7. BỐ CỤC LUẬN VĂN
2.2.5. TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
Đài Loan là một vùng lãnh thổ nghèo tài nguyên thiên nhiên, nên chính quyền vùng lãnh thổ này luôn coi giáo dục là điểm tựa vững chắc để hội nhập khu vực và quốc tế. Chính quyền Đài Loan đã không ngừng đổi mới hệ thống giáo dục để phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Như chúng ta biết, Đài Loan được coi là nền kinh tế phát triển thần kì, đã từng được gọi là “phép lạ Đài Loan”. Để tạo nên sự phát triển thần kì đó, phần lớn là nhờ kết quả của giáo dục. Giáo dục Đài Loan đã đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế tri thức.
“Hiện nay, Đài Loan có 174 trường đại học, trong đó nổi tiếng nhất là Đại học Quốc gia Đài Loan, năm 2011 xếp hạng 61 trong số 100 trường đại học tốt nhất thế giới trong bảng xếp hạng toàn cầu. Một số trường đại học trong đó có Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan được xếp hạng trong nhóm 400 - 450 trong 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Tỉ lệ người biết đọc biết viết là 96,2%; Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2010 (xếp thứ 18) theo cách tính của Liên Hợp Quốc. Ngân sách giáo dục hàng năm của Đài Loan là khoảng 20 tỉ USD Mĩ” [33]. Đài Loan được xem là một trong những nơi có nên giáo dục tiên tiến ở Châu Á.
Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan được coi là tinh hoa bậc nhất trong lĩnh vực giáo dục và sư phạm ở Đài Loan. Trường có khoảng
11.000 sinh viên, 40% là sinh viên sau đại học. Đây là nơi đào tạo ra các học giả, các nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn đối với Đài Loan và một số nước khác. Một số Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Đài Loan vốn là giáo sư của trường này, như Quách Vi Phan (Kuo Wei - Fan), Bộ trưởng thứ 13, Tiến sĩ Giáo dục Đại học Paris, nguyên giáo sư Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan, hiện là Giám đốc Qũy Văn hóa Giáo dục Pháp và Đài Loan; Ngô Thanh Căn (We Kin - Ki), Bộ trưởng thứ 21, hiện là giáo sư của Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan. Giảng viên của trường còn bao gồm các triết gia, nhà văn và nghệ sĩ nổi tiếng. Mặc dù mang tên là Trường Đại học Sư phạm từ năm 1967 và nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên, cho đến nay nhà trường vẫn định vị mình như một đơn vị hàng đầu trong đào tạo nghệ thuật, văn học và khoa học nhân văn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đào luyện phẩm chất của người thầy và người lãnh đạo giáo dục. Châm ngôn của nhà trường là: Thành Chính Huân Nghiệp, nghĩa là “Trở thành người chính trực, và đạt được sự nghiệp công ích lớn lao” [33].
“Thành lập từ năm 1946 trong thời kì thống trị của thực dân Nhật, ngày nay qua hơn nửa thế kỉ hoạt động, trường Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan đã đạt được mức độ quốc tế hóa rất cao. Trong tổng số sinh viên, khoảng 15% là sinh viên quốc tế thuộc hơn 60 quốc gia. Trường có quan hệ đối tác mật thiết với trên 30 trường đại học danh tiếng ở Mĩ, Anh, Pháp, Đức, Áo, Hà Lan, và đặc biệt là các nước trong khu vực: Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Thái Lan và Việt Nam. Sự giao lưu này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một môi trường đa văn hóa, giúp sinh viên của trường có cái nhìn toàn diện đa chiều về thế giới ngày nay, điều không thể thiếu để định hình năng lực thích ứng với những đổi thay của toàn cầu hóa.
Các nghiên cứu về khoa học giáo dục ở Đài Loan trước đây chủ yếu được thực hiện ở các khoa giáo dục, các trường sư phạm. Do nhu cầu đẩy
mạnh nghiên cứu về khoa học giáo dục nhằm đáp ứng những thay đổi của thời đại toàn cầu hóa, sau một thập kỉ chuẩn bị mọi mặt, tháng 3 năm 2011, Viện Nghiên cứu Giáo dục Quốc gia Đài Loan (National Academy for Educational Research - NAER) đã được thành lập. Mục đích của việc thành lập viện nghiên cứu nay là xây dựng thành một tổ chức nghiên cứu giáo dục hàng đầu với quan điểm và tầm nhìn toàn thế giới. Viện không chỉ thực hiện những nghiên cứu dài hạn và có tính hệ thống về những vấn đề giáo dục của quốc gia, mà còn tích cực tìm kiếm những quan hệ đối tác trong nghiên cứu trên toàn thế giới; thông qua các hoạt động tương tác quốc tế và các chương trình đào tạo nâng cao. Viện định vị mình như một “think tank” về chính sách giáo dục, chịu trách nhiệm chính trong việc cải cách chương trình, đánh giá kết quả giáo dục, tư vấn chiến lược nhằm cải thiện chất lượng giáo dục của Đài Loan và duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu của Đài Loan.
Hiện nay, Viện có khoảng gần 200 cán bộ nghiên cứu, bao gồm 7 trung tâm: Trung tâm Nghiên cứu về chính sách và hệ thống giáo dục; Trung tâm Nghiên cứu về chương trình và phương pháp giảng dạy; Trung tâm Nghiên cứu về khảo thí và đánh giá; Trung tâm Sưu tập tư liệu và dịch thuật; Trung tâm Phát triển Biên soạn sách giáo khoa; Trung tâm Tư liệu Giáo dục và Ấn bản; Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ chuyên môn và Lãnh đạo Giáo dục. Lãnh đạo viện hầu hết là nhười được đào tạo từ các quốc gia phát triển phương Tây: Viện trưởng Ngô Thanh Sơn (Ching - Shan Wu) làm post-doc ở State University of New York at Buffalo (Mĩ), Phó Viện trưởng Vương Như Triết (Ru Jer Wang) học thạc sĩ tại Đại học Sư phạm Quốc gia Đài Loan và tiến sĩ giáo dục tại University of Manchester (Anh)” [33].
