Hỏi: Bạn em có trí tò mò, muốn tìm tòi và bắt chước những gì người khác làm, cũng muốn thử xem mình có như họ không. Cái gì mới, lạ và cả kỳ cục nữa đều hấp dẫn đối với bạn ấy, không tiếp cận với nó là bạn em không chịu nổi.
Xin hỏi, thứ tò mò như vậy là tốt hay xấu nếu đem theo tính cách ấy vào hành trang hướng nghiệp? Trong việc học nghề và hành nghề, trí tò mò có giúp ích gì không, hay làm rách việc và bị chê cười?
**************
Trả lời: Để thử thách trí tò mò và óc phán đoán của ứng viên, nhà tuyển dụng tại một trung tâm tư vấn Luật pháp đã đưa ra 2 mẫu thông tin có thật và yêu cầu ứng viên ấy cho nhận xét trong 6 giây (sau khi đọc xong) :
1.Ở một miền quê nước Mỹ có tấm bảng đặt dưới chân cột điện, ghi rõ: ”Cẩn thận, đường dây cao thế – 1200KV, đụng vào là chết. Ai đụng vào sẽ bị xử phạt 10000 đôla”.
2.Khi Roméo lấy ánh trăng thanh để thề với juliette về lòng chung thủy của chàng, Juliette đã nói : “Xin chàng đừng lấy vầng trăng mà thề thốt. Vầng trăng hay nghiêng ngả, mà mỗi tháng lại thường thay đổi lối đi về”.
Và đây là nhận xét của ứng viên – một cử nhân Luật vừa tốt nghiệp :
+ Thông tin 1: Không có gì đặc biệt. Cấm là đúng. Có điều, luật phạt như vậy là khắt khe!
+ Thông tin 2: Thật đặc biệt ở chỗ Roméo là người thích lãng mạn. Lấy ánh trăng mà thề thì tình yêu càng thơ mộng chứ sao! Tuy vậy, luật thì không thể đem chị Hằng ra làm nhân chứng.
…Hôm ấy, nhà tuyển dụng đã thất vọng bởi 2 lẽ:
a. Ứng viên chẳng phát hiện được sự vô lý (không khả thi) của luật xử, mà chỉ thấy sự khắc khe của nộp phạt.
b. Tâm trí của ứng viên đó nghiêng về sự vui thích và tìm tòi chất lãng mạn của sự việc, chứ không thấy được sự thông minh và ý nhị trong lời đáp của Juliette.
…Đem theo trí tò mò vào hành trang hướng nghiệp là rất cần, nhưng phải phân biệt 2 loại tò mò để lựa chọn. Theo G.S Stephen Hawking (nhà vật lý tài danh thế giới), có loại tò mò trí tuệ (thỏa mãn nhu cầu cao thượng) và loại tò mò bản năng (thỏa mãn nhu cầu tầm thường). Ở trường hợp trên đây, nhà tuyển dụng muốn chọn người có xu hướng tò mò trí tuệ, thích tìm tòi và khám phá sự thông minh và óc thực tiễn của người khác.
Tò mò trí tuệ nếu được nâng cao sẽ là sự khởi đầu của những ý tưởng sáng tạo, cần cho việc nâng cấp tay nghề. Do đó, nếu tò mó muốn biết chỉ để bắt chước như bạn nói, thì chưa phải đích thực là tò mò trí tuệ. Dù bắt chước khôn khéo tới đâu, hành động như thế vẫn đậm chất bản năng, nhiều hơn chất trí tuệ. Tò mò trí tuệ thường đi đôi với những phán đoán tinh anh, có lợi cho quá trình học nghề và hành nghề một cách sáng tạo và sắc sảo. Đó cũng là một trong những tiêu chí của những nơi “săn đầu người” (head hunter) cho các đại công ty.
Sự tò mò còn là một tính cách, thoạt đầu nó chưa hẳn tốt hoặc xấu. Tốt hay xấu là do động cơ thúc đẩy sự tò mò ấy. Tò mò để xâm xoi chuyện riêng tư của người khác là xấu. Nhưng tò mò để học hỏi, tìm tòi khoa học, nghiên cứu thiên nhiên…lại là một đức tính vô cùng quý báu, còn gọi là tò mò khoa học. Qua nhiều câu hỏi thường xuyên đưa ra từ một học sinh (xung quanh vấn đề kiến
thức), người thầy tinh ý có thể biết được học sinh đó có óc tò mò khoa học hay không. Chẳng hạn, một học sinh trung bình hỏi: kim la bàn đem lên núi thì nó quay về hướng nào? Nhưng với học sinh tò mò khoa học lại hỏi lắc léo hơn: kim la bàn sẽ quay về hướng nào nếu đặt nó tại tâm điểm của Bắc cực? Tương tự, một học sinh sắc sảo có thể hỏi: Tại vùng tâm của lòng trái đất, trọng lượng của vật có gì khác với trọng lượng của vật đó khi ở trên mặt đất?
Trong quá trình hướng nghiệp, sự tò mò khoa học và kỹ thuật rất đáng được phát triển và khuyến khích. Bước đầu của sự tò mò đó bao giờ cũng dẫn tới việc đặt ra một vấn đề cần xem xét. Cách đặt vần đề như thế (kèm theo nội dung của vấn đề) đã là một ý hướng tích cực đi tới khoa học, dù chưa giải quyết được vấn đề. Đấy cũng là sự khởi đầu của những ý tưởng khoa học sẽ được nẩy sinh, nếu được dẫn dắt để nghiên cứu khoa học ngay trong quá trình học tập. Điều đó rất có lợi cho việc hướng nghiệp lâu dài, nhất là đối với những ai có chí hướng đi sâu vào nghiệp vụ nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một ngành nghề trọng yếu thuộc 2 lĩnh vực hoạt động: Khoa học – Công nghệ và Đầu tư – Phát triển