6. Cấu trúc của luận văn
3.2.1. “Nhật kí” – biểu tượng của cuộc truy tìm hiện tại đã mất
Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã lồng ghép hai cuốn nhật kí vào nhau. Một nhật kí của nhà văn, một của nhân vật. Hai nhật kí là hai vật thể, hai giọng điệu, hai cái tôi, hai khoảng thời gian và không gian. Nhật kí của nhân vật là “ba cuốn sổ tay”, “bìa dằn di” và viết “bằng mực tím”. Nhật kí của nhà văn không xuất hiện cụ thể mà nó ẩn hiện trong suốt tác phẩm, chính với nó mà Những ngã tư và những cột đèn được mở ra và khép lại. Hai nhật kí khác nhau của hai con người khác nhau đặt
chung trong một tiểu thuyết nhưng trên con đường của riêng mình hai nhật kí ấy lại gặp nhau ở cùng một thời, cùng nhìn về quá khứ níu giữ thời đang mất.
Không phải ngẫu nhiên ngay những trang đầu của tiểu thuyết ta đã bắt gặp những triết lí về thời gian của nhân vật và tác giả: “Hiện tại được coi, như biên giới của hai KHÔNG. Cái KHÔNG thứ nhất là dĩ vãng, vốn đã có và bây giờ không có nữa. Cái KHÔNG thứ hai là tương lai, bây giờ chưa có, vì vậy bây giờ cũng không. Hiện tại chính là khoảng sột soạt giữa hai bờ vực ấy, giữa hai cái KHÔNG ấy” [10, 14]. Hay “hai đầu của đường tuyến tính, chạy cả về hai phía vô định, và biến mất. Hoá ra quá khứ và tương lai chiếm hết cả chiều dài thời gian, hiện tại chẳng là cái gì, chỉ là một cái chớp mắt, chỉ là một phần rất nhỏ, của cái chớp mắt” [10, 32].
Trong Những ngã tư và những cột đèn những từ “hiện tại”, “lúc này”, “bây giờ”, “ hôm nay” được nhắc đến rất nhiều lần. Cả nhân vật và nhà văn đều bị ám ảnh bởi thời gian và cả hai cùng đưa ra những thử nghiệm về thời gian để “hiện tại hủi” trôi về quá khứ. Có lúc nhà văn phát hiện: “Hoá ra tôi và Dưỡng cùng bị ám ảnh, bởi cùng một đường tuyến tính cổ điển, của thời gian. Hiện tại, là một cái chớp mắt ngắn ngủi, nhưng nhiều í nghĩa, và nặng nề làm sao. Hiện tại là một dấu chấm lẻ loi, vứt đi không được” [10, 67].
Hiện tại có thể “đo được, bằng những giọt đồng hồ, bằng những quyển lịch, tức là bằng những đồ vật hiện hữu, do đó, đã giúp cho hiện tại, từ KHÔNG trở thành CÓ. Chính vì vậy mà người đời ghi nhật kí, và cũng chính vì vậy, nhật kí bắt buộc phải bắt đầu, bằng những con số hiện hữu, là ngày, là giờ, là thứ tự của tuần, của tháng, của năm, của mùa. Dường như vậy, hiện tại sẽ được khẳng định rõ ràng, vào một chỗ í nghĩa, trên đường tuyến tính, của thời gian, từ trái sang phải, theo chiều mũi tên bay” [10, 14-15]. Nhà văn quan tâm đến hiện tại, và cảm thấy nhu cầu ghi nhật kí là cần thiết cho chính mình. Ghi nhật kí, sống ở thời hiện tại giúp nhà văn cân bằng được động tác “đi ngược lại thời gian”, quay lại 11 năm trước với nhật kí của Dưỡng và trở lại 11 năm sau nhật kí. Thời khắc đang vận động ấy được môt tả, ghi chép lại để nó không bị trôi đi theo thời gian. Những cảnh vật, sự kiện diễn ra hàng ngày minh chứng cho hiện tại: “Tôi vẫn ngồi trên trần nhà, mà lắng nghe buổi sáng. Có tiếng
