6. Cấu trúc của luận văn
2.3.1. Kiểu con người bị chấn thương
“Chấn thương” theo như Amos Goldberg, “là sự va chạm với một sự kiện vuợt ngưỡng”, và “cây bút không chỉ là phương tiện để viết mà trước tiên và hơn hết, nó là một vật thể cho phép người ta bằng cách nào đó có thể nắm bắt được cái nỗi đau không thể chạm đến của mình”. Tiếng nói của cái tôi bị chấn thương là điều kiện làm
xuất hiện Văn học chấn thương, mà trong đó các sáng tác, tác giả là nạn nhân bị xã hội tác động một cách khốc liệt. Họ phải hứng chịu chấn thương về tinh thần một cách nặng nề, phi lý và bất công. Văn học chấn thương thế giới có các tác phẩm tiêu biểu
Nhật kí Warsaw của Chaim A. Kaplan, Người Do Thái ở Warsaw của Israel Gutman…
Trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn kiểu con người bị chấn thương hiện lên rõ nét qua từng trang nhật kí của nhân vật. Con người hiện lên trên cái nền lấp lửng sáng tối, mọi quan hệ xã hội đều bị bó hẹp, họ buộc mình trong góc tối đề phòng thế giới xung quanh, tự bảo vệ mình, và tự tìm lấy con đuờng sinh tồn. Họ trở thành kẻ bị chấn thương tinh thần, tâm hồn cô đơn luôn luôn phải chống chọi với mọi thế lực trong xã hội, chống chọi với nỗi đau của thân phận bị bỏ rơi ở bên kia chiến tuyến trong hoài nghi, tuyệt vọng. Trần Dần với tài năng, sự thấu hiểu xã hội và con người, ông đã mở ra những chiều kích mới về bản chất con người hiện đại, khơi lên một góc khuất của thời đại lịch sử đã đi qua cùng nỗi đau của con người trong xã hội bấy giờ. Nhân vật Dưỡng phải hứng chịu trừng phạt của xã hội, là nạn nhân của sự va chạm quá ngưỡng. Dưỡng bị định kiến về lối sống, sở thích cộng thêm mười bốn tháng đi ngụy, anh bị chụp mũ, rình mò, xem như là thành phần xấu của xã hội cần tiêu diệt. Vụ phát súng, không biết kẻ nào ám sát hụt một anh bộ đội “bốn túi” từ vườn nhà mình, bị ngờ là thủ phạm, là người của phòng Nhì cài lại làm gián điệp cho Pháp, phá hoại miền Bắc. Dưỡng đứng trước nguy cơ bị thủ tiêu từ hai phía (chính Dưỡng cũng không hề biết anh đang giữ tài liệu bí mật của gián điệp). Ông Trung trố, nhân viên trong ban bảo vệ khu phố nhưng lại luôn dò xét những kẻ lầm đường, đặc biệt là Dưỡng. Bị ép buộc, con người rơi vào trạng thái chấn thương. Dưỡng lấy con mắt của người đời để tự chửi mình, “ừ thì Thằng, ừ thì Tôi, ừ thì Mày”, là “thằng nhọ tàu bò”, “thằng dằn di”, “thằng-vài-nghìn thằng”, “thằng phát súng”, “thằng địch”, “thằng gián hôi”, “thằng sát nhân”… Những cái thằng ấy không một chút giá trị trong con mắt của cộng đồng, chỉ là “con dòi”, “con sâu đo”, “hạt bụi lạc đường”. Dưỡng gộp hết danh xưng mà mọi người đặt cho anh bằng “Mày”, “Thằng”, đối thoại với chúng để bào chữa, trần tình những nguồn cơn oan ức không ai có thể thấu hiểu được.
Trong bối cảnh xã hội láo nháo, bất minh, sự thật - giả, trắng - đen lẫn lộn thì Dưỡng càng rơi vào đường cùng của bế tắc. Quy chụp và áp đặt chính trị là một điều ghê gớm, là kẻ giết chết tinh thần của con người. Đối với Dưỡng, kẻ đang đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết thì nỗi đau ấy càng tăng thêm gấp bội. Dưỡng gọi thời gian này là “tích tắc phức tạp”, “những ngã tư ngày hoang hoác vết bội thương” [10, 112], là những chuỗi ngày buồn thê thảm. Thành kiến của khu phố ngày càng nặng nề: “Tôi gọi thời gian này là những ngày chua loét, và những chủ nhật mắm thối, những tuần lễ khắm và những buổi sáng đi cũng-dở-ở-cũng-không-xong” [10, 69], hay “23 tuổi thì ngày khai, thì tuần phùn, thì chủ nhật bú dù, thì ngày ghẻ ruồi chiều quai bị, thì thứ ba thiu thứ bảy khú” [10, 70]. Không thể giải thoát khỏi hiện tại, Dưỡng dùng phép thử về thời gian, khi sự đời “hủi” anh muốn thời gian qua nhanh bằng cách chớp mắt vì “hiện tại chỉ là một cái chớp mắt” vậy nên: “Tôi chớp mắt, rồi lại chớp mắt nữa, để mỗi lần, cái hiện tại hủi này lùi ra xa” [10, 41].
