0
Tải bản đầy đủ (.doc) (134 trang)

Một số hoạt động phòng chống thiếu máu dinh dưỡng ở Việt Nam

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG THIẾU MÁU Ở PHỤ NỮ MANG THAI TẠI HUYỆN CỦ CHI,THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ HIỆU QUẢ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CAN THIỆP (Trang 30 -30 )

Tại Việt Nam, thiếu máu thiếu sắt vẫn còn là một vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng trong khi các can thiệp chưa có tính bền vững. Do đó, Chính phủ đã có nhiều hoạt động nhằm giảm tỷ lệ thiếu máu ở những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Bổ sung viên sắt cho phụ nữ mang thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ theo phác đồ của WHO đã được thực hiện từ năm 1990. Từ năm 1998, các hoạt động phòng chống thiếu máu dinh dưỡng thông qua tăng cường sắt vào nước mắm cũng đã đầu khởi động và kéo dài đến năm 2011 [28].

Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2001-2010 đã triển khai hiệu quả và Chiến lược giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó mục tiêu phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng và thiếu máu dinh dưỡng là một trong những mục tiêu quan trọng trong giai đoạn tới [8], [13]. Các hoạt động tập huấn và đào tạo về kiến thức phòng chống thiếu máu được thực hiện trong nhiều năm qua góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở trong triển khai chương trình. Truyền thông giáo dục dinh dưỡng cho cộng đồng cũng chú trọng đến các thông điệp về phòng chống thiếu máu lồng ghép vào các thông điệp chung về dinh dưỡng [41].

Nghiên cứu của Trương Hồng Sơn (2012) về tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở nhóm phụ nữ mang thai tồn tại với tỷ lệ thiếu máu là 36,9%. Tỷ lệ ferritin huyết thanh thấp là 35,8%, tỷ lệ retinol huyết thanh thấp là 18,5% và tỷ lệ kẽm huyết thanh thấp là 84,6%. Khi can thiệp cho thấy tỷ lệ bao phủ viên đa vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai duy trì bền vững ở cộng đồng can thiệp là 70% và ở phụ nữ tuổi 18-35 tuổi ở mức 35%, tỷ lệ phụ nữ mang thai uống đầy đủ là 63,8%, ở phụ nữ 18-35 tuổi là 30,3%. Tỷ lệ có các tác dụng phụ ở nhóm phụ nữ mang thai là 18,5% và ở nhóm phụ nữ 18-35 tuổi là 23,4%. Tỷ lệ bỏ cuộc do tác dụng phụ ở phụ nữ mang thai là 6,8% và ở nhóm phụ nữ 18-35 tuổi là 17,8%. Bổ sung đa vi chất dinh dưỡng hàng ngày ở phụ nữ mang thai làm tăng chi phí thêm 156% so với chi phí thông thường cho các hoạt động dinh dưỡng hiện hành, tuy nhiên đã đạt hiệu quả về giảm thiếu máu, giảm tỷ lệ thiếu vi chất và tăng nồng độ vi chất trong máu. Hiệu quả can thiệp là từ 2-10 lần so với nhóm chứng. Trong khi đó bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng hàng tuần cho phụ nữ 18-35 tuổi trong nghiên cứu này đạt được giá thành/ hiệu quả cao trong tăng cường dự trữ vi chất dinh dưỡng [51].

Nghiên cứu của Nguyễn Tú Anh (2012) ghi nhận sử dụng mỳ ăn liền từ bột mỳ tăng cường vi chất ở nữ công nhân bị thiếu máu tại khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy tiêu thụ mỳ ăn liền sản xuất từ bột mỳ có tăng cường vi chất theo khuyến nghị của Bộ Y tế trong thời gian 6 tháng đã làm tăng ý nghĩa nồng độ Hb tăng (6,4-11,7g/l) (p<0,01), kẽm huyết thanh (14,2- 18 mcg/dl); giảm rõ rệt tỷ lệ TMTS (giảm 60,5-65,9%) [1].

Nghiên cứu của Huỳnh Nam Phương (2011) về hiệu quả của chương trình tiếp thị xã hội đến chăm sóc dinh dưỡng và bổ sung sắt cho phụ nữ mang thai dân tộc Mường cho thấy chương trình can thiệp đã cải thiện được cả kiến thức và thực hành về bệnh thiếu máu và viên sắt của phụ nữ được can thiệp. Chỉ số hiệu quả can thiệp thực đến cải thiện kiến thức về thời điểm uống viên sắt là 24,5%, tác dụng của viên sắt là 9,6%, biện pháp tăng cường hấp thu sắt

(ăn thêm rau, ăn thêm đạm) tương ứng là 2,9 và 5,1%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai ở xã can thiệp đã và đang uống viên sắt cao hơn nhóm chứng có ý nghĩa thống kê (92,4% và 89,9% so với 85,4% và 69,8%). Tỷ lệ uống viên sắt hàng ngày ở nhóm can thiệp đã tăng từ 71% lên 91,6% sau can thiệp (chỉ số hiệu quả can thiệp thực là 20,6%) và các đối tượng tỏ ra chấp nhận hơn với việc bỏ tiền ra mua viên sắt (chỉ số can thiệp hiệu quả thực là 24,5%) [45].

