Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, khoa học và công nghệ thực sự đóng vai trò là động lực và nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực tiễn cho thấy, nơi đâu đầu tư, khai thác đúng mức việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống thì nơi đó nền kinh tế phát triển nhanh, đời sống người dân được cải thiện nhanh hơn.
Công nghệ giống thủy sản: các cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống tập trung từng bước được đầu tư hoàn thiện; hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi giống thủy sản được cải thiện; hệ thống các trung tâm
quốc gia giống thủy sản, trung tâm giống thủy sản cấp I, trung tâm giống thủy sản các tỉnh, các khu vực sản xuất giống thủy sản tập trung được hình thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả đã tạo ra nhiều loại giống tốt, nuôi nhanh lớn, kích cỡ nuôi thương phẩm lớn phù hợp với điều kiện nuôi của Việt Nam, như tôm càng xanh, cá tra, tôm thẻ chân trắng... Nhìn chung, việc sản xuất con giống trong nước bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người nuôi để đảm bảo nguyên liệu cho xuất khẩu.
Công nghệ đánh bắt: trong những năm qua, trình độ công nghệ trong khai thác thủy sản đã có sự thay đổi, bên cạnh việc cải tiến các nghề lưới kéo, vây, rê trong nước việc tiếp tục du nhập và cải tiến các nghề được du nhập cho phù hợp với điều kiện Việt Nam đã được thực hiện: chụp mực kết hợp ánh sáng từ Thái Lan, sử dụng ánh sáng điện và máy dò cá trong nghề lưới vây, câu vàng cá ngừ đại dương từ Nhật Bản... ; Bên cạnh đó đã có sự đầu tư vào các phương tiện đánh bắt hiện đại, công suất lớn đảm bảo việc khai thác xa bờ đạt kết quả tốt. Sự du nhập và cải tiến các nghề, phương tiện đánh bắt đã làm thay đổi cơ cấu nghề, làm thay đổi cơ cấu sản phẩm và giúp ngư dân tiếp cận với các sản phẩm có chất lượng, có giá bán cao và đảm bảo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.
Công nghệ chế biến: các cơ sở chế biến khi sử dụng công nghệ chế biến hàng thủy sản ngày một hiện đại sẽ cung cấp một lượng hàng thủy sản lớn cho việc xuất khẩu, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng. Ví dụ: công nghệ bảo quản sau thu hoạch trong chế biến xuất khẩu nếu trước đây chủ yếu sử dụng công nghệ bao gói sản phẩm trong điều kiện thường và bao gói chân không thì nay được thay bằng công nghệ bao gói thay đổi môi trường không khí bên trong bao gói đang được sử dụng phổ biến trên thế giới để tăng khả năng duy trì chất lượng sản phẩm. Các nghiên cứu về công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch trong thời gian qua đã giải quyết một phần những yêu
cầu cấp thiết của sản xuất, ở mức độ nào đó góp phần giảm thất thoát sau thu hoạch, tạo ra nguồn nguyên liệu có chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn cho chế biến xuất khẩu.
Để hàng thủy sản ngày một có chỗ đứng trên thị trường thế giới cần phát triển khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực như: bảo vệ nguồn lợi; kiểm soát môi trường; dư lượng độc tố chế biến khai thác sản xuất; kỹ thuật nuôi ươm giống.... Bên cạnh đó ngành thủy sản cũng phải đào tạo được cán bộ có tay nghề để thích ứng với trình độ khoa học công nghệ ngày càng hiện đại; có kế hoạch đầu tư thích đáng; có mô hình tổ chức sản xuất, đặc biệt theo chuỗi sản phẩm…