Hình thức nhật kí

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Những ngã tư và Những ngọn đèn của Trần Dần (Trang 58)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Hình thức nhật kí

Nhật kí là sở hữu cá nhân, ghi lại những bí mật không thể chia sẻ. Ghi nhật kí, nhằm giải toả những xung đột bên trong, thoả mãn những nhu cầu riêng biệt của chính người ghi. Ghi nhật kí là một cách tác động lên thời gian, đưa hiện tại ra khỏi thời gian tuyến tính. Trong nhật kí người ta nói lên những suy nghĩ thật không bịa đặt hay thêm bớt. Nhật kí là nơi lưu giữ, gửi gắm những sự việc, tình ý riêng tư của cá nhân tác giả, bất chấp những áp đặt của xã hội. Người ghi nhật kí đã tự bóc trần bản chất thật của mình trên những trang giấy, phô bày cảm xúc và thái độ, không che đậy, giấu diếm. Những trang viết của Dưỡng trong Những ngã tư và những cột đèn là nhật kí mang đầy đủ tính chất như thế, riêng và thật. Không bàn về cuộc đời của người khác, những trang nhật kí ấy của Dưỡng tự nói về số phận mình. Hình thức ghi nhật kí thực hiện sâu sắc nhiệm vụ miêu tả tâm lý, bộc lộ nội tâm, suy nghĩ phức tập của nhân vật Dưỡng mà không một hình thức diễn đạt nào mang lại hiệu quả hơn nó.

Với hình thức ghi nhật kí, nó đã thể hiện rõ trạng huống của một thành phố từ chiến tranh sang hoà bình và trạng thái của con người bị mắc kẹt trong trạng huống ấy. “Nhật kí của Dưỡng, dường như, không đi theo mọi quyển lịch thân quen, bởi vì tôi luôn vấp phải những nhầm lẫn ghê gớm, của thời tiết, của thời gian, và mọi cái gì, của thời sự. Đường tuyến tính của thời gian, mà tôi đã nhìn thấy, ở đâu đó, bắt đầu từ một nơi vô định, kết thúc cũng ở một nơi vô định, chạy từ trái sang phải, theo chiều mũi tên. Thời điểm ghi nhật kí sẽ nằm vào một dấu chấm, nhỏ xíu trên đường tuyến tính, giữa hai vô cực, của dĩ vãng và dự cảm. Điểm nhỏ xíu này nhỏ lắm, nên chẳng là cái gì cả, trong thời gian. Có thể vì vậy, động tác bắt đầu mỗi trang nhật kí, và một thời điểm hiện hữu, không phải là mối quan tâm lớn nhất của Dưỡng. Hiện tại, nếu

nhắc lại theo nguyên lý này, vừa hiện hữu vừa không, vừa nhầm lẫn cố tình, vừa nhầm lẫn vô tình. Nhật kí do vậy cũng xô lệch theo. Động tác ghi nhật kí, do vậy có vẻ mang tính chất tự nghiệm, hơn là mục đích can thiệp vào thời gian (nhưng có thể không phải như thế). Bên cạnh đấy, ngôn ngữ của nhật kí cũng còn là một bí ẩn” [9, 25]. Trong nhật kí của mình, Dưỡng không ngừng suy nghĩ về động tác ghi nhật kí, coi đó là một hành động không phải bột phát mà có ý thức: “Nhưng lúc này ghi nhật kí, tôi mới hiểu là, khi anh Thái không trực tiếp nhìn vào mắt tôi, để tôi đùng bối rối, lại là lúc anh đang quan sát cái bóng của tôi, trong gương” [10, 177].