Khẩu phần phụ nữ mang thai ở các xã có can thiệp được cải thiện rõ nét: Tăng tiêu thụ lương thực thực phẩm, đặc biệt là các thực phẩm giàu dinh dưỡng, do đó các chất dinh dưỡng cũng tăng đáng kể. Năng lượng khẩu phần, Protid, Lipid, đáp ứng được nhu cầu khuyến nghị và cao hơn nhóm chứng. Các chất dinh dưỡng quan trọng khác như canxi, sắt, vitamin A và C của nhóm can thiệp đều cao hơn nhóm chứng có ý nghĩa, chỉ có sắt là mới đáp ứng được 78,8% nhu cầu khuyến nghị [9].

Về hoạt động của mô hình can thiệp: sau 6 tháng can thiệp đã đảm bảo được độ bao phủ mua viên sắt là 97,7%, uống sắt liên tục là 97,8%. Tỷ lệ này biến thiên theo các tháng can thiệp phụ thuộc vào một số yếu tố như ảnh hưởng của hoạt động tiếp thị xã hội tại từng thời điểm và sự thay đổi thái độ hành vi của đối tượng đích. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tham gia các hoạt động truyền thông đạt 80%.

Mô hình can thiệp có khả năng duy trì bền vững: sau một năm ngừng can thiệp, tỷ lệ phụ nữ mang thai tiếp tục mua và sử dụng viên sắt đều đặn ở mức 98,5% và 100% được tư vấn về dinh dưỡng, phòng chống thiếu máu, 50% tham gia các hoạt động truyền thông nhóm. Các thành tố của tiếp thị xã hội vẫn được duy trì. Cán bộ tham gia chương trình có đủ năng lực, sự hỗ trợ và khuyến khích cần thiết để thực hiện các hoạt động [45].

Nghiên cứu của Đinh Thị Phương Hoa và cộng sự (2012) về hiệu quả của bổ sung viên sắt hàng tuần liên tục và hàng tuần cách quãng lên tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ 20-35 tuổi tại 3 xã thuộc huyện Lục Nam,

Bắc Giang cho thấy bổ sung viên sắt/axit folic theo phác đồ hàng tuần liên tục và hàng tuần cách quãng cho phụ nữ lứa tuổi 20-35 có hiệu quả cải thiện tình trạng thiếu máu và dự trữ sắt trong cơ thể một cách có ý nghĩa, trong đó: Hb trung bình ở nhóm CT1 tăng cao 1,1g/l, nhóm CT2 tăng cao 0,96g/l một cách có ý nghĩa (p<0,001) sau 16 và 28 tuần can thiệp. Ferritin trung bình ở nhóm CT1 tăng 17,4 ug/l, nhóm CT2 tăng 15,42 ug/l (p<0,05) sau 16 và 28 tuần can thiệp [22].

Nghiên cứu của Lê Minh Chính (2010) về thực trạng thiếu máu ở phụ nữ Sán Dìu trong thời kỳ mang thai tại huyện Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên và hiệu quả của biện pháp can thiệp cho thấy kết quả can thiệp đã làm giảm 27,3% tỷ lệ thiếu máu ở PNMT. Mô hình giáo dục phòng chống thiếu máu ở phụ nữ Sán Dìu, đã phối hợp giữa các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe với các giải pháp kỹ thuật, đã huy động cộng đồng người dân tộc Sán Dìu ở xã Nam Hòa, tự nguyện và tham gia tích cực phòng chống thiếu máu. Mô hình đã giúp đào tạo tăng cường năng lực cho cán bộ ở xóm, đã đảm nhận tốt được nhiệm vụ TT - GDSK cho nhân dân.

Mô hình can thiệp đã làm chuyển biến nhận thức, làm thay đổi kiến thức, thái độ và thực hành về vệ sinh môi trường, dinh dưỡng hợp lý và phòng chống thiếu máu của phụ nữ tuổi sinh đẻ người Sán Dìu ở xã Nam Hòa và đã đạt được hiệu quả can thiệp rõ nét. Hiệu quả can thiệp tới vệ sinh môi trường về kiến thức đạt 51,6%; về thái độ đạt 59% và về thực hành là 31,2%. Hiệu quả can thiệp tới dinh dưỡng hợp lý, về kiến thức đạt 32,8%; về thái độ đạt 59,2% và về thực hành là 51,0%. Hiệu quả can thiệp tới phòng chống thiếu máu, về kiến thức đạt 50,4%; về thái độ đạt 63,3% và về thực hành là 63,9%. Tỷ lệ phụ nữ mang thai uống viên sắt trước can thiệp là 78,2%, sau can thiệp tăng lên 98,2%, bà mẹ nuôi con bú không uống viên sắt, sau can thiệp có 66,7% uống viên sắt [15].

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG THIẾU MÁU Ở PHỤ NỮ MANG THAI TẠI HUYỆN CỦ CHI,THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ HIỆU QUẢ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CAN THIỆP (Trang 30 -30 )

×