THỨ NHẤT, ĐA DẠNG DẠNG HÓA CÁC LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục của Đài Loan từ năm 1979 đến năm 2013 (Trang 86)

7. BỐ CỤC LUẬN VĂN

3.4.1. THỨ NHẤT, ĐA DẠNG DẠNG HÓA CÁC LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO

đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục

Có thể nói, việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo là một trong những biện pháp quan trọng mà Đài Loan đã thực hiện trong quá trình chuyển đổi giáo dục.

Đa dạng hóa các hình thức giáo dục đã tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các trường công lập và dân lập, đồng thời góp phần tạo nên nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ cho người dân. Sự cạnh tranh đó một mặt phải bảo

đảm cho chương trình, phương pháp giảng dạy luôn đổi mới, vừa sức tiếp thu của học sinh, mặt khác phải thích nghi với yêu cầu phát triển nhanh của nền kinh tế. Vấn đề đổi mới chương trình, phương pháp dạy học đặc biệt có hiệu quả trong các trường đại học. Phương pháp được dùng chủ yếu là phương pháp hướng dẫn, đặt vấn đề, giải đáp và kiểm tra để hình thành các kĩ năng và thói quen tự học, tự nghiên cứu. Điều này giải thích vì sao ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã có thể độc lập nghiên cứu, nhờ đó những tố chất sáng tạo của mỗi người được phát huy đến mức tối đa.

Tuy nhiên, bên cạnh tính tích cực, việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo cũng đem lại những tác động tiêu cực, nhất là đối với việc đảm bảo chất lượng, đảm bảo tính công bằng giữa các loại hình đào tạo… Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả của việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chính quyền Đài Loan đã đề ra nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt của các loại hình đào tạo đó. Theo đó, chính quyền Đài Loan đã ban hành những quy định chặt chẽ đối với từng loại hình đào tạo, đồng thời tiến hành thành lập các Phòng Kiểm định chất lượng, cơ quan Khảo thí… để đảm bảo tính khách quan, chính xác trong việc đánh giá chất lượng hoạt động của các loại hình đào tạo.

Có thể thấy, qua kinh nghiệm đa dạng hóa các hình thức giáo dục của Đài Loan, Việt Nam muốn nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục đại học hiện nay, thì vấn đề đa dạng hóa các hình thức giáo dục cần phải được chú ý nhiều hơn nữa. Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã mở rộng hình thức giáo dục bằng cách cho phép thành lập các trường dân lập ở các cấp học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, nhằm tháo gỡ việc “bó chặt” quy mô đào tạo trước kia. Tuy nhiên, việc “mở” như thế nào, đến đâu thì chúng ta lại cần phải tính toán kĩ lưỡng nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái của cơ chế này.

Thực tế cho thấy, phần lớn các trường dân lập ở Việt Nam hiện nay không được đầu tư nhiều về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên…, đồng thời chất lượng giáo dục cũng chưa được chú trọng một cách đúng mức. Nguồn tuyển sinh cũng có chất lượng thấp và phần lớn sau khi ra trường họ có ít cơ hội kiếm được việc làm hơn so với học sinh trường công. Mặt khác, các loại hình giáo dục không chính quy ở Việt Nam hiện cũng đang đứng trước nhiều vấn đề về chất lượng giáo dục và đào tạo do quan niệm của các nhà quản lý cũng như của xã hội về các hình thức giáo dục và đào tạo này. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng đào tạo ở các loại hình đào tạo ngoài công lập, tạo nên sự bình đẳng giữa các loại hình đào tạo.

Kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, muốn thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo thành công thì cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: thay đổi nhận thức của các nhà quản lý cũng như toàn xã hội về các hình thức đào tạo ngoài công lập và không chính quy; cần có những quy chế chặt chẽ để kiểm soát hoạt động của các trường ngoài công lập và các loại hình đào tạo không chính quy; đảm bảo sự công bằng về đầu tư và đánh giá giữa các loại hình đào tạo khác nhau… “Thực tế cho thấy, tỉ lệ về các mặt giữa trường công lập và trường dân lập ở Đài Loan có sự chênh nhau không nhiều, chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất giữa trường công và trường dân lập đều đạt tiêu chuẩn hiện đại ngang nhau. Bên cạnh đó, chính quyền Đài Loan luôn khuyến khích phát triển trường dân lập, nhưng phải tuân theo những quy định khắt khe. “Luật mở trường tư thục” ở Đài Loan được công bố từ năm 1963, trong đó có những quy định hết sức chặt chẽ như: Điều 15, quy định phải có 1/3 trở lên số ủy viên Hội đồng quản trị đã qua nghiên cứu giáo dục hoặc làm công tác giáo dục ngang cấp hoặc cao hơn và có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác quản lý giáo dục. Điều 16, quy định những người đương nhiệm ở cơ quan

chủ quản hành chính giáo dục hoặc những người có quyền giám sát trường dân lập không được kiêm nhiệm trong Hội đồng quản trị của nhà trường.

Điều 17 quy định, thành viên trong Hội đồng quản trị có quan hệ than thiết không được quá 1/3. Điều 51 quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng không được có quan hệ huyết thống trực hệ. Hiệu trưởng phải là người chuyên trách không được kiêm nhiệm chức khác. Điều 54 quy định, Hiệu trưởng không được bổ nhiệm vợ hoặc chồng cùng những người có quan hệ huyết thống trực hệ, thông gia giữ chức kế toán trưởng và phụ trách công tác tổ chức. Điều 63 quy định, cơ quan chủ quản hành chính giáo dục địa phương phải thường xuyên tiến hành kiểm toán đối với chứng từ sổ sách của nhà trường); đồng thời chỉ tập trung hỗ trợ một số trường công trọng điểm…. Nhờ những biện pháp chặt chẽ như trên, sự cạnh tranh giữa trường công và trường tư diễn ra gay gắt, sự cạnh tranh này rất có lợi cho việc nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục” [12].

Bên cạnh những quy định chặt chẽ về quy trình thành lập và hoạt đông của các trường ngoài công lập, chính quyền Đài Loan cũng rất chú ý đến việc kiểm tra chất lượng của các loại hình đào tạo phi chính quy bằng cách tăng cường việc kiểm định chất lượng, thống nhất về phương thức kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo…

Chúng tôi cho rằng, những thành công của Đài Loan là bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam trong việc thực hiện đa dạng hóa loại hình đào tạo nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng trong giáo dục. Thực hiện được điều này không chỉ tạo ra nhiều cơ hội cho người học mà còn huy động được sức mạnh của nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội cùng tham gia phát triển giáo dục. Có như vậy, chúng ta mới xây dựng được một nền giáo dục công bằng, đa dạng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay.

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục của Đài Loan từ năm 1979 đến năm 2013 (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w