người, ngay bên dưới trong ngõ nhỏ. Nhiều tiếng người láo nháo, ngoài phố xa. Tiếng động buổi sáng làm tôi tự dưng thấy ấm lòng” [10, 320]. Với Dưỡng, ghi nhật kí là để “vĩnh cửu hoá hiện tại”, có những khi tất cả sự việc Dưỡng đều cho chúng xảy ra cùng một thời điểm: “6giờ 21, thời gian không trôi, vì thời gian có trôi, thì cũng không còn í nghĩa”, “6 giờ 21, một ngày khác vừa mới bắt đầu, bên ngoài thời gian”, “6 giờ 21, tôi đã đứng ngoài thời gian”, “3 giờ 21, tôi uống cạn cốc càphê. Không có gì xảy ra, nhưng càphê làm bụng tôi cồn cào”, “6 giờ 21, tôi khoá cửa…” [10, 324]. Dưỡng xáo trộn thời gian để khi nào cũng là mùng một tết, để lúc nào “muốn mùa đông, là có mùa đông, để lúc nào cũng là hiện tại” [10, 33]. Nhưng có lúc anh lại thấy sự “nguy hiểm của vĩnh cửu”, dẫn đến hành động xé nhật kí, vừa viết xong cũng xé để hiện tại không còn tồn tại nữa. Nhưng hành động ấy không khắc phục được phần “hủi” nào của hiện tại, anh quay lại nhật kí. Và rồi không ghi ngày tháng năm cụ thể, chính xác mà thay vào đó là đánh số các trang nhật kí “ngày số 1”, “ngày số 2”, “ngày số 3”… Cũng có khi Dưỡng vứt bỏ lịch, không đánh số nhật kí, mà chỉ ghi giờ, nhưng theo chiều ngược lại, lẫn lộn giữa ngày và đêm: “0 giờ đêm”, “11 giờ tối”, 10 giờ sáng”… Dưỡng đứng bên ngoài thời gian để hiện tại “là ngày không mùa, là lúc không giờ, là giờ ngoài đồng hồ, là ngày ngoài quyển lịch” [10, 104]. Ghi nhật kí, là Dưỡng đang trút bầu tâm sự nặng trĩu vào trong đó, bởi vậy “nếu không đập phá nhật kí, anh sẽ đập phá những bức tường gạch ngoài phố, những bông hoa ngoài vườn hoa, những chai rượu trong quán rượu” [10, 67].
Qua nhật kí, nhân vật được biết đến con người của quá khứ và con người của hiện tại. Nhờ có “250 trang nhật kí, lem nhem mực tím” của Dưỡng, nhà văn có thể so sánh Dưỡng của 11 năm về trước và Dưỡng của 11 năm sau: “Anh Dưỡng chiều hôm ấy, vận toàn màu xanh phòng không, đội mũ tài xế xanh. Theo mod quần đũng cao, trên phồng dưới bó lại, cứ như anh đang ở một nước Cuba xa xôi. Anh Dưỡng vẫn gọi chị Trinh là Cốm, như 11 năm trước” [10, 75], “lần gặp Dưỡng tháng 11 vừa rồi, tôi thấy anh thay đổi nhiều” [10, 195], “trước mặt tôi lúc ấy, là một anh Dưỡng đã từ giã thú vui uống càphê buổi sáng, và xa lạ với day dứt của nhật kí” [10, 75].
