Các ngoại lệ là cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên và bán đảo Đông Dương

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ ngoại giao Vai trò của ASEAN trong Trật tự Đông Á tới năm 2020 và Định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam (Trang 82)

được an ninh quốc gia, trong khi không phải đầu tư tốn kém cho quốc phòng. Một số nước khu vực chấp nhận nằm hoàn toàn trong cái ô an ninh của Mỹ mà không có một quân đội quốc gia mạnh như Nhật Bản, Phi-líp-pin...

Sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, khi ảnh hưởng của Liên Bang Nga không còn là thách thức an ninh đối với khu vực Đông Á, trong khi Trung Quốc chưa phải là đối thủ xứng tầm của Mỹ, có lúc hệ thống San Francisco đã được coi là lỗi thời và không phát huy được tác dụng, nhất là trước các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng nổi lên như khủng bố, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia trên biển khác.... Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc và chiến lược “xoay trục”, “tái cân bằng” lực lượng của Mỹ ở khu vực, chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hệ thống Sanfrancisco lại trở nên có ý nghĩa quan trọng với việc bảo đảm duy trì môi trường an ninh truyền thống của khu vực.

Trật tự an ninh truyền thống ở Đông Á dựa trên quan điểm hiện thực, có đặc điểm cơ bản là có mục tiêu rõ ràng để tạo ra cân bằng quyền lực (trong bối cảnh hiện nay mục tiêu là Trung Quốc), và sự tăng cường an ninh của một bên sẽ là sự suy giảm an ninh của bên còn lại (zero-sum). Do vậy, trật tự Đông Á dựa vào hệ thống này có xu hướng dễ gây ra tình trạng mất lòng tin, đối đầu và xung đột [69, 18]. Trật tự nền tảng mà Mỹ góp phần thiết lập ở Đông Á nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương (cụ thể là khu vực Đông Á) chỉ là một tiểu hệ thống trong hệ thống trật tự thế giới mới được Mỹ thiết lập từ thời kì hậu Chiến tranh lạnh cho đến giai đoạn hiện nay.

2.1.3.2 Trật tự kinh tế

Dạng thức thứ hai của trật tự khu vực Đông Á là trật tự kinh tế, chủ yếu là hợp tác về kinh tế song có cả hợp tác trong các lĩnh vực khác. Theo đó, các quốc gia khu vực ngày càng trở nên liên kết và gắn kết chặt chẽ về kinh tế trên một số cơ sở, nguyên tắc nhất định, hướng các quốc gia vào các lợi ích kinh tế, phát triển để tạo ra sự lệ thuộc lẫn nhau, qua đó duy trì ổn định chính trị - an ninh

trong quan hệ giữa các quốc gia. Theo lý thuyết trật tự được xây dựng trong Chương I, đây thuộc loại trật tự hợp tác, vì các quốc gia có xu hướng hợp tác vì các lợi ích chung. Trật tự kinh tế ở khu vực Đông Á ngày càng do Trung Quốc chi phối và có vai trò trung tâm. Trật tự này đã thay thế trật tự kinh tế “đàn sếu bay” ở Đông Á [75, 133-142] với Nhật Bản làm con sếu đầu đàn tồn tại từ những năm 1950-1960.

