Sự cần thiết của quản lý Nhà nước đối với giảm nghèo

Một phần của tài liệu Giải pháp quản lý nhà nước đối với giảm nghèo trên địa bàn huyện đoan hùng, tỉnh phú thọ (Trang 30)

Đói nghèo là một hiện tượng lịch sử - xã hội xuất hiện và tồn tại trong đời sống hiện thực của cộng đồng loài người từ bao đời nay và cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Đây là một trở ngại, một rào cản nghiêm trọng, một thách thức nghiệt ngã đối với sự phát triển.

1.1.4.1. Tác động của nghèo đói đối với đời sống kinh tế - xã hội

a. Tăng trưởng kinh tế: tăng trưởng kinh tế được hiểu là sự gia tăng số lượng, quy mô nền kinh tế một quốc gia. Giữa tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo tồn tại mối quan hệ hai chiều. Tác động của đói nghèo tới tăng trưởng kinh tế hết sức rõ ràng. Nếu coi các yếu tố cơ bản tác động đến tăng trưởng là tài nguyên, lao động, vốn, khoa học công nghệ thì có thể nói đói nghèo tác động đến tất cả các yếu tố này:

- Nghèo đói làm suy giảm năng lực tiết kiệm và đầu tư. Nghèo đói sẽ làm cho thể lực và trí lực của người lao động trở nên yếu kém, làm cho chất lượng lao động bị suy giảm, không thể vận hành các máy móc, thiết bị khoa học công nghệ mới phục vụ cho sản xuât. Đồng thời, không biết cách bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả nhất.

Người nghèo luôn có thu nhập thấp. Nếu tỷ lệ đói nghèo ở một quốc gia, vùng lãnh thổ cao thì tổng sản phẩm quốc nội GDP hay thu nhập bình quân đầu người đều sẽ bị giảm thiểu rõ rệt.

Ở chiều ngược lại, tăng trưởng kinh tế cao và bền vững sẽ dẫn đến giảm nghèo.

b. Gia tăng dân số: đói nghèo và sự gia tăng dân số luôn có mối quan hệ nhân quả với nhau. Đói nghèo vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của gia tăng dân số. Ngược lại, gia tăng dân số quá nhanh tất yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo.

Đói nghèo làm cho người dân khó có điều kiện tiếp xúc với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là dịch vụ kế hoạch hoá gia đình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng mức sinh ở các gia đình nghèo. Gia tăng dân số quá nhanh không tương thích với tốc độ tăng trưởng thực sự là một thách thức cho sự phát triển. Đồng thời, dân số đông cũng gây áp lực mạnh lên khai thác tài nguyên, tạo việc làm, giáo dục, y tế…

c. Chất lượng nguồn nhân lực và vấn đề việc làm: con người là tài nguyên vô giá của mỗi quốc gia, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nghèo đói sẽ tỷ lệ thuận với chất lượng nguồn nhân lực theo hướng làm giảm chất lượng nguồn nhân lực ở cả phương diện thể lực và trí lực. Nguồn nhân lực cũng có tác động ngược lại làm hạn chế hay gia tăng nghèo đói ở một quốc gia. Nguồn nhân lực có chất lượng tốt, thể hiện ở tình trạng sức khoẻ, trình độ văn hoá và trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động sẽ tác động đến hiệu quả lao động, năng suất lao động. Từ đó, tạo ra tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập cho người lao động. Đây là những yếu tố then chốt thúc đẩy giảm nghèo. Ở hướng ngược lại, khi chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo, thì người lao động sẽ không đủ các điều kiện cần thiết để vận hành máy móc, thiết bị hiện đại, không làm được những công việc đòi hỏi trình độ tay nghề cao. Vì vậy, thu nhập sẽ bị hạn chế, thậm chí có nguy cơ bị sa thải. Nếu trường hợp tỷ lệ người phụ thuộc cao, tức là người lao động ngoài việc tìm kiếm thu nhập phục vụ cho bản thân còn phải có thêm gánh nặng từ phía gia đình thì nguy cơ nghèo đói càng trở nên rõ rệt.

d. Tệ nạn xã hội: tệ nạn xã hội được xem là các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội gây ảnh hưởng về đạo đức, làm mất trật tự an toàn xã hội. Tệ nạn xã hội thường đồng hành với đói nghèo. Đói nghèo làm gia tăng tệ nạn xã hội ở các phương diện sau:

- Do nghèo đói một số trường hợp không có tư liệu sản xuất, không có vốn kinh doanh, nên không có điều kiện vươn lên làm giàu. Từ đó, sinh ra chán nản, triền miên trong các tệ nạn xã hội. Cùng đó, tình trạng thiếu ăn, thu nhập không đủ

đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cần thiết, khiến cho không ít người phải ép mình làm bất cứ việc gì mang lại thu nhập cho bản thân và gia đình.

