Biểu hiện và các dạng thức trật tự trong quan hệ quốc tế

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ ngoại giao Vai trò của ASEAN trong Trật tự Đông Á tới năm 2020 và Định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam (Trang 31)

CHƯƠNG 1 LÝ LUẬN VỀ TRẬT TỰ TRONG QUAN HỆ

1.1.2 Biểu hiện và các dạng thức trật tự trong quan hệ quốc tế

Bản chất của trật tự theo định nghĩa của luận án này là các dạng luật chơi

khác nhau mà các thành viên trong một cộng đồng chấp nhận tuân thủ, biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như các nguyên tắc, chuẩn mực, thủ tục, quy định,

luật lệ quốc tế, hoặc là các tập quán hình thành từ thực tiễn.

Theo Muthiah Alagappa, các nguyên tắc chuẩn mực trong quan hệ là cái gốc quan trọng nhất, là nền tảng của trật tự. Trên cơ sở các nguyên tắc và chuẩn mực quan hệ quốc tế sẽ hình thành các luật lệthủ tục cụ thể. Luật pháp quốc tế chỉ là một dạng luật chơi cụ thể. Theo tính chất có thể phân loại luật

chơi thành các luật chơi mang tính căn bản, và luật chơi mang tính điều tiết; còn theo chức năng thì có luật chơi giúp các quốc gia cùng tồn tại, luật chơi giúp các quốc gia phối hợp nhau, và luật chơi giúp các quốc gia hợp tác với nhau [81, 40].

Theo Stephen Krasner, nguyên tắc là niềm tin vào sự thật, vào quan hệ

nhân quả và thái độ đúng đắn. Chuẩn mực là quy tắc ứng xử thể hiện qua quyền lợi và trách nhiệm. Nguyên tắcchuẩn mực tạo ra các luật chơi căn bản của một cộng đồng. Các nguyên tắcchuẩn mực của một cộng đồng được thể hiện thông qua các quy định và luật chơi cụ thể của cộng đồng đó, ví dụ luật pháp quốc tế [94].

Luật chơi chính là biểu hiện của những tiêu chuẩn chung về hành vi của các quốc gia tham gia và thể hiện nguyên tắc tổ chức, vận hành của trật tự thế

giới. Ví dụ như trật tự bá quyền đơn cực được xây dựng dựa trên sự mất cân xứng về phân bổ quyền lực, được tổ chức theo nguyên tắc thứ bậc, tập hợp lực lượng theo kiểu phù thịnh dưới sự dẫn dắt, chi phối của một cường quốc duy nhất. Trật tự đó có một số luật chơi cơ bản như các nước nhỏ, yếu hơn chấp nhận (tự nguyện hay bị ép buộc) sự lãnh đạo của nước bá quyền; nước bá quyền chịu trách nhiệm bảo đảm ổn định cho trật tự và bảo vệ an ninh cho tất cả các nước phục tùng; tranh chấp giữa các nước được phân xử bởi nước bá quyền (đơn phương) hoặc cơ chế do nước này lập ra (đa phương), trong đó kiểu hành xử đơn phương của nước bá quyền là phổ biến; những hành động vi phạm sẽ bị xử phạt (cây gậy) và phục tùng sẽđược thưởng (củ cà rốt) [12, 26].

Trật tự được các quốc gia tạo ra nhằm đạt được các mục tiêu nhất định trong quan hệ quốc tế. Vì một quốc gia có nhiều mục tiêu trong quan hệ quốc tế, có thể có nhiều dạng thức trật tự khác nhau cùng song song tồn tại, chi phối các loại hành vi khác nhau của các quốc gia trong quá trình tìm kiếm các lợi ích và mục tiêu khác nhau đó.

Hedley Bull chỉ ra 6 mục tiêu mà một xã hội các quốc gia muốn đạt được,

đó là: (1) duy trì hệ thống các quốc gia; (2) duy trì chủ quyền từng quốc gia; (3) duy trì hòa bình giữa các quốc gia; (4) hạn chế bạo lực giữa các quốc gia; (5) duy trì việc thực hiện cam kết giữa các quốc gia; (6) tôn trọng quyền tài phán quốc gia của nhau. Bull cũng chỉ ra cách thức ứng xử của các quốc gia được quy

định trong các luật lệ chung và được duy trì thông qua các thể chế chung. Các luật lệ chung là “luật quốc tế, các chuẩn mực đạo đức, các tập quán hoặc thông lệ phổ thông, hoặc là các quy định được nhất trí một cách chính thức hoặc không chính thức” [52, 13]. Theo Hedley Bull có 3 dạng thức trật tự trong xã hội các quốc gia: (1) các nguyên tắc cơ bản để xã hội các quốc gia có thể tồn tại và để

trở thành thành viên của xã hội đó; (2) các nguyên tắc tối thiểu để các quốc gia cùng tồn tại trong xã hội đó; (3) các nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia để

cùng thúc đẩy các lợi ích chung. Các thể chế chung mà các xã hội thường tạo ra

để duy trì trật tự là: (1) cân bằng quyền lực; (2) luật pháp quốc tế; (3) các hoạt

động ngoại giao; (4) hệ thống kiểm soát của các siêu cường trong xã hội quốc tế; (5) và chiến tranh [81, 35].

