2.4.2.1. Khả năng tài chính của doanh nghiệp
Khả năng tài chính của doanh nghiệp có ảnh hưởng không nhỏ tới tạo động lực cho người lao động. Khi doanh nghiệp có nguồn tài chính lớn, lợi nhuận thu được từ kết quả hoạt động kinh doanh nhiều sẽ làm cho quỹ tiền lương và thưởng tăng lên, khi đó lương và thưởng người lao động nhận được cũng tăng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ
tới sự cố gắng làm việc của người lao động. Ngược lại khi doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính có thể ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động, đầu tư cho công tác tạo động lực có thể giảm.
2.4.2.2. Quan điểm, nhận thức của nhà quản trị
Quan điểm, nhận thức của nhà quản trị đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tạo động lực. Nếu nhà quản trị có quan điểm rõ ràng, nhận thức đúng đắn, chính xác về tầm quan trọng và hiệu quả công tác tạo động lực trong hoạt động quản trị nhân lực thì doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong công việc tìm ra các phương hướng và giải pháp khuyến khích người lao động làm việc, người lao động cũng có lợi trong việc được hưởng những chính sách, đường lối đúng đắn. Ngược lại, quan điểm nhà quản trị chưa rõ ràng còn mơ hồ, thiếu tính quyết đoán và cùng với đó nhận thức còn yếu kém thì rất khó khăn trong công tác tổ chức, và không được lợi nhất chính là người lao động. Họ không được bố trí, sử dụng hợp lý, đãi ngộ phù hợp hay đào tạo và phát triển một cách toàn diện. Qua đó không khuyến khích được người lao động, năng suất và chất lượng công việc giảm từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
2.4.2.3. Yếu tố thuộc về cá nhân người lao động
Nhu cầu của người lao động: Nhu cầu của con người đã được A.Maslow khái quát qua
hệ thống các bậc thang nhu cầu. Người lao động khác nhau sẽ có những nhu cầu khác nhau cần được thỏa mãn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến nhu cầu của người lao động để tạo động lực cho họ sao cho đạt được hiệu quả tốt nhất. Nếu doanh nghiệp xác định đúng những nhu cầu của người lao động sẽ làm cho người lao động có hứng thú trong công việc, tích cực và sáng tạo trong công việc; làm cho họ thấy hài lòng và thỏa mãn, các nhu cầu cơ bản không những được đáp ứng tốt hơn mà những nhu cầu cấp cao cũng được thỏa mãn đầy đủ. Ngược lại, nếu không hiểu được những nhu cầu của người lao động thì công tác tạo động lực sẽ gặp khó khăn, người lao động không có hứng thú làm việc, gây tâm lý chán nản, lười biếng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc.
Nhận thức và năng lực của người lao động: Nhận thức và năng lực của người lao động
có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tạo động lực. Chúng được phản ánh bởi: trình độ nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ tay nghề của người lao động. Nếu nhận thức và năng lực của người lao động cao thì quá trình tạo động lực phải làm cho người lao động cảm thấy hứng thú, kích thích khả năng sáng tạo của người lao động, không những thỏa mãn những nhu cầu cơ bản mà còn phải thỏa mãn những nhu cầu cấp cao
của người lao động. Ngược lại nếu nhận thức và năng lực của người lao động thấp thì quá trình tạo động lực phải giúp người lao động thỏa mãn được những nhu cầu cơ bản của mình trước rồi mới thỏa mãn những nhu cầu cấp cao hơn từ đó kích thích quá trình lao động của họ.