địa bàn huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ
Qua quá trình nghiên cứu, điều tra và phân tích đối tượng là hộ nghèo, Tác giả có thể tổng hợp những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo trên địa bàn huyện Đoan Hùng như sau:
2.2.3.1. Nguyên nhân khách quan
a. Về điều kiện tự nhiên
Như đã nêu ở phần 2.1.1, địa hình của Huyện là miền núi, có nhiều đồi núi, địa hình phức tạp do vậy sản xuất manh mún, khó khăn trong việc triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn hay xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Độ dốc đồi cao nên dễ bị xói mòn, thoái hóa, ngập úng cục bộ về mùa mưa, chỉ phù hợp với trồng rừng. Bên cạnh đó, thời tiết, khí hậu, hạn hán, rét đậm, rét hại kéo dài, bão lũ thường xuyên xảy ra, mà sản xuất của người nghèo chủ yếu là sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, gây bất lợi, khó khăn rất lớn cho sản xuất và đời sống của người dân, giảm năng xuất chất lượng cây trồng, vật nuôi, làm thiệt hại rất lớn tới thành quả công sức của người lao động. Từ đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập và đời sống của một bộ phận lớn nông dân, tác động xấu tới quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo.
Là một tỉnh miền núi, địa hình đa dạng phức tạp, giao thông đi lại của một số xã tương đối khó khăn như: xã Ca Đình, Phúc Lai, Bằng Doãn, Minh Lương, Minh Phú, Vụ Quang, Đông Khê, Hùng Quan, Nghinh Xuyên.... điều kiện giao lưu kinh tế hạn chế. Do đó, người nghèo ít được tiếp cận với những dịch vụ công cộng, phúc lợi giáo dục, văn hoá thông tin, khuyến nông, khuyến lâm; xa chợ, xa thị trấn, thị tứ nên thiếu thông tin về thị trường, kinh tế kém phát triển, sản xuất chủ yếu mang tính tự cung tự cấp.
b. Xuất phát điểm về phát triển kinh tế - xã hội thấp
Trong 5 năm qua, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của huyện hàng năm đều tăng; đời sống của người lao động từng bước cải thiện, đặc biệt là tình hình đời sống nhân dân khu vực nông thôn đã có sự thay đổi, các cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm ở các xã từng bước hoàn thiện phục vụ đời sống dân sinh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng phát triển công nghiệp -TTCN, thương mại dịch vụ, từ đó đã thu hút được nguồn lực lao động tại địa phương. Các chương trình, dự án của nhà nước được đầu tư đến những vùng khó khăn, nhiều chính sách đến với người nghèo đã hỗ trợ và giúp người dân thay đổi cách làm kinh tế như: các dự án 120 giải quyết việc làm, chương trình xuất khẩu lao động.... đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng người nghèo tham gia, giúp cho nhiều hộ gia đình nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá.
Tuy nhiên, xuất phát điểm là huyện thuần nông, chủ yếu sản xuất nông lâm nghiệp, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nhìn chung còn nhỏ lẻ; việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất còn nhiều hạn chế, do vậy năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá chưa cao. Ngành nghề truyền thống (sản xuất chè, mành cọ, chiếu trúc, khai thác gỗ, dăm tre ...) chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, mới chỉ dừng ở sản xuất nguyên vật liệu thô, chủ yếu phát triển quy mô nhỏ, lẻ ở hộ gia đình, hoạt động mang tính thụ động, khả năng cạnh tranh trên thị trường thấp. Huyện chưa có tiềm lực kinh tế đủ mạnh nên vẫn chưa vươn lên thoát khỏi huyện nghèo.
2.2.3.2 Nguyên nhân chủ quan
a. Về cơ chế chính sách của Nhà nước và của tỉnh
Chính sách giảm nghèo chủ yếu là hỗ trợ trực tiếp, còn thể hiện tính bao cấp, cho không, nhiều chính sách nhỏ giọt, chưa tập trung khuyến khích sản xuất, khuyến khích ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo. Một số chính sách trợ giúp còn kéo dài, chậm đổi mới đã tạo nên tâm lý trông chờ, ỉ nại của người dân.