Hai nhật kí, hai cuộc đời, cả hai đều quan tâm đến hiện tại nhưng lại bị đảo lộn bởi sự bất thường của thời gian. Có khi đó là thời gian được xác định một cách rõ ràng, được ghi đầy đủ ngày tháng năm “tháng 6 1965”, Tháng 12 1966”, nhưng nối liền với sự xác đinh ấy lại là một thời gian “không rõ thứ hai hay chủ nhật”, “Tôi ngồi một ngày không rõ thứ bảy hay chủ nhât”… Hiện tại đôi lúc bị làm cho mờ đi chỉ là “một ngày đầu năm”, “một ngày tháng 3”, hay “một ngày dễ nhớ”, “một ngày bất thường”, “một ngày bên ngoài thời gian”… Những quy định về thời gian này không theo quy luật chung mà thời gian quy ước của cá nhân mang tính chủ quan mà nằm trong thời gian đó là bí mật cần cất giấu của người viết nhật kí.
Trần Dần đã để hai nhân vật của mình rối bời trong thời gian, sự rối bời này biểu hiện cái bất ổn trong cuộc sống và tâm trạng. Hành động ghi nhật kí là gắng gỏi níu giữ khoảnh khắc hiện tại, cho không thành có, đó mới là hiện hữu nhất của cái tôi con người. Nhật kí lưu lại khoảnh khắc của đời người, có khi ta nhìn vào nhật kí để thấy lại cuộc đời mình trên những trang giấy, thấy được sự đau khổ và hạnh phúc. Cũng qua nhật kí, nhân vật biết được mình của quá khứ và hiện tại, sự thay đổi trong từng quãng thời gian khác nhau. Trong nhật kí là “những ngã tư” và “những cột đèn” của một đời trong xã hội “láo nháo gió”, “láo nháo người”, “láo nháo những nốt chân” với “con đường cụt”, những “cột đèn mù”. Nhật kí – người ta tìm lại trong đó những gì đã mất, tìm cái “khoảng sột soạt” đang tồn tại, trước khi bị chấn thương tinh thần “Dưỡng không viết nhật kí” và khi giải thoát khỏi tù túng, oan ức “sau ba cuốn sổ tay, Dưỡng cũng không viết nữa” [10, 337].
Nhân vật Dưỡng đã đi qua quá khứ, đi qua những chuỗi ngày đen tối trong cuộc đời, giờ đây anh là một người chiến sĩ cách mạng, là biểu tượng tốt đẹp của xã hội. Hiện tại anh có chỗ đứng của con người bình thường mà 11 năm trước anh không có nhưng anh lại mất đi tự do của bản thân, không được đi theo sở thích của mình (thích đọc truyện trinh thám và chụp ảnh con lợn). Nhật kí của hiện tại khác nhật kí của quá khứ, đang hao mòn dần cảm xúc và sự nhạy bén. Dưỡng đang đơn giản để tồn tại, cuộc sống anh trôi đi trên bề mặt mà không có chiều sâu, những suy tư trăn trở bắt đầu
nguội lạnh. Trở về với cách mạng nhưng Dưỡng lại mất đi cuộc sống của riêng mình, lo sợ một lần nữa bị trừng phạt.
Trần Dần để nhân vật viết nhật kí, tìm lại con người thật trong quá khứ, con người tự do cả về cuộc sống và tư tưởng, qua nhật kí hiện tại và quá khứ được soi chiếu, thấy mình trong ngày hôm nay và mình của chuỗi ngày trong qua khứ.
3.2.2. Ngã tư và cột đèn – biểu tượng của ngã rẽ bất định, không màu
Những ngã tư và những cột đèn, ngay từ nhan đề tác phẩm ta đã thấy một sự ám gợi, liên tưởng sâu sắc. Và cũng từ đây ta hiểu rằng không phải ngẫu nhiên mà ở cuối tác phẩm khi anh nhà văn hỏi Dưỡng muốn đặt tên sách là gì, Dưỡng đã trả lời không một chút suy nghĩ “Những ngã tư và những cột đèn”. Ngã tư và cột đèn khiến người ta liên tưởng đến một bản đồ đường có cột đèn, là bản đồ nội ngoại thành phố, bản đồ thời gian và sâu hơn là bản đồ nội tâm của con người, ngã tư và cột đèn là ngã tư đời láo nháo, bất minh.
