3.2.2.1. Hỗ trợ vốn cho hộ nghèo
Như đã phân tích ở phần thực trạng, vốn là nhu cầu bức thiết đối với đa phần các hộ nghèo. Thiếu vốn là nguyên nhân quan trọng nhất đẩy các hộ vào con đường nghèo đói. Do đó, giúp người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi
là một giải pháp hữu hiệu tạo điều kiện giúp người nghèo có việc làm, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo.
Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội đang là chủ thể cho vay vốn giảm nghèo. Tuy nhiên, để chính sách tín dụng đến được với từng người dân và phát huy hết hiệu quả thì cần chú ý đến một số điểm sau:
- Nắm thông tin và xác định đối tượng cho vay: Trước tiên, phải xem xét, phân loại các đối tượng trợ vốn, tổ chức điều tra để nắm thông tin lên danh sách hộ nghèo. Do danh sách hộ nghèo luôn có sự thay đổi nên cần cập nhật danh sách thường xuyên để nguồn vốn đến được đúng đối tượng. Cần ưu tiên vay vốn cho hộ chính sách nằm trong diện nghèo, và xem xét cho những hộ nghèo hơn, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh khả thi hơn vay trước.
- Khai thác nguồn vốn: Huy động nguồn vốn cho vay từ nhiều nguồn: Ngân hàng Chính sách xã hội, các chương trình, dự án của tỉnh, của huyện, của các tổ chức và đoàn thể… và của nhân dân đóng góp.
Trên thực tế là với nguồn lực của quốc gia và địa phương hiện nay không thể có khoản tiền khổng lồ để cho tất cả người nghèo vay với lãi suất ưu đãi. Vì vậy, ngoài việc sử dụng chính sách tín dụng cho người nghèo thông qua Ngân hàng CSXH, Huyện có thể huy động sức mạnh của cộng đồng, thông qua hoạt động của các đoàn thể như: các quỹ của hội Nông dân, hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên … nhằm kêu gọi đóng góp của các thành viên trong hội luân phiên giúp nhau thoát nghèo, làm giàu. Hoặc thành lập các nhóm tiết kiệm giúp nhau làm kinh tế thông qua việc cùng góp vốn để cho các hội viên lần lượt sử dụng, nhưng phải trả một khoản lãi nhỏ cho nhóm để đảm bảo người sử dụng vốn sau sẽ được sử dụng lượng vốn nhiều hơn người sử dụng trước đó. Khuyến khích phát triển các hình thức tín dụng - tiết kiệm có lợi cho người nghèo, nhất là các hình thức tín dụng - tiết kiệm của các đoàn thể.
- Cơ chế tín dụng: Cung cấp tín dụng quy mô nhỏ với lãi suất ưu đãi cho các hộ gia đình nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo có chủ hộ là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, hộ có người tàn tật. Tăng mức vay và thời gian vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh để người nghèo có đủ lực vốn, đủ thời gian cho cây, con trưởng thành đến khi thu hoạch cũng như để mở rộng sản
xuất kinh doanh trên diện rộng và tăng cường áp dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại. Đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay thông qua tổ, nhóm tín dụng - tiết kiệm để hạn chế tình trạng nợ đọng và vốn vay không hiệu quả.
Tiếp tục đa dạng hóa nguồn vốn và nâng mức vay tín dụng gắn với hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trung tâm khuyến nông, khuyến lâm của huyện để giúp đỡ hộ nghèo sử dụng vốn hiệu quả, xây dựng phương án sản xuất khả thi, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người nghèo cách làm ăn.
3.2.2.2. Hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người nghèo
Sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp gắn bó mật thiết tới đời sống người dân bởi những sản phẩm của sản xuất nông nghiệp sẽ giúp người dân có một lượng lương thực, thực phẩm dự trữ cần thiết để không bị rơi vào tình trạng nghèo đói. Mặt khác, những sản phẩm đó cũng có thể trở thành hàng hóa để bán, làm gia tăng thu nhập. Xét đến cùng, tạo cho người nghèo một ngành nghề để có thể đảm bảo cuộc sống chính là phương cách giảm nghèo bền vững nhất. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến đói nghèo ở Đoan Hùng là do người dân thiếu kinh nghiệm làm ăn, không định hướng được nên trồng cây gì, nuôi con gì… Vì vậy, người nghèo rất cần sự hỗ trợ từ phía chính quyền và xã hội.
Trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ dịch vụ sản xuất cho hộ nông dân nghèo cần thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn, gắn sản xuất hàng hóa với thị trường tiêu thụ.
- Trong nông nghiệp, cây lâm nghiệp, cây chè và cây bưởi vẫn là “bộ ba” phát triển trọng điểm của nông nghiệp Đoan Hùng. Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện cần có những Nghị quyết, Kế hoạch và các giải pháp cụ thể hỗ trợ các hộ nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm từ việc phát huy được thế mạnh các chương trình kinh tế trọng điểm nhất là đối với cây lâm nghiệp, cây chè, cây bưởi trong nền kinh tế chung của huyện.
