6. Cấu trúc của luận văn
2.1.3. Chiến tranh, thế giới của lòng hoài nghi và thù hận
Trong bối cảnh xã hội đầy biến động, mọi thứ bị tác động từ cuộc sống hàng ngày đến tinh thần của mỗi người. Con người trong tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn rơi vào trạng thái nghi ngờ, cảnh giác. Không khí trở nên tù đọng, ngột ngạt, các mối đe dọa bủa vây họ dẫn đến tâm lý hoài nghi các giá trị kéo dài, sự tin tưởng mất dần với những người xung quanh thay vào đó là sự đề phòng, tự vệ trước bẫy đời đang chờ họ ở phía trước. Tâm lý hoài nghi ấy tác động đến các mối quan hệ nhân sinh, nó bị tác động một cách sâu sắc là một dấu hiệu dự báo cho sự đứt gãy trong các mỗi quan hệ xã hội, không chỉ ở thời điểm hoà bình được phản ánh trong tiểu thuyết, mà còn là cái nhìn xa, xuyên suốt sẽ diễn ra sau này.
Các nhân vật trong tiểu thuyết được nhà văn đặt vào những hoàn cảnh và các mối quan hệ khác nhau để trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm những vấp ngã, rào cản cụ thể đẩy nhân vật từ chỗ hoài nghi đến tự hoài nghi. Nhân vật Dưỡng loay hoay trong rắc rối để rồi bị nghi ngờ, đối diện với bao cái nhìn soi mói, những lời chửi đổng của mấy bà đầu ngõ. Là kẻ tình nghi số một trong “vụ phát súng”, Dưỡng bị bủa vây, dồn ép đến bước đường cùng bởi những ngưòi xung quanh. Ông Trung trố nằm trong
ban bảo vệ khu phố, luôn miệng tuyên truyền về sự khoan hồng của chính quyền mới những lại theo dõi, rình mò và chụp mũ. Chính vì những người như ông cùng lực lượng trinh sát công an cài cắm khắp nơi đã tạo thành 36 món chết người “giăng lưới những người có vết đen chính trị trong tiểu sử” góp phần tạo ra không khí đầy nghi hoặc, thành kiến, đứt gãy quan hệ, niềm tin nơi con người với nhau. Dưỡng cảm thấy “ông Trung trố đới với tôi quá đáng, đến mức có lúc tôi nghi ngờ, ông hoạt động bí mật cho bên kia. Có thể vì tôi quá ức, mà nghĩ như vậy, vì ông ấy chẳng có lí do gì, để cố tình hại tôi. Có thể chỉ vì ông ấy quá căm thù địch và quá tích cực công tác, nên ông đối xử với tôi quá con vật. Nhưng việc ông Trung trố sỉ vả và làm nhục tôi, cũng làm tôi hiểu được một vài điều to tát, ở đời. Bởi vì hoạ phúc vốn lắt léo, mà không phải người ta bất cứ lúc nào cũng nhìn được, cái giản dị của nó” [10, 179]. Những ngã tư và những cột đèn cho thấy thái độ của con người với nhau trong thời giao tranh hai chế độ, chiến tranh buộc họ phải nghi ngờ, phải đề phòng gián điệp được cài lại, nhưng như vậy không có nghĩa là nghi ngờ vô căn cứ vì “nghi bừa, bắt ẩu, là giết người vô tội” [10, 180].
Nhân vật Dưỡng đã cố gắng đi tu “trong xó nhà, trong công việc, trong nghi ngờ”, anh tự nhủ: “đừng bịa-chuyện, đừng tự-dọa, đừng sợ-hãi, đừng tự-săn-bắt, đừng tự-huỷ-hoại”. Nhưng những việc làm ấy không mấy khả quan bởi “chỉ cần nhìn vào mắt người đời” là Dưỡng hiểu, đó là “mắt chị Hoà, mắt bác Mẫn, bác Dậu, bác Trực, mắt ban bảo vệ, họ chất phác và phúc đức cả, nhưng họ vẫn giữ nhiều khoảng cách e ngại” [10, 198] với Dưỡng, vết tích ngụy quân dường như là một bức tường vô hình ngăn cản Dưỡng trở về với cộng đồng, với cách mạng, và điều đơn giản mà tân sâu thẳm Duỡng mong muốn là trở về cuộc sống bình thường của một con người bình thường. Từ khi uống rượu với Tình Bốp, bị vạ miệng với “trò đúp”, “trò kép”, Dưỡng trở nên đề phòng với mọi thứ xung quanh. Khi nói chuyện với Đoành, Dưỡng im lặng lắng nghe “để biết ở đâu gió lạo xạo: Bên kia cửa sổ, hay ngoài phố xa. Để iên tâm căn phòng kín gió, và gió không mang chương trình thám tử tối nay, đến tai người nghe trộm” [10, 233]. Dưỡng cảm thấy mình “nhỏ bé như hạt bụi, nằm chờ sự nhân đạo của xã hội, thảm hại như con sâu đo” [10, 106], công an theo lồ lộ “bởi vì nghi