- Tệ nạn xã hội có thể gây nên sự nghèo túng cho gia đình và xã hội, đồng thời có thể gây chấn động tâm lý, xáo trộn cuộc sống đối với những người xung quanh. Khi cuộc sống còn nhiều trăn trở, lo âu, bất an do tệ nạn xã hội gây ra, người dân không thể tập trung cho việc phát triển kinh tế, làm giàu.

e. Môi trường sinh thái: nghèo đói có mối liên quan mật thiết với trình trạng suy thoái môi trường. Đói nghèo là một trong những nguyên nhân dẫn đến môi trường sinh thái bị huỷ diệt.

Người nghèo thường không có nhận thức cao về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái. Nghèo đói có thể khiến cho người dân khai thác quá mức nguồn tài nguyên vốn đã hạn hẹp và càng làm cho nghèo đói trở nên trầm trọng hơn. Môi trường tự nhiên là nơi giúp cho người nghèo tạo nên thu nhập. Nhưng khi tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, lại không có chi phí để phục hồi, người nghèo không còn nhận được sự hỗ trợ từ thiên nhiên, nên cái đói, cái nghèo càng khốc liệt hơn, dai dẳng và không ngừng đeo đuổi.

g. Bình đẳng xã hội và bình đẳng giới: nghèo đói có thể tác động gây ra bất bình đẳng xã hội, đặc biệt là bất bình đẳng giới:

- Thông thường cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, thu nhập, mức sống của các tầng lớp dân cư đều tăng lên, song mức tăng lên của các nhóm dân cư đó không đều nhau, nhóm giàu tăng nhanh hơn nhóm khá, trung bình, nghèo và rất nghèo.

- Nghèo đói không chỉ tạo ra bất bình đẳng về phân phối thu nhập mà còn tạo ra sự bất bình đẳng về giới cả ở phạm vi quốc gia, các vùng lãnh thổ (địa phương) và ở các hộ gia đình. Bất bình đẳng tác động lớn đến người nghèo và làm giảm các mục tiêu xóa đói giảm nghèo:

- Trong quan hệ xã hội, người nghèo thường bị thiệt thòi nhất, thường không được đối xử bình đẳng. Người nghèo, hộ nghèo dễ bị xã hội khinh rẻ, coi thường.

h. Địa vị kinh tế, xã hội của người nghèo trong đời sống xã hội: đói nghèo, thiếu tư liệu sản xuất, thu nhập thấp, không tạo hoặc tạo không đầy đủ những tư liệu tiêu dùng so với mức trung bình xã hội, điều kiện sống thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Nên người nghèo thường có tâm lý mặc cảm, không hoặc ít tham gia hoạt động trong cộng đồng. Dẫn đến địa vị chính trị - xã hội thấp hơn một cách đáng kể so với mức trung bình.

Ngoài ra, do học vấn của người nghèo thường thấp, ít có điều kiện giao lưu, tiếp xúc để học hỏi nên trình độ hiểu biết của họ thường hạn hẹp. Vì vậy, họ không muốn tham gia vào các công tác chính trị, xã hội. Bản thân người nghèo không được coi trọng trong cộng đồng, không đựơc cộng đồng tín nhiệm, bởi vì họ không thể làm gương cho những người khác về trình độ hiểu biết cũng như kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.

1.1.4.2. Vai trò quản lý Nhà nước đối với giảm nghèo

Xóa đói giảm nghèo là tiền đề của ổn định và phát triển xã hội, là bộ phận cấu thành quan trọng của phát triển kinh tế xã hội, nếu như xóa đói giảm nghèo ở đâu đạt hiệu quả cao thì kinh tế xã hội ở đó phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của quốc gia, khu vực.

Xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn, quyết sách lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đối với Việt Nam, đói nghèo là vấn đề xã hội nhạy cảm nhất, nó ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt của một quốc gia, không chỉ riêng lĩnh vực kinh tế mà cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, an ninh quốc phòng và an toàn xã hội. Do vậy, sự quản lý của nhà nước và tăng cường hiệu lực QLNN trong lĩnh vực này là rất cần thiết và vô cùng quan trọng.

Nhà nước thể hiện vai trò quản lý của mình bằng việc đưa ra một cơ chế và một hành lang pháp lý nhằm kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và loại bỏ, xử lý thật nghiêm minh những đối tượng làm giàu bất hợp pháp, tham ô, tham nhũng. Những hiện tượng trên đang có tác động rất tiêu cực, cản trở sự phát

triển, gây nguy hại về nhiều mặt cho xã hội, trong XĐGN và phân hoá giàu nghèo. Đồng thời đề ra các chủ trương chính sách hữu hiệu giúp cho hoạt động giảm nghèo được triển khai thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ, phát huy hiệu quả cao nhất.

Thông qua hệ thống các văn bản, nhà nước thực hiện chức năng định hướng giảm nghèo, thu hút các nhà đầu tư, tập trung nguồn lực, gắn kết giữa các bộ ngành, các tổ chức đoàn thể… từ Trung ương đến cơ sở. Đồng thời huy động sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Nhà nước đảm bảo những điều kiện cần thiết để các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong việc chỉ đạo, thực hiện các hoạt động giảm nghèo. Các nguồn vốn huy động cho hoạt động giảm nghèo được quản lý và sử dụng đúng mục đích đến được với người nghèo, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, góp phần vào phát triển KTXH địa phương, đất nước.

Nhà nước với vai trò định hướng, hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nghèo. Bởi, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự đói nghèo và phân hoá giàu nghèo - cái trục của sự phân tầng xã hội và xa hơn là phân cực xã hội. Nhà nước và các ngành chức năng phối hợp định hướng và đào tạo nghề phù hợp cho lực lượng lao động nông thôn bằng cách mở các lớp dạy nghề tại chỗ, vừa dạy nghề, vừa phải rèn luyện cho họ ý thức, kỷ luật lao động và tác phong làm việc công nghiệp.

Nhà nước khuyến khích người dân làm giàu một cách chính đáng, đây là một trong những vấn đề cơ bản của chính sách xã hội hướng vào phát triển con người nói chung và người nghèo nói riêng, tạo cơ hội cho họ hoà nhập vào quá trình phát triển KTXH.

Nhà nước đẩy mạnh xã hội hoá công tác XĐGN. Việc giúp đỡ người nghèo, người yếu thế trong xã hội không chỉ là lương tâm, trách nhiệm mà còn là đạo lý của người Việt. Mặt khác, cần giúp cho người nghèo xoá bỏ sự tự ty, mặc cảm, trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Làm cho người nghèo thấy được rằng chỉ có bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm của chính mình thì mới có thể đưa họ thoát nghèo. Đây chính là cơ sở bền vững để thực hiện XĐGN theo đúng nghĩa của nó.

Như vậy, Nhà nước với vai trò quan trọng trong việc ban hành các văn bản pháp luật, các chương trình, kế hoạch, mục tiêu định hướng để thực hiện có hiệu quả công cuộc chống đói nghèo, huy động được cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, góp sức thực hiện mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Thực hiện tốt phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội là một trong những điều kiện cơ bản nhất để giữ vững được định hướng xã hội Chủ nghĩa (XHCN) trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập.

Xuất phát từ những ảnh hưởng của đói nghèo tới sự phát triển KTXH, từ kết quả công tác quản lý đối với hoạt động giảm nghèo trong thời gian qua việc tăng cường QLNN trong lĩnh vực này để điều chỉnh các hoạt động giảm nghèo theo đúng mục tiêu phát triển chung của đất nước là rất cần thiết và vô cùng quan trọng.

Một phần của tài liệu Giải pháp quản lý nhà nước đối với giảm nghèo trên địa bàn huyện đoan hùng, tỉnh phú thọ (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(122 trang)
w