6. Cấu trúc của luận văn
3.1.2. Cốt truyện trinh thám
Ngay khi vừa mới xuất hiện, tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn đã gây ngạc nhiên cho độc giả và nhiều nhà phê bình văn học về hình thức của nó, đó là sự lồng ghép nhiều cốt truyện khác nhau (cốt truyện trinh thám và cốt truyện tâm lý).
Tiểu thuyết trinh thám lấy đề tài từ những chuyện ly kỳ trong cuộc đấu tranh giữa những nhà trinh sát với kẻ địch. Trinh thám cổ điển được coi là thể loại của văn học duy lý, giống một trò chơi, câu đố trí tuệ. Theo Todorov, cốt truyện trinh thám phải được xây dựng trên hai vụ án: vụ thứ nhất do thủ phạm tiến hành, vụ thứ hai thủ phạm trở thành đối tượng của thám tử - một sát thủ bị trừng phạt. Những ngã tư và những cột đèn có đầy đủ hai thành phần cấu thành cốt truyện này: “truyện về tội ác” liên quan đến vụ phát súng trong vườn và tư cách đáng ngờ của Dưỡng, “truyện về cuộc điều tra” liên quan đến cách hành xử của tổ dân phố, cơ quan an ninh. Về cuối tiểu thuyết những chi tiết ly kỳ dần được hé mở: chiếc khăn mùi soa – đầu mối gây bao rắc rối cho Dưỡng, cùng theo đó là sự hiện hình của những người như Tình Bốp, ông Phúc, và nhân vật Nhọn-cằm đến phút chót mới được hé lộ. Tuy nhiên so với những quy tắc của tiểu thuyết trinh thám thì Những ngã tư và những cột đèn chưa mang đầy đủ đặc điểm loại hình của nó. Chính vì vậy Những ngã tư và những cột đèn không phải tiểu thuyết trinh thám theo nghĩa thuần khiết mà nó mang hình thức tiểu thuyết giả trinh thám bởi mục đích cuối cùng không phải là truy tìm thủ phạm mà là tìm thời đã mất, truy tìm bản ngã. Với hình thức giả trinh thám, nhà văn đã để cho Dưỡng, kẻ bị hại trở thành một thám tử phi chính thống điều tra vụ án của mình. Nhân vật đặt giả thiết cho những nghi ngờ, đưa ra đáp án rồi tự loại trừ từng trường hợp. Những lần bị tên Nhọn-cằm theo dõi gộp lại thành “nhiều chấm hỏi”. Và suốt tuần lễ Dưỡng “loay hoay với con toán lủng củng này: công an tại sao theo tôi dữ dội như vậy, tại sao lại lộ liễu như vậy, họ theo tôi nhằm mục đích gì, tôi phải đối phó thế nào, màn hạ sẽ ra sao, liệu có việc gì không, có bị oan không…” [10, 103]. Nhà văn đã xây dựng không ít tầng ngầm, trong thế giới đó có cả hai phía ta và địch, thám tử và kẻ bị tình nghi. Chi tiết trinh thám bắt đầu từ nghi án “phát súng trong đêm” với hai mũi điều tra “tự phát”, “nghiệp dư” của Dưỡng và mũi điều tra “tự giác”, “chuyên nghiệp” của anh Thái, anh Trần B, ông Tóc Bạc. Mỗi bên có cách điều tra riêng, nhưng dù là bằng cách nào cũng đã góp phần làm sáng tỏ một số tình tiết vụ án, tuy nhiên nhiều nghi vấn vẫn chưa được làm sáng tỏ. Dưỡng là một thám tử nghiệp dư, anh sử dụng phương pháp trinh thám riêng: “tôi bắt đầu thuộc về một chương trình không công