ngờ”, “nhưng vô tang chứng”. Công an phải đánh cái đòn tâm lý, để nếu có tội thật “thì phải hoảng sợ, hoảng sợ thế nào cũng hớ hênh, hớ hênh thì thế nào cũng bại lộ. Đây cũng là cái đòn nhân đạo, để tôi tự trừng phạt” [10, 107]. Sự hoài nghi của mọi người, sự trừng phạt của xã hội, khiến Dưỡng hoài nghi chính mình, nghi ngờ tình thân: “bảo khoan hồng, để dụ tao ở lại, rồi nay ngờ mai ngờ, rồi theo dõi tao, rồi chia rẽ bạn bè tao, hàng xóm rình mò tao, còn chưa đủ, còn xui vợ rình chồng, khoan hồng thế đấy” [10, 98], Dưỡng nghi ngờ về tình bạn: Đoành, “tại sao phải giấu giếm? Hay chính nó cũng có tội?”, “Tự dưng tôi thấy nó khả nghi. Nó là đối tượng số hai, sau Tình Bốp, để mũi tôi ngửi, xem nó có mùi gian ác” [10, 227]. Tất cả những hành động thường nhật của mọi người xung quanh đều được đặt vào diện ngờ của Dưỡng: “Ngày ngày tôi hun sọ tôi, bằng vị đắng cà phê và khói thuốc Côtab, vậy mà nó vẫn dũng cảm không chịu làm việc. Con toán của tôi thảm sầu, nhiều ẩn số, nhiều dữ liệu, lại không đáp án. Cho nên tôi cứ bâng khuâng, trước hai đáp số: một là tiếp tục nghi ngờ, một nữa là tiếp tục chờ. Mà chờ, theo thánh kinh, cũng là nghi ngờ. Tôi nghi ngờ, ngày mai, ngày kia và ngày kìa. Sọ tôi khốn đốn, như chưa bao giờ trống rỗng đến thế. Trống đến cả một câu hỏi. Buổi chiều, có một chị nông dân gánh phân, mùi nồng nặc, đi sau tôi, cả một phố dài, tới tận Thái Hà. Đến đầu ngã tư có một anh bán kính đứng nhìn tôi, rồi lại một anh xích lô chầm chậm đạp xe phía sau, cho đến một ngã tư mới. Cả buổi chiều do đó bị chia nhỏ, làm nhiều đoạn. Mỗi đoạn mở đầu và kết thúc, đều ở một ngã tư. Kèm theo vô số những gương mặt vô phúc, đi cùng đường với tôi, đều bị tôi xếp vào hạng mật thám” [10, 101-102].
Chiến tranh đã phá tan biết bao ngôi nhà, bao cuộc đời, bắt họ chịu đau đớn, trừng phạt về tinh thần. Mọi giá trị bị đảo lộn, mất niềm tin vào cuộc sống, con người nhìn nhau bằng một ánh mắt khác không còn là “tối lửa tắt đèn” có nhau mà thay vào đó là thái độ nghi ngờ, dò xét. Dĩ nhiên trong thời buổi hỗn loạn như thế, sáng tranh tối, đen trắng nào ai phân biệt được, họ cũng chỉ còn cách là tự bảo về mình đề phòng thế giới xung quanh, những môi trường tác động đầy nguy hại. Giữa guồng quay hoài nghi, Dưỡng bắt đầu “giống thằng ăn cắp. Thành thói quen mất rồi, đi đâu ở đâu, cũng nhìn ngược xuôi” [10, 99]. Nhân vật phân thân để nói chuyện, mắng nhiếc, để làm tan
đi bao ấm ức, buồn tủi, bao nghi ngờ và thù hận. Xung quanh Dưỡng mang một màu “trắng nhợt” bởi anh “đã đạt tới, chỗ cùng, của đường cùng, ừ thì đường cùng” [10, 98].
Chiến tranh và hoà bình, ranh giới mong manh ấy làm con người hoài nghi và thù hận, ranh giới ấy cũng là khoảng tối đẩy con người đến đau đớn cùng cực. Đối diện với hai bên chiến tuyến, thật giả lẫn lộn, con người nghi ngờ xung quanh như một bản năng đề phòng sự tấn công của kẻ thù. Chiến tranh tàn khốc là vậy, không chỉ hủy hoại về vật chất mà còn gây chấn thương tinh thần cho những người sống trong nó.
