Hỏi: Kinh nghiệm cho tôi thấy làm những nghề thiên về lao động trí óc, muốn thành công phải có sự thông minh. Còn những nghề thiên về lao động chân tay, chỉ cần sự xốc vác. Như vậy, hà tất phải hướng nghiệp? nếu con tôi thông minh thì nó hướng vào ngành lao động trí óc nào chẳng được.
Cũng vậy, nếu nó xốc vác thì hướng vào nghề lao động chân tay nào cũng xong. Bày vẽ thêm giaó dục hướng nghiệp liệu có giúp ích cho học sinh hay làm rắc rối thêm vấn đề lựa chọn của chúng? (Băn khoăn của một số vị phụ
huynh)
*********************
Trả lời: Một người sáng suốt, giàu kiến thức và đầy kinh nghiệm, có thể nói “không cần hướng nghiệp”. nhưng cả một thế hệ học sinh, cả một lớp trẻ đang bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa vào đời, xin lỗi, không thể chủ trương như vậy được. Với một thị trường mở cửa ngày càng nhiều ngành nghề đa dạng và đòi hỏi cao thấp khác nhau, để nhắm tới một ngành nghề nào đó cho phù hợp, ta không thể hướng cho lớp trẻ nhắm mắt đưa chân bằng cách nhờ vào “cái gậy” kinh nghiệm của người lớn.
Mặt khác, cái gọi là sự thông minh cũng có năm bảy đường, và cái gọi là sự xốc vác cũng có tám chín nẻo. Riêng về trí thông minh, mỗi người thông minh một kiểu, chẳng ai hoàn toàn giống ai. Có người thông minh về lý thuyết. Có
người chỉ thông minh về thực hành. Nếu thông minh cả lý thuyết và thực hành cũng có ít nhất 7 loại thông minh (TM) khác nhau: TM ngôn ngữ, TM khoa học, TM kỹ thuật, TM nghệ thuật, TM kinh tế, TM vận động, TM quản lý. Người TM khoa học chưa hẳn đã TM vận động (thể thao…). Người TM vận động chưa hẳn đã TM ngôn ngữ (nhà báo…). Ít người có được 2 - 3 loại TM trở lên. Ứng với mỗi loại TM còn có trên 10 nhóm ngành nghề khác nhau. Vậy, nếu không đủ hiểu biết, làm sao chọn đúng ngành nghề phù hợp với từng nhóm? Vì thế, phải nhờ đến giáo dục hướng nghiệp.
Giáo dục hướng nghiệp là một bộ phận không thể thiếu của giáo dục toàn diện. Nhờ đó, mỗi HS hiểu được tính chất và đòi hỏi của ngành nghề định hướng tới, tự phân tích thị trường lao động và sự đào tạo ngành nghề tương ứng, tự sàng lọc từ những lời tư vấn để tự mình tháo gỡ vướng mắc hoặc rèn luyện bản thân. Từ đó, tự xác định được đâu là ngành nghề phù hợp hoặc không phù hợp với mình.
Sẽ khách quan hơn nữa, nếu nhìn vấn đề không phiến diện và tuyệt đối: Nói “những nghề thiên về lao động trí óc chỉ cần sự thông minh” là đúng, nhưng chưa đủ. Ngoài trí tuệ, ngành nghề nào cũng đòi hỏi sự xốc vác, sự năng động, sự cần mẫn, sự chịu khó và kiên trì của một người lao động chân chất. Ngược lại, người lao động chân tay muốn làm việc có hiệu quả ngày càng cao cũng cần có sự cải tiến, có nhiều sáng kiến và cả sự sáng tạo. Và như thế, phải có sự học hỏi, nghĩa là rất cần đến trí tuệ.
Bất kỳ ngành nghề nào cũng đòi hỏi cả trí tuệ lẫn thể chất, cần cả thông minh và tháo vát. Càng đi vào nền kinh tế tri thức, càng cần kết hợp những yếu tố tích cực đó trong mọi ngành nghề, kể cả nghề làm ruộng hay nghề bốc vác. Đó là chưa nói ngoài thể lực và trí lực, nghề nghiệp còn đòi hỏi rất cao về tâm lực và tính cách của mỗi cá nhân hành nghề.