Hỏi: Từ nhỏ, em đã thích làm “anh hai” trong đám bạn, dù ở nhà, em là thứ sáu. Đến trường, liên tục từ lớp 7 đến lớp 11, các bạn đều nể cái uy của em. Dù em không là lớp trưởng, nhưng có lần em được cử làm đội trưởng văn nghệ của trường. Như vậy chứng tỏ em có năng khiếu chỉ huy phải không? Bởi thế em muốn học một nghề gì đó mà sau này ra làm lãnh đạo. Suy nghĩ và ước muốn của em như vậy có lệch lạc không? Để làm chỉ huy tốt, cần phải có những năng lực và phẩm chất gì? Quản trị kinh doanh có phải là một nghề chỉ huy (làm giám đốc doanh nghiệp) hay không?
**************
Trả lời: Mục tiêu đào tạo của ngành quản trị kinh doanh không phải để làm chỉ huy (dù là chỉ huy kinh doanh). Vào học ngành đó bạn sẽ được đào tạo để trở thành người am hiểu về kinh tế, có kiến thức doanh nghiệp, có kỹ năng kinh doanh. Trong đó cũng có trang bị một số nhận thức và lý luận về quản trị và tâm lý học quản lý, nhưng không đi sâu vào vai trò lãnh đạo, chỉ huy.
Chỉ huy (hay quản lý, lãnh đạo) là một cương vị, chứ không phải là một nghề. Nghề nào cũng có những cương vị chỉ huy từ thấp lên cao, sắp xếp theo từng cấp bậc của hệ thống tổ chức. Chẳng hạn: tổ trưởng, đội trưởng, quản đốc,
giám đốc, tổng giám đốc, chủ tập đoàn. Đó là những chức vụ quản lý hoặc cương vị lãnh đạo do cấp trên bổ dụng hoặc được tập thể bầu ra, căn cứ vào phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của đương sự.
Thông thường, những người vừa giỏi tay nghề, vừa giỏi hành nghề thì tuỳ mức độ mà được tín nhiệm giữ các trọng trách trong guồng máy của nghề. Nhưng đó là một quá trình trưởng thành, được khẳng định từng bước tiến bộ thông qua thực tiễn hoạt động của người đó. Nói rằng có năng khiếu chỉ huy cũng đúng, nhưng chỉ một phần thôi. Cái chính là sự rèn luyện của bản thân. Có năng khiếu mà chẳng lo rèn luyện thì không thể tạo thành năng lực được, nghĩa là khó trở thành người chỉ huy tốt. Có thể quy các phẩm chất và năng lực chỉ huy về 7 nét đặc trưng sau đây:
1. Biết cảm hóa tốt và kích thích được cấp dưới làm việc theo phương châm “cống hiến nặng hơn mưu sinh, lấy công ích làm trọng”
2. Biết tổ chức công việc, tổ chức nhân sự, tổ chức thực hiện và kiểm tra trong phạm vi quản lý, với ý thức cao về trách nhiệm cá nhân.
3. Biết tập hợp được trí tuệ, năng lực và tâm huyết của toàn thể cấp dưới theo tinh thần “đồng cam cộng khổ để vượt lên thử thách”.
4. Biết tự rèn luyện, tự đào tạo, tự bồi dưỡng với ý thức “thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi” để đổi mới tư duy, cải thiện công việc, nâng cao năng lực và phẩm chất.
5. Biết lắng nghe để thấu hiểu, biết thông cảm để sẻ chia với những tâm tư, tình cảm, nhận thức và nguyện vọng chính đáng của mỗi thành viên cấp dưới.
6. Biết bao quát công việc, bao quát quy trình, bao quát nhân sự với ý thức “trông cây lại nhớ đến rừng, trông rừng lại nghĩ đến cây”.
7. Biết tự chế cảm xúc, trấn tĩnh trước mọi sự kích động. Không lạm dụng chức quyền trong xử lý vụ việc. Biết hạn chế tối đa quyền lực hành chính và tăng cường tối đa uy lực gương mẫu.
… Những cái “sự biết” đó nếu được bạn nâng cấp thì sẽ nâng cao dần năng lực chỉ huy, và cũng là cơ sở để cấp trên xét đề bạt theo con đường chính thống. Nghề nghiệp nào (nếu được tổ chức theo một hệ thống chặt chẽ) cũng cần có những yêu cầu về việc cân nhắc nhân sự trong các cương vị chỉ huy, với mục đích: phục vụ và cống hiến. Khi bạn có sở thích và mong muốn được làm chỉ huy thì điều đó không có gì sai, nếu ước nguyện này xuất phát từ động cơ tốt: phục vụ và cống hiến. Tuy nhiên, không đơn giản “muốn” là được. vấn đề là phải biết
cách thực hiện ý muốn.
Trước khi muốn chỉ huy, phải biết hướng tới sự phấn đấu theo những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của người chỉ huy (7 điều nói trên). Kế đó, phải học cách làm người dưới quyền (tức là người phục tùng sự chỉ huy). Nói khác đi: phải học làm lính trước khi làm quan, học làm thợ trước khi làm thầy, phải làm thợ giỏi trước khi làm một người thấy tốt. Nói một cách khác nữa: phải thành thạo một nghề nghiệp (vừa giỏi tay nghề vừa giỏi hành nghề - “nghệ tinh”) mới hy vọng tiến dần theo từng nấc thang vững chắc trong cương vị chỉ huy. Đó là quy trình căn bản để thực hiện ý muốn chỉ huy.
Bao trùm lên tất cả mọi vấn đề xung quanh ý muốn chỉ huy và cách thực hiện ý muốn đó, là thái độ và ý thức khiêm nhường: không tự coi mình là trên tất cả, dù ở cương vị cao nhất. “Biết người biết ta” là một phương châm hàng đầu của sách lược chỉ huy, dù là chỉ huy trong phạm vi nghề nghiệp.