Nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng

Một phần của tài liệu Xuất khẩu thủy sản của tỉnh Thanh Hóa Thực trạng và giải pháp (Trang 39)

2000 đến nay

2.1.2.Nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng

Thanh Hoá có bờ biển dài 102 km (từ cửa Càn, Nga Sơn đến Hà Nẫm, Tĩnh Gia); vùng lãnh hải rộng hơn 1,7 vạn km2. Vùng biển và ven biển Thanh Hoá có tài nguyên khá phong phú, đa dạng, trong đó nổi bật là tài nguyên thuỷ sản, tiềm năng xây dựng cảng và dịch vụ hàng hải.

Về tài nguyên thuỷ sản: Vùng biển Thanh Hoá chịu ảnh hưởng của các dòng hải lưu nóng và lạnh tạo thành những bãi cá, tôm có trữ lượng lớn so với các tỉnh phía Bắc. Tại vùng biển Thanh Hoá đã xác định có hơn 120 loài cá, thuộc 82 giống, 58 họ gồm 53 loài cá nổi, 69 loài cá đáy và các loại hải sản khác. Tổng trữ lượng hải sản ước khoảng 140.000 - 165.000 tấn; khả năng khai thác từ 60.000 - 70.000 tấn/năm, trong đó cá nổi chiếm hơn 60% và cá đáy chiếm gần 40%. Các ngư trường khai thác chính gồm:

Bãi cá nổi vùng Lạch Hới - Đông Nam Hòn Mê có trữ lượng 15.000 - 20.000 tấn, chủ yếu là cá lầm, cá trích, cá nục chiếm 60 - 70%, còn lại là cá thu, bạc má... Khả năng khai thác khoảng 7.000 - 10.000 tấn/năm. Bãi cá nổi ven bờ từ Nghệ An trở ra phía Bắc có trữ lượng khoảng 12.000- 15.000 tấn chủ yếu là cá lầm, cá trích chiếm khoảng 40 - 50%, còn lại là cá nục, cá cơm, cá lẹp... Khả năng khai thác khoảng 6.000 - 7.000 tấn/năm. Các bãi cá đáy phía Nam đảo Hòn Mê đến Lạch Ghép và Lạch Hới - Đông Nam Hòn Mê.

Tôm biển gồm 12 loài với trữ lượng hơn 3.000 tấn, trong đó tôm he chiếm khoảng 5 - 8%. Có hai bãi tôm chính là bãi tôm Hòn Nẹ - Lạch Ghép và bãi tôm Lạch Bạng - Lạch Quèn. Đây là bãi tôm có trữ lượng cao trong khu vực vịnh Bắc Bộ. Khả năng khai thác hàng năm khoảng 1.000 - 1.300 tấn tôm, trong đó chủ yếu là tôm bộp, tôm sắt và hơn 7.000 tấn moi biển.

Mực ở vùng biển Thanh Hoá và vùng phụ cận có chất lượng tốt, trữ lượng khoảng 10.000 tấn mực ống và 3.000 - 4.000 tấn mực nang. Khả năng khai thác hàng năm khoảng 3.000 - 4.000 tấn mực ống và 1.500 - 2.000 tấn mực nang.

Ngoài ra, vùng biển và ven biển Thanh Hoá còn có các loại hải sản đặc sản khác cũng rất phong phú như ốc hương, sứa, tôm hùm, cua, ghẹ... có giá trị kinh tế cao và đang được thế giới ưa chuộng. Với trữ lượng và khả năng khai thác lớn về thủy sản, đây là lợi thế không nhỏ để Thanh Hóa đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản tạo vốn tích lũy để phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

Về nuôi trồng thuỷ sản: Thanh Hoá có trên 8.000 ha bãi triều (chưa kể diện tích bãi triều thuộc 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc mỗi năm được bồi thêm ra biển từ 8 - 10 mét) là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thuỷ sản nước lợ như tôm sú, cua, rau câu... Dọc ven biển còn có hơn 5.000 ha nước mặn ở vùng quanh đảo Mê, đảo Nẹ có thể nuôi thủy sản nước mặn theo hình thức lồng bè với các loại có giá trị kinh tế cao như cá song, cá cam,

trai ngọc, tôm hùm... Ngoài ra tại các vùng cửa lạch còn có những bãi bồi bùn cát rộng hàng ngàn ha có thể phát triển nuôi trồng hải sản, trồng cói, trồng cây chắn sóng và sản xuất muối.... Tiềm năng đó đã giúp Thanh Hóa nâng cao sản lượng nuôi trồng thủy sản, hàng năm đạt trung bình trên 20 triệu tấn, trong đó trên 50% sản lượng được xuất khẩu ra hơn 20 nước và vùng lãnh thổ.

Về tiềm năng xây dựng cảng: Với bờ biển dài và nhiều cửa lạch, Thanh Hoá có tiềm năng rất lớn về xây dựng cảng và phát triển vận tải biển, trong đó đáng chú ý nhất là khu vực Nghi Sơn. Đây là khu vực được đánh giá có điều kiện thuận lợi nhất của vùng ven biển từ Hải Phòng đến Nam Hà Tĩnh. Tại đây đang khảo sát xây dựng cụm cảng nước sâu lớn trong vùng (gắn với Khu kinh tế Nghi Sơn) với 3 khu cảng chính là cảng tổng hợp Nghi Sơn, cảng cho khu liên hợp lọc hóa dầu và các cảng chuyên dùng cho nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện và nhà máy đóng tầu Nghi Sơn... tạo điều kiện để Thanh Hóa mở rộng giao lưu hàng hoá với các tỉnh trong nước và với thế giới.

Ngoài ra, dọc bờ biển còn có 5 cửa lạch lớn là Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép và Lạch Bạng, đã và đang là tụ điểm giao lưu kinh tế và là những trung tâm nghề cá của tỉnh, đồng thời cũng là những khu vực thuận lợi cho xây dựng cảng biển với quy mô khác nhau.

Tóm lại, Thanh Hoá có bờ biển dài, có tiềm năng lớn về khai thác, nuôi trồng thuỷ sản để hướng đến xuất khẩu đạt giá trị cao đây là lợi thế rất lớn để Thanh Hoá phát triển kinh tế biển nói chung và kinh tế thủy sản nói riêng để hội nhập mạnh với khu vực và thế giới.

Một phần của tài liệu Xuất khẩu thủy sản của tỉnh Thanh Hóa Thực trạng và giải pháp (Trang 39)