Những ngã tư và những cột đèn là bản đồ của những ngã rẽ sinh tử, ngã rẽ đời, bản đồ không gian và bản đồ thời gian của một cuộc đời với tâm lý bất an, là ngã tư không đèn và có đèn của một kiếp người. Những ngã tư cuộc đời triết lý ấy đã vang lên trong nhan đề cuốn tiểu thuyết, chạy dọc tác phẩm, cất thành khúc bi ca. Đây là một nhan đề có tính biểu tượng cao, dung chứa chiều sâu tác phẩm. Hình ảnh những ngã tư và cột đèn xuất hiện dày đặc trong thơ Trần Dần, và mỗi khi xuất hiện nó đều buồn, day dứt, đầy trăn trở. Đó là “ngã tư khuya”, “ngã tư buồn”, “ngã tư xưa” của
Cổng tỉnh, “ngã tư năm ngoái” của Không đề số 4, “nữ ngã tư” của Jo Joacx, “ngã tư vắng” của Chín bức thu mưa, “ngã tư mù” của Sổ thơ 1976, “ngã tư đen” của Thơ mini 1988 – 1989…, là những “cột đèn câm”, “cột đèn bỏ”, “cột đèn bỏ quên”, “ngọn đèn hoang”, “ngọn đèn thắt cổ”, “ngôi đèn đỏ”, “cột đèn gù”, “cột đèn mù”, “ngọn đèn xanh”, “đèn sương”… Những hình ảnh ấy xuất hiện nhiều trong tác phẩm trở thành nỗi ám ảnh của nhân vật Dưỡng khi ra phố. Nó vừa là hình ảnh hiện thực vừa là hình ảnh ám gợi của tác giả về những ngã rẽ bất định, không màu, về những ngã tư đời mà bất kì ai sống trên thế giới này đều phải đi qua.Tính biểu tượng, giàu ám gợi trong Những ngã tư và những cột đèn được nhà văn tạo ra từ tên phố, tên người, tên
tác phẩm cho đến khung cảnh, màu sắc, âm thanh. Tất cả đều bị mờ hoá, đa nghĩa và có khả năng gieo vào lòng người đọc những nỗi hoài nghi về một thế giới bất ổn, phi lí đang diễn ra. Trần Dần cứ để nhân vật quan sát, chiêm nghiệm, day dứt về những ngã tư thật, cột đèn thật trên phố và so sánh với ngã tư đời: “Ngã tư láo nháo bộ hành, láo nháo xe cộ và cột đèn. Tôi thấy khó thật, đi trong thành phố thì dễ, đi trong đời khó hơn triệu lần. Đi trong thành phố, dù là thành phố lạ, rẽ vào ngã tư rất dễ. Ngã tư trong thành phố nào, cũng sờ sờ là ngã tư. Có rẽ nhầm, cũng quay lại được. Ngã tư trong đời khác, đời không cho quay lại. Đời nghiệt ngã. Đời lằng nhằng, ngã tư đời do đó, lờ mờ và loằng ngoằng” [10, 299]. Cuộc đời của nhân vật là những ngã rẽ bất định, không màu và rất dễ rẽ nhầm: “Đời tôi kì lạ đầy tai nạn. Đời mọi người bình thường không biết có nhiều ngã tư. Tối nay tôi đến một ngã tư. Tôi kí tên để con tôi chết. Tối nay tôi đi bộ qua nhiều ngã tư. Nội thành nhiều ngã tư. Đời tôi cũng vậy. Nội thành láo nháo sao mà lắm gió. Sao mà nhiều lá. Sao mà nhiều khói. Tối nay tôi đã chọn sai đường ngã tư… Tôi nhớ: tôi đã rẽ nhầm một ngã tư. Ngã tư đưa tôi đi ngụy. Ai đã rẽ nhầm thì cứ nhầm mãi. Bởi vì ngã tư này nối ngã tư kia. Nhưng tại sao không thể đi ngược về ngã tư đầu” [10, 272-273].
