt Nam về việc phát triển thị trường xuất khẩu cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận với công nghệ sản xuất hiện đại của Nhật và Châu Âu.
3.1.5.3 Phương hướng hoạt động của ngành nhựa Việt Nam năm 2008
Trong hơn 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành Nhựa Việt Nam từ 15-20% mỗi năm và đã được thừa nhận là một ngành năng động trong nền kinh tế quốc gia. Thị trường trong nước cũng như thị trường thế giới đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành Nhựa do nhu cầu về sản phẩm nhựa ngày càng tăng. Mục tiêu của ngành Nhựa Việt Nam là nỗ lực phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu của ngành vào khoảng 1 tỷ USD vào năm 2008, để có thể gia nhập “Câu lạc bộ 1 tỷ USD” của nước ta.
3.2 Những giải pháp nhằm hoàn thiện và phát triển sản phẩm cho vay cầm cố hạt nhựa tại ngân hàng TMCP Á Châu – chi nhánh Ông Ích Khiêm
Để có thể phát triển và trụ vững trong điều kiện nền kinh tế thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, quyết liệt thì ngân hàng Á Châu cũng như các ngân hàng khác cần phải đề ra những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hoạt động và giữ vững vị thế của mình trên thị trường. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là hoạt động tín dụng của ngân hàng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn, vì thế các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa rủi ro tín dụng luôn là vấn đề các ngân hàng quan tâm hàng đầu. Sau đây là một số giải pháp:
3.2.1 Tăng cường công tác tiếp thị sản phẩm – Đặt ra tiêu chí lựa chọn khách hàng hàng
Chi nhánh cần lên kế hoạch tiếp thị cụ thể, đặc biệt đối với sản phẩm này thì cần tập trung tiếp thị đến với đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp nhựa bằng thư chào, e-mail, điện thoại.
Bên cạnh việc tìm kiếm khách hàng mới là công tác chăm sóc và phát triển khách hàng hiện hữu của chi nhánh, thoã mãn tối đa những nhu cầu hiện tại và đáp ứng ngay những nhu cầu mới phát sinh.
Lựa chọn khách hàng là một trong những biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng được đặt lên trước tiên trong hoạt động tín dụng vì khi lựa chọn được những khách hàng càng tốt thì chất lượng tín dụng càng được tăng cao. Vì thế, ngân hàng Á Châu cần phải đặt ra tiêu chí ưu tiên trong việc lựa chọn khách hàng trong tương lai:
+ Hiện nay, cả nước với gần 2.000 doanh nghiệp nhựa đang hoạt động sản xuất kinh doanh và hầu hết là các doanh nghiệp tư nhân vì thế quá trình tìm
hiểu và lựa chọn khách hàng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nhân viên tín dụng. Do đó, một trong những tiêu chí lựa chọn khách hàng đối với sản phẩm này là khách hàng phải là những doanh nghiệp trong Hiệp hội nhựa Việt Nam. Điều này giúp các nhân viên tín dụng có nguồn thông tin đáng tin cậy về quá trình hình thành và phát triển, thông tin về tổ chức quản lý và điều hành doanh nghiệp, thông tin về tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình quản lý của khách hàng từ Hiệp hội Nhựa.
+ Ngành sản xuất nhựa là ngành cần phải đầu tư vào dây chuyền sản xuất và công nghệ để có thể cho ra những sản phẩm tốt có chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đó là yếu tố quan trọng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường của các doanh nghiệp. Vì thế, tiêu chí tiếp theo cần đưa ra là lựa chọn những doanh nghiệp có đầu tư dây chuyền công nghệ, nhà xưởng kiên cố, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, hoàn chỉnh từ khâu chế bản đến khâu thành phẩm. Đây cũng là một trong những yếu tố chứng tỏ chủ doanh nghiệp có sự đầu tư, chăm chút đúng mức cho hoạt động sản xuất kinh doanh và có kế hoạch phát triển lâu dài. Điều này làm tăng uy tín của doanh nghiệp đối với ngân hàng.
+ Bên cạnh yếu tố về uy tín và quy mô thì yếu tố con người cũng rất quan trọng, nó quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp. Vì thế, những doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn là những doanh nghiệp có được đội ngũ lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản, cùng đội ngũ cán bộ công nhân viên, cán bộ kỹ thuật, quản lý giỏi. Đội ngũ lao động lành nghề, được đào tạo bài bản sẽ đảm bảo được chất lượng sản xuất tốt, kỹ luật cao trong công tác. Đội ngũ cán bộ công nhân viên, cán bộ kỹ thuật có trình độ sẽ đưa ra những kế hoạch sản xuất và kế hoạch nhân công hợp lý, phù hợp và đáp ứng được nhu cầu thực tế, đảm bảo tiến độ công việc được hoàn thành như mục tiêu đề ra. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý giỏi có kinh nghiệm là yếu tố quan trọng không kém, đó là yếu tố quyết định thành công của một doanh nghiệp, vì quản lý giỏi sẽ có thể đưa ra những đề án, dự án phát triển phù hợp với bản thân doanh nghiệp và tình hình thị trường, quản lý tốt sẽ cân đối được nguồn tiền của doanh nghiệp một cách hợp lý nhất. Đây là điều quan trọng trong công tác thẩm định mà nhân viên tín dụng cần quan tâm để có thể cùng doanh nghiệp tính toán nguồn trả nợ cho khoản vay sao cho phù hợp và có lợi nhất cho cả khách hàng lẫn ngân hàng.