2.2. Chiến tranh như là phương tiện thử thách các giá trị
2.2.1 Chiến tranh và tình yêu
Chiến tranh và tình yêu, đây là vấn đề mà văn học 1945 – 1975 đề cập rất nhiều. Tình yêu trong những tác phẩm ở thời kì này là một tình yêu đẹp được lý tưởng hoá, ta có thể bắt gặp tình yêu của Quyên và Ngạn, tình yêu thủy chung, một lòng một dạ đợi chồng của chị Sứ trong Hòn Đất (Anh Đức), của Thiêm và Mẫn trong Mẫn và tôi
(Phan Tứ)… Nếu như tình yêu trong các tác phẩm cùng thời là tình yêu của những người có chung lý tưởng cách mạng, tình yêu ấy hoà chung với tình yêu đất nước thì trong Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần đã mang đến một tình yêu được đặt trong thời bình khi miền Bắc vừa giành được tự do đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh đến và đi qua, nó mang theo những gì và để lại những gì?
Những ngã tư và những cột đèn, tình yêu hiện lên trong bối cảnh xã hội đầy phức tạp. Những mối quan hệ bị tác động từ nhiều chiều khác nhau, chúng biến dạng, trở nên méo mó về hình thức bên ngoài và cả bản chất bên trong nó. Bằng ngòi bút sắc sảo, hiểu đời và hiểu người, Trần Dần đã xây dựng trong tác phẩm tình yêu từ nhiều góc độ khác nhau, của những con người khác nhau trong sự tác động khác nhau từ xã hội. Một tình yêu đẹp trong thời chiến sang thời bình tình yêu ấy trở nên thực tế hơn, trên phương diện khai thác cuộc sống hàng ngày của con người, tình yêu trong Những ngã tư và những cột đèn không chỉ là tình yêu trong sáng, chân thành của Cốm, của chị Hoà, anh Thập mà còn là tình yêu đậm chất xác thịt của Dưỡng, Lily. Cốm là một
cô gái tuổi 17 như nhánh lúa non, ngây thơ, trong sáng có tình yêu sâu sắc đầy vị tha của người vợ dành cho chồng. Dù biết Dưỡng qua lại với Lily nhưng Cốm không vì thế mà bỏ chồng, cô vẫn tận tình chăm sóc Dưỡng. Đôi khi cô “bất hợp tác” với Dưỡng, giận dỗi bỏ lên nhà mẹ nhưng khi nghe tin chông mình bị đấu tố, Cốm hốt hoảng “đứng ngồi không yên”, sửa soạn túi áo theo chồng về. Lo cho Dưỡng, “Cốm ngồi ghế khóc, sụt sịt. Ngoài kia, mưa cũng sụt sịt” [10, 170]. Tình yêu của chị Hoà (cán bộ trong ban bảo vệ khu phố) đối với anh Thập (chồng chị) cũng là tình yêu thuỷ chung son sắc, khi nhận được thư của chồng “chưa kịp đọc, còn trong túi áo” chị lại cảm thấy “có cái gì, nhoi nhói trong lòng”. Khi biết anh Thập bị đạn bắn trúng chỗ hiểm sau này không thể có con, bị anh và mẹ chồng ép tìm duyên khác nhưng chị vẫn một mực đợi anh về.
Chiến tranh đến và đi qua nhưng những gì mà nó gây ra quá lớn đối với con người, chia rẽ bao tình yêu đôi lứa, tan vỡ bao mái ấm hạnh phúc gia đình. Đi sâu vào khai thác cuộc sống con người, Trần Dần đưa đến một xã hội đầy đủ những cái được và mất sau chiến tranh, lột tả được toàn bộ mặt đời sống tinh thần của con người. Nhân vật Dưỡng trong chiến tranh “17 tuổi thất bại trong vụ iêu đầu”, đến khi hoà bình anh ta cũng đủ “iêu” kịp mấy vụ mà thất bại, thằng “cao bồi dở” kiêm tàu bò” Dưỡng có lối sống mà theo như mọi người trong khu phố nhận xét là lối sống không lành mạnh. Dưỡng có những thú vui không giống ai, thích chụp ảnh con lợn và nhất là tả chân thực em Cốm để tập hợp thành một album. Tình yêu với Dưỡng đã có nhất thì phải có nhì, Dưỡng yêu Cốm nhất và có Lily để Dưỡng “iêu thứ nhì”. Tình yêu của anh dành cho Cốm có cả chân thành, cũng có cả trách nhiệm, còn đối với Lily thì tình yêu ấy lại thiên về xác thịt nhiều hơn. Một cô gái điếm được phòng Nhì cài lại làm gián điệp, Lily trong mắt xã hội là kẻ ham tiền phản quốc, là kẻ tha hoá về đạo đức và lối sống. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn con người ấy vẫn xuất hiện một tình yêu theo đúng nghĩa của nó chứ không phải là tình yêu vật chất, dưới con mắt của Nhọn-cằm thì: “Lily là gái điếm nhiều nhân tình nhưng lại mê Dưỡng. Cô đứng ra bảo lãnh để Macxen không bắt, và tra khảo Dưỡng. Lily bị chuyển vào Nam cũng tại cô yếu đuối
trong tình cảm… Nhưng là số phận rồi. Cô làm điếm, làm tình báo, mà còn dại dột, để tình cảm lấn át công việc” [10, 253-254].
