Ngân sách nhà nước

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế: Công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước. Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp (Trang 25)

TỔNG QUAN VỀ CHI NSNN VÀ KIỂM SOÁT CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC

1.1.1Ngân sách nhà nước

Ngân sách nhà nước(NSNN) là phạm trù kinh tế và là phạm trù lịch sử. Sự hình thành và phát triển của ngân sách nhà nước gắn liền với sự xuất hiện của Nhà nước và sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa-tiền tệ trong các phương thức sản xuất có sự tham gia quản lý của Nhà nước. Nói cách khác, sự ra đời và phát triển của Nhà nước cùng với sự tồn tạo của nền kinh tế hàng hóa-tiền tệ là những điều kiện tiền đề cho sự ra đời, tồn tại và phát triển của ngân sách nhà nước.

Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu chi của Nhà nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước theo Luật định.

Như vậy, NSNN là hệ thống các mối quan hệ kinh tế - tài chính giữa Nhà nước với các chủ thể khác nhau trong xã hội, phát sinh trong quá trình Nhà nước huy động, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước dựa trên nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp nhằm bảo đảm thực hiện các chức năng quản lý và điều hành nền kinh tế xã hội của Nhà nước theo luật định.

* Những đặc điểm của ngân sách nhà nước:

- NSNN là quỹ tiền tệ tập trung lớn nhất, gắn với quyền lực của Nhà nước trong quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính.

- NSNN gắn bó mật thiết với quyền sở hữu của Nhà nước và lợi ích chung của cộng đồng. Lợi ích của Nhà nước thể hiện trong phân phối thu nhập của các doanh nghiệp, của cư dân, phân phối GDP, GNP và cả trong phân bổ các nguồn lực tài chính cho các chủ thế khác nhau trong xã hội để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo anh ninh – quốc phòng và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội.

- Việc quản lý ngân sách nhà nước được thực hiện đối với các quỹ tiền tệ tập trung và không tập trung của Nhà nước. Quỹ NSNN luôn được phân chia thành các quỹ tiền tệ nhỏ hơn trước khi đưa vào sử dụng. Quá trình phân chia quỹ NSNN chính là quá trình cấp phát kinh phí từ NSNN để hình thành các quỹ nhằm thỏa mãn các nhu cầu chi tiêu của các lĩnh vực, các ngành theo yêu cầu quản lý của Nhà nước.

- Các khoản thu chi của NSNN không được hoàn trả trực tiếp. Mọi khoản thu của NSNN từ các thể nhân và pháp nhân trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước dưới các hình thức thuế, phí và lệ phí để hình thành quỹ NSNN. Còn các khoản chi của NSNN cho các thể nhân và pháp nhân từ các quỹ tiền tệ tập trung và không tập tring dưới các hình thức cấp phát và đầu tư đều không phải hoàn trả trực tiếp.

* Vai trò của ngân sách nhà nước:

Ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng đối với toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội,an ninh quốc phòng, đối nội, đối ngoại của một quốc gia. Vai trò của ngân sách nhà nước bao giờ cũng gắn bó mật thiết với chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong từng thời kỳ lịch sử nhất định.

-Về mặt kinh tế: NSNN là công cụ chủ yếu phân bổ các nguồn tài chính quốc gia, kích thích phát triển sản xuất kinh doanh và chống độc quyền, định hướng hình thành cơ cấu kinh tế mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

NSNN cung cấp nguồn kinh phí để Nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành các doanh nghiệp thuộc các ngành then chốt, trên cơ sở đó tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, đây cũng là một trong những biện pháp căn bản để chống độc quyền.

Thông qua các khoản thuế và chính sách thuế sẽ đảm bảo vai trò định hướng đầu tư, kích thích hoặc hạn chế sản xuất kinh doanh. Việc đặt ra các loại thuế với thuế suất ưu đãi, các quy định miễn thuế, giảm thuế… có tác dụng kích thích mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp. Một chính sách thuế có lợi sẽ thu hút được doanh

nghiệp bỏ vốn đầu tư vào nơi cần thiết, ngược lại một chính sách thuế khắt khe sẽ giảm bớt luồng di chuyển vốn vào nơi cần hạn chế sản xuất kinh doanh.