3.2.2 Tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng dụng
Trong hoạt động tín dụng, công tác thẩm định trước khi cho vay và kiểm tra giám sát sau khi cho vay là rất quan trọng. Công tác này giúp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của ngân hàng.
Để có thể nắm bắt được thông tin khách hàng một cách chính xác hơn, các nhân viên tín dụng cần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhau trong công tác tiếp xúc, thu thập, xử lý thông tin và thẩm định khách hàng.
Một trong những yêu cầu đảm bảo chất lượng tín dụng là khâu kiểm tra chứng từ. Để công tác này được hoàn thành tốt, nhân viên tín dụng cần phối hợp với bộ phận Pháp lý chứng từ trong việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ pháp lý của khách hàng, các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản và các giấy tờ pháp lý khác. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán bằng L/C qua ngân hàng thì cần thiết trên hết là sự phù hợp và chính xác của bộ chứng từ khi được gửi về ngân hàng. Do đó, nhân viên tín dụng cũng cần phối hợp chặt chẽ với bộ phận Thanh toán quốc tế trong việc kiểm tra bộ chứng từ, hợp đồng thương mại, giấy tờ hải quan của lô hàng hạt nhựa cầm cố ... Thẩm định lô hàng hạt nhựa nhập khẩu làm tài sản cầm cố là khâu quan trọng nhất trong công tác thẩm định. Để đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong công tác thẩm định giảm thiểu rủi ro tín dụng, chi nhánh cần phải phối hợp chặt chẽ với Phòng thẩm định tài sản trong công tác thẩm định lô hàng hạt nhựa nhập khẩu, đảm bảo lô hàng hạt nhựa đúng chất lượng và số lượng ghi trong hợp đồng và bộ chứng từ hàng hoá, tránh trường hợp lô hàng nhập khẩu kém chất lượng, không đảm bảo số lượng, không phải là loại hạt nhựa mà khách hàng đã cam kết cầm cố cho ACB để đảm bảo khoản vay. Đồng thời, nhân viên tín dụng chi nhánh cũng cần tranh thủ học hỏi những kiến thức cơ bản về loại hàng hoá đặt biệt này để có thể nhạy bén hơn trong quá trình tác nghiệp như công tác kiểm tra kho định kỳ trong quá trình lô hàng được lưu giữ.
Thu hồi nợ là khâu quan trọng nhất trong hoạt động kiểm soát sau cho vay, vì thế công tác nhắc nợ, tiến hành thu lãi vay và vốn gốc đúng hạn cần được thực hiện tích cực. Nhân viên tín dụng chi nhánh cần chủ động hơn trong hoạt động tìm hiểu đặc điểm, tính cách và thói quen của từng khách hàng để có kế hoạch nhắc nợ phù hợp với từng đối tượng. Giúp khách hàng yên tâm về khoản thời gian trả nợ đã được thông báo trước và nhắc nhở khi đến hạn, điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của nhân
viên tín dụng, góp phần tăng uy tín của ngân hàng đối với khách hàng, đồng thời giảm thiểu tình trạng khách hàng không chuẩn bị kịp nguồn tiền để thanh toán khoản nợ đến hạn do khách hàng quên hay nhớ nhầm ngày trả nợ. Công tác này cũng góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và chất lượng dịch vụ của chi nhánh Ông Ích Khiêm nói riêng và của ACB nói chung trên thị trường. Song song với việc nhắc nợ là sự nhạy bén trong việc tiếp xúc với khách hàng khi họ gặp khó khăn hoặc ý định không trả nợ thì nhân viên tín dụng phải chủ động trình báo cấp trên dể gia tăng mức độ quan sát và theo dõi, trong những trường hợp cần thiết có thể phải xử lý thu hồi nợ trước hạn.
Sau khi giải ngân, công tác kiểm tra mục đích sử dụng vốn và tình hình của khách hàng cần được nhân viên tín dụng lập kế hoạch kiểm tra cụ thể. Nhắc nhở khách hàng bổ sung những giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn đúng thời gian cam kết. Định kỳ và đột xuất đến thăm cơ sở sản xuất kinh doanh của khách hàng để nắm bắt kịp thời hoạt động và những biến động xảy ra trong doanh nghiệp để có những biện pháp giúp đỡ và xử lý khi cần thiết.
Khi đã tất toán khoản vay thì không có nghĩa là khách hàng đó đã hết nhu cầu, vì thế mỗi nhân viên tín dụng cần phải tiếp tục theo dõi, quan tâm bằng việc thăm hỏi hoạt động của doanh nghiệp, nhu cầu của doanh nghiệp cũng như nhu cầu của cá nhân và nếu có thể là cả nhu cầu của người thân quen của khách hàng để có thể đáp ứng kịp thời những nhu cầu mới phát sinh. Tránh tình trạng mất khách hàng do thiếu sự quan tâm.
3.2.3 Giải pháp kiểm soát hàng cầm cố
Một trong những rủi ro đầu tiên là rủi ro từ việc tài sản đảm bảo cho khoản vay là tài sản hình thành từ vốn vay. Để kiểm soát rủi ro này, nhân viên tín dụng cần xem xét những yếu tố sau:
+ Yêu cầu khách hàng chứng minh tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bằng các giấy tờ cần thiết: hợp đồng mua bán, bộ chứng từ hàng hoá, tờ khai hải quan.