4.2.2.1. Tuân thủ các yêu cầu khi xây dựng kế hoạch
Khi xây dựng kế hoạch tạo động lực, công ty cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu, đặc biệt là tính kịp thời, có lý có tình. Động lực làm việc, nhu cầu của NLĐ luôn thay đổi không ngừng vì vậy kế hoạch tạo động lực tốt có thể trở nên không thích hợp. Do vậy kế hoạch tạo động lực phải được sửa đổi liên tục, có những kế hoạch thay thế cho phù họp và đúng lúc để thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của NLĐ. Bên cạnh đó kế hoạch cũng cần cập nhật tình hình thay đổi về quy định, pháp luật của Nhà nước đối với doanh nghiệp nói chung và người lao động nói riêng để kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Mặt khác khi xây dựng kế hoạch tạo động lực cần hợp lý, có tình vì người lao động luôn đòi hỏi được đối xử dựa trên lòng nhân ái, sự công bằng. Vì vậy kế hoạch tạo động lực không thể cứng nhắc mà phải linh hoạt, hợp lý, hợp tình.
4.2.2.2. Xây dựng hệ thống phúc lợi hấp dẫn
Công ty TNHH La Thành đã quan tâm đến chế độ phúc lợi cho người lao động, bên cạnh các phúc lợi bắt buộc, công ty đã có nhưng phúc lợi tự nguyện cơ bản. Tuy nhiên để hoàn thiện hơn nữa hệ thống phúc lợi cho người lao động, công ty nên bổ sung thêm một số phúc lợi tự nguyện. Cụ thể:
- Giúp đỡ tài chính: Công ty có thể cho người lao động tạm ứng trước tiền lương hoặc có thể cho người lao động vay một khoản tiền để giúp họ mua nhà, mua xe, trang trải những lúc gặp khó khăn,… và khoản tiền vay trả lại cho công ty dưới dạng khấu trừ dần vào tiền lương hàng tháng.
- Chương trình tham quan, nghỉ mát: Để tăng tinh thần đoàn kết, tạo mối liên hệ, hiểu biết lẫn nhau giữa những người lao động trong công ty. Công ty nên tổ chức các cuộc tham quan, nghỉ mát đến những địa điểm du lịch hay danh lam thắng cảnh. Chương trình này có thể thực hiện 1 năm/ 1 lần.
- Công ty có số lượng lao động nam lớn, vì vậy có thể tổ chức các chương trình thi đấu đá bóng, kéo co hoặc đánh cầu lông, bóng chuyền, từ đó tạo sân chơi bổ ích cho người lao động, rèn luyện sức khỏe.
4.2.2.3. Chú trọng tạo động lực cho NLĐ thông qua công việc
Lộ trình công danh hay khả năng thăng tiến được hiểu đơn giản là sự cam kết của doanh nghiệp đới với NLĐ về tương lai của họ, để NLĐ có thể phát huy được hết khả năng của mình, giúp cho doanh nghiệp ổn định về mặt nhân sự và kinh doanh.
Đây là một trong những yếu tố hàng đầu làm NLĐ gắn bó lâu dài với công ty. Tuy nhiên thực tế công ty vẫn chưa đầu tư đúng mức cho việc xây dựng lộ trình công danh hay khả năng thăng tiến cho NLĐ. Một kế hoạch nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng sẽ mang lại lợi ích cho cả NLĐ và công ty. Kế hoạch phát triển nên tập trung vào nhu cầu phát triển của nhân viên cũng như những chương trình hỗ trợ cần thiết mà công ty nên cung cấp cho họ để đạt được mục tiêu đề ra.
Công ty có thể tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển một lộ trình công danh thông qua các buổi nói chuyện, trao đổi. Các buổi thảo luận sẽ được tiến hành theo các bước sau đây:
1. Thông báo cho NLĐ biết sẽ có một buổi thảo luận để lấy ý kiến của NLĐ về nhu cầu phát triển nghề nghiệp của họ.
2. Đề nghị NLĐ suy nghĩ, chuẩn bị sẵn sàng để thảo luận về mục tiêu phát triển nghề nghiệp mà họ đang hướng tới, họ có thể làm gì để đảm bảo rằng mình đang có bước tiến triển trên con đường sự nghiệp đã vạch ra
3. Tổ chức cuộc trao đổi và bàn thẳng vào vấn đề nêu trên với NLĐ 4. Ghi lại nội dung đã thảo luận với NLĐ
Một số lưu ý khi thảo luận về lộ trình công danh với người lao động:
Không nên cam kết hay hứa hẹn với nhân viên rằng công ty sẽ đào tạo hay cung cấp bất cứ một chương trình phúc lợi nào đó mà giám đốc chưa biết chắc.
