6. Cấu trúc của luận văn
2.2.3. Chiến tranh và tình bạn
Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần đã bao quát được toàn bộ khung cảnh xã hội qua hoạt động thường nhật của con người, qua mối quan hệ, cách ứng xử với nhau. Con người trước và sau chiến tranh có sự thay đổi lớn về cách sống, về lý tưởng cuộc đời. Hiểu đời và hiểu người, Trần Dần mang đến những hệ lụy của chiến tranh đối với con người, tan vỡ mối quan hệ tốt đẹp của những đứa trẻ thơ mà khi lớn lên mỗi đứa rẽ vào một ngã tư, mà đâu phải ngã tư nào cũng dễ dàng, cũng phẳng lặng và yên bình. Bất chấp tất cả để được sống là nguyên nhân làm cho tình bạn thân thiết hôm qua, nay bỗng quay sang hoài nghi, tố cáo, cài bẫy, vu khống lẫn nhau, cướp đi cơ hội sống của người khác để giành quyền sống cho mình. Giá trị tình bạn mà trước chiến tranh như một bức họa đẹp của tuổi thơ, thì sau này nó lại bị phong ba bão táp làm vỡ nát, xã hội bức bách buộc con người phải biết tự bảo vệ mình, chà đạp lên nhau, cố gắng tìm lấy cơ hội nhỏ của sự sống.
Tình bạn thời bấy giờ không còn nguyên vẹn như lúc ấu thơ, chiến tranh huỷ hoại nó, biến nó thành một thứ tình bạn lưu manh. Trong tình bạn ấy, Dưỡng trở thành kẻ bị lợi dụng, làm mồi nhử cho mấy đứa bạn mình, anh bất ngờ khi chứng kiến sự thay đổi bản chất của những người bạn, sự tự thích ứng của họ quá lỗ liễu, tình bạn thuở bé cũng trở nên “láo nháo” bất minh trong tình thế mới. Nhóm bạn năm người, hiện ra năm tính cách khác nhau: “Ngỡi, thì rõ rồi một thằng chỉ điểm, mạt hạng. Đoành, một thằng nói dối giỏi hơn nói thật. Chắt, cá tính không rõ ràng và một thằng thấy gì cũng sợ. Tình Bốp, một thằng lúc nào cũng lên chương trình mưu mẹo”, còn Dưỡng, “một thằng tàu bò, lắm hoài nghi” [10, 159]. Dưỡng hoài nghi những người xung quanh, nhưng chính anh lại không đề phòng tình bạn ngay từ đầu, nên anh trở thành mục tiêu của bốn thằng bạn còn lại hướng tới, chĩa mũi súng vào anh để anh tự bóp cò kết thúc đời mình. Anh đã thả một miếng mồi ngon cho Tình Bốp với “trò kép, trò đúp” của kẻ bất đắc chí. Đâu ngờ người mà anh coi là thân nhất giống như anh em của anh lại đâm sau lưng anh một nhát dao đau đớn, cũng đâu nghĩ vì bảo vệ tính mạng mình mà Tình Bốp nhẫn tâm, thú vật đến vậy. Dưỡng hoang mang trước những ngã tư đời: “Tôi quên không được. Đi đi không được. Tôi ngồi bệt lề đường. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc. Tôi là đàn ông tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ lắm. Tôi ngồi bệt mà nhìn láo nháo cột đèn. Láo nháo khói” [10, 275]. Và Dưỡng “cũng từ vụ án này hiểu thêm nhiều thứ, về tình bạn và quyền lợi, về cả tình iêu nữa. Cũng từ sau vụ án, tôi không đến nhà Tình Bốp. Tôi tránh đi qua chiếc cổng sơn xanh, bên dãy số lẻ. Tôi sợ tình bạn” nhưng lại cảm thấy “từ chối một tình bạn, là tôi đểu” [10, 114]. Trong hoàn cảnh tất cả đều đáng nghi, Dưỡng không còn kết bạn được với ai, cho nên Dưỡng chỉ còn bộ ba: Tôi - Sọ - và cái mặt trong gương còn chơi thân được với nhau. Nhóm bạn của Dưỡng, “thằng nào nói dối cũng trôi chảy, thằng nào cũng tài diễn kịch, cho nên chẳng thằng nào bi rắc rối” [10, 144], anh học cách đóng kịch của chúng để đánh lạc hướng mũi dùi đang chĩa vào mình: “Chúng nó hồn nhiên, trộn lẫn thật giả vào nhau, cả bốn thằng, bây giờ thêm tôi nữa, là năm” [10, 157]. Chính vì vậy, khi Tình Bốp, kẻ bán đứng tình bạn đến để trấn an, tỏ ra mình là người vô tình và cũng là người bị hại của thằng “lèo lá” Ngỡi trong vụ án
