Hỏi: Em là nam giới, rất thích nấu ăn và muốn đi vào nghề “đầu bếp”. Không phải em có “tâm hồn ăn uống” mà do em muốn hiểu biết và học hỏi xem có thể vận dụng những kiến thức khoa học nào vào việc nấu ăn để cải thiện bữa ăn cho mọi người.
Nhưng, khi trao đổi với bạn bè về sở thích này thì có người sờ lên trán em mà nói:”Bộ mày có mát không đấy? Mày là con trai mà tranh làm cái nghề của con gái, không sợ chúng nó cười à”. Nghe vậy, em cũng ớn! Vậy em có nên “đổi gam” hoặc “chuyển hệ” ưa thích mà chọn nghề khác không?
Trả lời: Đổi hay không đổi còn tùy thuộc vào khả năng của em có hợp hay không hợp với nghề đó. Nghề mình thích không nên tùy thuộc vào người khác có thích hay không. Nếu thích nghề đầu bếp, dù là con trai, chẳng có gì mà ngại.”Đầu bếp” là cách gọi nôm na, khiêm nhường. Còn thực ra, nghề này rất cao quý. Nói cho chính danh: đó là nghề kỹ thuật dinh dưỡng, không chỉ đòi hỏi sự khéo tay, còn đòi hỏi việc vận dụng trí não một cách sáng tạo trong các lĩnh vực tư duy kỹ thuật, tư duy khoa học về phương diện chế biến và bảo quản thực phẩm dinh dưỡng.
Trên màn hình HTV và VTV hàng tuần đều có giới thiệu mấy vị vua đầu bếp nổi tiếng là nam giới (người Á Đông). Đặc biệt thu hút là show truyền hình Yan Can Cook, được cả thế giới ngưỡng mộ. Nếu bạn theo dõi và học tập được nhiều điều bổ ích cho nghề mà bạn đang ưa thích. Ngày trước đó còn gọi là nghề nữ công. Nhưng thật ra, đã từ lâu nghề này đã không còn là độc quyền của phái nữ, mà nam giới đã nhảy vào, với số lượng ngày càng đông, và trong đó có nhiều vị “vua bếp” lại là nam. Phần lớn các vua bếp tại những khách sạn và nhà hàng cao cấp đều là nam (đa số là người Ấn Độ, Trung Hoa, Bỉ, Tây Ban Nha,…), còn nữ giới chỉ làm các việc “phụ bếp” thôi. Tổng công ty Du lịch TP.Hồ Chí Minh năm 2000 đã có một thống kê 82% vị đầu bếp của các khách sạn TP.Hồ Chí Minh là đàn ông, mà đa số người Việt, với những món ăn Việt Nam được người nước ngoài rất khoái khẩu.
Một nghề như nghề đầu bếp được xem là nghề rất nữ tính, nhưng lại có nhiều đấng nam nhi trong nghề này lại đứng vào “Hiệp hội các đầu bếp bậc thầy” tại Bỉ quốc. Chủ tịch Hiệp hội đó – Một “cụ ông” có tên là Poerre Fonteyne, được phong danh hiệu “Sứ giả ẩm thực của Vương quốc Bỉ trên toàn thế giới”. Pierre Fonteyne cho biết hiệp hội của ông có 85 hội viên mà trong đó chỉ có 5 vị nữ. Ông nói:”Nghề đầu bếp đòi hỏi rất cao về phẩm chất và năng lực. Riêng phẩm chất không phải đòi hỏi “nữ tính” mà là “nhân tính cao cấp”. Mỗi đầu bếp trước hết phải là chính mình, có cách thể hiện giàu bản sắc nhưng không thô thiển, biết tôn trọng khách hàng và tôn trọng sự tinh tế. Đồng thời biết khép mình vào kỹ luật dinh dưỡng, kỷ luật nấu nướng chứ không chỉ kỷ luật hành chính sự
nghiệp. Nói đến năng lực, ông vạch rõ:”Đây không chỉ là một kỹ thuật, còn là một nghệ thuật sáng tạo. Mỗi ngày, người đầu bếp phải cố tạo ra điều gì mới hoặc thay đổi một điều gì có sẵn. Nét kỳ diệu đó của nghề nghiệp sẽ cho phép anh vượt qua chính mình”.
Để giúp bạn chuẩn bị thêm hành trang khi hướng tới hào quang của nghề này, xin gợi ra đây 4 loại hình tư duy cần được rèn luyện thường xuyên để nâng cao năng lực nghề:
+ Tư duy khoa học thực nghiệm (chủ yếu: thực nghiệm Hóa – Sinh về dinh dưỡng).
+ Tư duy kỹ thuật công nghệ (chủ yếu: kỹ thuật dinh dưỡng trong chế biến bảo quản).
+ Tư duy văn hóa nghệ thuật (chủ yếu: văn hóa dân tộc trong ẩm thực). + Tư duy kinh tế đời sống (chủ yếu: kinh tế cá nhân trong dinh dưỡng).