+ Với cây lâm nghiệp: quan tâm huy động các nguồn vốn để giúp người dân đặc biệt giúp hộ nghèo trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
+ Đối với cây chè: ưu tiên hỗ trợ người nghèo nguồn vốn vay từ các chương trình dự án để cải tạo, trồng mới và thâm canh chè. Giới thiệu, động viên hộ nghèo đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao.
+ Cây bưởi đặc sản là trọng tâm của chương trình sản xuất nông nghiệp huyện Đoan Hùng, là cây thế mạnh, có thu nhập cao và ổn định khi đến thời gian thu hoạch, có thể giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững, song đây cũng là loại cây khó tính, đòi hỏi kỹ thuật trong quá trình chăm sóc. Do đó, huyện cần có chính sách hỗ trợ giống, trợ giá giống Bưởi đối với các hộ nghèo, tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền, chuyển giao KHKT, quản lý Nhà nước, tổ chức sản xuất đối với chương trình cây bưởi với phương pháp cầm tay chỉ việc chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn hộ nghèo áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh đảm bảo cho các vườn bưởi sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao thông qua việc phối hợp mở các lớp dạy nghề “trồng, chăm sóc cây ăn quả/cây có hạt”, các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các buổi hội nghị tham quan đầu bờ, tuyên truyền trao đổi kinh nghiệm, đánh giá kết quả của mô hình đến với đối tượng hộ nghèo để mọi người áp dụng.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền Huyện cần xây dựng chợ đầu mối lâm sản tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm từ trồng rừng; cần chỉ đạo, củng cố hoạt động của Hiệp hội bưởi Đoan Hùng, tăng cường công tác quản lý, chỉ dẫn địa lý bên trong và bên ngoài của bưởi Đoan Hùng để thương hiệu phát triển bền vững và xây dựng các chính sách thu hút vốn của các doanh nghiệp để đầu tư đổi mới công nghệ chế biến chè, hình thành được vùng chế biến chè chất lượng cao, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè khô để tạo ra sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh thúc đẩy vùng chè phát triển... góp phần tạo thị trường đầu ra ổn định cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hộ nghèo nói riêng và các hộ dân trên địa bàn huyện nói chung.
- Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: đặc biệt quan tâm phát triển các làng nghề, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp như nghề mộc tại xã Chí Đám, Vân Du, nghề đan mành cọ, chiếu trúc tại các xã Tiêu Sơn, Chân Mộng, Yên Kiện, hợp tác xã chế biến chè tại xã Tây Cốc, Ngọc Quan, Minh Tiến,
các cơ sở chế biến lá Diễn xuất khẩu tại các xã Chân Mộng, Vân Đồn, Vụ Quang, Tiêu Sơn. Khuyến khích đầu tư các cơ sở tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, cơ sở chế biến nông, lâm sản, tạo việc làm cho người nghèo đồng thời nâng cao giá trị kinh tế cho các mặt hàng nông sản của địa phương.
Cần phối hợp mở các lớp đào tạo nghề dành cho người nghèo như may công nghiệp... để cung ứng nguồn lao động nghèo cho các doanh nghiệp, các công ty may mặc, giày da... tại khu công nghiệp Sóc Đăng và Ngọc Quan trên địa bàn huyện.
- Trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, cần tổ chức tốt các hình thức tư vấn xuất khẩu lao động và nâng cao chất lượng lao động thông qua các hình thức hỗ trợ học phí, tài liệu học tập. Hỗ trợ chi phí đào tạo và làm thủ tục để lao động nghèo có điều kiện tham gia xuất khẩu lao động.
3.2.2.3. Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo
Trong thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, của tỉnh đối với huyện, công tác vận động tuyên truyền được chú trọng ở các cấp, các ngành; công tác dự báo, hướng dẫn chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật cho nông dân thường xuyên, kịp thời. Để tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện, trong thời gian tới cần quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo sau:
a. Xây dựng mô hình sinh kế: mô hình sinh kế bền vững cho hộ nghèo là rất cấp thiết và được ưu tiên lựa chọn vì có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH, bảo vệ môi trường sinh thái. Những mô hình sinh kế được cho là phù hợp với người dân huyện Đoan Hùng hiện nay là mô hình 2 + 3, nghĩa là (2): yếu tố đất đai và lao động người dân tự lo, (3): yếu tố vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ nhà nước hỗ trợ. Đề xuất một số mô hình như sau:
- Trồng thâm canh rừng nguyên liệu và thay thế rừng bạch đàn tái sinh bằng các giống keo lai hom và keo lai hạt ngoại để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
- Nhân rộng các Tổ hợp tác sản xuất và chế biến chè ổn định trên vùng chè tại các xã Minh Tiến, Ngọc Quan, Tây Cốc và Phúc Lai nhằm hạn chế bị thương
lái ép giá, gắn kết vùng nguyên liệu với sản xuất chế biến nâng cao hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm giải quyết nguồn lao động tại địa phương.
