nhiều nhãn quan khác nhau về tương lai trật tự Đông Á, các giới ở Mỹ có nhãn quan khá đồng nhất về tương lai Đông Á, cho rằng trật tự Đông Á trong tương lai là sự tiếp nối của trật tự hiện nay, Mỹ đã và sẽ tiếp tục là quốc gia có vai trò chủ đạo trong việc duy trì trật tự này. Chính quyền Mỹ đã nhiều lần khẳng định Mỹ là một quốc gia Thái Bình Dương, lợi ích của Mỹ gắn với châu Á, hai bên
gắn kết sâu sắc về cả chính trị và kinh tế. Theo nhãn quan của Mỹ, trật tự Đông Á nằm trong tổng thể trật tự châu Á – Thái Bình Dương, biểu hiện qua việc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang hình thành một cấu trúc an ninh và kinh tế
khu vực mới [55]. Theo nhãn quan của Chính phủ Mỹ, cấu trúc an ninh và kinh
tế đó có một số đặc điểm sau:
+ Các quan hệ đồng minh của Mỹ tiếp tục có vai trò nền tảng; trong đó quan hệ của Mỹ với Nhật, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan và Phi-líp-pin tiếp tục là các “nan hoa” quan trọng nhất. Sau đó là quan hệ đối tác ngày càng gần gũi với Ấn Độ, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam và đối tác lâu năm là Xing-ga-po.
+ Các thể chế đa phương khu vực là một bộ phận quan trọng của cấu trúc khu vực, có tác dụng tăng cường an ninh, mở rộng hợp tác kinh tế và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền.
+ Các thể chế đa phương phải được chú trọng về chất lượng thay vì số lượng, phải hướng tới hành động và chú trọng kết quả thay vì chỉ là diễn đàn để “nói suông”. Các cơ chế khác nhau cần các cơ chế ra quyết định và bảo đảm thực thi khác nhau; các thành viên khác nhau có thể có vai trò và tầm quan trọng khác nhau, không nhất thiết phải bình đẳng tuyệt đối theo “phương cách ASEAN”.
+ Ngoài các cơ chế đa phương lớn và bao trùm, cấu trúc khu vực sẽ được bổ trợ bởi các sáng kiến mang tính nhất thời (ad-hoc) giữa các bên có cùng lợi ích và quan tâm chủ đạo, để bảo đảm tính kịp thời, chủ động và linh hoạt.
+ Trong các thể chế đa phương khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Mỹ sẽ coi trọng nhất là Cấp cao Đông Á và APEC, coi đó là hai sân chơi chủ chốt mà Mỹ cần tham gia và có vai trò lãnh đạo.
Cấu trúc khu vực trên thể hiện Mỹ muốn tham gia vào mọi hoạt động có ảnh hưởng tới trật tự và tương lai khu vực và tham gia đầy đủ vào các cơ chế hợp tác khu vực. Với nhãn quan trên về cấu trúc khu vực, ASEAN vẫn sẽ có vai
trò và vị trí cao trong chính sách của Mỹ đối với khu vực, do ASEAN chủ đạo các cơ chế đa phương mà Mỹ muốn sử dụng. Tuy nhiên, Mỹ cũng sẽ gây sức ép để điều chỉnh phương cách hoạt động của một số cơ chế có Mỹ tham gia để phù hợp hơn với lợi ích của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ quyết tâm giữ vai trò là lực lượng nòng cốt duy trì trật tự nền tảng ở Đông Á, trên cơ sở đó tạo ra trật tự tự do (liberal international order) ở khu vực [125].
Nhìn chung, các dự báo về tương lai trật tự Đông Á có chung nhận định, Mỹ vẫn là một siêu cường có sức mạnh và ảnh hưởng chủ yếu tới trật tự nền tảng ở khu vực, với phương thức tạo dựng và duy trì trật tự chủ yếu là cân bằng quyền lực. Tuy nhiên, ảnh hưởng về chính trị - kinh tế và văn hóa của Mỹ sẽ giảm dần khiến Mỹ không chi phối được tiến trình hợp tác và liên kết khu vực.
Với nhãn quan khu vực như trên, chính sách của Mỹ đối với Đông Á đến năm 2020 sẽ nhằm duy trì vị thế bá quyền của mình trên toàn thế giới (trong đó có khu vực Đông Á), ngăn chặn và kiềm chế bất cứ quốc gia nào nổi lên thách thức vai trò của Mỹ. Trước đây các thế lực cần kiềm chế là Nhật Bản, Liên Xô. Ngày nay là Trung Quốc. Để đạt được mục đích duy trì trật tự bá quyền trên, Mỹ dựa vào hai công cụ chủ yếu là (1) quân sự: là sức mạnh truyền thống của Mỹ và là sức mạnh ít bị ảnh hưởng nhất kể từ khi Mỹ lâm vào khủng hoảng kinh tế - tài chính (2008-2009); và (2) kinh tế: là sức mạnh tạm thời bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng vẫn còn ở quy mô và trình độ phát triển rất cao mà Trung Quốc chưa thể sánh kịp. Ngoại giao là công cụ sử dụng để phát huy sức mạnh thông minh tổng hợp các sức mạnh quân sự và kinh tế của Mỹ. Biện pháp sẽ sử dụng trong chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ được Hilary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ tóm tắt, gồm: nâng cao và đào sâu quan hệ đối tác truyền thống, đồng thời xây dựng thêm các quan hệ đối tác mới; phối hợp với các tổ chức, thể chế đa phương, nhất là các thể chế của ASEAN nhằm thúc đẩy các lợi ích chung và vươn ra khỏi các quốc gia để trực tiếp can dự người dân trong khu vực [56].