“Như vậy, mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng giáo dục Đài Loan cũng đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục Đài Loan đến năm 2021 số sinh viên chỉ còn 195.000 với số lượng trẻ
sinh thêm gần 200.000 em thì theo cách tính của cơ quan quản lý giáo dục, trong12 năm tới, hơn 1/3 (khoảng 60 trường) trong 164 trường đại học, cao đẳng của hòn đảo này sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng nếu không có giải pháp tháo gỡ. Đây là khủng hoảng thừa về nguồn nhân lực giảng dạy, chất lượng và cơ sở vật chất giáo dục.
Hóa giải thách thức trên, các nhà giáo dục Đài Loan đã đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp. Trước hết là từ bỏ cách tuyển sinh “tinh hoa” với học sinh vào đại học, áp dụng cách tuyển sinh của phương Tây. Với cách này, 95% số học sinh Trung học phổ thông đều có thể được vào đại học, bên cạnh đó tăng cường tuyển sinh từ nước ngoài. Nhờ có hệ thống nguồn nhân lực giảng dạy chất lượng cao đông đảo và cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng chăm sóc đào tạo sinh viên tốt hơn rất nhiều đã giúp Đài Loan hóa giải phần nào thách thức nói trên. Đồng thời, Đài Loan cũng kiên quyết trong việc giải thể các cơ sở giáo dục có chất lượng hiệu quả thấp, hoặc sáp nhập các trường trên cơ sở lựa chọn đội ngũ giảng viên chất lượng. Bên cạnh đó, chính quyền Đài Loan dành nguồn ngân sách khá lớn cho giáo dục. Đài Loan rất chú trọng đầu tư ngân sách cho phát triển giáo dục, xem đó như là một phương cách hữu hiệu để khai thác tốt “kho báu tri thức” nhằm xây dựng được một hệ thống giáo dục tiên tiến và chất lượng nhất để hoàn thành mục tiêu xây dựng một “Đài Loan sáng tạo, nhìn ra thế giới” [30; tr 89 - 90].
Đài Loan chú trọng phát triển hệ thống giáo dục đại học và sau đại học theo hướng chuyên nghiệp hóa và quốc tế hóa hướng đến đào tạo những chuyên gia tầm cỡ quốc tế. Chính quyền Đài Loan còn rất quan tâm đến các hình thức hợp tác quốc tế như: trao đổi học thuật hai chiều giữa Đài Loan với các nước khác (đặc biệt là Mỹ, Nhật) thông qua việc: mời các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học nước ngoài… đến thăm, giảng dạy hoặc làm việc thường xuyên hay theo hợp đồng từng năm tại Đài Loan với những điều kiện
ưu ái nhất (mức lương cao, trao quyền độc lập trong nghiên cứu, lập chương trình nghiên cứu riêng…); tiến hành tổ chức và tài trợ cho các cuộc hội thảo khoa học quốc tế; đẩy mạnh sự trao đổi học thuật hai chiều giữa Đài Loan và các nước khác, để qua đó giúp các nhà khoa học Đài Loan trao đổi học thuật, đúc rút kinh nghiệm… nhằm nâng cao trinh độ của đội ngũ trí thức; gửi đội ngũ trí thức của mình đi học tập, trao đổi ở những nước cần cho chuyên ngành nghiên cứu…
Thông qua việc hợp tác quốc tế này, Đài Loan không những thu hút được nguồn trí thức với những tư tưởng mới, kiến thức khoa học hiện đại tiên tiến mà còn giúp bổ sung và hiện đại hóa nguồn “chất xám” của mình, thúc đẩy nền khoa học - kĩ thuật của Đài Loan bắt nhịp nhanh chóng với nền kinh tế đang ngày càng biến động. Mục tiêu giáo dục của Đài Loan là “nhìn ra thế giới”. Một trong những khu vực mà giáo dục Đài Loan muốn hợp tác là các nước Đông Nam Á. Tổng thống Mã Anh Cửu hướng tới xây dựng Đài Loan thành trung tâm giáo dục Đông Nam Á và mong muốn xây dựng Đài Loan trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực này. Do vậy, trong những năm gần đây chính quyền Đài Loan đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh hợp tác giáo dục với các nước Đông Nam Á. Để làm được điều đó, vấn đề quan trọng là Đài Loan phải nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng, uy tín của hệ thống các cơ sở đào tạo giáo dục.
Trải qua quá trình phát triển giáo dục, Đài Loan với nhiều cải cách và những thành tựu đã đạt được đã cho thấy nền giáo dục Đài Loan mang tính mềm dẻo, môi trường học tập mang tính nhân bản, nội dung bài học theo hướng thực dụng, gắn liền với thực tế, trang thiết bị kĩ thuật dạy học hiện đại, đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp hóa.
Với kỉ nguyên của kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay, nền giáo dục Đài Loan đang đứng trước những cơ hội mới nhưng cũng phải đối mặt
với những thách thức nhiều mặt ở giáo dục đại học và sau đại học. Để chớp lấy cơ hội và vượt qua thách thức, giáo dục Đài Loan đang hướng tới xây dựng một nền kinh tế tri thức. Với những biện pháp và chủ trương đó, Đài Loan đang tiến tới hoàn thiện nền giáo dục tiên tiến, nâng cao tố chất con người và vị trí bản thân trên trường quốc tế.