Những thành tựu đạt được

Một phần của tài liệu Xuất khẩu thủy sản của tỉnh Thanh Hóa Thực trạng và giải pháp (Trang 62)

2000 đến nay

2.3.1. Những thành tựu đạt được

Có thể khẳng định hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản của tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã đạt được những thành tích đáng kể. Những thành công nổi bật trong lĩnh vực này có thể kể đến là:

Thứ nhất, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng nhanh, thị trường tiêu thụ được mở rộng, năng lực cạnh tranh được nâng cao

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng nhanh trong những năm qua đã góp phần to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có triển vọng tương lai. Hơn nữa hoạt động xuất khẩu thủy sản phát triển đã có ý nghĩa đáng kể trong việc tăng thu ngoại tệ, mở rộng quan hệ thương mại, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc biệt đối với các vùng nông thôn ven biển, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo thông qua việc cải tạo cơ sở hạ tầng, tăng nguồn lực, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo đói, cung cấp nguồn dinh dưỡng và an ninh thực phẩm.

Công nghiệp chế biến thủy sản cho xuất khẩu đã có những tiến bộ nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có một số ít cơ sở chế biến rời rạc với công nghệ lạc hậu, sản xuất sản phẩm thô, sơ chế, phục vụ chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, nay ngành công nghiệp chế biến thủy sản đã có năng lực sản xuất khá lớn, có trang thiết bị, công nghệ cơ bản tương đương với các nước trong khu vực và bước đầu tiếp cận với trình độ thế giới. Nhờ vậy sản phẩm thủy sản chế biến có chất lượng cao hơn, có điều kiện đa dạng hóa sản phẩm nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của thị trường, tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, từ đó nâng cao được giá trị gia tăng thủy sản xuất khẩu của tỉnh.

Thủy sản xuất khẩu của Thanh Hóa ngày càng được chấp nhận trên thị trường thế giới, ngay cả ở những thị trường lớn luôn đưa ra những tiêu chuẩn về chất lượng vào loại khắt khe nhất bởi công tác kiểm tra, giám sát chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được chú trọng, quan tâm. Nhờ đạt được chất lượng cao hơn, sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Thanh Hóa đã bán được giá cao hơn nhiều so với trước đây. Đồng thời Thanh Hóa có thể chuyển hướng sang được các thị trường lớn có yêu cầu cao hơn về chất lượng, tạo thế chủ động hơn về thị trường. Nhờ quan tâm đến việc mở rộng, đa dạng hóa thị trường, hiện nay thủy sản của tỉnh đã vươn tới nhiều thị trường trên thế giới ngay cả khi tôm, cá của Việt Nam bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá trên thị trường Mỹ, tăng được kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào các thị trường khác, nhất là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.

Thứ hai, đóng góp của xuất khẩu thuỷ sản vào nền kinh tế của tỉnh ngày càng cao

Ngành thuỷ sản là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù bao gồm nhiều lĩnh vực hoạt động mang những tính chất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ, cơ cấu thành một hệ thống thống nhất có liên quan chặt chẽ và hữu cơ với nhau. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, xuất khẩu thủy sản hàng năm đã đóng góp vào nền kinh tế của tỉnh hàng trăm tỷ đồng.

Ngành thủy sản cũng đã đóng góp một phần vào tổng sản phẩm của tỉnh: năm 2006 ngành thủy sản đóng góp 692,6 tỷ đồng, chiếm 3,2% trong tổng sản phẩm toàn tỉnh (21.572,2 tỷ đồng), ngành nông nghiệp đóng góp 5.215,8 tỷ đồng, chiếm 24,2%, ngành lâm nghiệp 654,8 tỷ đồng chiếm 3,0%, ngành công nghiệp khai thác mỏ góp 163,8 tỷ đồng chiếm 0,8%, tài chính tín dụng 292,2 tỷ đồng chiếm 1,4%; đến năm 2010 ngành thủy sản đóng góp 1.074,1 tỷ đồng chiếm 2,1% trong tổng sản phẩm toàn tỉnh (51.392,9 tỷ đồng), ngành nông nghiệp 9.962,4 tỷ đồng chiếm 19,4%, ngành lâm nghiệp 1.368,4 tỷ đồng

chiếm 2,7%, ngành công nghiệp khai thác mỏ 298,7 tỷ đồng chiếm 0,6%, ngành tài chính, tín dụng 686,2 tỷ đồng chiếm 1,3 %. Như vậy, nếu so với ngành nông nghiệp và lâm nghiệp thì ngành thủy sản đóng góp vào tổng sản phẩm của tỉnh ít hơn nhưng so với các ngành khác ngành thủy sản đã đóng góp một phần lớn vào tổng sản phẩm của tỉnh. Bên cạnh đó ngành thủy sản cũng đã khuyến khích các ngành khác cùng phát triển như ngành công nghiệp chế biến, giao thông vận tải…

Thứ ba, xuất khẩu thủy sản đã thực sự có vai trò thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh

Sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản của Thanh Hóa có vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết việc làm, ổn định đời sống dân cư, đồng thời đóng góp lớn cho nền kinh tế chung của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương chính sách về phát triển các vùng sản xuất trọng điểm, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… nên sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định và khá toàn diện. Năm 2005 giá trị gia tăng của ngành đạt 3.637 tỷ đồng, gấp 1,24 lần năm 2000 và 1,5 lần năm 1995; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 4,4%/năm; 2006 - 2010 là 4,2 %/năm; cơ cấu sản xuất đã chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa; đã gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng khu vực nên các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản ngày càng tăng cả về khối lượng và chủng loại, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng, nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp trong tỉnh, đồng thời cung cấp một phần cho thị trường bên ngoài và xuất khẩu. Nhiều mô hình sản xuất mới xuất hiện và đang được áp dụng rộng rãi trên địa bàn làm thay đổi cơ bản cơ cấu nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là mô hình liên kết nông - công nghiệp giữa vùng nguyên liệu và nhà máy như vùng nguyên liệu khai thác (các huyện ven biển, vùng nuôi trồng thủy sản) với các nhà máy chế biến (như nhà máy chế biến của Công ty Cổ

phần xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa; Công ty Cổ phần thương mại vận tải và chế biến Hải sản Long Hải; Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến hải sản Hòa Hải....) đã làm thay đổi bộ mặt một vùng rộng lớn của các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Tĩnh Gia.... tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế vùng nguyên liệu và kinh tế toàn tỉnh.

