Hỏi: Người bạn của tôi (có 2 bằng Cử nhân, 1 bằng Thạc sĩ) khi được nhà tuyển dụng phỏng vấn, anh ấy đã trả lời rất trôi chảy về kiến thức. Nhưng đến phần kỹ năng ứng dụng thì lúng túng. Họ đưa ra vài tình huống cần xử lý, anh ta chỉ nêu được vài phương án giải quyết có tính chất “sách vở”. Hỏi thêm “có ý kiến gì khác ngoài phương án lý thuyết đó?” anh ta… lắc đầu!
Có lẽ vì vậy mà họ từ chối anh ta, lại nhận một người khác vào làm, dù người đó có một bằng cử nhân nhưng qua bộc lộ đã nêu được sáng kiến. Xin hỏi, sao lại thế? Kiến thức khoa học phải hơn sáng kiến cá nhân chứ? Mình có sáng kiến riêng chăng nữa thì làm sao “qua mặt được” những kiến thức mà khoa học đã đúc kết thành chân lý? Có kiến thức chưa đủ để hành nghề hay sao? *******************
Trả lời: Vâng, kiến thức chưa đủ hành nghề. Ngay trong lĩnh vực hiểu biết thôi, kiến thức chỉ mới là một bộ phận. Ngoài kiến thức còn có kinh nghiệm, vốn sống, và nhất là sáng kiến cá nhân.
Dạng hiểu biết rất căn bản đó chứng minh tài trí của một con người. Nó chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ năng vận dụng kiến thức với kỹ năng phát sinh ý tưởng. Nhờ vậy mà giải quyết vấn đề một cách linh hoạt và sáng tạo trong những tình huống khác nhau, không gò bó theo sách vở. Sáng kiến thường vượt qua ngoài lý thuyết, giúp mở rộng lý thuyết, vì nó đậm đặc chất thực tiễn. Bởi thế, ngay trong quá trình học chữ và học nghề, phải học cách nảy sinh sáng kiến, cách làm giàu sáng kiến.
Những nơi tuyển dụng lao động chất lượng cao thường than phiền về những học sinh hoặc sinh viên tốt nghiệp tuy có nhiều kiến thức nhưng thiếu
sáng kiến. Họ ví người giàu kiến thức mà nghèo sáng kiến như ngọn nến không lung linh, có lửa nhưng sáng yếu ớt, càng không có hào quang. Do đó, không đắc dụng. Trước đây, người ta hỏi học sinh hoặc sinh viên tốt nghiệp ra trường có những kiến thức gì. Bây giờ câu hỏi đó là “Có những kỹ năng nào? Có cách học ra sao để hình thành nên những kỹ năng đó?”. Họ quan niệm những kỹ năng tạo nên sáng kiến là nền móng của một tài năng (skill base).
Nếu bạn dồi dào kiến thức đã là tốt, nhưng chưa đủ sức cạnh tranh khi đi vào công nghiệp ngành nghề. Chính sáng kiến cá nhân (xuất phát từ skill base) mới giúp bạn vượt lên đối thủ. Bill Gates (chủ tập đoàn Microsofl) từng vạch rõ:”Sáng kiến là nhịp cầu nối tư duy sáng tạo với hành động sáng tạo. Nó là vốn trí tuệ và chất xám đích thực của mỗi cá nhân. Làm việc mà thiếu sáng kiến sẽ bị tụt hậu.”
Vì thế, nếu bạn muốn hướng nghiệp tích cực, ngay khi đang học ở trường, phải luyện tập cách vận dụng kiến thức để phát sinh ý tưởng, làm nên sáng kiến (sáng kiến trong học tập, trong làm việc và xử lý tình huống…). Đó là thứ tài sản vô giá mà bạn sẽ mang theo trong hành trang hướng nghiệp vào đời.