Bên cạnh những nhân tố cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh như vật tư, tiền vốn, công nghệ, … nhân tố con người được coi là quan trọng nhất, có tính chất quyết định tới sự thành bại của tổ chức. Trong hoạt động xuất khẩu, từ khâu nghiên cứu thị trường, tìm kiếm khách hàng, tạo nguồn hàng, giao dịch ký kết hợp đồng… đều cần đến chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ của người thực hiện. Ở các khâu đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chế biến
hàng thủy sản xuất khẩu để đạt năng suất cao, giá trị sản phẩm tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.... cũng cần đến trình độ chuyên môn tay nghề của người lao động. Như vậy, tất cả các công việc trên nếu được thực hiện bởi những người có trình độ cao thì hiệu quả xuất khẩu sẽ cao hơn.
Việt Nam thuộc những nước đông dân nhất thế giới. Có khoảng 75% dân số sống ở nông thôn, trong đó dân số ở vùng ven biển có nhịp độ tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Dân số Việt Nam là dân số trẻ, đó là một lợi thế. Đặc biệt với dân cư vùng ven biển, do tỷ lệ sinh đẻ cao, đời sống thấp kém, tuổi thọ không cao nên tỷ trọng sức trẻ trong ngành thủy sản ngày một lớn, bởi công việc khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản cần nhiều đến sức khỏe. Tỷ lệ lao động trẻ dưới 45 tuổi là khá cao, chiếm tới 93%. Lực lượng lao động trong ngành thủy sản dồi dào, chiếm gần 9% lực lượng lao động cả nước (khoảng 5 triệu người), đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, cùng với giá cả sức lao động nghề cá tương đối thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới đây là lợi thế so sánh lớn trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản, nó sẽ làm giảm giá thành sản xuất từ đó làm tăng lợi nhuận khi xuất khẩu.