Andrew Hurrell phát triển lý thuyết của Bull và chỉ ra các xã hội quốc gia có 3 cấp độ trật tự từ thấp đến cao: (1) tối thiểu là mức gắn kết dựa trên một số

lợi ích và luật lệ nhưng mờ hồ và không chính thức; (2) trung bình là sự gắn kết trên cơ sở đối thoại và các thể chế chung; (3) mức cao là sự gắn kết trên cơ sở đồng thuận cao, do vậy xã hội quốc tế có thể đạt được các mục tiêu cao hơn.

Muthiah Alaggapa giúp hoàn thiện cách nhìn về các dạng thức và mục tiêu của trật tự khi cho rằng trật tự là một dải (quang phổ) các trạng thái, nhưng trong mỗi trạng thái cũng không chỉ có một loại trật tự mà có nhiều dạng thức

trật tự cùng song song tồn tại đan xen vào nhau. Các trật tự đó khác nhau về

về chức năng của luật lệ trong việc tạo ra trật tự. Theo Alaggapa, các dạng thức chính của trật tự là [81, 41-51]:

+ Trật tự nền tảng (instrumental) là trật tự nhằm phục vụ lợi ích cốt lõi của các quốc gia thành viên, đó là bảo đảm an ninh quốc gia, duy trì bản sắc dân tộc, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao sức mạnh của quốc gia. Các mục tiêu khác là kiềm chế vũ lực, duy trì hòa bình, bảo đảm thực thi các thỏa thuận quốc tế. Lợi ích cốt lõi này rất ít khi được các quốc gia chia sẻ, thỏa hiệp. Chủ thể chính có vai trò quyết định trong việc thiết lập trật tự này là nhà nước và vũ lực thường hay được sử dụng làm công cụ để thiết lập trật tự nền tảng này. Chức năng chính của luật chơi được các quốc gia tạo ra để giúp các quốc gia cùng tồn tại hòa bình. Trật tự này tương ứng với cách nhìn của hiện thực chủ nghĩa trong quan hệ quốc tế.

+ Trật tự chuẩn tắc – khếước (normative – contractual), có thể gọi là trật tự hợp tác: là trật tự vừa nhằm phục vụ lợi ích quốc gia vừa phục vụ lợi ích chung của các quốc gia thành viên thông qua một số chuẩn tắc để thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia. Ngoài ra, trật tự này còn nhằm mục tiêu phát triển của từng quốc gia và cả cộng đồng; giảm xung đột giữa các thành viên trong cộng

đồng. Trong trật tự này, lợi ích quốc gia vẫn là lợi ích cốt lõi, song các quốc gia

đã có thể hợp tác với nhau trên nhiều vấn đề trên cơ sở một số nguyên tắc và chuẩn mực chung. Chủ thể chính trong trật tự này vẫn là nhà nước, song bao hàm cả các tổ chức khu vực và quốc tế. Trật tự này tương ứng với thế giới quan của chủ nghĩa tự do, theo đó các quốc gia không chỉ cạnh tranh nhau mà hợp tác và cạnh tranh là hai mặt cùng song song tồn tại trong quan hệ quốc tế.

+ Trật tự đoàn kết - cộng đồng (solidarist), gọi tắt là trật tự cộng đồng: hợp tác giữa các quốc gia diễn ra tự nhiên dựa trên lòng tin giữa các quốc gia thành viên, do các quốc gia đó cảm thấy có nghĩa vụ đối với cộng đồng và phải tuân thủ luật lệ chung. Mục tiêu của trật tự này là nhằm củng cố tính đoàn kết

của cộng đồng và thúc đẩy lợi ích, phúc lợi chung, loại bỏ chiến tranh trong quan hệ quốc tế, thúc đẩy hội nhập, nhân quyền. Lợi ích quốc gia không còn là mục tiêu của trật tự này. Vai trò của lợi ích quốc gia và bản sắc quốc gia được hạn chế; không có biên giới rõ rệt giữa các vấn đề quốc tế và vấn đề quốc nội; lợi ích cộng đồng và bản sắc chung được đặt lên cao, đó cũng là những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa kiến tạo [81, 45].

Theo Alaggapa, 3 dạng thức trật tự trên thực chất là các cung bậc nối tiếp nhau của mức độ trật tự trong quan hệ quốc tế. Dưới mức trật tự nền tảng là chiến tranh. Trên mức trật tự cộng đồng là một chính phủ toàn cầu.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ ngoại giao Vai trò của ASEAN trong Trật tự Đông Á tới năm 2020 và Định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)