khai, không tên gọi, không phương pháp hành động. Tôi chỉ có các chi tiết, nối vào nhau, được mẩu dây xích, dở dang. Tôi tự đi tìm phương pháp. Theo sách trinh thám, mỗi thám tử là một phưong pháp: phương pháp lí sự tôi thích nhất, phương pháp ngửi tôi cũng thích nhất. có lẽ tôi cần cả hai: khi sọ tôi lí sự, tôi đi ngửi các sự kiện, khi mũi tôi đánh hơi, sọ tôi suy nghĩ. Cũng theo sách trinh thám, tôi phải làm thám tử cho tôi. Việc thứ nhất của thám tử, là tìm mục đích của sự kiện. Việc thứ hai của thám tử, là đặt câu hỏi tại sao. Việc thứ ba, là lí sự, trên những giả thiết. Phương pháp này không giống phương pháp của anh Trần B, cũng không giống của anh Thái. Hai anh đi về hai kinh nghiêm khoa học khác nhau, và cả hai đều phê bình giả thiết. Đơn giản vì hai anh không được đào tạo làm thám tử. Trời ập tối từ lúc nào. Tôi nghe, thấy lá rơi lả tả, ngoài vườn. Tôi không bật điện. Ngồi mãi, trong bóng tối. Tôi suy nghĩ” [10, 222- 223]. Với phương pháp ngửi, khi nhập vai thám tử, Dưỡng nhận ra ông Phúc số 1 và ông Phúc số 2, anh ta lấy kinh nghiệm của một thám tử nghiệp dư chiếu cái nhìn trinh sát lên ông Phúc, phát hiện ra trong ông Phúc quen thuộc còn một ông Phúc khác. Hai ông Phúc một tốt, một xấu, một chân thật, một giả dối. Phát hiện quan trọng này được Dưỡng ghi vào nhật kí, là một đánh giá sâu sắc. Dưỡng đưa mũi lên ngửi và thấy tiếng cười khác lạ trong cùng một con người: “khi muốn làm ông, ông cười hớn hở. Khi xuống làm thằng, ông cười khọc khọc, ở một chỗ sâu trong cổ họng” [10, 235]. Cái nhìn trinh sát cho Dưỡng thấy một ông Phúc “đểu cáng, du côn và hay vui vẻ cười đùa”, nhưng trực giác cũng mách anh một ông Phúc “tử tế, chất phác, lai láng những tình cảm phúc đức và thường xuyên buồn rầu” [10, 235]. Dưỡng dùng cái mũi trinh sát để ngửi ai có mùi gian ác, ngửi những ngã tư để biết ngã tư nào đoạ lạc, ngã tư nào lưu manh.
Tình tiết chiếc khăn mùi soa mà Lily đánh rơi ở sân ga, đã mở ra một hướng điều tra cụ thể, là manh mối dẫn đến bước cuối cùng của vụ án. “Hàng mật mã hiện dần trên chiếc mùi soa” là bản danh sách gián điệp được cài lại Hà Nội. Dưỡng dùng chiếc khăn, một tài liệu quan trọng để dụ những kẻ hãm hại anh lộ diện nhưng phương án bất thành. Là một thám tử nghiệp dư, Dưỡng không ngờ A13, Nhọn-cằm, ông Phúc chỉ là một người, tự đi tìm kẻ gian nhưng anh lại không bắt được tội phạm, anh cũng
thừa nhận: “kinh nghiệm trinh thám bao năm của tôi, đúng là chưa đến đâu thật” [10, 333]. Khi cuộc điều tra khép lại, vẫn còn quá nhiều điều chưa thật sự sáng tỏ, Dưỡng băn khoăn trước câu nói của ông Phúc lúc cuối cùng: “Những gì tôi khai có nhiều chỗ không đúng sự thật. Tôi bị ép cung nên phải nhận như thế. Tôi không giết Tình Bốp. Tôi không giết người bao giờ. Tôi xin lỗi anh” [10, 334]. Và khi anh Thái kể lúc bắt Nhọn-cằm: “…mặt nó tái xanh. Nhưng tôi thạo trinh thám, tôi biết thằng Nhọn-cằm, toàn sáp màu và bột màu, làm sao tái xanh được” [10, 338].