Tâm trạng của Dưỡng “tợ hồ được an ủi đến sạch sẽ” khi anh đọc tác phẩm Tội ác và trừng phạt, trong Dưỡng “một thương xót kì quặc, một từ bi trần tục” [10, 104], mà một phần nào đó thoát ra khỏi tình cảnh ngõ cụt của “đời không ngã tư”. Con người bị chấn thương ấy, có những lúc nằm “toàn thân trắng nhợt, trên chiếc khăn trắng. Những lỗ thủng bầu trời ngoài cửa sổ trắng, thêm cơn mưa trắng, không dứt từ chiều qua”, bên trong tâm trạng cũng “trắng” [10, 127], rồi có lúc “đi lại trong buồng, mỗi lần đi qua gương, lại nhìn mặt tôi, một cái. Mỗi lần đi qua gương, tôi lại chửi, một câu” [10, 149]. Con người bị chấn thương cố gắng vùng vẫy, không cam chịu sự oan trái, áp đặt của người đời. Yếu đuối, đơn độc, Dưỡng giải thoát cho mình trong nhật kí. Hành động ghi nhật kí của Dưỡng thể hiện tinh thần bị chấn thương đến tột cùng, tìm đến nhật kí là Dưỡng đang tìm bạn để san sẻ nỗi đau, san sẻ sự bức bối tù đọng. Trong nhật kí, Dưỡng đem cả bộ ba thân thiết Tôi – Mày - Thằng chất vấn: “Mày là thằng người dẫu có là thằng-vài-nghìn-thằng thì mày vẫn là thằng người sao lại gọi mày là thằng địch, thằng tay sai cho địch, rồi thằng gián hôi, thằng sát nhân” [10, 69]. Nhưng chính Dưỡng có những lúc lại thất bại trong nhật kí, thất bại với thử nghiệm của cuộc chạy trốn khỏi hiện tại, bỏ hiện tại rơi vào quá khứ. Không thể giải
thoát đuợc chấn thương tinh thần, hành động ghi nhật kí trở nên tù mù hơn bao giờ hết: “Đêm ngủ đầy ác mộng. Tôi xé nhật kí, viết rồi xé, chưa viết xong cũng xé, mà hiện tại vẫn hủi. Tôi lại tiếp tục nhật kí, nhưng muốn hiện tại đi nhanh hơn, tôi còn một cách, là đánh số, vào những nhật kí. Như vậy ngày đến sau sẽ đẩy lùi, ra xa ngày đến trước” [10, 112]. Hành động ghi nhật kí của Dưỡng không phải để giải trí, thoả mãn mơ mộng của tuổi trẻ mà đó là hình thức tồn tại của con người bị bỏ rơi, thấy mình vẫn còn trên cõi đời này, vẫn nằm trong bản đồ nội ngoại thành, láo nháo gió và láo nháo những nốt chân. Con người bị chấn thương bị “cuộc đời bên ngoài và miền Bắc” bỏ rơi, “mặt trời vẫn sáng, Cộng sản nhân đạo với nhân dân. Chỉ mỗi mình tôi, nhỏ như hạt bụi, xấu như con dòi, ngu như con sâu đo, lúc nào cũng chả là cái gì, lúc nào cũng chậm chân, cho nên bao nhiêu may mắn bị người đời lấy trước cả. Cho nên không có tôi, bản đồ nội ngoại thành cũng không bị tổn thất gì” [10, 107].
Trạng thái chấn thương tinh thần của nhân vật Dưỡng trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn là hậu quả của tác động bên ngoài xã hội, nguyên nhân đến cả từ phía ta và địch. Trần Dần xây dựng kiểu con người bị chấn thương để làm rõ hiện thực bấy giờ với những định kiến, áp đặt, quy chụp, là con dao vô hình giết chết tâm hồn con người. Những kẻ lầm đường lạc lối bị coi là tội phạm mà “Tội phạm, và các thứ tội phạm, phải tự gánh lấy tội lỗi của mình”.
