XU THẾ TOÀN CẦU HÓA VÀ NHU CẦU HỢP TÁC QUỐC TẾ

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục của Đài Loan từ năm 1979 đến năm 2013 (Trang 32)

7. BỐ CỤC LUẬN VĂN

1.1.4.XU THẾ TOÀN CẦU HÓA VÀ NHU CẦU HỢP TÁC QUỐC TẾ

Có thể nói, toàn cầu hóa là một xu thế khách quan của sự phát triển lịch sử. Sự phát triển của nó đã và đang làm gia tăng sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới. Toàn cầu hóa mà nội dung chính là toàn cầu hóa kinh tế diễn ra với tốc độ nhanh chóng, cùng với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đặt ra một yêu cầu khách quan đối với tất cả các nước, các nền kinh tế là phải mở cửa hội nhập để duy trì sự ổn định và phát triển. Hơn nữa, toàn cầu hóa kinh tế cũng góp phần tạo nên sự chuyển

dịch vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ từ những nền kinh tế phát triển sang những nền kinh tế kém phát triển hơn. Bên cạnh đó, dưới tác động của toàn cầu hoá kinh tế, làn sóng tập hợp các quốc gia, khu vực thành những thị trường rộng lớn trên cơ sở hình thành những khu vực mậu dịch tự do đang diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các châu lục…

Song song với toàn cầu hóa kinh tế, xu thế tăng cường giao lưu và hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa các quốc gia, các nền văn hóa không chỉ thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau mà còn làm thay đổi các quan niệm truyền thống về văn hóa, gia đình…

Thực tiễn những năm cuối thế kỉ XX, thập niên đầu thế kỉ XXI cho thấy rằng toàn cầu hóa đang lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, nó vừa có mặt tích cực và có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh... Theo đó, thế giới đứng trước nhiều vấn đề toàn cầu mà không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự giải quyết nếu không có sự hợp tác đa phương. Trong xu thế chung đó, sự hội nhập quốc tế về giáo dục càng trở nên cấp thiết. Bởi vì, trong thời đại hiện nay khi mối quan hệ quốc tế được mở rộng trên toàn thế giới, cách mạng khoa học - công nghệ phát triển như vũ bão, tác động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc giáo dục con người, với mục tiêu cung cấp nhân lực cho lao động sản xuất, càng trở nên cấp thiết và cần thiết. Hơn thế nữa, sự thúc đẩy của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang ngày càng lôi kéo các quốc gia, khu vực, các nền văn hóa xích lại gần nhau, đồng thời cũng tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động hợp tác về văn hóa, giáo dục giữa các quốc gia, khu vực.

Trong xu thế ngày càng tăng lên về nhu cầu hợp tác giáo dục, Đài Loan có ưu thế là có nền giáo dục trải qua quá trình cải cách kéo dài nhiều năm, có chương trình đào tạo mang tính mềm dẻo và môi trường học tập tốt, trang bị thiết bị kĩ thuật phục vụ hoạt động dạy học hiện đại, nội dung bài học cải cách

theo hướng thực dụng, gắn liền với thực tế cuộc sống, chuyên nghiệp hóa đội ngũ thầy cô giáo, xây dựng một xã hội học tập suốt đời... sẽ có điều kiện thuận lợi để đề ra những chiến lược nhằm tăng sức cạnh tranh trong quá trình hợp tác quốc tế về giáo dục. Nắm bắt được điều này, hiện nay, ngành Giáo dục Đài Loan đang triển khai cuộc vận động “Đài Loan sáng tạo trong cục diện toàn cầu”, nền giáo dục tích cực thực hiện 4 mục tiêu trọng tâm: “Quốc dân hiện đại, chủ thể Đài Loan, tầm nhìn toàn cầu, quan tâm xã hội” [30]; chú trọng nâng cao trình độ ngoại ngữ của toàn dân, xây dựng môi trường học tập số hóa, nâng cao tố chất chuyên nghiệp của thầy cô giáo, đẩy mạnh giáo dục môi trường, giáo dục thẩm mĩ và bồi dưỡng phẩm chất công dân toàn cầu cho học sinh; hỗ trợ cho đối tượng thiệt thòi, tăng cường giáo dục đối tượng di dân mới, khích lệ phần tử trí thức tinh anh các nước sang du học, hỗ trợ cho các trường đại học tốp trên phát triển… Với những chủ trương đó, Đài Loan đang tiến tới hoàn thiện nền giáo dục tiên tiến, nâng cao tố chất con người và vị thế bản thân trên trường quốc tế.

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục của Đài Loan từ năm 1979 đến năm 2013 (Trang 32)