MỤC TIÊU CỤ THỂ

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục của Đài Loan từ năm 1979 đến năm 2013 (Trang 35)

7. BỐ CỤC LUẬN VĂN

1.2.2.MỤC TIÊU CỤ THỂ

Để thực hiện các mục tiêu tổng quát, đồng thời nhằm triển khai những biện pháp giáo dục sát thực, chính đã xác định các mục tiêu cụ thể qua các năm. Có thể thấy, mục tiêu cụ thể của giáo dục Đài Loan thông qua các điều luật và chính sách giáo dục do chính quyền Đài Loan ban hành qua các năm. Cụ thể như sau:

Năm 1979, chính quyền Đài Loan đã cho ban hành “Luật giáo dục nghĩa vụ”, quy định mọi trẻ từ 6 đến 15 tuổi đều phải học 6 năm tiểu học và 3 năm sơ trung. Theo đó, mục tiêu giáo dục được xác định là “nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự phát triển cân bằng cả 5 bộ môn: đức - trí - thể - quần - mĩ của giáo dục tiểu học, và thực hiện quyền được đi học của trẻ” [13].

Đến năm 1982, Bộ giáo dục Đài Loan lại cho ban hành “Điều lệ cưỡng bức đi học”, với mục tiêu siết chặt yêu cầu đối với những học sinh trong độ tuổi đến trường.

Năm 1983, chính quyền cho thực thi “Phương án giáo dục quốc dân kéo dài, lấy giáo dục ngành nghề làm trọng tâm”, nhằm đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện chiến lược kinh tế mới từ “thay thế nhập khẩu” sang “hướng về

xuất khẩu”. Theo đó, mục tiêu cơ bản của giáo dục được xác định là tăng cường việc đào tạo ngành nghề.

Tiếp đó, năm 1989, Viện trưởng Viện hành chính Đài Loan, Lý Hoán đề xuất ý tưởng kéo dài thời gian giáo dục nghĩa vụ lên thành 12 năm, để phù hợp với xu hướng chung của thế giới lúc bấy giờ là kéo dài thời gian giáo dục nghĩa vụ, nhằm mục tiêu bồi dưỡng và nâng cao hơn nữa chất lượng của người học.

“Năm 1990, Bộ giáo dục Đài Loan bắt đầu soạn thảo “Phương án học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tự nguyện vào trung học phổ thông”, nhằm thực hiện mục tiêu công bằng trong phát triển giáo dục và khuyến khích học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông để nâng cao trình độ dân trí. Đến năm 1993, Viện hành chính đã thông qua “Kế hoạch phát triển và cải tiến chương trình giáo dục kĩ thuật ở trường trung học cơ sở thực hiện giáo dục nghĩa vụ 10 năm”, từ năm học 1993 bắt đầu làm thử 3 năm dự định từ năm 1996 sẽ thực thi toàn diện giáo dục nghĩa vụ 10 năm” [12; tr 9]. Kế hoạch này nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực có hàm lượng kĩ thuật cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong nước và quốc tế.

“Từ năm 1997, dựa vào “Chính sách công nghệ thông tin” mà Viện hành chính công bố, Bộ giáo dục đã tiến hành xây dựng hạ tầng cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy vi tính trong các trường tiểu học và trung học cơ sở. Năm 1998, theo chính sách “Kích cầu trong nước” của Viện hành chính, Bộ giáo dục đã đầu tư 6,47 tỉ Đài tệ nâng cao chất lượng máy tính và truy cập Internet tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cho đến nay, tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở đều có ít nhất một phòng máy tính. Theo đó, mục tiêu của Bộ giáo dục Đài Loan là tiếp tục đầu tư các trang thiết bị phục vụ giáo dục công nghệ thông tin, trang bị máy tính trong lớp học và tạo mọi điều kiện để học sinh được sử dụng máy tính” [12].

