Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch Vịnh Hạ Long

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đề xuất một số giải pháp quản lý môi trường nhằm phát triển bền vững tiềm năng du lịch Vịnh Hạ Long (Trang 86)

Trong quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ đến năm 2020 (được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 2-3-2009), TP Hạ Long được coi là trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Hướng phát triển của Hạ Long là lấy phát triển du lịch và dịch vụ làm trọng tâm để thúc đẩy các ngành khác và hạn chế dần khai thác than. Trước hết tập trung phát triển mạnh du lịch, xây dựng Hạ Long thành trung tâm du lịch, vui chơi giải trí biển hiện đại của cả nước và quốc tế. Từng bước hiện đại hoá hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, đổi mới cơ cấu kinh tế phù hợp với chức năng của một thành phố du lịch, dịch vụ và công nghiệp cảng.

Thực tế từ năm 2006, TP Hạ Long đã xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020. Qua đó nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót để định hướng, thực hiện những giải pháp trong quá trình phát triển du lịch.

Trên quan điểm phát triển bền vững, việc hoàn thiện các dự án khách sạn nhà nghỉ, các khu thương mại với quy mô lớn ở Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu... đã dần đảm bảo các yêu cầu kiến trúc, phù hợp với cảnh quan và khả năng chịu tải của môi trường.

Đặc biệt vài năm trở lại đây, loại hình tàu du lịch có kinh doanh dịch vụ lưu trú phát triển mạnh. Hiện nay, trên Vịnh Hạ Long có 430 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động, trong đó có 154 tàu đủ điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú. Các tàu du lịch hoạt động theo 8 tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long và các vùng phụ cận đến Cẩm Phả, Vân Đồn và đảo Cát Bà (Hải Phòng).

Để kéo dài thời gian lưu trú cho khách, các khu du lịch vui chơi giải trí với các hình thức hoạt động chất lượng cao như lặn biển, lượn dù, đua thuyền, Kayaking, lướt ván, thuỷ phi cơ v.v... ngày càng được mở rộng.

75

Các cơ sở dịch vụ ăn uống được đào tạo ý thức về chất lượng thực phẩm an toàn, trang thiết bị và phong cách phục vụ; xây dựng mới các siêu thị, xây mới và nâng cấp các trung tâm thương mại lớn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách; nâng cấp toàn bộ hệ thống hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, bến cảng, ô tô.

Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, thành phố đã có các giải pháp về môi trường trên cơ sở thanh tra giám sát theo luật, lựa chọn các dự án đầu tư ít gây ảnh hưởng đến môi trường. Các giải pháp xúc tiến quảng bá du lịch được quan tâm đúng mức. Giải pháp này được coi là yếu tố có ý nghĩa quan trọng để tạo lập và nâng cao vị thế của du lịch Hạ Long đối với thị trường du lịch trong và ngoài nước...

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển chung của kinh tế xã hội, Tháng 3 năm 2005 Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã đưa ra nghị quyết số 21 về việc “đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015”. Cũng trong nghị quyết này mục tiêu phát triển du lịch Quảng Ninh được nâng lên thành một trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, phấn đấu xây dựng du lịch Quảng Ninh trở thành thương hiệu mạnh trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2015.

Phát triển du lịch phải đảm các định hướng phát triển thị trường khách, định hướng phát triển sản phẩm du lịch, định hướng không gian du lịch.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đề xuất một số giải pháp quản lý môi trường nhằm phát triển bền vững tiềm năng du lịch Vịnh Hạ Long (Trang 86)