Tỷ trọng thủy sản trong giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng từ 12,5% năm 2000 lên 14,5% năm 2005 và 15,5% năm 2010. Cơ cấu trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đang có sự thay đổi dần, tỷ trọng của thủy sản liên tục tăng theo các năm, còn lâm nghiệp giảm xuống đáng kể từ 7,9% năm 2000 xuống còn 6,1% năm 2010; ngành nông nghiệp cũng giảm từ 78,8% năm 2005 xuống còn 78,4% năm 2010.

Xét về cơ cấu từng vùng thì kinh tế các vùng đều tăng trưởng nhanh, nhưng đang có xu hướng tập trung cao ở vùng đồng bằng và ven biển.

Vùng ven biển: kinh tế vùng ven biển liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, từ 8,6% giai đoạn 1996 - 2000 lên hơn 12% giai đoạn 2001 - 2010, đứng đầu các vùng về tốc độ tăng trưởng. Tỷ trọng kinh tế của vùng này trong nền kinh tế cũng tăng dần từ 29,7% năm 2005 lên khoảng 35% năm 2010. Đây là vùng có nhiều tiềm năng, dự báo trong thời gian tới vùng này còn phát triển với tốc độ cao hơn.

Vùng đồng bằng: có nhiều thuận lợi về điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng nền kinh tế khá phát triển, trong nhiều năm duy trì tốc độ ở mức 8 - 10%/năm. Tỷ trọng trong GDP toàn tỉnh giữ mức khá cao, trên 50%.

Vùng trung du - miền núi là vùng có nhiều khó khăn so với các vùng khác về nhiều mặt. Tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng chỉ đạt 5 - 6%/năm thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế cả tỉnh. Tuy nhiên trong những năm gần đây, thực hiện Quyết định 253 của Chính phủ,

một số huyện miền núi đã có mức tăng trưởng trên 10%/ năm, như: Thạch Thành, Như Thanh,..

Nhìn chung cơ cấu kinh tế của Thanh Hoá thời gian qua có sự chuyển dịch đúng hướng, phù hợp với lợi thế của tỉnh, góp phần bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, tỉnh cần có những chính sách và giải pháp tích cực để tăng nhanh tỷ trọng các ngành được ưu tiên (ngành thủy sản, nông nghiệp), đồng thời giảm dần mức chênh lệch bảo đảm phát triển bền vững giữa các vùng miền trong tỉnh.

Thứ tư, việc làm và đời sống của người lao động trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản ngày càng được cải thiện

Theo niên giám thống kê năm 2010 của tỉnh Thanh Hóa, số lao động có việc làm trên địa bàn tỉnh là 2.070.000 người, trong đó số lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 1.221.300 người riêng lao động trong ngành thủy sản là 50.848 người chiếm 4,2% so với khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản và 2,46% so với số lao động đang làm việc của toàn tỉnh, trong đó: lao động khai thác thủy sản hiện có 25.488 lao động, số lượng lao động đã được đào tạo thuyền trưởng 1.200 người, chiếm 4,7%; máy trưởng 1.100 người, chiếm 4,0%, còn lại hầu hết đều chưa qua đào tạo mà chủ yếu lao động sản xuất dựa vào kinh nghiệm tích luỹ được từ thực tế sản xuất. Lao động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh là 11.360 người, chiếm 20% số lao động thuỷ sản. Số lao động còn lại phục vụ trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản là 14.000 người; trong đó: doanh nghiệp 1.500 người, hộ gia đình 12.500 người [10].

Xuất khẩu thủy sản thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản nói riêng và cả nền kinh tế của tỉnh nói chung. Nhờ việc phát triển xuất khẩu thủy sản mà tạo được thêm nhiều việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập

bình quân cho người lao động 2 – 3 triệu đồng/tháng, nhiều lao động giỏi đạt 5 – 10 triệu/tháng. Có một số chủ hộ có quy mô và số vốn sản xuất lên đến 300 – 500 triệu đồng nên thu nhập hàng tháng lên đến 50 – 70 triệu đồng.

Thu nhập cao và ổn định góp phần làm cho đời sống văn hóa – xã hội và dân trí vùng ven biển có nhiều thay đổi. Nạn mù chữ và thôi học giảm hẳn, các công trình phúc lợi công cộng được củng cố và xây dựng mới: nhà văn hóa thôn, trạm xá, sân vận động, đường nhựa hoặc bê tông…. Các phương tiện sinh hoạt ngày càng được nâng cao: ti vi, vi tính…trở thành bình thường với dân cư vùng biển. An ninh chính trị được giữ vững ổn định.

Như vậy, năng lực sản xuất của ngành thủy sản cũng được nâng lên, cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản đã góp phần tích cực giải quyết một số vấn đề xã hội.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu thủy sản của tỉnh Thanh Hóa Thực trạng và giải pháp (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)