9. Cấu trúc luận văn
1.5.1. Đặc điểm tâm lý lứa tuổi của sinh viên đại học
Trong tài liệu giáo dục học đại cương của Đặng Vũ Hoạt và Nguyễn Hữu Dũng đã nêu: Các nhà nghiên cứu cho rằng giữa giáo dục và phát triển nhân cách tác động qua lại với nhau rất mật thiết. Vì vậy để có thể tác động có hiệu quả đến sự phát triển nhân cách, giáo dục phải dựa vào những đặc điểm nhân cách của từng lứa tuổi, thậm chí của từng cá nhân.
Người ta xác định ứng với một lứa tuổi là một giai đoạn phát triển nhân cách. Như vậy, đối với thế hệ trẻ, chúng ta nhận thấy còn nhiều giai đoạn phát triển nối tiếp nhau theo thời gian, mang tính quy luật, mang tính chu kỳ nhất định, phản ánh sự luân phiên của các dạng hoạt động chủ đạo.
Giai đoạn trước tạo tiền đề và điều kiện cho giai đoạn sau và giai đoạn sau không những tạo tiền đề và điều kiện cho giai đoạn trước mà còn tạo ra những chất mới về tâm lý, về trí tuệ, về thẩm mỹ và về đạo đức,…
Theo [25,88]: “các nhà tâm lý học trên thế giới đều chung một quan niệm cho rằng tuổi thanh niên là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em đến người lớn và bao gồm một khoảng đời từ 11,12 tuổi đến 23, 24 hoặc 25 tuổi. Giai đoạn này có thể chia làm hai thời kỳ: thời kỳ chuyển tiếp trước, bắt đầu từ 11, 12 tuổi và kết thúc vào tuổi 16,17 và thời kỳ chuyển tiếp sau, bắt đầu từ 17, 18 tuổi và kết thúc vào lúc thành người lớn thực sự (24, 25 tuổi). Như vậy, sinh viên đại học là những thanh niên ở thời kỳ chuyển tiếp sau”.
Theo xã hội học thì sinh viên là đại biểu của một nhóm xã hội đặc biệt đang chuẩn bị cho hoạt động lao động trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định. Ở cấp độ xã hội, sinh viên là người đang chuẩn bị gia nhập đội ngũ tri thức xã hội. Ở cấp độ cá nhân, sinh viên là người đang trưởng thành về mặt xã hội, chín muồi về thể lực, định hình về nhân cách, đang học tập tiếp thu những tri thức, kỹ năng của một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định.
- Về mặt tâm lý: trong thời kỳ này sự phát triển trí tuệ được đặc trưng bởi sự nâng cao năng lực trí tuệ, đặc biệt trong việc tư duy sâu sắc và mở rộng, có năng lực giải quyết những nhiệm vụ trí tuệ ngày một khó khăn hơn, cũng như có tiến bộ rõ rệt trong lập luận lôgic, trong việc lĩnh hội tri thức, trí tưởng tượng, sự chú ý và ghi nhớ. Cũng chính trong thời kỳ này khả năng hình thành ý tưởng trìu tượng, khả năng phán đoán, nhu cầu hiểu biết và học tập được phát triển. Tự ý thức là một trong những đặc điểm tâm lý quan trọng của lứa tuổi thanh niên sinh viên. Tự ý thức là một cấp độ của ý thức trong
đời sống cá nhân có chức năng tự điều chỉnh, tự nhận thức và tỏ thái độ đối với bản thân. Tự ý thức chính là điều kiện để phát triển và hoàn thiện nhân cách, hướng nhân cách theo các yêu cầu của xã hội.
- Về mặt xã hội: Trong lứa tuổi này, con người đang hình thành những hứng thú và thái độ mới, quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển những kỹ năng mới, cách ứng xử mới, tác phong đĩnh đạc để đối diện với môi trường xã hội ngày càng mở rộng; là giai đoạn chuyển từ độ chín muồi về thể lực sang trưởng thành về phương diện xã hội. Cũng chính trong thời kỳ này sinh viên có kế hoạch riêng cho hoạt động của mình và độc lập cho phán đoán và hành vi, có sự biến đổi mạnh mẽ về động cơ, về thang giá trị xã hội có liên quan đến nghề nghiệp; xác định cho mình con đường sống, tích cực nắm vững nghề nghiệp và bắt đầu thể hiện mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, có khát vọng được cống hiến, mong muốn được xã hội đánh giá và có khả năng tự đánh giá mình, mong muốn tự hoàn thiện.
- Hoạt động chính trị xã hội của sinh viên: Hoạt động chính trị xã hội của sinh viên được tiến hành qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú, từ tổ chức phong trào thi đua của sinh viên và tổ chức đoàn thanh niên đến các hoạt động thực tiễn tham gia sản xuất, lao động công ích đóng góp xây dựng công trình văn hóa, các công trình công cộng. thông qua hoạt động chính trị xã hội, SV hiểu sâu hơn vốn tri thức lý luận đã tiếp thu ở giảng đường, vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn và từ thực tiễn sinh động kiểm nghiệm, minh họa cho những tri thức lý luận, những nguyên lý đã tiếp thu được từ ở sách vở; giúp sinh viên nâng cao tính tập thể, tinh thần trách nhiệm, tạo không khí đoàn kết thân ái, nếp sống lành mạnh, uốn nắn các lệch lạc của cá nhân sinh viên, giúp họ hiểu và chấp hành đúng nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân, biết giới hạn và thỏa mãn nhu cầu chính đáng của bản thân.
Như vậy, lứa tuổi sinh viên là lứa tuổi đang hình thành và phát triển mạnh mẽ những phẩm chất nhân cách có ý nghĩa rất lớn đối với việc tự giáo
dục, tự hoàn thiện bản thân theo hướng tích cực như khả năng tự đánh giá, lòng tự trọng, tự tin, tự ý thức,…Đồng thời họ cũng muốn tự khẳng định vai trò của mình trong xã hội và trong các mối quan hệ. Có thể khẳng định, kết quả giáo dục nói chung và GDĐĐ nói riêng phụ thuộc vào việc tiếp nhận của đối tượng giáo dục. Dù chủ thể giáo dục có tích cực đến đâu mà đối tượng giáo dục không tiếp nhận thì quá trình giáo dục đó sẽ không có kết quả.