Ngôn ngữ giàu nhạc tính, chất thơ bởi các cấu trúc trùng điệp

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Những ngã tư và Những ngọn đèn của Trần Dần (Trang 79)

6. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Ngôn ngữ giàu nhạc tính, chất thơ bởi các cấu trúc trùng điệp

Những ngã tư và những cột đèn, một cái tựa dài bảy âm tiết với một nhịp vừa chậm dãi vừa dồn dập. Tiểu thuyết mang đến cho chúng ta một ô ruộng đầy chữ mà như Trần Dần ghi chú: “Về trình bày cứ đánh liền không xuống dòng. Chữ đầu cứ đánh luôn từ đầu dòng, không thụt vào. Coi như cuốn sách gồm từng ô, như ô ruộng đầy chữ. Giữa các ô có những vệt trắng, 1 dòng, 3 dòng, 5 dòng, tuỳ theo như những bờ vùng, bờ thửa. Những vệt trắng này, xin để trắng, đừng đánh sao” [10, 9]. Với cấu trúc trùng điệp cùng với những vệt trắng của ô ruộng chữ, Những ngã tư và những cột đèn có hình thức của một bài thơ có 9 điệp khúc:

“Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật. Những xê dich lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm sao giúp tôi luôn luôn 370 không lên

cơn sốt? Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím. Bên kia cửa sổ tôi xanh: có sáu cây bàng lá xanh và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng và phố thời chiến vắng lặng” [10, 13].

“Tháng sáu 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ ba hay chủ nhật. Bên ngoài cửa sổ tôi xanh lúc này, có sáu cây bàng lá xanh, và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng sáu vắng lặng, và phố thời chiến vắng lặng” [10, 25].

“Tháng bảy 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ tư hay chủ nhật. Bên này cửa sổ tôi tím, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem tím, có nhật kí, và bản sao nhật kí” [10, 67].

“Tháng tám 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ năm hay chủ nhật. Bên này cửa sổ tôi tím: Có nhật kí và bản sao nhật kí, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím” [10, 74].

“Tháng mười một 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ sáu hay chủ nhật. Bên kia cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bang rụng lá, và nhiều căm nhông xanh quân sự đậu, có tháng mười một vắng lặng, và phố thời chiến vắng lặng”[10,tr.110].

“Tháng mười hai 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ bảy hay chủ nhật. Cả tuần nay, bên cửa sổ tôi tím, có nhật kí, và bản sao nhật kí, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím” [10, 165].

“Tháng một 1966. Tôi ngồi một ngày không rõ có phải chủ nhật. Nếu đúng chủ nhật, cửa sổ tôi thế nào cũng tím, và bên cửa sổ sẽ có nhật kí và bản sao nhật kí, sẽ có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím” [10, 194].

“Tháng ba 1966. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ năm hay thứ sáu, thứ bảy hay chủ nhật. Những xê dịch lủng củng, lỉnh kỉnh, của các con số, làm tôi bỗng dưng lên cơn sốt 370. Bên cửa sổ tôi tháng ba, có nhật kí tím và bản sao nhật kí, có lọ mực tím và bản thảo lem nhem mực tím” [10, 256].

“Tháng sáu 1966. Tôi chờ ngày chủ nhật để đóng cửa một nhật kí. Sáng nay, tôi ra phố lúc 6 giờ. Để ở lại hồi lâu trên hè, mà nhìn về cửa sổ. Bên này cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bàng lá xanh, lá bàng che cửa sổ. Có nhiều căm nhông xanh quân sự đậu,

mui chạm tán bàng. Bên kia cửa sổ tôi tím, có lọ mực tím, và bản thảo lem nhem mực tím. Có nhật kí, và bản sao nhật kí” [10, 336].