Sự ám gợi của các ngã tư phát triển theo trải nghiệm của nhân vật, xoáy sâu đên tận cùng khiến người đọc luôn ám ảnh về những ngã tư đời, những ngã tư đầy sương mù để “không thể đếm bao nhiêu nốt chân trên ngã tư. Ai đếm bao nhiêu nốt chân khôn dại. Bao nhiêu nốt chân vui buồn? Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn. Láo nháo đèn? Đời tôi đã rẽ rồi. Như đã hạ nước cờ không sao đi lại được. Nhưng tại sao tôi cứ ám ảnh? Cái ngã tư tại sao ấy” [10,275]. Con người dù muốn hay không vẫn phải đi trên ngã tư ấy, có thể người ta bước qua ngã tư vì cuộc đời tự nhiên thế, cũng có khi là bị bắt buộc phải đi qua nó. Nhưng dù bị bắt buộc hay vô tình đi trên ngã tư, trong hoàn cảnh ấy ta vẫn còn lựa chọn, đối với cuộc đời của người không có ngã tư tức là “không có lựa chọn”, nhưng người ta lại băn khoăn “đời nhiều ngã tư và đời không ngã tư, nên chọn cái nào?”. Trong Những ngã tư và những cột đèn, ngã tư hiển hiện ra trước mắt nhân vật, là ngã tư không màu và bất định của Tình Bốp, ông Phúc, Đoành, Ngỡi, Chắt và của nhân vật chính Dưỡng. Bi kịch cuộc
đời của mỗi nhân vật đều nằm ở ngã tư định mệnh ấy, bi kịch của Dưỡng kéo dài từ ngã tư này sang ngã tư khác, ngã tư nối tiếp ngã tư, những ngã tư vắng, vắng người qua lại để không thể bắt chước một ai, cũng không có đèn soi rọi lối nào sương mù, lối nào lưu manh. Ngã tư và cột đèn vừa mang nghĩa cụ thể vừa là biểu tượng có sức nặng, càng về cuối tác phẩm nó càng phức tạp, đa tầng, đa nghĩa. Nó hiện lên trong sự láo nháo của thời cuộc: “láo nháo gió”, “láo nháo khói”, “láo nháo bóng tối”, “láo nháo xe cộ”, “những tích tắc láo nháo”, “láo nháo những bước chân”, “láo nháo phố và tôi”…, cách thức lặp lại những từ khoá này nâng hình tượng lên một tầm cao mới trong nghĩa biểu trưng, chở tải mạch ngầm của văn bản. Ngã tư và cột đèn là cái mốc đưa tình bạn của Dưỡng, Tình Bốp, Chắt, Ngỡi, Đoành đi về năm hướng khác nhau, đứa làm tay sai, đứa lèo lá chỉ điểm, đứa thì nói dối giỏi hơn nói thật, đứa lại là thằng “dở-cao-bồi-kiêm-tàu-bò”. Bước chân của con người trên những ngã rẽ vô định, không màu, có những ngã tư có đèn , sáng đèn, cũng có những ngã tư có cột điện không đèn, có cột đèn không điện. Các nhân vật đi qua ngã tư ấy bước đúng hay sai nằm ở sự phán đoán của mỗi người. Đối với nhân vật Dưỡng: “Ngã tư và những cột đèn. Tôi đạp xe láo nháo, trong đêm láo nháo gió, láo nháo khói, láo nháo bóng tối và ánh đèn. Tôi nhớ cả lời nói, cả giọng nói, cả bộ blu trắng, cả hai con mắt, của bác sĩ. HOẶC-MẸ-HOẶC-CON. Thế là thế nào? Thế là, hoặc-mẹ-hoặc-con, thế là i như trong thánh kinh. Thế là tôi được một ngã tư. Thế là một ngã tư. Đời đầy những ngã