“Năm 1999, Chính quyền Đài Loan đã công bố “Luật Giáo dục cơ bản”, trong đó quy định giáo dục cơ bản phải kéo dài theo nhu cầu phát triển của xã hội. Bộ giáo dục căn cứ vào “Luật Giáo dục cơ bản” đã cho thành lập “Uỷ ban quy hoạch thời gian giáo dục cơ bản kéo dài” với mục đích tư vấn cho những vấn đề liên quan đến việc kéo dài thời gian giáo dục nghĩa vụ” [13; tr 77].

Đến cuối những năm 90 của thế kỉ XX, Chính quyền Đài Loan đã quyết đinh lấy những ngành công nghiệp có hàm lượng kĩ thuật cao làm then chốt. Trên cơ sở chủ trương phát triển kinh tế đó, trong chương trình giáo dục bậc cao, chính quyền Đài Loan rất quan tâm công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là tăng cường công tác nghiên cứu khoa học công nghệ cao trong các trường đại học và viện nghiên cứu. Đây là lực lượng chủ lực đi đầu trong phát triển công nghệ, phát triển kinh tế theo những ngành mũi nhọn để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học, Bộ giáo dục Đài Loan đề ra “Phương án triển khai học thuật đại học” và đã trích kinh phí 13 tỉ Đài tệ trong Dự toán kinh phí năm 2000 - 2003, để hỗ trợ kế hoạch nghiên cứu quy mô lớn theo hướng hàn lâm. Như vậy, có thể thấy, mục tiêu của giáo dục Đài Loan trong những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX là tập trung vào phát triển hệ thống đào tạo bậc cao và tăng cường nghiên cứu khoa học.

Năm 2011, Bộ Giáo dục Đài Loan đưa ra “Kế hoạch cắm rễ khu vực Đông Nam Á”, một kế hoạch giới thiệu nền giáo dục đại học của Đài Loan tới các nước Đông Nam Á, với hy vọng đến năm 2014 sẽ chiêu sinh được 17.500 học sinh từ các nước ở khu vực này và sẽ mang lại khoảng 4,5 tỉ NT/năm từ học phí và phí sinh hoạt của các sinh viên Đông Nam Á. Theo đó, mục tiêu của giáo dục Đài Loan là trở thành trung tâm đào tạo đại học lớn ở khu vực Đông Nam Á và giáo dục đại học của Đài Loan sẽ chuyển từ “phục vụ nhu cầu trong nước” thành “cạnh tranh và giao lưu với nước ngoài”.

“Hiện nay, ngành giáo dục Đài Loan đang triển khai cuộc vận động “Đài Loan sáng tạo trong cục diện toàn cầu”, nền giáo dục tích cực thực hiện 4 mục tiêu trọng tâm: “Quốc dân hiện đại, chủ thể Đài Loan, tầm nhìn toàn cầu, quan tâm xã hội” [30; tr 91]. Đài Loan đang tiến tới hoàn thiện nền giáo dục tiên tiến, nâng cao tố chất con người, đó là chìa khóa cốt lõi để Đài Loan đạt được những thành công và vượt qua những thách thức, khó khăn trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Qua việc ban hành các chính sách giáo dục và mục tiêu giáo dục hàng năm, có thể thấy, trong những thập niên gần đây, chính quyền Đài Loan đã xác định rõ ràng những mục tiêu cụ thể mà nền giáo dục Đài Loan hướng tới đó là:

Thứ nhất, xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới, tăng cường liên kết, mở rộng giao lưu học tập qua eo biển, tích cực thúc đẩy đổi mới giáo dục một cách linh hoạt để khuyến khích các trường đại học cải thiện chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tạo sức cạnh tranh quốc tế [75].

Thứ hai, chú trọng giáo dục kỹ thuật và dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, rút ngắn thời gian học phù hợp với nhu cầu ngành công nghiệp tương ứng; xây dựng mô hình phát triển đại học khoa học và công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của giáo dục kỹ thuật và dạy nghề [76].