Ghi nhật kí là nhân vật đã “đóng khung chính mình trong vùng chấn thương”. Chỉ ghi nhật kí mới tác động trực diện vào thực tại, và chỉ có nhân vật tư ghi nhật kí thì nỗi đau tinh thần mới có thể hiển hiện ra trước mắt. Thế giới mà Dưỡng không được thừa nhận, không có mặt trong “bản đồ” xã hội, bị trấn áp và nghi ngờ. Dưỡng tự giải thoát cho mình bằng cách tự mình tìm ra thủ phạm, và mặt khác để chống chọi với nỗi cô đơn trong “phòng trắng” anh thường xuyên ghi nhật kí. “Người ghi nhật kí bộc lộ khá nhiều phản ứng, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực với hiện tại, và dường như hiện tại là đối tượng duy nhất, của nhật kí” [10, 111] và ghi nhật kí, là một cách “tác động lên thời gian”, chiếm lĩnh thực tại ở cái thời điểm đang là của nó “ghi nhật kí thực chất không nhằm bảo vệ tính chất riêng tư. Ghi nhật kí là một tác động thoả mãn nhu cầu đối thoại không thể, với người khác”. Với Dưỡng, quyết định ghi nhật kí đã trở thành một cái mốc quan trọng trong đoạn đời này của mình. Nó phân ra “trước nhật kí” và “sau nhật kí”: “23 giờ trước nhật kí, tôi cải trang làm thợ”, “23 giờ trước nhật kí, Cốm nói: “Anh đi cẩn thận nhé”, “24 giờ trước nhật kí, tôi nói với chị Hoà…” [10, 16-19], “24 giờ sau: Thế là tôi đã bắt đầu nhật kí, từ 5 giờ, bằng mực tím…” [10, 21].

Tuy nhiên cũng có lúc hành động ghi nhật kí thất bại, bởi sự tác động lên thời gian không giúp con người thoát khỏi thực tại: “viết nhật kí, để đưa hiện tại của tôi ra khỏi thời gian để ngày hôm nay được tồn tại vĩnh viễn. Nhưng tôi bắt đầu nhận thấy sự nguy hiểm của vĩnh cửu. Đã ba mùa trôi qua, mà hiện tại của tôi ngày một tệ hại. Sự vĩnh cửu giống như vũng nước tù, càng vĩnh cửu, càng hôi thối, càng lắm kí sinh

trùng. Chính vì vậy, tôi đã xé nhật kí… tôi lại tiếp tục nhật kí, nhưng muốn hiện tại đi nhanh hơn, tôi còn một cách là đánh số, vào những nhật kí. Như vậy, ngày đến sau sẽ đẩy lùi, ra xa ngày đến trước” [10, 111-112].

Tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn có hai nhật kí lồng vào nhau của hai nhân vật, một của Dưỡng, một của nhân vật nhà văn. Có đôi lúc nhân vật nhà văn nghi ngờ đối với nhật kí: “Tôi không biết, có phải người ta chỉ viết, nhất là viết nhật kí, để đổ bớt bi kịch lên giấy? Người ta cũng bắt đầu viết, khi linh cảm về một, hoặc nhiều tai hoạ, sẽ xảy đến? Nhưng cũng có người, đời đầy bi kịch, chưa một lần viết, một cái gì. Rồi cũng có những người, không kinh nghiệm đau khổ, lại viết, như một lí do để sống” [10, 337].

Trần Dần để cho nhân vật tự ghi nhật kí, tự mổ xẻ tinh thần và trải nghiệm trong nhật kí. Hai nhật kí là hai vật thể khác nhau, được tạo ra bởi hai con người khác nhau nhưng không hề rời rạc mà nó liền mạch bởi mục đích của cả hai nhật kí này là thể hiện chấn thương tinh thần của con người trong bối cảnh xã hội ngột ngạt. Nếu nhật kí của Dưỡng xoáy sâu vào nội tâm thì nhật kí của nhân vật nhà văn xoáy vào công việc. Hình ảnh nhà văn ngồi bên nhật kí của Dưỡng hiện lên trong suốt tác phẩm: “Bên này cửa sổ tôi tím: có nhật kí và bản sao nhật kí…”, “sáng nay không ra phố, tôi làm việc, trên những cuốn nhật kí, bìa dằn di. Tôi dừng lại, để đặt ở đây, một loạt câu hỏi” về nhật kí của Dưỡng” [10, 25]. Hai nhật kí đã bổ sung cho nhau, với Những ngã tư và những cột đèn Trần Dần đã tiến hành một nghiên cứu sâu sắc về nhật kí.

Hình thức ghi nhật kí của cả nhà văn và nhân vật là một bước sáng tạo vượt bậc đối với tiểu thuyết Việt Nam thế kỷ XX. Bởi văn học 1945 – 1975 có đặc điểm hướng đên cộng đồng, hướng đến đại chúng, do vậy nó dị ứng với nhật kí, loại hình hướng về cá nhân. Việc lựa chọn hình thức tiểu thuyết dưới dạng ghi chép nhật kí cũng thể hiện xu hướng muốn làm mới hình thức cho thời văn học có tính sử thi.

Một phần của tài liệu Đặc điểm tiểu thuyết Những ngã tư và Những ngọn đèn của Trần Dần (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(93 trang)
w