6. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Chiến tranh và tình yêu
Chiến tranh và tình yêu, đây là vấn đề mà văn học 1945 – 1975 đề cập rất nhiều. Tình yêu trong những tác phẩm ở thời kì này là một tình yêu đẹp được lý tưởng hoá, ta có thể bắt gặp tình yêu của Quyên và Ngạn, tình yêu thủy chung, một lòng một dạ đợi chồng của chị Sứ trong Hòn Đất (Anh Đức), của Thiêm và Mẫn trong Mẫn và tôi
(Phan Tứ)… Nếu như tình yêu trong các tác phẩm cùng thời là tình yêu của những người có chung lý tưởng cách mạng, tình yêu ấy hoà chung với tình yêu đất nước thì trong Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã mang đến một tình yêu được đặt trong thời bình khi miền Bắc vừa giành được tự do đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh đến và đi qua, nó mang theo những gì và để lại những gì?
Những ngã tư và những cột đèn, tình yêu hiện lên trong bối cảnh xã hội đầy phức tạp. Những mối quan hệ bị tác động từ nhiều chiều khác nhau, chúng biến dạng, trở nên méo mó về hình thức bên ngoài và cả bản chất bên trong nó. Bằng ngòi bút sắc sảo, hiểu đời và hiểu người, Trần Dần đã xây dựng trong tác phẩm tình yêu từ nhiều góc độ khác nhau, của những con người khác nhau trong sự tác động khác nhau từ xã hội. Một tình yêu đẹp trong thời chiến sang thời bình tình yêu ấy trở nên thực tế hơn, trên phương diện khai thác cuộc sống hàng ngày của con người, tình yêu trong Những ngã tư và những cột đèn không chỉ là tình yêu trong sáng, chân thành của Cốm, của chị Hoà, anh Thập mà còn là tình yêu đậm chất xác thịt của Dưỡng, Lily. Cốm là một
cô gái tuổi 17 như nhánh lúa non, ngây thơ, trong sáng có tình yêu sâu sắc đầy vị tha của người vợ dành cho chồng. Dù biết Dưỡng qua lại với Lily nhưng Cốm không vì thế mà bỏ chồng, cô vẫn tận tình chăm sóc Dưỡng. Đôi khi cô “bất hợp tác” với Dưỡng, giận dỗi bỏ lên nhà mẹ nhưng khi nghe tin chông mình bị đấu tố, Cốm hốt hoảng “đứng ngồi không yên”, sửa soạn túi áo theo chồng về. Lo cho Dưỡng, “Cốm ngồi ghế khóc, sụt sịt. Ngoài kia, mưa cũng sụt sịt” [10, 170]. Tình yêu của chị Hoà (cán bộ trong ban bảo vệ khu phố) đối với anh Thập (chồng chị) cũng là tình yêu thuỷ chung son sắc, khi nhận được thư của chồng “chưa kịp đọc, còn trong túi áo” chị lại cảm thấy “có cái gì, nhoi nhói trong lòng”. Khi biết anh Thập bị đạn bắn trúng chỗ hiểm sau này không thể có con, bị anh và mẹ chồng ép tìm duyên khác nhưng chị vẫn một mực đợi anh về.
Chiến tranh đến và đi qua nhưng những gì mà nó gây ra quá lớn đối với con người, chia rẽ bao tình yêu đôi lứa, tan vỡ bao mái ấm hạnh phúc gia đình. Đi sâu vào khai thác cuộc sống con người, Trần Dần đưa đến một xã hội đầy đủ những cái được và mất sau chiến tranh, lột tả được toàn bộ mặt đời sống tinh thần của con người. Nhân vật Dưỡng trong chiến tranh “17 tuổi thất bại trong vụ iêu đầu”, đến khi hoà bình anh ta cũng đủ “iêu” kịp mấy vụ mà thất bại, thằng “cao bồi dở” kiêm tàu bò” Dưỡng có lối sống mà theo như mọi người trong khu phố nhận xét là lối sống không lành mạnh. Dưỡng có những thú vui không giống ai, thích chụp ảnh con lợn và nhất là tả chân thực em Cốm để tập hợp thành một album. Tình yêu với Dưỡng đã có nhất thì phải có nhì, Dưỡng yêu Cốm nhất và có Lily để Dưỡng “iêu thứ nhì”. Tình yêu của anh dành cho Cốm có cả chân thành, cũng có cả trách nhiệm, còn đối với Lily thì tình yêu ấy lại thiên về xác thịt nhiều hơn. Một cô gái điếm được phòng Nhì cài lại làm gián điệp, Lily trong mắt xã hội là kẻ ham tiền phản quốc, là kẻ tha hoá về đạo đức và lối sống. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn con người ấy vẫn xuất hiện một tình yêu theo đúng nghĩa của nó chứ không phải là tình yêu vật chất, dưới con mắt của Nhọn-cằm thì: “Lily là gái điếm nhiều nhân tình nhưng lại mê Dưỡng. Cô đứng ra bảo lãnh để Macxen không bắt, và tra khảo Dưỡng. Lily bị chuyển vào Nam cũng tại cô yếu đuối
trong tình cảm… Nhưng là số phận rồi. Cô làm điếm, làm tình báo, mà còn dại dột, để tình cảm lấn át công việc” [10, 253-254].
Dưới ma lực của chiến tranh, tình yêu đã bị tác động làm cho thay đổi nhưng không phải vì thế mà tất cả đều méo mó, biến dạng. Vẫn còn đâu đó tình yêu thực sự họ dành cho nhau, của Cốm, của chị Hoà, của Dưỡng tàu bò và thậm chí là của cô chị Lily. Chiến tranh có thể cướp đi nhiều thứ của con người nhưng cũng là thước đo giá trị của tình yêu, tình bạn, tình người, để ta nhận ra sự chân thành và gian dối, bạn và thù.