Tỉnh, huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng các khu công nghiệp Sóc Đăng và cụm khu công nghiệp Ngọc Quan và thu hút một số doanh nghiệp
đầu tư vào địa bàn như: doanh nghiệp Giày da Hài mỹ, Công ty TNHH Thái Hoàng, Công ty Đài Việt... thu hút một lượng lớn lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, lao động thì dư thừa nhưng chất lượng nguồn lao động không cao, chủ yếu lao động làm ở những khâu đơn giản nên thu nhập thấp.
b. Thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống
Vốn là một trong những yếu tố không thể thiếu trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nếu thiếu hoặc không có vốn sẽ là trở ngại rất lớn đối với người lao động khi tham gia vào kinh tế thị trường. Sự hạn chế của nguồn vốn là một trong những nguyên nhân trì hoãn khả năng đổi mới sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giống mới…
Biểu đồ 2.2: Nguyên nhân nghèo của các hộ gia đình huyện Đoan Hùng
Nguồn: Điều tra của tác giả
Theo kết quả điều tra của Tác giả, trong các nguyên nhân dẫn đến nghèo thì thiếu vốn sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong số 110 hộ điều tra thì có 57 hộ thiếu vốn sản xuất, chiếm tỷ lệ 51,8%, tiếp đến lần lượt là 30% do thiếu đất canh tác, 24,5% số hộ nghèo thiếu phương tiện lao động, 22,7% do đông người ăn theo, 18,1% hộ nghèo có người ốm nặng, 15,4% hộ nghèo không có việc làm, 12,7% hộ nghèo không biết cách làm ăn ...
Đối với các hộ nghèo do thu nhập thấp nên họ không có tiền để tích lũy và đầu tư cho sản xuất kinh doanh, người nghèo hầu như phụ thuộc vào nguồn vốn đi vay vì vậy nhu cầu vay vốn của người nghèo để phát triển sản xuất là rất lớn. Nhưng do không có tài sản thế chấp, những người nghèo phải dựa vào
những khoản vay nhỏ từ các tổ chức Hội, hoặc vay vốn từ Ngân hàng cho nên không đủ vốn để thực hiện các dự án sản xuất dẫn đến đầu tư kém hiệu quả.
Mặt khác đa số người nghèo hạn chế kiến thức, thường không có kế hoạch sản xuất cụ thể, hoặc sử dụng vốn vay không đúng mục đích, tính rủi ro cao, khả năng bảo toàn vốn thấp, do vậy khả năng thoát nghèo là rất khó khăn.
Biểu đồ 2.3: Nguyện vọng của các hộ nghèo huyện Đoan Hùng
Nguồn: Điều tra của tác giả
Ngoài tình trạng thiếu vốn còn là do các hộ nông dân chưa biết cách chi tiêu hợp lý, chi tiêu không có kế hoạch hay gặp phải những rủi ro trong sản xuất cũng như đời sống, không có đủ vốn dự trữ để tiếp tục sản xuất. Điều này đã được phản ánh qua kết quả điều tra khi có tới 54,5% hộ nghèo được khảo sát có nhu cầu vay vốn ưu đãi, 40,9% hộ nghèo có nhu cầu được bổ sung kiến thức, kỹ năng kinh doanh, 37,3% bổ sung kỹ năng quản lý vốn, chi tiêu, 36,4% có nhu cầu giới thiệu việc làm.
