Diện tích đất nông nghiệp của hộ

Một phần của tài liệu Những yếu tố tác động đến nghèo ở vùng Gò Công Luận văn thạc sĩ (Trang 92)

6. Kết cấu đề tài nghiên cứu

4.1.5. Diện tích đất nông nghiệp của hộ

Với vùng sống chủ yếu nhờ nông nghiệp thì diện tích đất nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm nghèo. Tuy nhiên, thật khó để tăng diện tích đất nông nghiệp của một hộ bởi quỹ đất nông nghiệp hiện nay là có hạn, diện tích đất/người của vùng Gò Công rất thấp (khoản 0,11 ha/người), với tốc độ đô thị hóa và các dự án công nghiệp đang triển khai thực hiện thì quỹ đất dành cho nông nghiệp của vùng sẽ càng bị thu hẹp. Do vậy, giải pháp khả thi

hơn là tập trung cải thiện chất lượng đất và phát triển nông nghiệp theo chiều sâu để tăng năng suất đất.

Trước hết cần cũng cố, đầu tư nâng cấp các hệ thống thủy lợi của vùng để người dân trong vùng không bị thiếu nước ngọt để tưới tiêu cho nông nghiệp trong mùa khô, thường xuyên kiểm tra hệ thống đê, đập... để tránh bị nhiễm mặn.

Chọn các cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Ví dụ như tập trung nghiên cứu tạo ra giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn tốt. Nghiên cứu chọn mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp để sản xuất hiệu quả như VAC (vường, ao, chuồng), RVAC (ruộng, vườn, ao, chuồng), RRVACB (ruộng, rẫy, vườn, ao, chuồng, biogas)… Hiện nay, việc chọn cây trồng hoặc vật nuôi của các nông hộ trong vùng còn mang tính tự phát, mỗi nhà làm mỗi kiểu. Chẳng hạn việc trồng lúa, mỗi ấp sản xuất hàng chục giống lúa khác nhau, có hộ sản xuất đến 3 giống lúa nhưng khi bán lại trộn chung nhau bán cùng một giá, vì vậy giá bán và chất lượng lúa còn rất thấp. Do đó cần phải quy hoạch vùng nông sản đặc trưng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng để cải thiện thu nhập của người dân.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp để tăng hiệu quả đầu tư, cơ giới hóa nông nghiệp để giải phóng lực lượng lao động dư thừa và chuyển dịch cơ cấu. Với thói quen sản xuất theo tập quán cũ, qui mô nhỏ lẻ, manh mún như hiện tại thì rất khó khăn cho việc áp dụng kỹ thuật để cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất của đất, vì cải thiện chất lượng đất không chỉ là việc của một hai hộ, mà cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều hộ. Chẳng hạn việc trồng trọt phải đồng bộ để khi có dịch bệnh như sâu rầy thì dễ phòng chống hơn, việc bơm nước rửa phèn, rửa mặn cũng dễ dàng hơn và đem lại hiệu quả cao hơn. Vì vậy, cần phải đẩy nhanh việc tích tụ ruộng đất, phát

triển các mô hình trang trại phù hợp với địa phương để thúc đẩy việc đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, giúp nâng cao hiệu quả cho nông nghiệp. Tuy nhiên, thực hiện giải pháp này thì vấn đề không tránh khỏi là một bộ phận lao động trong nông nghiệp có thể bị mất việc. Do vậy cần kết hợp với giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý để tránh những tiêu cực phát sinh trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp của vùng.

Một phần của tài liệu Những yếu tố tác động đến nghèo ở vùng Gò Công Luận văn thạc sĩ (Trang 92)