2.3.2. Kiểu con người tha hoá
Trong Những ngã tư và những cột đèn con người hiện lên mang dáng dấp, tư tưởng và cách sống khác nhau. Đó là những mẫu người tiêu biểu trong một xã hội phức tạp và biến động. Có người sống đê hèn, luồn cúi để được một cuộc sống yên bình, cũng có người bán linh hồn cho quỷ dữ, làm tay sai cho địch, kiếm miếng ăn trên tình bạn, tình người, trên máu và nước mắt của người vô tội. Cũng có người giữa bao bộn bề cuộc sống, khát khao được bứt phá, sống với con người tự nhiên, sống cho hiện tại để khẳng định sự tồn tại của mình.
Con người trong tiểu thuyết khát khao được hưởng thụ, sống theo bản năng tự nhiên, chìm trong những đam mê của dục vọng tầm thường, phá tan đi đạo đức, luân lí của cuộc đời, rũ bỏ phẩm chất và tư cách. Họ đối xử với nhau đôi khi còn quá hơn
“con vật”. Cách ứng xử này báo hiệu một sự rạn nứt mối quan hệ xã hội, giữa tình bạn, tình thân, tình hàng xóm. Tuy nhiên mỗi người mang trong mình tâm lý bất định, lo âu, thấp thỏm bị tiêu diệt. Với sự cảm thức sâu sắc của nhà văn về cuộc sống, con người, Trần Dần đã đi vào tâm hồn của con người để khám phá ra bản chất thật của họ đằng sau vẻ bề ngoài nổi loạn, đưa con người trở về với cuộc sống thường nhật đầy dung dị. Trong thời buổi loạn lạc đó, chiến tranh cùng những tác động chìm của xã hội tước đi quyền tự do tinh thần của con người, áp đặt chính trị vào họ, khiến họ trở thành con người khác tự tìm con đường sống cho riêng mình. Những nhân vật bị tha hoá trong tiểu thuyết, dù tình nguyện hay bị bắt buộc đều giẫm đạp lên giá trị của cuộc sống, nhân sinh vốn có. Dưỡng là thằng cao bồi dở kiêm tàu bò, có những thú chơi ngông nghênh của tư sản, khát khao làm lại cuộc đời, xoá đi vết đen chính trị để trở về với cách mạng, với xã hội, giống như Bú Dù trở về trại cải tạo như trở về thiên đường.
Kiểu con người tha hoá được làm nổi bật với Tình Bốp, ông Phúc, Đoành, lão Khang… Tình Bốp, Đoành và Dưỡng là những người bạn thân từ nhỏ, khi lớn lên mỗi người có một mục đích sống, họ từng có những tháng ngày ở bên kia chiến tuyến. Khi miền Bắc hoà bình, họ đứng trên những ngã tư không nhìn thấy sáng tối, sự sống và cái chết cách nhau một bước chân. Con người tha hoá thể hiện ngay cả hình dáng bên ngoài, thoáng nhìn lão Khang đã thấy “chất đớp hít, chất xác thịt, tráng thêm bên ngoài tí men tri thức rẻ tiền”, vợ Phúc “thoắt trông như con cáo loắt choắt, trông kĩ hơn lại thấy giống con me tây già, tóc hoa râm, gầy hom hem”. Đoành vốn là một ca sĩ nam trầm, sống hời hợt và nói dối làm niềm vui sẵn sàng luồn háng những kẻ không biết là do bên nào phái tới để bảo toàn tính mạng. Ngỡi từ ngày đi trốn, “nó xưng em với tất cả mọi người” [10, 41]. “Những ngày sột soạt giữa hai chế độ, đã đưa nó xuống, tầng dưới của quan hệ xã hội”. Sự thay đổi này gây bất ngờ cho tất cả mọi người bởi trước đó: “Ngỡi là lính nghèo, chức vụ lèm nhèm, hình dạng lèm nhèm, đáng kể nhất một cái mặt choắt, và hai mắt hai cái mụn loét bờ. Lính đám ma mà hách dịch: nó xưng ông với cả phố. Lính đám ma mà nó tự hào, và tận dụng triệt để chức vụ lính ngụy. Để đến nhà này, nó vào ngay nhà bếp, xem có cái gì, đến nhà nọ trèo
luôn lên phản, chờ ăn cỗ, dù không được mời” [10, 26]. Con người trước và sau thay đổi nhanh chóng, có nhiều giả thiết cho sự thay đổi này: “Thứ nhất, lối xưng hô của nó, dù vô tình hay cố tình, cũng là động tác rút lui khỏi tình bạn, mà không cần tuyên bố và không làm ai mếch lòng. Thứ hai, nó đã đánh hơi thấy những gì sẽ phải xảy đến (cho tình bạn, tình hàng xóm, cho tình người nói chung) và lối xưng hô mới này, sẽ là vỏ bọc bảo vệ an toàn cho nó…” [10, 43]. Sự thay đổi trong cách ứng xử của con người với cộng đồng đã cho thấy tác động ghê gớm của xã hội lên lối sống, nhân tính của họ. Trước là một kẻ “lèo nhèo, lèo lá, vừa lộn lèo, vừa la liếm” thì sau nhún mình, xun xoe, bất tín và trở thành kẻ chỉ điểm vặt, bán đứng bạn bè nhằm lấy niềm tin của cách mạng, mà theo Ngỡi “lợi nhuận hơn tư cách”.
Tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn đã gióng lên hồi chuông báo động về những thành phần tha hoá của xã hội, những kẻ bán nước cầu vinh. Tình Bốp – người của phòng Nhì cài lại, trước sau vẫn là kẻ lá mặt lá trái, xúi giục bạn bè chống đối cách mạng, bên cạnh đó âm thầm hãm hại, trừ khử bịt miệng để bảo vệ tính mạng. Ông Phúc trong tiểu thuyết là kẻ gian ác và thâm hiểm, ông đeo mặt nạ để che đi con người mình, lấy nhân vật Nhọn-cằm giấu đi ông Phúc số 1 và ông Phúc số 2. Ông Phúc số 1 phúc hậu hiền lành, luôn miệng nhắc đến ơn của ông giáo dành cho mình, ông Phúc số hai lăm le, giọng nói gằn lên sợ hãi. Ông Phúc là kẻ “quá khôn, quá khéo, cho nên không thật”, ông không thật với xã hội và cũng không thật với chính ông. Một kẻ tay sai cho giặc “bị cả xã hội bao vây. Xã hội là tất cả miền Bắc, là trẻ con, là cụ già, là kẻ quen người lạ, là muôn nghìn con mắt, nhòm ngó từng cử chỉ của tôi, ngày và đêm” [10, 251]. Làm gián điệp cho Pháp những tưởng được tiền bạc tiêu không hết, được ăn sung mặc sướng, nhưng ông Phúc lại bị mắc kẹt trong cái tham vọng bản năng ấy. Tha hoá về bản chất con người, che mờ đi đôi mắt, con người lao vào tội lỗi, phá đi rào cản của đạo đức luân lí trói buộc, đạp lên mạng người, sống chui lủi trong xã hội. Cũng như Dưỡng, ông Phúc bị xã hội vô thừa nhận, một kẻ bị lên án, tiêu diệt. Nhưng Dưỡng dù có mười bốn tháng đi ngụy, nhưng anh cũng chỉ biết lái tàu bò, chưa cầm súng bắn giết ai bao giờ, trong anh vẫn còn hạt lương tâm bé nhỏ đủ để hối cải, tu tỉnh. Giữa cuộc đời đầy sóng gió, Dưỡng muốn được sống, muốn
được phục vụ cho cách mạng, anh không muốn làm con sâu, hạt bụi bị người đời chà đạp lên.
Kiểu con người tha hoá trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần nhấn mạnh con người tự nhiên và con người xã hội, giữa thật – giả trong bản chất của con người. Ông cũng làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự rạn vỡ của các mối quan hệ đuơng thời, làm đảo lộn mọi giá trị của con người với nhau, lẩy ra được tính cách phức tạp “con người trong con người” (Bakhtin).
2.3.3. Kiểu con người lưu đày, bất định
Trong Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã lột tả xã hội một cách chân thực, chiến tranh đã tác động không nhỏ vào cuộc sống của con người, và chính con người là nạn nhân của nó, họ bị lưu đày trong chính cuộc đời của mình. Ngay từ đầu tác phẩm, Trần Dần đã dẫn ra một sự nhầm lẫn về thời gian như: “Tôi ngồi một ngày không rõ thứ hai hay chủ nhật” [10, 13], “Tôi ngồi một ngày không rõ thứ tư hay chủ nhật”…, sự nhầm lẫn về thời gian này thể hiện tâm trạng, trạng thái bất định của con người trong bối cảnh ngổn ngang lúc bấy giờ. Trong thế giới ngoài những tác động mà ta có thể nhìn, nghe thấy được, còn không ít các tầng ngầm, góc khuất xám xịt đầy cạm bẫy và đi kèm là những bất trắc khôn lường. Đó là những thành phần gián điệp của phòng Nhì cài lại để theo dõi, chống phá cách mạng như Macxen – điệp viên cao cấp, hay Nhọn-cằm, điệp viên cấp thấp như các cô gái chân dài được huấn luyện làm hộp thư di động. Các thám tử, nhà điều tra, công an của cách mạng như “ông đầu bạc”, “anh Thái”, “anh Trần B”… Chính phần ngầm của thế giới đã tác động đến rất nhiều số phận, đến tâm lý nhân vật Dưỡng khiến anh phải lưu đày trong cuộc đời, trong những trang nhật kí được ghi ngày giờ rồi sau đó lại được đánh số. Trong
Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần để nhân vật lưu đày trong bao biến cố, phải