Hỏi: Tôi thấy nhiều người vì nghề nghiệp mà làm lụng quá vất vả, chẳng nghĩ ngơi. Có khi thấy họ dù đã nỗ lực hết mình và tay nghề rất vững nhưng công việc vẫn ì ạch, làm ăn không khởi sắc.
Vậy, ngoài mục đích mưu sinh và cống hiến, có nên hướng tới một mục đích cao hơn, lâu dài hơn: tìm thấy vinh hiển trong nghề, được hưởng hạnh phúc trong nghề? Giải thích như thế nào về những trường hợp (tuy không nhiều): được nghệ tinh mà thân không vinh?
***************
Trả lời: Thực ra, ngay trong mục đích cống hiến đã mang ý nghĩa cao đẹp của nó: cống hiến cho cộng đồng càng nhiều, nghĩa là càng đem lại hạnh phúc cho mọi người. Sự cống hiến đó càng cao cả bao nhiêu thì mục đích đạt được trong hướng nghiệp càng cao bấy nhiêu. Họ tìm thấy hạnh phúc của mình trong sự cống hiến. Theo cách nhìn của họ, sự vinh hiển của cá nhân nằm trong sự tiến bộ của cộng đồng. Và hơn thế, họ không cho rằng vinh hiển chỉ là giàu có về tiền
của hoặc nhàn hạ về thể xác. Với họ, một giá trị về tinh thần được nâng cao, một niềm tin của khách hàng được gửi gắm...đã là dấu ấn của vinh hiển.
Những dấu ấn vinh hiển đó không thể “ăn” được như sơn hào hải vị, nhưng lại trường tồn trong giới, trong nghề, như những danh thơm. “Sự vinh hiển cao nhất là sự vinh hiển khiến ta tự hào về nhân phẩm, không phải cúi mặt trước công lý” (Charlie Chaplin). Thiếu gì người “vinh hiển” một thời (cao sang , phú quý, chức trọng) nhưng vì thiếu cái vinh hiển cao nhất đó mà cuối cùng phải đứng trước vành móng ngựa!
Bạn muốn tìm hạnh phúc trong nghề? Vâng, đó là một nhu cầu cao đẹp mà ai cũng mong. Có điều, cái gì làm nên hạnh phúc đích thực và bền vững trong đời và trong nghề? “Tiền của và sự nhàn hạ có thể cho ta vài hạnh phúc nhất thời, chứ không thể đem lại cho ta hạnh phúc một đời.”(Kim-Woo-Choong).
Trên mạng Internet tháng 5/2001 có xuất hiện một loạt tranh mô tả về hạnh phúc “ngắn” và hạnh phúc “dài”, đại ý nói: Nếu muốn được hạnh phúc trong một giờ, hãy ngủ một giấc. Muốn có hạnh phúc 1 ngày, hãy đi chơi giã ngoại. Muốn hạnh phúc 1 tuần, hãy tổ chức 1 kỳ nghỉ. Muốn hạnh phúc 1 tháng, hãy kết hôn để sống “trăng mật”. Muốn hạnh phúc 1 năm, tìm cách thừa hưởng của hồi môn. Còn, muốn hạnh phúc cả 1 đời, hãy học cách yêu thích công việc của mình – dù đó là việc bé nhỏ, là nghề hèn mọn nhưng thích đáng.
Xin ghi lại mẫu đối thoại giữa 1 người thợ làm công (LC) với 1 người thợ tự do (TD):
- LC: Nghề tự do như anh thật sung sướng, nhàn hạ.
- TD: Không , chừng nào tôi đổi nghề tự do sang “nghề ăn bám” mới được nhàn hạ.
Và dưới đây là mẩu đối thoại khác, giữa hai người (A và B) làm 2 nghề hoàn toàn khác nhau, nhưng người nào cũng chán với nghề của mình mà thích thú với nghề của người kia:
- Anh A: Kiếp sau, tôi sẽ đổi nghề. Thiên đường chính là nghề của anh.
- Anh B: Tôi sẽ đổi nghề, kiếp sau. Nghề của anh mới là thiên đường.
...Họ chỉ nhìn cái nhàn hạ và niềm hạnh phúc qua hình thức. Khi thấy được thực chất, họ mới vỡ mộng hạnh phúc. Thực chất đó là: Không yêu nghề, không làm việc cực lực thì chỉ có hạnh phúc...”ảo”!