của Dưỡng, chuyển nghi ngờ của Dưỡng sang Đoành và Ngỡi, xúi giục: “Chỉ có mày mới đủ thông minh, để xoay mũi dùi, đâm vào bọn ba thằng. Thế này, mày xoay tờ thú, thành tờ kiện. Mày kiện lại bọn thằng Đoành”, Tình Bốp nói: “Ván này coi như huề, nhưng thực ra là mày được. Mày được là bởi vì từ nay mày thấy rõ, thế nào là tình bạn thời bây giờ” [10, 156]. Dưỡng tự hỏi tại sao Tình Bốp nó lại làm như thế, nó đến nhà mang trên tay những lời nói dối, để hưởng lợi từ những mưu mẹo gian ác này, để Dưỡng, thằng bạn thân từ nhỏ của nó giết đi tình bạn của bọn năm thằng. Tình Bốp về, “iên trí” cầm theo những lời nói dối của Dưỡng, “luật đời là thế, cho gì nhận nấy”. Con người hiện tại đang sống trong hoà bình nhưng lại mang vết tích của chiến tranh đọng lại, xoáy sâu vào nỗi đau tinh thần cùng những rạn nứt của tình cảm con người. Tình bạn trong những tiểu thuyết thời kì này gắn liền với tình đồng chí, đồng bào, tình quân dân. Ta có thể bắt gặp tình cảm ấy của Khuê, Kinh, Nhẫn, Lượng… trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, họ đến từ những miền quê khác nhau nhưng khi tham gia chiến đấu họ tình cảm của họ là tình bạn, tình anh em, thậm chí là tình yêu. Để bảo vệ tình cảm thiêng liêng ấy, bảo vệ cho đồng đội họ sẵn sàng hy sinh tính mạng, trong giờ phút nguy hiểm đối mặt với kẻ thù, Lượng kiên quyết mở đường cho đồng đội rút lui an toàn. Trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn
nhân vật tiếc thương tình bạn trong chiến tranh, tiếc thương những giá trị của những ngày êm đềm. Tình bạn trong thời bình và tình bạn trong thời chiến khác nhau nhiều quá khiến cho những người trong cuộc không khỏi bất ngờ và thất vọng. “Trước kia là bạn bè, bây giờ tất cả biến dạng, thành hai loại: một là phản động, hai là công an” [10, 159], “tình bạn thời nay, như Tình Bốp nói, có lẽ khác rồi tình bạn thời thực dân, có lẽ đúng như vậy” [10, 181], “các tình bạn của năm thằng tôi, vốn êm đềm trong chiến tranh, đến lúc hoà bình lại chia nhau đi mất, về đủ năm hướng. Hôm nay, tôi cũng xếp những tình bạn này, vào đống đồng nát các vấn đề gác lại. Còn chừa lại chỉ những cái tên người” [10, 159]. Tình Bốp bị sát hại, là cái giá phải trả cho tình bạn. Nhưng cũng vì cái tình bạn mà lỡ bán đi ấy lại cứơp đi tính mạng của Tình Bốp, anh ta chỉ thực sự bị giết như vậy “khi cậu ta nhắc tới tình bạn, của cậu ta với Dưỡng” [10, 293]. Hạt lương tâm bé nhỏ trong Dưỡng đã khóc Tình Bốp, Dưỡng nhớ về “những buổi sáng
nhoe nhoé ấu thơ. Hồi ấy tôi và Tình Bốp và Đoành, ba thằng một đương đi học, khi thì trong nội thành rét, khi thì nội thành nực. Ba thằng thân nhau nhất. Ba thằng có chơi trò gì ác, cũng vì trò trò chơi nó ác, chứ không phải vì tính tình. Thân nhau như thế, vừa hết con đường thơ ấu, vừ đến ngã tư, ba thằng đã vào, ba ngả. Tôi đâu có biết, ngã tư nào lưu manh, ngã tư nào đoạ lạc, ngã tư nào gian dối” [10, 304]. “Tình Bốp mới 25 tuổi. Vẫn là tuổi xanh. Tuổi xanh mà nó đểu, như người ta phải sống vài trăm năm, mới đểu đuợc như thế” [10, 303]. Những người bạn không có trách nhiệm pháp lý trong cái chết này nhưng trách nhiệm tinh thần lại vô cùng lớn, bởi họ vẫn là bạn của nhau. Đi trên năm ngả khác nhau, con đường nào cũng đầy cạm bẫy, có con đường không đèn và có con đường có đèn: “Có đèn dễ đi. Dễ đi: nhưng vẫn có người vấp, vẫn có người ngã. Người lầm phố. Vẫn có những tai nạ giao thông. Trong một kiếp người. Vẫn có những nhầm lẫn ngã tư cũng trong một kiếp người” [10, 274]. Khi không phải đề phòng cả ta và địch, con người được giải thoát, được cứu sống, họ mới thực sự trở về bản chất vốn có của mình. Ba thằng bạn còn lại, muốn đề phòng bất trắc cho Dưỡng đã đi tuần đêm qua các ngõ nhỏ. Giờ đây, ánh sáng đã dần hé mở, Dưỡng nhận ra, bộ ba Ngỡi, Đoành, Chắt “là bạn tôi thật, và là bạn tốt nữa”. Chiến tranh giúp con người phân biệt được đen - trắng, bạn - thù, tuy nhiên, nó cũng cướp đi biết bao niềm tin, cướp đi biết bao tình người, cướp đi cả cuộc đời của thanh niên tuổi 25 còn xanh như Tình Bốp.
Tình bạn mất đi khá nhiều trong chiến tranh nhưng không phải là tất cả, cái mất đi là cái hư ảo, cái còn lại mới là giá trị đích thực. Trải qua bao thử thách và sóng gió, cuối cùng tình bạn ấy vẫn còn sót lại trong mỗi người, tuy giờ đây nhóm bạn chỉ còn bốn người nhưng họ đã hiểu và trân trọng nhau hơn.