Người đóng vai trò chính trong buổi thảo luận là người lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp tạo cơ hội cho nhân viên phát triển nghề nghiệp khi có thể, khuyến khích nhân viên đặt ra các mục tiêu cho sự phát triển nghề nghiệp và kỹ năng của mình, nhưng không nên làm điều đó thay họ. Bản thân nhân viên phải là người sở hữu kế hoạch phát triển nghề nghiệp của mình.
4.2.2.4. Về thi đua, khen thưởng
Công tác thi đua - khen thưởng phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, đảm bảo tinh thần đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.
Thi đua trong lao động là một dạng khích lệ phổ biến cho người lao động, khuyến khích tăng mức sản phẩm, tăng chất lượng công việc. Sức mạnh của thi đua thu hút tinh thần cạnh tranh, khả năng lôi cuốn nhu cầu thành đạt và công nhận của NLĐ. Công tác thi đua - khen thưởng phải đảm bảo thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; Thành tích đạt được trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng rộng thì được xem xét đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; Chú trọng khen thưởng cả cá nhân và tập thể.
Công ty nên bổ sung các hình thức thi đua - khen thưởng cho cá nhân người lao động như: Lao động giỏi, lao động tiên tiến đối với lao động trực tiếp tại xưởng sản xuất; Chiến sĩ thi đua đối với lao động gián tiếp ở các phòng ban. Cụ thể tiêu chí xét thưởng đối với mỗi danh hiệu như sau:
Lao động giỏi
Đối tượng: Lao động tại xưởng sản xuất đang làm việc tại công ty theo loại hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Điều kiện: Người lao động đạt từ 240 điểm trở lên theo tiêu chí đánh giá của công ty. Nhóm tiêu chí đánh giá và điểm số cụ thể cho từng nhóm tiêu chí được nêu chi tiết trong phụ lục số
Phần thưởng: Cờ thi đua lao động giỏi và tiền thưởng 1.000.000 đồng/người. Lao động tiên tiến
Đối tượng: Lao động tại xưởng sản xuất đang làm việc tại công ty theo loại hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Điều kiện: Người lao động đạt từ 200 - 240 điểm theo tiêu chí đánh giá của công ty. Nhóm tiêu chí đánh giá và điểm số cụ thể cho từng nhóm tiêu chí được nêu chi tiết trong phụ lục số
Phần thưởng: Cờ thi đua lao động tiên tiến và tiền thưởng 500.000 đồng/người. Chiến sĩ thi đua
Đối tượng: Nhân viên đang làm việc tại các phòng ban của công ty theo hợp đồng xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Điều kiện: Nhân viên đạt từ 240 điểm trở lên theo tiêu chí đánh giá của công ty. Nhóm tiêu chí đánh giá và điểm số cụ thể cho từng nhóm tiêu chí được nêu chi tiết trong phụ lục số
Phần thưởng: Cờ chiến sĩ thi đua và tiền thưởng 500.000 đồng/người.
Bên cạnh bổ sung thêm các hình thức thi đua cho cá nhân, công ty cần chú ý tiến hành tổ chức lễ biểu dương, khen thưởng thường xuyên hơn (có thể tiến hành theo quý hoặc tháng thay vì tổ chức định kỳ cuối năm) để kịp thời ghi nhận thành quả lao động của người lao động cũng như cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo công ty đến người lao động. Từ đó giúp NLĐ có động lực phấn đấu làm việc.
4.2.2.5. Đa dạng hóa các phong trào văn nghệ, hoạt động đoàn thể
Các phong trào đoàn thể, hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao thể hiện đời sống tinh thần của người lao động, tạo tinh thần, điều kiện làm việc cho NLĐ. Công ty nên quan tâm đến đời sống của NLĐ. Sự quan tâm khiến cho NLĐ cảm thấy mình được quan tâm chia sẻ, khoảng cách giữa lãnh đạo công ty và NLĐ được thu hẹp. Vì vậy công ty nên tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động đoàn thể, thể dục thể thao giúp NLĐ thư
giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi; có sức khỏe tốt để hoàn thành công việc tốt hơn. Đồng thời tạo sự giao lưu giữa các thành viên trong công ty, qua đó tạo sự thân thiết, cởi mở và đoàn kết tốt. Các hoạt động đoàn thể có thể tổ chức như: các chương trình văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn, hoạt động thi thể thao giữa các tổ, đội hoặc giữa các phòng, ban;... Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể Công đoàn để tạo điều kiện cho họ trong quá trình chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động.
Ngoài ra số lượng lao động nữ trong công ty ít do đặc điểm công ty sản xuất thiết bị xây dựng nên công ty chưa có nhiều hoạt động dành riêng cho chị em phụ nữ, vì vậy công ty có thể tổ chức các cuộc thi khéo tay, thi nấu ăn hay thi hát.