6. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. Hành trình sáng tác và xuất bản Những ngã tư và những cột đèn
Năm 1963, nhà văn Trần Dần khi đang trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo của bản thân, ông nhận được “đơn đặt hàng” của ngành công an viết về ngụy binh thời Pháp sau ngày tiếp quản thủ đô. Ông được một vài cán bộ công an giúp đỡ tìm cách cho thâm nhập một số trại giam những ngụy quân trong thành phố Hà Nội.
Với những tư liệu đã thu thập được trong suốt quá trình đi thực tế ấy để viết một bài báo cáo, phóng sự thì Trần Dần dễ dàng phóng bút viết nhanh để trả bài cho người ta. Nhưng với quan điểm nghệ thuật chân chính, ông viết trước hết là để cho mình, để thoả mãn cái khát khao sáng tạo trong mình, chứ không chạy theo xu hướng của thời đại, không vì sợ tác phẩm không được in mà viết ẩu, viết cho xong, cho qua. Chính vì vậy dưới tay ông tư liệu về ngụy binh thời Pháp đã trở thành một tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn với những cách tân nghệ thuật mà những tiểu thuyết cùng thời chưa đáp ứng được. Nguồn tư liệu lấy từ thực tế hiện tại do vậy mà nhiều nguyên
mẫu ngoài đời đã trở thành nhân vật trong tác phẩm, là hình dáng của anh ngụy binh và những anh công an ngày ấy giúp đỡ ông.
Năm 1964, cuốn tiểu thuyết hoàn thành, bản thảo được sửa chữa cẩn thận và ghi năm 1966. Nhưng sau đó cuốn sách không thể xuất bản vì nhiều ý kiến cho rằng chưa thích hợp để ra đời, mặc dù Giám đốc các nhà xuất bản Văn học, Công An, Hội nhà văn Việt Nam đều ghi nhận đây là một tác phẩm có giá trị. Năm 1988, Sở công an Hà Nội mang trả lại bản thảo cho Trần Dần tại nhà riêng, cùng tập thơ chép tay Cổng tỉnh, sau đó tác giả đã sửa chữa lại bản thảo chủ yếu về văn phong. Trong một trang nhật kí năm 1989 Trần Dần viết: “Người ta nói nhiều, đến bố cục, chủ đề, í đồ không rõ… Xong người ta bàng hoàng và bảo: in cái này hơn Người người lớp lớp. Vâng, đúng là xa lạ. Tôi tuyên ngôn: tào lao – xông xênh – bàng hoàng. Vô hình nhưng rõ rệt. Hiện hữu vô hình ấy là một thực thể. Bàng hoàng ở đó. Bàng hoàng ở những ngã tư. Ai chẳng luôn gặp, những ngã tư. Để rẽ đường nào ?”. Rồi ở một trang khác, ông lại quay về Những ngã tư và những cột đèn: “Đời lắm ngã tư ? Rẽ một ngã tư là trách nhiệm sinh tử, phải cẩn thận kẻo hối bất kịp. Nhưng cẩn thận không có nghĩa tính toán, chi li, chi hoe, mà trực cảm mang hết mình, ngửi ngửi ngã tư cẩn trọng rồi hãy rẽ”.
Day dứt về một bản thảo vẫn còn nằm đó, cuối năm 1989, một bản thảo Những ngã tư và những cột đèn khác ra đời, và đây được coi là lần sửa chữa cuối cùng trước khi nhà văn lâm trọng bệnh. Vốn là người cẩn thận, Trần Dần đã thuê đánh máy và tự mình sao chép ra thành nhiều bản gửi những người tin cậy cất giữ. Nhưng một lần nữa tác phẩm của ông lại bị các nhà xuất bản từ chối in, đứa con tinh thần mà ông đặt bao niềm tin vào nó giờ lại trở về ngăn kéo nằm trong bóng tối suốt những năm tiếp theo. Con trai của Trần Dần là hoạ sĩ Trần Trọng Vũ mang một tập bản thảo sang Pháp, cùng một số cuốn thơ, nhật kí khác và nhà văn Thuận là con dâu Trần Dần cố gắng dịch bản thảo sang tiếng Pháp với hi vọng nó có thể xuất bản ở nước ngoài để làm cho tác phẩm sống và phần nào an ủi người cha bất hạnh, nhưng được hơn chục trang thì bất lực. Với cuốn bản thảo mà Trần Dần đã đặt cả tâm huyết này, những người thân của ông tưởng chừng như cuốn sách sẽ mãi ở dạng bản thảo. Những năm sau đó hai
chương của tiểu thuyết đã được in trên Tạp chí văn nghệ Hà Sơn Bình. Người được đọc đầu tiên là Dương Tường, một người bạn thân cùng quê Nam Định với Trần Dần. Dương Tường cho rằng Những ngã tư và những cột đèn là một tuyệt bút mang đến một phong cách nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ và đầy sự lạ ở trong nó.
Những ngã tư và những cột đèn lặng lẽ tồn tại ở “phía nhật thực, ở dạng tiểu thuyết nằm”. Đầu năm 2011 thì tiểu thuyết mới chính thức ra mắt công chúng (do nhà xuất bản Nhã Nam). Vậy là sau 44 năm kể từ ngày nhà văn bắt đầu chép lại (cũng bằng mực tím) “250 trang nhật kí, lem nhem mực tím”, của anh ngụy binh – nhân vật chính Dưỡng, cuốn tiểu thuyết mới đến được với bạn đọc một cách rộng rãi. Nhiều độc giả nhận định: “Tuy được viết cách đây gần nửa thế kỉ nhưng cuốn sách vẫn rất mới mẻ, hiện đại, tỏ rõ cá tính độc đáo và gợi mở rất nhiều vấn đề về người viết”. Cuốn sách xuất bản cũng đã chứng tỏ được bản lĩnh của Trần Dần, một người rắn rỏi trong con đường sáng tạo nghệ thuật, bất chấp các biến động nghiệt ngã của cuộc đời, ông vẫn sáng tác để rồi những thành quả lao động nghệ thuật của ông cho dù phải chờ đến 50 năm sau khi hoàn thành mới được giới thiệu đến công chúng, vẫn khiến người ta kinh ngạc và cảm phục trước bút lực của một tác gia lớn.