Chín điệp khúc lôi cuốn chúng ta bởi một tiết tấu, một nhịp điệu cùng cách trình bày khác thường. Không chỉ là âm điệu của điệp khúc tháng năm, mà tác giả còn tạo ra một điệp khúc của những ngày đánh số:

“Ngày số 1. Nhật kí tiếp tục: i như trong thánh kinh, tôi lại tu tại gia. Mẹ tôi hình như bàn với Cốm, tìm việc cho tôi” [10, 112].

“Ngày số 2. Chơp mắt đã sang thu. Tình Bốp dẫn tôi đi bác sĩ, vào một ngày thu, khi tôi chưa ghi nhật kí” [10, 115].

“Ngày số 3. Chớp mắt đã mấy mùa thu nữa. Mỗi màu thu đều bắt đầu từ một sự cố” [10, 116].

“Ngày số 4. Tôi dậy lúc 4 giờ sáng. Cửa sổ vẫn đầy mưa bụi. Đèn vẫn để suốt đêm” [10, 125].

“Ngày số 5. Mưa mau hạt, cho nên cửa sổ toàn bộ trắng nhợt.Chiều hôm ấy, tôi ngồi trước tờ giấy trắng. Nhà vắng, như nhà mồ” [10, 144].

“Ngày số 6. Trời vẫn mưa, cho nên cửa sổ toàn bộ trắng nhợt. Đúng là mưa dầm” [10, 152].

Cấu trúc trùng nhau cũng tạo nên hình thức giống những khổ thơ nối nhau tạo nhịp điệu, đầy nhạc tính trong tiểu thuyết:

“0 giờ đêm. Nhật kí tiếp tục: tôi lái xe bây giờ tương đối. Trên nhiều tuyến đường, ông Phúc để tôi lái, vài chục kilômét, ông chỉ ngồi cạnh.

9 giờ tối. Lại câu hỏi: vấn đề của tôi liệu có được chính quyền thực sự giải quyết, hay vẫn còn treo lơ lửng? cuộc điều tra của công an có vẻ tắc tị.

8 giờ sáng. Tình Bốp im lặng, thằng nhọn cằm cũng biến đâu mất. Phảng phất quanh nhà tôi, bên bể nước, trong vuờn cây, vẫn có mùi nghi vấn.

7 giờ tối. Hôm qua , ngày mai, hôm kia, tuần lễ trước, tuần lễ sau, tôi nghĩ nhiều về giả thiết số ba, đến ba nhân vật thực chất chỉ là một, đến chiếc mặt giả với cái cằm nhọn. Tôi nhớ lại toàn bộ, những lần gặp thằng nhọn cằm, để nhận thấy bao giờ hắn cũng giữ một khoảng cách nhất định, với tôi, không đủ gần cũng không quá xa. Là

khoảng cách giữa hai cột điện ngoài phố. Thằng Nhọn Cằm bao giờ cũng khoác trên người, những loại trang phục đặc biệt, bao giờ cũng chọn những tư thế, những địa điểm đặc biệt, chắc hẳn giấu đi những đặc điểm, của cơ thể.

6 giờ chiều. Ngày dài. Đêm cũng dài. Lúc nào tôi cũng đang ở quá khứ: giá như thời gian được quay ngược, về phía trước. Giá như chủ nhật, rồi mới thứ bảy. Thứ sáu, rồi mới thứ năm. Thứ ba, rồi mới thứ hai. Giá như buổi chiều rồi mới buổi sáng. Giá như tôi, được sống giật lùi, về lại những ngày tôi chưa viết nhật kí. Tôi sẽ làm gì nhỉ. 5 giờ sáng. Tôi sẽ đi trốn hiện tại. Sẽ không cần phải lấy ngày làm đêm, vì ngày sẽ là đêm, và đêm sẽ là ngày. Tôi sẽ lại rong chơi, ở một đầu ô tím bên những cột đèn mất điện. Ngày mai của tôi và như thế: là quá khứ teo chiều ngược lại, không i như trong thánh kinh, nhưng rất nhiều những hạnh phúc. Tôi về tuổi sơ sinh…” [10, 196- 197].