Dưới ma lực của chiến tranh, tình yêu đã bị tác động làm cho thay đổi nhưng không phải vì thế mà tất cả đều méo mó, biến dạng. Vẫn còn đâu đó tình yêu thực sự họ dành cho nhau, của Cốm, của chị Hoà, của Dưỡng tàu bò và thậm chí là của cô chị Lily. Chiến tranh có thể cướp đi nhiều thứ của con người nhưng cũng là thước đo giá trị của tình yêu, tình bạn, tình người, để ta nhận ra sự chân thành và gian dối, bạn và thù.
2.2.2. Chiến tranh và vấn đề nhân tính
Con người trong cuộc sống nhất là khi đặt vào trong thời chiến thường có số phận bấp bênh, phải đối đầu với khói bom đạn lửa. Nhưng đâu phải chỉ trong chiến tranh số phận con người mới trở nên mong manh mà đến khi hoà bình mối đe dọa từ xã hội càng nguy hiểm hơn. Xã hội miền Bắc ngày mới tiếp quản rối ren, biến động, tuy quân Pháp đã rút khỏi nhưng những mầm mống phá hoại được cài cắm khắp nơi chính vì thế mọi người luôn nâng cao tinh thần cảnh giác kẻ thù.Trong bối cảnh xã hội như vậy con người sống nơm nớp lo sợ, đặc biệt là những thành phần ngụy binh, những kẻ chưa về được với cách mạng thì nỗi lo ấy lại tăng lên gấp bội. Họ phải đề phòng cả hai bên chiến tuyến ta và địch, bị bao vây bởi những hoài nghi của đồng bào, khu phố và những cái bẫy chết người của bọn gián điệp được cài lại. Những tác động này một là vô tình và một là cố tình đã tạo ra hố sâu chôn vùi cuộc đời của con người khao khát làm lại cuộc đời. Chiến tranh mang đến chết chóc, thương đau, biến biết bao ngưòi bình thường trở thành kẻ sát nhân máu lạnh cam chịu làm nô lệ cho đồng tiền, cho những cám dỗ vật chất, dục vọng. Đó là hành động dã man khi lấy kìm kẹp anh bếp và u già sau đó thả chó bẹc giê cắn cho đến chết của tên trùm phòng Nhì Macxen, hay là động thái bỏ rắn giun dưới chăn sát hại Dưỡng của nhân vật Nhọn- cằm.
Những ngã tư và những cột đèn đãtái hiện rõ nét hiện thực chiến tranh, hệ lụy nó gây ra cho con người, cho xã hội. Nhân vật Dưỡng bị mắc trong cái bẫy của chiến tranh, bị hãm hại nhiều lần nhằm thủ tiêu đầu mối, anh hoảng sợ không biết ai đáng
tin ai đáng ngờ. Cả ta và địch đều chặn đường đi của anh, tiến không được lùi cũng không xong, anh đành phải quan sát, đưa mũi lên ngửi ngửi để phân biệt đâu là dối trá, đâu là nơi anh có thể đặt niềm tin . Chiến tranh đẩy con người đến những ngã tư, làm họ mất phương hướng, rẽ nhầm và không thể quay lại được ngã tư cũ. Trong xã hội có hàng triệu người đang sống, đang nghi ngờ đề phòng lẫn nhau, người nọ cảnh giác với người kia bởi chiến tranh không từ bỏ một ai, cũng không cân nhắc ai sẽ sống và ai sẽ chết mà như theo cách so sánh kiểu xã hội học của Dưỡng khi phải kí tên quyết định chọn mẹ hay chọn con “để xem giữa người mẹ và đứa trẻ đỏ hỏn, người nào có ích lợi hơn, cho xã hội, về mặt sản xuất hoặc sinh sản… Người nào có ích hơn, cho xã hội, không thể trả lời được. Phải đợi, lúc kết thúc của hai cuộc đời, mới có thể có một kết luận, nào đó, nhưng kết luận chưa chắc thoả đáng, cho toàn bộ các lí thuyết” [10, 312].
Con người trong chiến tranh, bị vùi lấp bởi súng đạn, chiến tranh làm con người tha hoá mất đi tình người, đẩy những kẻ lầm đường vào tầm ngắm của cả hai chiến tuyến, không bên nào chấp nhận dung nạp họ. Tâm trạng hoảng sợ, lo lắng đi bên họ trong suốt cuộc đời, nhấn chìm bao ước mơ, khát vọng của một đời người.