Hỏi: Em có bằng cử nhân loại khá. Nhưng xin việc thì ở đâu người ta cũng đòi hỏi kinh nghiệm. Nếu vậy, những người mới tốt nghiệp như em đào đâu ra “kinh nghiệm” để “trình làng”?
***************
Trả lời: Điều “người ta” đòi hỏi không có gì quá đáng, còn là việc cần làm. Bởi lẽ, “kinh nghiệm” không chỉ biểu hiện một phần của sự hiểu biết, còn là dấu hiệu của nội lực và tâm huyết của người được đào tạo để làm việc. Các nhà tuyển dụng đều quan niệm rằng, ai muốn “sống chết” với nghề (khi đã chọn) người đó đều có ý thức thường xuyên trau dồi học vấn và cả liên tục học hỏi kinh nghiệm.
Không nên chờ đến khi đi làm mới nghĩ tới học hỏi kinh nghiệm. Kinh nghiệm phải được thu thập và tích luỹ dần từ khi có định hướng ngành nghề, nghĩa là từ những năm tháng còn dùi mài sách vở. Nếu người xin việc có hoặc chưa có một ý thức học hỏi kinh nghiệm, nơi tuyển dụng có thể thông qua sự khảo sát mà biết được điều này. Trên đường đời và trong trường học, kinh nghiệm không có bằng cấp, nhưng có thể thẩm tra được thực chất. Để biết một ứng viên có kinh nghiệm hay không, mạnh hay yếu, người ta không căn cứ nhiều vào thời lượng công tác. Không ít người đã qua nhiều năm làm việc, nhưng không tích luỹ được nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Ngược lại, có người đang học nhưng vì tha thiết với nghề đã chọn và thường xuyên đặt cho mình một nhiệm vụ: tìm tòi học hỏi thêm trong thực tế. Nhờ vậy mà có kinh nghiệm dồi dào.
Tôi thấy nhiều bạn sinh viên ngoại ngữ, ngoài giờ học ở trường đã đến xin phụ rửa chén, tiếp khách, làm bồi bàn cho những nhà hàng có đông khách nước ngoài lui tới, cốt để luyện thêm kinh nghiệm ngoại ngữ qua thực tế giao tiếp. Tôi cũng thấy rất nhiều sinh viên đang học ở khoa công nghệ thông tin tìm việc làm thuê tại các cơ sở dịch vụ vi tính để luyện thêm kinh nghiệm về đồ họa vi tính hoặc thiết kế phần mềm. Một số sinh viên kiến trúc đã không ngần ngại khi phụ việc không công (về những công đoạn chuyên môn đơn giản trong nghề) cho
những kiến trúc sư tên tuổi, cốt để “học mót” kinh nghiệm. Nhiều sinh viên khoa ngữ văn – báo chí đã tự tìm đến các tòa soạn và đi vào thực tế cuộc sống xã hội để tự hình thành bài viết gửi cho các báo. Tuy bước đầu, bài của họ chưa được đăng tải, nhưng qua nhiều thử thách, họ rút được kinh nghiệm thành bại trong chuyên môn… Như vậy có nhiều hình thức phong phú, đa dạng để hun đúc và trau dồi kinh nghiệm ngay khi đang học. Cái chính là bản thân có chịu tìm học kinh nghiệm hay không. Và, đó cũng là một thử thách về tính vượt khó trước khi thành nghề.
Những người biết xông xáo tích luỹ kinh nghiệm bằng cách vừa học vừa làm như thế là những người có chí cao. Họ tìm cách tự thể hiện khi học nghề để có một thực lực căn bản nhờ sự tinh luyện giữa kiến thức sách vở và kinh nghiệm thực tế. Đi sâu vào thực tế nghề nghiệp, bạn sẽ tìm thấy nhiều kinh nghiệm lý thú. Càng lý thú với kinh nghiệm, bạn càng mê say với nghề và tìm tòi sáng tạo trong nghề để tiến xa hơn. Đó là một thế mạnh của bạn trên đường hướng nghiệp.