Cho tới giai đoạn cuối những năm 1990, các nước trong khu vực vẫn còn xa lánh Trung Quốc về cả kinh tế và chính trị, và vẫn coi Trung Quốc là một mối đe dọa hơn là một đối tác tiềm năng [133]. Tuy nhiên bước vào thế kỷ 21, Trung Quốc đã điều chỉnh mạnh mẽ chính sách với các nước trong khu vực Đông Á theo hướng tăng cường can dự với khu vực cả về kinh tế, chính trị, và ngoại giao, do vậy đã làm thay đổi cục diện và trật tự khu vực. Trung Quốc đặc biệt gia tăng can dự các nước láng giềng Đông Á từ đầu thế kỷ 21 sau khi gia nhập WTO và triển khai chính sách “tấn công hấp dẫn” (charm offensive) các nước Đông Nam Á. Sử dụng thị trường rộng lớn của mình làm lực hút các nước trong khu vực gia tăng hợp tác và can dự, Trung Quốc thúc đẩy được tiến trình hợp tác kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực, đã dần dần trở thành quốc gia có ảnh hưởng nhất khu vực về thương mại, và đang mở rộng dần ảnh hưởng về tiền tệ, tài chính. Nếu Nhật Bản dẫn đầu “đàn sếu bay” châu Á bằng FDI và công nghệ thì Trung Quốc đang thành trung tâm kinh tế khu vực bằng thương mại. Luật chơi căn bản của trật tự hợp tác kinh tế khu vực mà Trung Quốc muốn thúc đẩy là: các quốc gia chấp nhận hợp tác và hưởng lợi từ liên kết kinh tế với Trung Quốc, tạm thời gác các khác biệt về chính trị - an ninh, tiến tới giảm vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực về cả kinh tế và chính trị - an ninh.

Mục đích thiết lập và duy trì trật tự hợp tác khu vực mà Trung Quốc thúc đẩy là dùng sức mạnh kinh tế vượt trội lôi kéo các nước trong khu vực vào trật tự kinh tế của Trung Quốc, tạo sự phụ thuộc của các quốc gia Đông Á vào nền kinh tế Trung Quốc, dần chi phối các quốc gia này về chính trị- an ninh, văn hóa

– xã hội, qua đó khôi phục vị thế bá quyền và “trung tâm vũ trụ” vốn nằm sâu trong tiềm thức của người Trung Quốc [46, 73-74]. Trung Quốc dùng lợi ích kinh tế để xoa dịu các khác biệt về chính trị - an ninh với các quốc gia khu vực, nhưng với mục đích cuối cùng là ép buộc các quốc gia phải thỏa hiệp trước sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.6 Cũng có ý kiến cho rằng lợi ích kinh tế sẽ có tác dụng kiềm chế nhu cầu chống đối Trung Quốc [76, 49]. Trung Quốc cũng dùng các lợi ích trong hợp tác kinh tế, chuyên ngành để vượt qua các rào cản về chủ quyền quốc gia, tức là tác động vào trật tự nền tảng của khu vực. Các quốc gia trong khu vực chấp nhận trật tự do Trung Quốc tạo lập do nhu cầu phát triển kinh tế của mình, mặt khác Trung Quốc cũng thường tiếp cận khá khéo léo và mềm mỏng, nhấn mạnh đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu và xung đột trực diện hoặc khai thác mâu thuẫn nội bộ cũng như mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực nên chưa tạo ra phản ứng đồng loạt và mạnh mẽ từ các nước này.

Phương cách thiết lập và duy trì trật tự của Trung Quốc không dùng

phương thức bá quyền và cân bằng quyền lực mang tính cạnh tranh như trong trật tự an ninh truyền thống do Mỹ chủ đạo, mà Trung Quốc nhấn mạnh mặt hợp tác, cùng thắng (win-win), tạo sự liên kết và tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế để duy trì trật tự.

Trật tự hợp tác ở khu vực Đông Á chủ yếu dựa trên quan điểm tự do, thừa nhận các quốc gia vẫn đặt lợi ích quốc gia làm mục tiêu chính, chấp nhận sự cạnh tranh giữa các quốc gia, song cũng nhấn mạnh khía cạnh hợp tác, liên kết, và ủng hộ vai trò của các tổ chức, thể chế khu vực và quốc tế. Các vấn đề chính trị, an ninh như chủ quyền lãnh thổ, vấn đề dân tộc... là các nhân tố chính cản trở tiến trình xây dựng trật tự khu vực theo mô hình này.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ ngoại giao Vai trò của ASEAN trong Trật tự Đông Á tới năm 2020 và Định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam (Trang 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)