Với hình thức giả trinh thám, Trần Dần không cuốn người đọc theo các mẹo thuật, tình tiết của cốt truyện trinh thám để đi tìm thủ phạm mà ông chỉ lấy một vài đặc điểm hay một vài thao tác kĩ thuật của kết cấu thể loại để làm bộc lộ tâm lý nhân vật. Hành trình làm thám tử của nhân vật chỉ là cách dẫn của nhà văn đưa độc giả đi theo một mạch ngầm khác trong cốt truyện bề mặt, kết nối thành chuỗi sự kiện, đặt nhân vật vào trong quan hệ chồng chéo. Cốt truyện trinh thám được dùng ở đây chỉ là phương tiện, để thông qua đó hướng đến một cuộc truy tìm cái tôi bản thể.
3.1.3. Cốt truyện tâm lý
Theo Từ điển thuật ngữ văn học tiểu thuyết tâm lý là “tiểu thuyết miêu tả các trạng thái tâm lý, xây dựng thế giới nội tâm của con người, đặc biệt nhấn mạnh tới động cơ, hoàn cảnh và cốt truyện nội tại. Cốt truyện nội tại thường dựa trên cơ sở cốt truyện ngoại tại, nhưng lại thúc đẩy cốt truyện ngoại tại phát triển. Tiểu thuyết tâm lý bất mãn với việc miêu tả sự việc bên ngoài. Muốn đi sâu khám phá nguyên nhân bên trong. Đối với loại tiểu thuyết này, việc xây dựng tính cách nhân vật đóng vai trò cực kì quan trọng” [21, 339-340]. Với cốt truyện tâm lý các nhà văn bằng hình thức nghệ thuật khác nhau làm nổi rõ nội tâm của nhân vật. Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã sử dụng dòng ý thức, độc thoại nội tâm thêm vào đó là hình thức ghi nhật kí để nhân vật bộc lộ tâm lý, tính cách, hơn nữa thấy được nỗi đau tinh thần không thể chạm tới của nhân vật.
Đối thoại nội tâm thường xuất hiện khi nhân vật lâm vào tình trạng khó tháo gỡ uẩn khúc, anh ta tự đặt ra những giả thiết, những phương án giải quyết, lần lượt xem xét, duyệt – bác bỏ, rồi duyệt tiếp – bác bỏ tiếp… Trong Những ngã tư và những cột
đèn xảy ra nhiều cuộc đối thoại nội tâm bộc lộ mâu thuẫn, khúc mắc và đối nghịch bên trong nhân vật. Nhân vật Dưỡng được Trần Dần xây dựng là kẻ lập dị từ hành động đến tính cách. Anh ta thường xuyên đối thoại tay ba với chính mình (Tôi – Bóng – Sọ, Tôi – Mày – Thằng). Bộ ba này phát triển theo diễn biến tâm trạng của nhân vật trung tâm tác phẩm, đi song song với những trải nghiệm về thời gian của anh ta. Những ngày chưa có “đám mây chính trị” chụp lên đầu, thì bộ ba này chưa xuất hiện và Dưỡng khi ấy chỉ có tình bạn với nhóm năm thằng, nó chỉ thực sự xuất hiện làm bạn với Dưỡng, “là bạn thân đằng khác” khi những ý kiến của khu phố, của người ngoài chợ nhìn nó là “thằng-ngụy”. Tiếp theo là sự vụ phát súng trong vườn đêm, nó thành “thằng-bị-ngờ”. Sọ bắt đầu lấp ló xuất hiện nhưng vẫn nằm trong “tôi”: “Tôi mệt. Sọ tôi làm việc, suốt một đêm