Hỏi: Con tôi đọc nhiều sách tiểu thuyết, nó cũng mê đọc báo mỗi ngày. Hầu như tin tức gì ở đâu nó cũng biết. Tôi nghĩ, mê sách báo thì học văn phải giỏi chứ. Bởi vậy, tôi không tin thầy giáo đánh giá chính xác khi điểm văn tổng kết năm rồi (lớp 11), nó chỉ có 6. Lại còn bị phê là “câu què cụt, thiếu hình tượng, nghèo ý tưởng”. Tôi muốn hướng nó vào khoa Ngữ văn – Báo chí (Đại học KHXH & NV), nên làm cách nào để giúp nó? (Băn khoăn của một vị phụ huynh).
******************
Trả lời: Để hướng tới ngành học đó (Ngữ văn – Báo chí), phải đầu tư nhiều công sức và trí tuệ để tạo sự dẫn dắt từ phía cha mẹ, nhất là từ chính nội lực của con em.
Trước hết, cách hợp lý nhất để các bậc phụ huynh giúp con mình là hãy biết chính xác thực lực của cháu, chứ không chỉ cảm nhận qua sở thích “xem – đọc” của cháu. Để có thực lực về ngữ văn, không chỉ say mê đọc nhiều sách báo
là đủ. Căn bản phải bằng luyện văn. Đọc nhiều mà ít chịu luyện vẫn không bằng đọc ít mà luyện nhiều. Các bậc phụ huynh nên soát lại những nội dung mà cháu lựa chọn khi đọc, cách mà cháu thu thập hiểu biết khi đọc, cách mà cháu tập ứng dụng những điều đã học được nhờ đọc… Xét từ những góc độ đó để giúp cháu tự điều chỉnh từng bước, từ việc đọc (nội dung, phương pháp) đến việc học (ứng dụng, sáng tạo)
Ở đây, xin gợi ý một điểm khởi đầu của sự đọc. Đó là việc lựa chọn nội dung đọc. Việc này lại liên quan trực tiếp đến nhu cầu đọc. Các bậc phụ huynh nên thử nghiệm xem cháu mê đọc sách báo xuất phát từ nhu cầu nào (giải trí hay học hỏi, muốn biết tin tức hay cốt để khảo cứu và vận dụng, muốn làm theo người ta hay muốn thể hiện chính mình?...). Người có nhu cầu giải trí cũng mê sách báo như ai. Họ thường đắm mình vào những tin tức thi đầu thể thao, trong nhà ngoài phố, tranh chấp hình sự… Còn những người có nhu cầu học hỏi thì sách báo mà họ tìm đọc thường tập trung vào các chủ đề khảo cứu, giàu chất trí tuệ, đậm nét nhân bản. Họ đọc cốt là để luyện trí, thay vì xem chơi.
Khoa học giáo dục hiện đại đã khám phá một quy luật nhân văn rất gần gũi với người mê sách báo. Đó là: Sự thông thái luôn luôn đi kèm với lượng thông tin trí tuệ và chất thông tin khoa học (KH tự nhiên, KH xã hội, KH kỹ thuật, KH nhân văn). Những loại thông tin tạp nham được những người đọc thông thái thải loại ngay từ khi cầm tờ báo trên tay, không để chúng đi vào “bộ nhớ”. Theo quy luật này, ai càng thu thập và xử lý được nhiều thông tin có giá (chất lượng cao về trí tuệ và khoa học), người đó càng trở nên tinh thông và sáng tạo. Ngược lại, ai chỉ biết ôm đồm và chất chứa những thông tin “tào lao”, người đó có nguy cơ giảm thiểu trí tuệ, tụt dần chỉ số IQ.