- Thành lập các Tổ hợp tác trồng, chăm sóc cây Bưởi đặc sản để góp phần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả kinh tế đối với thu hập của hộ nghèo từ cây Bưởi.
- Chăn nuôi lợn thương phẩm tập trung hàng hóa tại các xã Minh Phú, Vụ Quang, Vân Đồn, Hùng Quan.
Giải pháp thực hiện: lồng ghép vốn Chương trình MTQG giảm nghèo, Chương trình, dự án khuyến nông,... đầu tư, hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện, nhằm nâng cao giá trị thu nhập; Tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn người nghèo tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững; Thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thiên tai nhằm tránh và giảm thiểu thiệt hại do yếu tố khách quan mang lại; Tham mưu với UBND tỉnh Phú Thọ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất, chế biến sau thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.
b. Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật mới và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả ra đại trà: Xây dựng mô hình trình diễn là phương pháp chủ đạo để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho người sản xuất, nhằm thay thế hình thức sản xuất truyền thống bằng các kỹ thuật sản xuất thâm canh tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Các mô hình trình diễn kỹ thuật tập trung vào các lĩnh vực sau đây:
Mô hình trang trại tổng hợp theo hướng hàng hóa đối với cây Bưởi và một số vật nuôi chủ lực: trâu, bò, lợn và gia cầm.
Mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp như: nuôi ong lấy mật dưới tán rừng keo lai, vườn Bưởi; trồng Bưởi kết hợp trồng xen cây nông nghiệp (lạc, đỗ, đinh lăng) khi Bưởi chưa khép tán, hoặc mạch môn (khi Bưởi đã khép tán),...
- Tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất lúa lai tại các huyện chưa có mô hình hoặc đã có mô hình nhưng kết quả chưa đạt so với mục tiêu đề ra.
Giải pháp thực hiện: lồng ghép các nguồn vốn đầu tư đang triển khai tại huyện để hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện sản xuất, trình độ canh tác của người dân, tạo ra những mô hình mẫu về sản xuất để tổ chức các chuyến thăm quan học tập, các lớp tập huấn hay hội nghị
đầu bờ nhằm chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất theo cách "nông dân tự chuyển giao cho nông dân". Đối tượng tham gia là hội viên của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương, già làng trưởng bản, người có uy tín làm lực lượng nòng cốt, đầu tàu trong việc triển khai thực hiện mô hình trình diễn. Xây dựng mô hình có sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích sự tham gia của người dân càng nhiều càng tốt, không áp đặt mệnh lệnh, chỉ hỗ trợ, không "ban phát" hay làm thay.
Các hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất cần được chú trọng nhiều hơn để tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo trên địa bàn huyện thay đổi nhận thức, tích cực tham gia phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.
3.2.2.4. Lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn huyện để tạo thêm nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo.
Việc lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình KTXH trên địa bàn huyện với chương trình giảm nghèo là một giải pháp hết sức quan trọng bởi đói nghèo là vấn đề mang tính xã hội sâu sắc, phải giải quyết đồng bộ nhiều giải pháp, mặt khác cái gốc của nghèo đói xuất phát từ sản xuất, do đó giải quyết nghèo phải dựa trên cơ sở tăng trưởng kinh tế và thực hiện chương trình KTXH hằng năm của tỉnh cũng như của huyện. Việc phối hợp lồng ghép các chính sách, dự án trong hoạt động giảm nghèo ở Đoan Hùng là hết sức cần thiết nhằm giảm nghèo bền vững, tránh chồng chéo và tiết kiệm nguồn lực.
Cần xác định rõ nội dung, mục tiêu về giảm nghèo trong các chương trình dự án về phát triển KTXH và các chương trình dự án về giảm nghèo trên địa bàn từ việc xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá…
Lồng ghép các chương trình KTXH với chương trình giảm nghèo là sự phối hợp các hoạt động, nguồn lực có liên quan trực tiếp đến giảm nghèo của các chương trình KTXH khác trên địa bàn theo phương pháp kế hoạch hóa chương trình giảm nghèo nhằm mục tiêu giảm nghèo. Như vậy trong mối quan hệ này, chương trình giảm nghèo là một chủ thể lồng ghép, các chương trình dự án tham gia lồng ghép nhằm mục tiêu chúng là giảm nghèo. Các giải pháp lồng ghép các chương trình, dự án nhằm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện triển khai chương trình giảm nghèo:
Đối với các chương trình dự án có vốn đầu tư xây dựng cơ bản, có thể bố trí lồng ghép các phương pháp sau:
- Bố trí đầu tư tránh trùng lặp cùng hạng mục công trình trên cùng địa