trắng đến chán phèèè” [10, 61]. Những cuộc tra tấn, theo dõi, Dưỡng cảm thấy ngột ngạt và thấy mình giống như con chuột bị hun khói trong trò chơi trẻ con, Sọ và Bóng lộ diện hẳn, bắt đầu tách ra khỏi tôi, có tiếng nói riêng. Bộ ba Tôi – Bóng – Sọ cùng làm việc cùng giải quyết các vấn đề, đưa ra ý kiến, giả thiết: “Sọ tôi bảo, lại lưỡng lự rồi, nhưng mà theo nó, khéo thành Việt gian. Tôi cười vào mặt sọ. Tôi ra soi gương. Tôi thấy, cái bóng tôi hồi lâu thẫn thờ, quả là tôi không có tướng làm Việt gian thật” [10, 158]. Tôi và Sọ lí luận về sự việc: “Tôi bảo Sọ, tôi là cái thứ gì, mà khách đến nhà, trước kia là bạn bè, bây giờ tất cả biến dạng, thành hai loại: một là phản động, hai là công an. Sọ bảo, vì nhà thằng tàu bò, là cái ngã tư, để phản động và công an tự do đi qua” [10, 159]. “Xong tôi im lặng. Sọ tôi cũng im lặng. Cái bóng tôi trong gương cũng im lặng” [10, 171]. Tôi – Bóng – Sọ mang tính cách khác nhau. Sọ nhìn mọi sự rành mạch, giọng điệu lúc khô khan, lúc giễu cợt, đôi khi cay nghiệt. Bóng bạc nhược, mềm yếu và “bóng ít khi nói”, Bóng xót tình bạn, tình người, giọng rủ rỉ sầu não. Khi ký ức LiLy tràn về, “tôi” và Bóng nhập thành nhất thể, Sọ tách ra “bỏ đi chơi”, “Tôi ngồi với bóng trong đống kỉ niệm. Hai đứa chơi với nhau. Nom bóng lãng mạn quá, mặt như con bú dù” [10, 303]. Đôi khi “tôi” và Sọ bất đồng, Tôi “bắt tay, với bóng” cùng rủ rỉ tâm sự: “Bóng tôi sáng nay vận áo rét. Bóng tôi cao 1m7, nặng 60 kí, không kể số lẻ. Mặt bóng ngổ ngáo. Mặt tôi ngổ ngáo, thế này, mà thành thằng mách lẻo thì không được rồi. Bóng không nói. Suốt
đời bóng ít nói. Bóng nhìn bằng cặp mắt, buồn buồn”, Sọ tôi nói: “Thiên hạ không khinh”, Sọ tôi giục: “Cứ vô tình đi bộ, qua đồn. Rồi vô tình gặp anh Thái. Rồi vô tình kể chuyện. Vô tình lịch sự hơn mách lẻo” [10, 210].
Đối với bộ ba Tôi – Mày – Thằng là cách nhân vật Dưỡng nhìn mình theo cái nhìn của bên ngoài, của cộng đồng xã hội, giọng điệu cay đắng, chua chát. Cả ba cùng xuất hiện nhưng không chia tách quá rành rọt, luôn biến hoá vào nhau. Chịu áp lực tìư xã hội, bị nghi ngờ, bị kì thị, Dưỡng “trắng nhợt”, gói gém những danh xưng người đời đặt cho và “đánh đập nhật kí”, “ừ thì Thằng, ừ thì Tôi, ừ thì Mày”, “Tôi thằng sắp chết. Tôi thằng nhọ, thằng dằn di. Tôi thằng bị phạt, phải làm kiểm điểm. Tôi thằng câu nhái, Tôi thằng iêu ảnh truồng. Tôi thằng nghiện trinh thám. Tôi đứng lại trước gương, tôi nhìn vào mặt, thằng trong gương. Trước mặt tôi là thằng vợ bỏ. Thằng một nghìn căn cước. Thằng ăn bớt tờ thú. Thằng này bị chửi, nhưng phớt lờ, nhưng vẫn giữ cái mặt phản ứng” [10, 150].
