TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG, ĐÀO TẠO ĐỂ NÂNG

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục của Đài Loan từ năm 1979 đến năm 2013 (Trang 90)

7. BỐ CỤC LUẬN VĂN

3.4.2.TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BỒI DƯỠNG, ĐÀO TẠO ĐỂ NÂNG

đội ngũ giáo viên, đồng thời có những đãi ngộ thỏa đáng để thu hút sinh viên vào các trường sư phạm

Có thể nói, vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những vấn đề then chốt, có ảnh hưởng quyết định đến chất lượng của một nền giáo dục. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng nhiều cách, nhất là việc có những chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút sinh viên vào học các ngành sư phạm và nâng cao chất lượng giáo dục sư phạm là hết sức cần thiết. Đây là một trong những điểm mạnh của giáo dục Đài Loan rất thiết thực cho các nước khác tham khảo, nhất là những nước có điều kiện văn hóa tương đồng như Việt Nam.

Chúng ta đều biết rằng, muốn phát triển giáo dục thì điều kiện quan trọng nhất là phải có đội ngũ giáo viên có trình độ và năng lực. Yêu cầu cơ bản đối với giáo viên là phải hiểu biết rõ đối tượng, mục tiêu đào tạo và làm chủ nội dung, phương pháp giáo dục. Do vậy, trong công tác giáo dục đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo tốt có trình độ, đặc biệt đối với giáo dục cao cấp, các yêu cầu về chất lượng giáo viên còn khắt khe hơn. Giáo viên đại học không những có kiến thức vững vàng, có khả năng lao động sáng tạo, mà còn phải biết kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học.

Trong quá trình thực hiện chính sách phát triển giáo dục, Đài Loan đã khá thành công trong việc thực hiện chiến lược nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng nhiều biện pháp tích cực. Năm 1955, Bộ Giáo dục Đài Loan ban hành “Phương án nâng cao tố chất giáo viên trường quốc dân” và “Phương án thực thi việc nâng cao tố chất giáo viên của trường cao trung”. Năm 1958, Bộ Giáo dục tiếp tục ban hành “Phương pháp khảo định và đánh giá giáo viên” với mục đích cải thiện tố chất giáo viên trung, tiểu học để sàng lọc những người không đủ tiêu chuẩn. Năm 1997, chính quyền Đài Loan lại

ban hành “Luật Giáo dục sư phạm” nhằm thực hiện mục tiêu ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ giáo viên. Nhờ vậy, chất lượng giáo viên không ngừng được nâng cao (hiện nay giáo viên có bằng Phó giáo sư, và Tiến sĩ ở các trường đại học Đài Loan chiếm một tỉ lệ khá cao so với nhiều nước khác trong khu vực, thậm chí trong giáo dục tiểu học số giáo viên có bằng thạc sĩ cũng không nhỏ).

Bên cạnh việc quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chính quyền Đài Loan còn rất chú trọng đến vấn đề thu hút sinh viên vào các trường sư phạm bằng nhiều biện pháp đãi ngộ thỏa đáng, nhằm điều chỉnh lại tỉ lệ chênh lệch quá lớn giữa giáo viên và học sinh.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với khó khăn về chất lượng giáo viên. “Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. Lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp… trên danh thiếp hầu hết đều kèm hai chữ “Tiến sĩ”. Và tiến sĩ cho dù có đang làm gì đi nữa, thì công tác nghiên cứu khoa học đối với họ chắc chắn không phải là việc trọng yếu. Bởi vậy, hiện nay Việt Nam được xếp vào nước có nhiều tiến sĩ so với các nước trong khu vực, nhưng nghiên cứu khoa học lại nằm trong nhóm thấp nhất Đông Nam Á. Chúng ta vẫn thiếu các công trình khoa học có tầm cỡ khu vực và ít các sáng chế. Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ, cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. PGS-TS Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường đại học Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường đại học hàng đầu thế giới" [53].

Từ thực tiễn phát triển giáo dục của Đài Loan, có thể thấy, sở dĩ Đài Loan có một nguồn nhân lực giáo dục tốt là vì ngay từ đầu họ đã nhận thấy tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên đối với việc quyết định chất lượng của nền giáo dục, nên đã có sự quan tâm và đầu tư thích đáng. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chính quyền Đài Loan rất chú trọng đến khâu cải tiến giáo trình, nội dung - phương pháp đào tạo giáo viên; nâng cao tính chuyên nghiệp của giáo viên bằng việc thường xuyên mở các lớp đào tạo nâng cao, tăng cường các kì thi khảo sát chất lượng giáo viên, tạo điều kiện cho giáo viên đi học tập nghiên cứu ở nước ngoài để tiếp thu những tri thức mới, công nghệ giáo dục mới; thắt chặt thi tuyển đầu vào để đảm bảo chất lượng đào tạo được nâng cao… Ngoài ra, chính quyền Đài Loan cũng dành nhiều ưu đãi đối với giáo dục sư phạm, nhằm thu hút những sinh viên giỏi vào học ngành này.

Chúng tôi cho rằng, những kinh nghiệm nói trên của Đài Loan là rất bổ ích đối với Việt Nam hiện nay. Bởi chúng ta hiện đang thực hiện đổi mới giáo dục theo hướng tăng cường tính chủ động của người học, nhưng dù sao cũng cần phải có một đội ngũ giáo viên thực sự có chất lượng với trình độ chuyên môn và nghiệp vụ vững chắc. Thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy, chúng ta cũng đã và đang có những biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng giáo viên và thu hút sinh viên vào ngành sư phạm (như miễn học phí cho sinh viên sư phạm), nhưng số lượng sinh viên đăng ký học ngành sư phạm rất thấp về số lượng và chất lượng đầu vào. Nguyên nhân của tình trạng này là do sinh viên học các ngành sư phạm ra trường khó xin việc hơn các ngành khác, và có xin được việc thì mức thu nhập cũng rất thấp so với các ngành khác. Hơn nữa, ngoài việc giảng dạy, giáo viên cũng không có điều kiện để phát huy trí tuệ của mình thông qua việc nghiên cứu, phát minh, sáng chế… Theo đó, Việt Nam cần có nhiều chính sách tích cực hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng

giáo viên và giáo dục sư phạm. Chúng ta có thể học tập những biện pháp mà Đài Loan đã thực hiện như: nâng cao thu nhập để đảm bảo ổn định đời sống và kích thích lòng say mê, sáng tạo của giáo viên; nâng cao chất lượng đầu vào của giáo dục sư phạm như miễn các khoản đóng góp, được cấp học bổng và đảm bảo việc làm cũng như thu nhập sau khi ra trường cho những sinh viên theo học ngành sư phạm…Bên cạnh đó, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của Đài Loan trong việc mở các lớp đào tạo nâng cao, tăng cường kiểm tra khảo sát chất lượng giáo viên; cấp kinh phí cho giáo viên đi thực tế, học tập ở nước ngoài; đề ra các biện pháp giám sát việc thi tuyển đầu vào của chương trình sau đại học để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo bậc cao… chỉ có như vậy nền giáo dục nước ta mới được cải thiện về cả số lượng và chất lượng.

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục của Đài Loan từ năm 1979 đến năm 2013 (Trang 90)