-Về mặt xã hội: NSNN là công cụ có hiệu lực của Nhà nước để điều tiết chính trong lĩnh vực thu nhập, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Thông qua các khoản chi của NSNN nhằm thực hiện các chính sách xã hội: chi hoạt động bộ máy Nhà nước, lực lượng quân đội, công an, chi giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao… Bên cạnh đó, hàng năm Chính phủ vẫn có sự chú ý đặc biệt đối với tầng lớp dân cư có thu nhập thấp thông qua các loại trợ giúp trực tiếp được dành cho những người có thu nhập thấp hoặc có hoàn cảnh đạc biệt như chi trợ cấp xã hội, các loại trợ giúp gián tiếp dưới hình thức trợ giá cho các mặt hàng thiết yếu (lương thực, điện, nước…) các khoản chi phí thực hiện chính sách dân số, chính sách việc làm, các chương trình quốc gia lớn về chống mù chữ, chống dịch bệnh, các chi phí cho việc cung cấp các hàng hóa công cộng…

Thông qua thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm điều tiết những đối tượng có thu nhập cao để phân phối lại cho những đối tượng có thu nhập thấp, hạn chế sự phân hóa giàu nghèo, tiến tới nhằm đảm bảo công bằng xã hội về thu nhập.

Đối với các loại thuế gián thu (như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng…), Nhà nước áp dụng mức thuế suất thấp đối với những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và mức thuế suất cao đối với những mặt hàng xa xỉ, các loại dịch vụ cáo cấp nhằm phân phối lại một bộ phận thu nhập của người giàu trong xã hội.

-Về mặt thị trường: NSNN là công cụ để điều tiết thị trường, bình ổn giá cả và kiềm chế lạm phát.

+ Đối với thị trường hàng hóa: hoạt động điều tiết của Chính phủ được thực hiện thông qua việc sử dụng các quỹ dự trữ nhà nước (bằng tiền, bằng ngoại tệ, các loại hàng hóa, vật tư chiến lược…) được hình thành từ nguồn thu ngân sách.

+ Đối với thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường sức lao động… hoạt động điều tiết của Chính phủ thông qua việc thực hiện một cách đồng bộ giữa các công cụ tài chính, tiền tệ, giá cả… trong đó công cụ ngân sách với các biện pháp

như phát hành công trái, chi trả nợ, các biện pháp tiêu dùng của Chính phủ cho toàn xã hội.

+ NSNN được sử dụng như một công cụ có hiệu lực để kiềm chế và đẩy lùi lạm phát. Khi xảy ra lạm phát, giá cả tăng lên do cung cầu mất cân đối (cung nhỏ hơn cầu), Chính phủ có thể sử dụng biện pháp thuế như tăng thuế tiêu dùng, giảm thuế đối với đầu tư và thắt chặt chi tiêu của NSNN, nhất là các khoản chi cho tiêu dùng. Ngoài ra để kiềm chế lạm phát, nhà nước có thể tăng cường các khoản vay trong dân góp phần làm giảm lượng tiền mặt trong nền kinh tế, không phát hành tiền tệ để bù đắp thiếu hụt ngân sách.

Ngoài ba vai trò trên, NSNN còn có vai trò củng cố, tăng cường sức mạnh bộ máy Nhà nước, bảo vệ đất nước, giữ gìn an ninh, vai trò kiểm tra các hoạt động tài chính khác trong việc làm nghĩa vụ nộp thuế, các khoản phải nộp trong việc sử dụng các tài sản quốc gia và thực hiện các pháp luật, chính sách về ngân sách và các chính sách khác có liên quan.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ kinh tế: Công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước. Thực trạng, kinh nghiệm và giải pháp (Trang 25)