7. BỐ CỤC LUẬN VĂN
3.4.3. KINH NGHIỆM THU HÚT CHẤT XÁM VÀ ĐÀO TẠO NHÂN
Cách đây vài thập niên, tình trạng chảy máu chất xám có thể nói là rất trầm trọng ở Đài Loan. Số người đi du học đông, nhưng số trở về lại quá ít. Trên thực tế việc cử sinh viên đi du học nước ngoài để tiếp thu những tri thức tiên tiến về khoa học công nghệ là cách thức rất hiệu quả trong chiến lược thu hút “chất xám” và đào tạo nhân tài bậc cao ở Đài Loan. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì những yếu tố tiêu cực mà hình thức này đem lại cũng không phải là nhỏ. Mặt tích cực là du học sinh sẽ tiếp thu được những tri thức hiện đại, điều này rất có lợi cho việc phát triển kinh tế, nhưng tổn thất có thể xảy ra là nạn “chảy máu chất xám”, bởi đại đa số học sinh du học thường không muốn trở về Đài Loan.
Nguyên nhân chính dân đến tình trạng đó là do ở Đài Loan lúc bấy giờ, hai yếu tố thu hút các nhà khoa học là: chính sách đãi ngộ và cơ hội thăng tiến còn chưa thỏa đáng. Họ ít có cơ hội ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến, tiền lương lại thấp so với mức thu nhập nếu làm việc tại các nước
phương Tây… nên tình trạng thất thoát “chất xám” xảy ra là điều dễ hiểu. Có thể nói, điều này là thất thoát rất to lớn, vì những người này được đào tạo chủ yếu dựa vào ngân sách chung. “Năm 1970 tổng số học sinh du học là 2.056 người, số học sinh hồi hương là 407 người; năm 1976 là 3.641 người du học, 722 người hồi hương; năm 1982 với con số tương ứng là 5.925 người và 1.106 người” [14].
Để giảm thiểu tình trạng nói trên, Đài Loan đã ban hành chế định bắt buộc học sinh du học tự túc phải trải qua kì thi sát hạch do Bộ Giáo dục tổ chức.
Tuy nhiên, hiện tượng “thất thoát chất xám” lại tiếp tục diễn ra, thậm chí còn mạnh hơn (do chất lượng cuộc sống được cải thiện, người dân có nhiều cơ hội học tập hơn). Tình trạng này, không những làm tổn thương đến nguồn ngân sách chung của chính quyền mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cả nền kinh tế. Bởi, Đài Loan sẽ thiếu hụt đội ngũ các nhà khoa học - công nghệ có trình độ cao rất cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Hơn nữa, tuổi trẻ là lực lượng sung mãn có nhiều đóng góp cho khoa học với những công trình nghiên cứu, ý tưởng độc đáo… lại bị các nước phát triển khai thác, sử dụng… Đây có thể nói là một thiệt hại quá lớn đối với những nước và khu vực bị “thất thoát chất xám”.
Biện pháp của chính quyền Đài Loan đưa ra nhằm từng bước giải quyết tình trạng trên tập trung vào hai vấn đề trọng tâm là đãi ngộ và mặt bằng phát triển:
- Về vấn đề đãi ngộ nhân tài, Đài Loan đã áp dụng cách thức như: trả lương ngang bằng với những nước mà họ đang làm việc; đảm bảo nhà cửa và việc ăn học cho con cái các chuyên gia… “Ngoài ra, đối với những người không về nhưng lại đang làm việc trong những trung tâm công nghệ cao thì chính quyền kêu gọi lòng “yêu quê hương” của họ, vì những tri thức và thông tin đó sẽ rất có ích cho vấn đề phát triển kinh tế.
- Về mặt bằng phát triển: tiến hành thiết lập hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao ngang tầm khu vực (ví dụ như trường Đại học Đài Loan) nhằm tạo môi trường thuận lợi cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và triển khai những ý tưởng mới; Mô hình tập trung nghiên cứu cấp cao (khu công nghiệp khoa học Tân Trúc là nơi tập trung các trường đại học và các viện nghiên cứu)… đã có tác dụng rất lớn trong việc giảm thiểu lượng chất xám chảy ra bên ngoài, đồng thời còn giúp Đài Loan thu hút ngược trở lại nguồn chất xám đã bị thất thoát trước đó.
Chính nhờ các biện pháp thu hút “chất xám” hữu hiệu của Chính quyền Đài Loan mà tỉ lệ hồi hương của du học sinh tăng dần lên, thậm chí ở giai đoạn sau còn thu hút cả những học sinh trước đây không muốn hồi hương nay đẫ thay đổi ý định. Tính đến năm 1989, tổng số du học sinh nước ngoài là 3.900 người, số học sinh quay về là 2.462 người” [14].
Bên cạnh việc “trải thảm đỏ” mời trí thức quay trở về quê hương làm việc, chính quyền Đài Loan còn rất quan tâm đến việc quy nạp nguồn chất xám từ bên ngoài vào bằng hình thức hợp tác quốc tế thông qua các hình thức: trao đổi học thuật hai chiều giữa Đài Loan với các nước khác (đặc biệt là Mỹ, Nhật) thông qua việc: mời các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học nước ngoài… đến thăm, giảng dạy hoặc làm việc thường xuyên hay theo hợp đồng từng năm tại Đài Loan với những điều kiện ưu ái nhất (mức lương cao, trao quyền độc lập trong nghiên cứu, lập chương trình nghiên cứu riêng…); tiến hành tổ chức và tài trợ cho các cuộc hội thảo khoa học quốc tế; đẩy mạnh sự trao đổi học thuật hai chiều giữa Đài Loan và các nước khác, để qua đó giúp các nhà khoa học Đài Loan trao đổi học thuật, đúc tút kinh nghiệm… nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ trí thức; gửi đội ngũ trí thức của mình đi học tập, trao đổi ở những nước cần cho chuyên ngành nghiên cứu… Thông qua việc hợp tác quốc tế này, Đài Loan không những thu hút được nguồn trí thức
với những tư tưởng mới, kiến thức khoa học hiện đại tiên tiến mà còn giúp bổ sung và hiện đại hóa nguồn “chất xám” của mình, thúc đẩy nền khoa học - kĩ thuật của Đài Loan bắt nhịp nhanh chóng với nền kinh tế đang ngày càng biến động. Đây có thể xem là một thành công rất lớn trong việc thu hút “chất xám” của Đài Loan.
Ở Việt Nam hiện nay, một vấn đề rất đáng buồn đang diễn ra đó là tình trạng “chảy máu chất xám”. Hiện tượng này vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng nhiều trong khi chúng ta chưa có chính sách điều chỉnh hợp lí. Tình trạng thất thoát và “chảy máu chất xám” ra bên ngoài hiện nay diễn ra với nhiều hình thức khác nhau và khó có thể đo lường hết được thiệt hại của nó. Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thực trạng này, song nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là vấn đề “thu nhập” sau đó với là các nguyên nhân khác như là: môi trường làm việc, cơ hội phát triển…
Chúng tôi cho rằng, để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm thu hút chất xám và đào tạo nhân tài của Đài Loan. Kinh nghiệm thu hút chất xám và đào tạo nhân tài của họ có thể coi là thành công, các hình thức họ dùng cũng rất linh hoạt. Tất nhiên, trong tình trạng kinh tế như bây giờ nếu áp dụng kinh nghiệm đó, chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn Đài Loan, song chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng một phần nào đấy, vì nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề “chảy máu chất xám”, thì chúng ta có nguy cơ mất đi một lực lượng không nhỏ trong nguồn nhân lực có trình độ cao.