Đánh giá cơ chế quản lý tài chính của PVGAS

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (Trang 60)

Hoạt động sản xuất kinh doanh của PVGAS trong các năm qua tuy đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng trong xu thế cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, hoạt động của PVGAS còn có những hạn chế về tổ chức mô hình hoạt động, phân cấp hoạt động, cơ chế và quan hệ tài chính...Những tồn tại này đã làm chậm quá trình tích tụ vốn, giảm tốc độ tăng trưởng và sức cạnh tranh, làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PVGAS chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong muốn.

Xuất phát từ mô hình tổ chức và hoạt động của PVGAS là tập trung tài chính tại công ty mẹ, các đơn vị thành viên hoạt động theo cơ chế cấp phát, chưa được trao quyền tự quyết và chịu trách nhiệm trong quản lý điều hành mà đặc biệt là các quyết định về tài chính. Hơn nữa mức phân cấp hoạt động còn hạn chế dẫn đến chưa phát huy được khả năng tự chủ và chưa đề cao tính độc lập của các đơn vị trực thuộc. Trước năm 2012 các đơn vị thành viên hoạt động như là chi nhánh hạch toán phụ thuộc, các quyết định chủ yếu về thu chi tài chính, thu xếp vồn, đầu tư xây dựng cơ bản đều do công ty mẹ thực hiện do đó trách nhiệm trong quản lý điều hành của các đơn vị thành viên rất hạn chế.

Tháng 8/2007, Tổng công ty Khí được thành lập, định hướng hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. PVGAS đã có những thay đổi đáng kể về phạm vi hoạt động và đặc biệt là cơ chế tài chính. Các đơn vị thành viên được phân cấp mạnh hơn, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm trong các hoạt động như đấu

thầu mua sắm tài sản, vật tư, xây dựng cơ bản, chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi được Tổng công ty phân cấp. Tuy nhiên về tổ chức hoạt động, các đơn vị thành viên của Tổng công ty vẫn chỉ là các chi nhánh phụ thuộc cho nên các hoạt động về vốn Tổng công ty vẫn còn thực hiện cấp vốn theo kế hoạch ngân sách hoặc theo nhu cầu hoạt động của đơn vị. Như vậy cơ chế tài chính của PVGAS chưa thực sự chuyển sang cơ chế đầu tư vốn cho các công ty con mà vẫn còn là cơ chế cấp phát theo kế hoạch.

Để có thể phát huy mọi nguồn lực tự có và huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển sức sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, cần phải có các giải pháp hiệu quả hơn về cơ chế tài chính làm đòn bẩy khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển của Tổng công ty. Các đơn vị thành viên cần được đầu tư vốn, độc lập trong kinh doanh tự quyết định và chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh của đơn vị mình. Tình hình chung là hiện nay vẫn còn có sự đan xen, chưa tách bạch rõ ràng chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh của Tập đoàn cũng như của Tổng công ty Khí dẫn đến tính độc lập tự chủ trong sản xuất kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, các cơ quan quản lý nhà nước còn can thiệp nhiều vào hoạt động của PVGAS.

Về cơ chế huy động vốn, Tập đoàn vẫn chưa thực sự trao quyền tự chủ cho PVGAS, do đó mặc dù vốn vay trên sổ sách lớn nhưng tỷ lệ vốn đơn vị tự huy động rất thấp. Những khoản vốn vay lớn đều do Bộ Tài chính hoặc Tập đoàn bảo lãnh, phần vốn do PVGAS tự huy động rất hạn chế. Theo Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 về hướng dẫn phân phối lợi nhuận sau thuế, tuy lợi nhuận sau thuế của công ty cao nhưng phần lợi nhuận được để lại công ty rất ít làm chậm quá trình tích tụ vốn của đơn vị. Cơ chế huy động vốn là một trong những cơ chế quan trọng nhất trong quản lý tài chính của Tập đoàn. Khi phát triển thành Tập đoàn, cơ chế quản lý bên trong Tập đoàn phải vận động theo hướng phi tập trung hoá, ngày càng tôn trọng và phát huy năng lực của tất cả các đơn vị thành viên. Theo đó với tư cách pháp nhân độc lập, PVGAS cần được chủ động quyết định trong việc huy động vốn.

Cơ chế tài chính của PVGAS ngoài việc tuân thủ các Luật doanh nghiệp, Luật thuế, Luật thương mại, Luật đấu thầu,... còn chịu sự chi phối của các văn bản ngoài Luật phát sinh theo yêu cầu của các Bộ, của Ngành. Đây cũng là yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư phát triển của đơn vị vì không chủ động được nguồn vốn tích lũy từ lợi nhuận sau thuế để thực hiện tái đầu tư.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Trong Chương 2 của Luận văn, tác giả đã tập trung nghiên cứu và trình bày những vấn đề sau:

Phần đầu Chương 2 Giới thiệu quá trình hình thành và phát triển Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP, nêu rõ chức năng nhiệm vụ của PVGAS đồng thời giới thiệu tình hình kinh doanh của PVGAS nhằm nêu bật PVGAS là một đơn vị duy nhất của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam và là đơn vị lớn nhất cả nước trong chế biến, vận chuyển, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí.

Đồng thời, tác giả đã phân tích kỹ cơ chế tài chính của PVGAS theo các tiêu chí đã trình bày trong Chương 1 và đánh giá tình hình tài chính và đánh giá cơ chế tài chính của PVGAS để làm cơ cở cho việc đề xuất các kiến nghị và các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP trong Chương 3 dưới đây.

CHƯƠNG 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA TỔNG CÔNG TY KHÍ VIỆT NAM - CTCP

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)