Nguồn vốn đầu tư cho xóa đói giảm nghèo vẫn còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương. Với số tiền từ nguồn vốn đầu tư, người nghèo không đủ để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mang tính dài hạn, do không đủ tiền quay vòng vốn. Vì vậy, người nghèo phải sản xuất, kinh doanh mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Hơn nữa, tín dụng cho hộ nghèo được thực hiện chia làm nhiều đợt khác nhau, nhỏ lẻ nên các hộ nghèo cũng không có ý thức tích lũy để đầu tư. Vẫn còn tồn tại tình trạng một số hộ nghèo sử dụng nguồn tín dụng cho vay phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.
c. Thiếu kinh nghiệm và kiến thức: do trình độ học vấn thấp nên người nghèo thường thiếu kiến thức để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, do thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu năng lực thị trường nên năng suất lao động thấp, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến nghèo đói. Theo kết quả điều tra của Tác giả, có tới 72% cán bộ quản lý và cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn Huyện nhận định nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến giảm nghèo đó chính là các hộ dân thiếu kinh nghiệm và kiến thức, trong khi đó có đến 42% hộ nghèo được điều tra đã trả lời do không biết cách làm ăn.
d. Chất lượng lao động thấp: nguồn lao động của Huyện tuy dồi dào nhưng chất lượng lao động thấp, tỷ lệ lao động qua đào tạo tính đến năm 2014 mới chỉ đạt 37,8%, trong đó qua đào tạo nghề chỉ đạt 24%. Phần lớn là lao động tự do, không có tay nghề khiến cho việc mở rộng phát triển các ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao bị hạn chế. Công nhân làm việc trong khu công nghiệp cũng không có trình độ cao nên chủ yếu đảm nhiệm công việc ở những khâu yêu cầu hàm lượng trí tuệ thấp, vì vậy người lao động không có việc làm ổn định, thu nhập thấp. Cơ cấu lao động đã có chuyển biến theo hướng tích cực nhưng chưa hợp lý, còn chênh lệch khá cao: tỷ lệ lao động trong nông, lâm nghiệp là 44,7%; công nghiệp và xây dựng là 23,5%; thương mại dịch vụ là 31,8%.
e. Gặp rủi ro, ốm đau: các gia đình nghèo rất dễ bị tổn thương bởi các khó khăn hàng ngày và những biến động bất thường xảy ra đối với cá nhân, gia đình hay cộng đồng. Do nguồn thu nhập thấp, bấp bênh, khả năng tích lũy kém nên họ khó có khả năng chống chọi với những biến cố xảy ra trong cuộc sống như: mất mùa, thiên tai, mất việc làm, mất sức lao động…Các rủi ro trong sản xuất kinh doanh đối với người nghèo cũng rất cao, do họ không có đủ trình độ tay nghề và thiếu kinh nghiệm làm ăn. Khả năng đối phó và khắc phục rủi ro của người nghèo là rất kém do nguồn thu nhập hạn hẹp làm cho hộ gia đình mất khả năng phục hồi rủi ro và có thể còn gặp rủi ro nhiều hơn nữa. Theo kết quả điều tra của Tác giả thì có 24,5% hộ dân khẳng định gia đình có
người ốm nặng và đây chính là nguyên nhân dẫn đến nghèo. Bên cạnh đó, có 32,3% đối tượng cán bộ được hỏi cho rằng thiên tai, dịch bệnh là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nghèo.
g. Tệ nạn xã hội: Đoan Hùng đã và đang xảy ra nhiều tệ nạn xã hội như: cờ bạc, ma túy, mại dâm…Trong đó, số người nghiện ma túy trên địa bàn huyện có hồ sơ quản lý là 325 đối tượng. Số người nhiễm HIV là 272 người, trong đó số người nhiễm HIV mới được phát hiện là 63 ca6. Trên thực tế số này còn cao hơn rất nhiều. Sự xuất hiện và bùng phát của tệ nạn xã hội, cùng với sự gia tăng dịch bệnh ở đã làm cho nhiều hộ gia đình rơi vào nghèo đói.
Như vậy, tình trạng nghèo ở Đoan Hùng là hệ quả của tất cả các nguyên nhân nêu trên. Nghèo của từng hộ gia đình là do sự tác động của một hoặc một vài nguyên nhân.