Trong Những ngã tư và những cột đèn, dòng độc thoại nội tâm và liên tưởng tự do của Dưỡng như một sợi dây xuyên suốt tác phẩm. Tâm trạng hỗn loạn của nhân vật hiện lên sâu sắc thông qua dòng độc thoại nội tâm. Có khi Dưỡng đối thoại với người vắng mặt để dò xét ý kiến, để hành động. Cái chết đủ 36 món mà ông Trung trố gây ra cho Dưỡng “đủ để giết sạch, mọi mầm mống tích cực, tiêu cực”. “ Tôi tự đặt tôi, vào địa vị ông Trung trố. Ông Trung trố không bằng lòng. Ông Trung trố không được thoả mãn. Ông Trung trố nói: à đây, chỗ này anh ngờ vực chính sách khoan hồng, chỗ nọ anh đòi đi tu, đấy là cái trò kép đấy. Anh vu vợ anh lăng nhăng với công an, thế là đả kích cán bộ. Anh đánh vợ, cũng xen chính trị vào. Anh rượu chè, cũng xen chính trị vào. Anh ngoan cố. Tờ thú của anh, cũng là cái trò kép, trò đúp, của anh” [10, 149]. Dưỡng cự lại ông Trung trố giả tưởng : “Không đi làm, ông bảo tôi có sức khoẻ mà dối trá. Đi làm, ông kết án tôi đóng kịch”, rồi anh quả quyết: “Tôi đứng dậy chào ông Trung trố và thằng Ngỡi, tôi về” [10, 263-264].
Với kiểu đối thoại nội tâm trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần để nhân vật thoả sức quẫy đạp trong dòng ngôn ngữ đứt đoạn hoặc trải dài bất tận nhưng lại không có tiêu điểm hướng đến. Qua đó người đọc cảm nhận tâm
trạng nhân vật bị đan cài, bị xáo trộn dữ dội như người trong cơn mộng du nói năng, hành động theo sự điều khiển của tiềm thức. Nhân vật phân thân để lí sự, cũng có khi bất mãn, nhiều đoạn đẩy lên cao trào thể hiện nội tâm của con người bị cô lập, bị ruồng rẫy và tự giải thoát cho mình bằng cách tạo ra những cuộc đối thoại bất đắc dĩ. Những cuộc đối thoại tự thân không những thể hiện tâm lý hoài nghi các giá trị cao đẹp của đời sống mà còn thể hiện sự hoài nghi về thân phận con người, sự bất ổn của thế giới xung quanh. Trần Dần không chỉ để nhân vật độc thoại với mình, với nhân vật tưởng tượng, bên cạnh đó ông còn để nhân vật đi sâu vào những cuộc đối thoại nội tâm với người đối diện, đó là kiểu đối thoại nội tâm với những kẻ song trùng khác, ngoài mình.
Bên cạnh việc sử dụng hình thức cho nhân vật đối thoại nội tâm để bộc lộ tâm lý, Trần Dần còn sử dụng hình thức ghi nhật kí để nhân vật bày tỏ những suy nghĩ, bởi nhật kí là nơi gửi gắm tâm sự không nói được cùng ai, cũng là không gian mà nhân vật có thể sống thật với chính mình. Dòng chảy nội tâm của nhân vật miên man trên những trang nhật kí, điều này thể hiện ngòi bút tài tình của nhà văn đã khắc hoạ thành công con người bị chấn thương trong xã hội.
Với cái nhìn sâu sắc về cuộc đời, thấu hiểu mọi diễn biến trong cuộc sống Trần Dần đã xây nên Những ngã tư và những cột đèn với mạch ngầm của tâm trạng, mà theo Lại Nguyên Ân thì đây: “là cuốn tiểu thuyết tâm lý với đầy đủ bản lĩnh cách tân và bút pháp siêu việt của Trần Dần”.
3.2. Thế giới biểu tượng trong Những ngã tư và những cột đèn
3.2.1. Nhật kí – biểu tượng của cuộc truy tìm hiện tại đã mất
Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã lồng ghép hai cuốn nhật kí vào nhau. Một nhật kí của nhà văn, một của nhân vật. Hai nhật kí là hai vật thể, hai giọng