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo viên tiểu học và trung học, chất lượng đào tạo giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên phát triển chuyên môn; thực hiện đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các giáo viên trường công lập và tư nhân... [76].

Thứ tư, tăng cường hệ thống học tập suốt đời, ủng hộ các hành động học tập suốt đời, thực hiện giáo dục gia đình, tăng cường hoạt động gia đình; xây dựng và đa dạng hóa trong hệ thống học tập đáp ứng với quá trình lão hóa dân số... [78].

Thứ năm, cải thiện môi trường giảng dạy và tích cực tham gia tổ chức văn hóa và giáo dục quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác khoa học quốc tế và trao đổi giáo dục, khuyến khích nghiên cứu ở nước ngoài và mở rộng dạy tiếng Trung Quốc ở nước ngoài, giáo dục đại học và mở rộng tuyển sinh du học sinh Trung Quốc, sinh viên ngoài nước, phát triển Đài Loan thành một trung tâm của giáo dục đại học ở Đông Á… [77].

Có thể nói, những mục tiêu trên đây đã được chính quyền Đài Loan đề cập nhiều lần trong các chính sách giáo dục hàng năm. Đó là những mục tiêu cơ bản mà giáo dục Đài Loan hướng tới nhằm xây dựng một nền giáo dục hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay. Để thực hiện những mục tiêu chung cũng như những mục tiêu cụ thể qua các năm, chính quyền Đài Loan đã đề ra nhiều biện pháp phù hợp.

Tiểu kết chương 1

Từ một hòn đảo nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề… trải quan hơn 60 năm phát triển, Đài Loan đã trở thành một trong những nền kinh tế đứng đầu Châu Á và là quốc gia có chất lượng giáo dục được thế giới đánh giá cao. Người Đài Loan đã khéo léo lợi dụng và phát huy những tiền đề thuận lợi cho giáo dục của mình như: những giá trị văn hóa Nho - Khổng truyền thống trong đó tư tưởng “trọng sĩ” luôn được đề cao, cơ sở giáo dục “nền móng” mà người Nhật Bản để lại… Nói cách khác, người Đài Loan đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa truyền thống phương Đông và những giá trị văn hóa phương Tây. Có thể khẳng định rằng, chính do sự kết hợp giữa nhân tố “bên ngoài” với sự vận động “nội tại” đan xen giá trị văn hóa truyền thống đã hình thành một nền giáo dục tương đối hoàn chỉnh, từng bước đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân.

Bước sang những năm 80 của thế kỉ XX và thập kỉ đầu của thế kỉ XXI, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều chuyển biến quan trọng ảnh hưởng đến

sự phát triển của tất cả các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ nói chung và Đài Loan nói riêng. Trước những thách thức của thế kỉ XXI, khi nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa kinh tế đang trở thành một xu thế khách quan của thế giới, thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên quan trọng và cấp bách hơn bao giờ hết. Nguồn nhân lực của mọi quốc gia sẽ cần phải được chuẩn bị tốt hơn mới có thể cạnh tranh nổi trong nền kinh tế mới, giáo dục phải đảm bảo phải đưa ra một đội ngũ vừa có tri thức vừa có tay nghề, năng động và sáng tạo, linh hoạt trước những biến động của tình hình thế giới. Bối cảnh đó đưa Đài Loan đến những thời cơ mới nhưng cũng đặt hòn đảo này đững trước những thử thách rất lớn trong việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội…nói chung, và chính sách phát triển giáo dục nói riêng.

Có thể thấy, những điều kiện lịch sử, nền tảng văn hóa - giáo dục cùng với những thành tựu đạt được trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu hợp tác quốc tế là những cơ sở quan trọng để Đài Loan đề ra và thực hiện các chính sách giáo dục trong những năm 1979 - 2013.

Chương 2

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC CỦA ĐÀI LOAN TỪ NĂM 1979 ĐẾN NĂM 2013

Một phần của tài liệu Chính sách giáo dục của Đài Loan từ năm 1979 đến năm 2013 (Trang 35)