Trần Dần sắp xếp văn bản theo một cấu trúc như vậy để tạo tính nhạc cho tiểu thuyết, để thấy không chỉ thơ mới làm được điều đó và cái mà ông tìm kiếm trên hành trình sáng tạo là một cảm xúc mỹ học. Mang âm nhạc và hội hoạ vào trong tiểu thuyết bên cạnh việc làm mơi thể loại mà qua đó để nhìn nhận và khám phá cuộc sống. Chín điệp khúc cùng những ngày đánh số, những giờ bị đảo lộn làm nên tính nhạc cho tác phẩm, là âm vang trải dài vô tận từ bên ngoài đến bên trong tiểu thuyết với tiết tấu, cách xen kẽ và làm mới cấu trúc câu, cách diễn đạt… tất cả như những nốt nhạc của bài ca trên câu chữ.

Những con chữ lôi cuốn Trần Dần, để ông tạo ra đoản khúc mang tên “9 giờ khói”, là một tiết tấu gồm 36 từ “chết” ở đó âm thanh và ngữ nghĩa như những con sóng nhỏ không ngừng xô đẩy nhau tạo ra một sự liên hồi: “Chết tươi. Chết héo. Chết đau. Chết điếng. Chết cứng. Chết đứng. Chết nằm. Chết đêm. Chết thêm. Chết khiếp. Chết dần. Chết mòn. Chết toi. Chết ngóp. Chết ngất. Chết tất. Chết cả. Chết lừ. Chết lả. Chết đứ. Chết đừ. Chết ngay. Chết quay. Chết ngỏm. Chết ngoẻo. Chết thối. Chết nát. Chết hết. Chết sạch. Chết tái. Chết tím. Chết ngồi. Chết sáng. Chết chiều. Chết bỏ. Chết dở.” [10, 259-260]. Từ “chết” được lặp liên hồi theo cơ chế tạo nhịp và bắt

vần, bắt nghĩa đứng - cứng, đêm - thêm, tươi - héo, dần - mòn, tạo thành một chuỗi chấn động cảm xúc, tạo thành một trường âm thanh tức tưởi, oan trái.

Với cách lặp lại cum chủ vị “Tôi thấy mưa bụi”, tạo ra một chủ âm xuyên ngang đoạn văn như một điệp khúc bi ai, tuyệt vọng. Chủ âm ấy liên kết với toàn bộ kết cấu thiên trường ca - tiểu thuyết, dựng dậy một nhịp điệu trầm buồn: “Ra ngoài sân, tôi thấy mưa bụi. Ra cổng, tôi thấy mưa bụi. Ra đến ngõ, tôi thấy mưa bụi. Mưa bụi cũng đủ, làm ướt tóc và làm nước chảy nhiều dòng trên mặt. Tôi đi qua bến xe điện, thấy mưa bụi. Tôi nghĩ mà không biết cái gì đang chờ tôi, trên trụ sở. Tôi đi trong phố thấy mưa bụi. Tôi nhìn hai dãy phố, thấy hai dãy phố mưa bụi và cột đèn nối tiếp cột đèn. Tôi đi trong lòng phố. Trong long phố có mưa bụi. Trụ sở đã lù lù trước mặt” [10, 136].

Tính nhạc của văn bản được làm nên bởi ngôn ngữ với những “lỉnh kỉnh”, “lủng củng”, cửa sổ xanh”, “lem nhem mực tím”... Những điệp khúc với sự nối tiếp về thời gian tạo ra một cảm xúc mỹ học mà Trần Dần cố đem lại cho độc giả. Cách sử dụng câu văn đầy âm vọng làm nên chất thơ, cấu trúc trùng điệp như những con sóng nhỏ nhịp nhàng âm điệu chạy dài trong tiểu thuyết. Mang đến cho người đọc một cảm xúc như bị chìm trong âm điệu của tác phẩm mà không thể dứt ra được.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Những ngã tư và Những ngọn đèn của Trần Dần (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w